Big_Trends: Bài test tâm lý muôn thủa đối với các nhà đầu tư ngắn hạn

Big_Trends: Bài test tâm lý muôn thủa đối với các nhà đầu tư ngắn hạn

(ĐTCK) Một lần nữa, thị trường gây bất ngờ cho các nhà đầu tư khi điều chỉnh ngắn tại điểm cao 970 - 973 điểm, dường như các chỉ báo kỹ thuật bao gồm sử dụng các mức điều chỉnh Fibonacci kết hợp với tổ hợp các đường trung bình động hoặc đơn giản là áp dụng các đường trendline đều không đưa ra ngưỡng điều chỉnh chính xác.

Tuy nhiên, xu hướng uptrend của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ với những gì chúng ta quan sát qua diễn biến thị trường tuần qua. Có chăng việc thị trường điều chỉnh về vùng 930 - 935 điểm chỉ là các phiên điều chỉnh kỹ thuật đánh giá mức độ tham gia dòng tiền trên 2 sàn giao dịch.

Xuất hiện các phiên biến động “co giật” mạnh tăng/giảm gây hoang mang cho các nhà đầu tư “non tay” không chỉ khiến các hoạt động trading cổ phiếu và giao dịch chứng khoán phái sinh mất phương hướng, mà còn đặt dấu chấm hỏi cho đà tăng của thị trường trong ngắn hạn, thậm chí kể cả gây tâm lý bi quan khi cho rằng thị trường có thể điều chỉnh sâu hơn và tệ hơn cả là “sóng thoái vốn” đã chấm dứt khi các cổ phiếu lớn như VIC, VNM, VCG… bất ngờ giảm điểm mạnh.

Tuần qua, câu chuyện điều chỉnh của thị trường tiếp tục “thần thánh hóa” được giải thích bởi các tin đồn chính trị, niềm tin về xu hướng hồi phục giá dầu lại một lần nữa lung lay…, lý thuyết thị trường hiệu quả lại một lần nữa phát huy tác dụng, các tin tức ngắn hạn phản ánh luôn vào diễn biến trồi sụt của các chỉ số chứng khoán VN-Index/VN30.

Thị trường tăng điểm quá nhanh, quá bất ngờ bởi đà tăng điểm của các cổ phiếu lớn và tất nhiên, các phiên điều chỉnh cũng đến với đặc điểm tương tự - khó dự báo.

Tuy nhiên, cái mà chúng ta, nhà đầu tư thông minh thấy rằng kể cả thị trường có những phiên biến động mạnh nhưng ảnh hưởng lại đến từ các cổ phiếu lớn đã tăng nhiều thời gian qua – hay nói cách khác diễn biến phân hóa giữa các cổ phiếu lớn đang và sẽ tiếp tục theo trend của thị trường và chính các cổ phiếu lớn kiểu như BVH, MSN, VCB, PLX, VNM…. vẫn là những cổ phiếu chủ chốt dẫn sóng.

Chỉ báo độ rộng của thị trường, số lượng các cổ phiếu tăng/giảm theo vốn hóa vẫn phát đi tín hiệu tích cực. Thanh khoản của thị trường vẫn ở mức cao chưa kể việc ngưỡng hỗ trợ 930 - 935 điểm tuần qua đang đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ tâm lý “RẤT MẠNH” – Phiên pull back tăng điểm vào thứ Sáu (ngày 8/12) là 1 dẫn chứng. Hóa ra, thị trường chỉ điều chỉnh ngắn, bài test tâm lý muôn thủa đối với các nhà đầu tư ngắn hạn.

Chúng ta nên nhớ thị trường tăng điểm sẽ có nhịp điều chỉnh mà kể cả thuyết DOW hay qua phương pháp phân tích sóng Elliot đã đề cập kéo dài từ 1 – 2 tuần đến vài tháng. Nhưng mấu chốt của vấn đề đó là xu hướng của thị trường mới là quan trọng, ảnh hưởng đến chiến lược giao dịch và chiến lược đầu tư trong ngắn, trung và “dài hạn”.

Quan điểm xuyên suốt về thị trường vẫn là tăng điểm – thị trường có thể hồi phục ngay trong tuần tới – Chúng ta lại quên ngay các phiên điều chỉnh tuần qua như chưa bao giờ “có sự chia ly”.

Lại một lần nữa thước đo hiệu quả của các giao dịch ngắn hạn so với các hoạt động đầu tư với tầm nhìn dài được đưa lên bàn cân. Số liệu thống kê đang cho thấy thời gian nắm giữ cổ phiếu của các nhà đầu tư càng ngày càng dài hơn. Quan điểm đầu tư đang dần thay đổi từ một số bộ phận các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Dù sao đi nữa, đầu tư cổ phiếu là hoạt động nên được coi là chuyên nghiệp tránh thái độ “chơi cổ phiếu”, “lướt sóng” mà rủi ro đến từ thị trường biến động mạnh như hiện nay là rất lớn.

Tin bài liên quan