Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội có đến với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ?

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội có đến với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ?

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán tuần qua đã chứng kiến đà giảm mạnh do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu lớn. Khi nhóm cổ phiếu bluechip giảm mạnh, liệu cơ hội có đến với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ và xu hướng giảm của thị trường liệu đã chấp dứt? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

TTCK vừa trải qua một tuần giao dịch giảm mạnh trên diện rộng do sức ép từ nhóm trụ vốn hóa lớn. Chỉ số VN-Index giảm sâu dưới mốc 1.000 với tốc độ nhanh hơn mức dự báo. Xu hướng này còn tiếp tục diễn ra trong tuần tới không, theo các ông/bà?

Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS)

Nếu tạm thời chưa tính những giao dịch trong nhóm VIC, khối ngoại đang chuyển trạng thái sang bán ròng từ đầu tháng 4/2018 và rõ ràng, xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại, đối lập hoàn toàn với năm 2017 và quý I/2018.

Do đó, có đủ cơ sở để kết luận, áp lực bán từ khối ngoại nên nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong thời gian qua còn tiếp diễn trong tuần tới, nên xu hướng giảm giá hiện tại của thị trường sẽ tiếp tục.

Ngoài ra, thanh khoản từ đầu tháng 5/2018 sụt giảm khá mạnh so với trung bình giai đoạn 2014 tới nay, đặc biệt hơn khi so với quý I/2018.

Về mặt kỹ thuật, đây là dấu hiệu đáng quan ngại cho đà giảm giá của thị trường từ đầu tháng 5 đến nay chưa thực sự phán đầy đủ về áp lực bán thực sự. Có thể, trong tuần tới, đà giảm giá của thị trường sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn và lan rộng sang cả nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT

Hiện tại, áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn rất mạnh và đều đặn, trong khi đây vẫn là vùng trũng thông tin hỗ trợ thị trường.

Các mốc hỗ trợ tỏ ra rất yếu ớt và thiếu sức đề kháng và mặc dù khá nhiều cổ phiếu lớn và chính các chỉ số đang về sát hỗ trợ MA200 ngày, nhưng sự hồi phục trong tuần qua diễn ra vẫn rất yếu. Do đó, áp lực giảm giá tiếp của thị trường là khá rõ ràng và phần lớn cổ phiếu lẫn các chỉ số sẽ vào tình trạng quá bán.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới CTCK Agriseco

Theo ý kiến của tôi, xu hướng chủ đạo của thị trường hiện vẫn là giảm. Hiện nay, tuy mặt bằng định giá của các cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn và hợp lý hơn, nhưng thị trường trong ngắn hạn dự kiến sẽ vẫn biến động tiêu cực bởi các nguyên nhân sau.

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục bán ròng - đây là những giao dịch thường mang tính chất định hướng cho thị trường và việc nước ngoài duy trì mật độ bán ròng rã với quy mô khá hiện nay không chỉ làm tăng sức cung mà còn ảnh hưởng tới tâm lý, dẫn tới sự dè dặt của nhà đầu tư nội.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội có đến với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ? ảnh 1

 Bà Nguyễn Ngọc Lan

Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư hiện rất yếu sau khi nhiều lần bắt đáy ngắn hạn đều thất bại và thị trường nhanh chóng giảm sâu và liên tục. Hiện nay, những nhà đầu tư cầm tiền đang có lợi thế, nhưng có vẻ lực mua tiềm năng này chưa tỏ ra nóng vội mua hàng khi xu hướng vẫn chưa có sự cải thiện. Điều này khiến cho dù lực bán thời gian qua không mạnh, nhưng lực đỡ lại khá yếu hoặc nếu có thì cũng không duy trì đều đặn và bền bỉ.

Thứ ba, nhiều cổ phiếu lớn hiện nay vẫn có mức định giá khá cao và còn dư địa để giảm tiếp do quá trình tăng vừa qua quá mạnh và dốc.

Bên cạnh đó, thời gian qua cũng có khá nhiều thông tin bất lợi liên quan đến địa chính trị hay các công ty lớn đang niêm yết, vì vậy sự dè dặt là tâm lý chủ đạo của thị trường trong khi phe bán đang trở nên bị động và có phần mất bình tĩnh.

Vì vậy, tôi cho rằng, xu hướng giảm ngắn hạn vẫn duy trì trong các tuần tới, nhưng tôi nhận thấy nhiều cổ phiếu đã có mức giá chiết khấu khá mạnh, đặc biệt là nhiều cổ phiếu trụ cột dòng ngân hàng. Đây có thể là tâm điểm để nâng đỡ cho thị trường trong tuần tới và tôi kỳ vọng, sẽ có những phiên hồi khá mạnh xảy ra trong thời gian tới.

Nhìn ý kiến cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ đối diện áp lực giải chấp margin. Quan điểm của ông/bà?

Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS)

Thanh khoản trong nhịp hồi quanh 1.015 - 1.070 điểm không cao, nếu như không nói là thấp nhất năm 2018. Tôi cho rằng, áp lực giải chấp margin từ phía các nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn đầu năm 2018 mới là điểm quyết định.

Có thể khá nhiều người đã lưỡng lự khi nhịp hồi trên diễn ra (thể hiện ở thanh khoản thấp) nhưng khối ngoại vẫn chủ động bán ra và đẩy thị trường đi xuống rất nhanh. Áp lực margin vẫn đang được nén mạnh và khi nó được kích hoạt thì thanh khoản thị trường mới tăng trở lại.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT

Theo thông tin mà tôi thống kê, thì mức độ giải chấp margin không nhiều như lo ngại, mà áp lực giảm chính đến từ khối ngoại khi liên tiếp bán ròng ở các mã vốn hoá lớn.

Hơn nữa, theo quan sát, mặc dù giảm điểm vẫn tương đối mạnh, nhưng không còn tình trạng giảm sàn cả loạt diễn ra như mấy tuần trước đó.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội có đến với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ? ảnh 2

 Ông Nguyễn Trung Du

Do đó, các nhu cầu bán đa số được đáp ứng và nó cũng cho thấy áp lực giải chấp là không đáng ngại khi hơn 1 năm qua, lượng tài sản của các nhà đầu tư, quy mô thị trường và khả nănh cung cấp margin của các công ty chứng khoán tăng lên tương thích với thị trường.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới CTCK Agriseco

Xu hướng của thị trường trong thời gian qua khá tiêu cực và tôi cho rằng, giai đoạn giải chấp margin mạnh đã đi qua trong chặng đường VN-Index giảm từ 1.200 điểm về 1.000 điểm.

Trong các phiên gần đây, thanh khoản đã yếu hơn hẳn và tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng hơn, theo tôi tham khảo nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm, sau cú giảm vừa rồi, hầu hết tâm lý là khá thận trọng, nên việc tham gia bắt đáy thời gian qua chủ yếu là với tỷ trọng khá thấp.

Chính vì vậy, những phiên hồi vừa rồi của thị trường thanh khoản không cao và chúng ta có thể quan sát thấy lực mua của thị trường nhìn chung vẫn còn khá yếu. Tôi cho rằng, hiện áp lực giải chấp margin có thể có những không còn nhiều, lượng tiền thực ở bên ngoài thị trường hiện đang rất lớn.

Khi nhóm cổ phiếu bluechip giảm mạnh, liệu cơ hội có đến với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ không, theo các ông/bà? Chiến lược đầu tư như thế nào được xem là hợp lý ở thời điểm này?

Ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS)

 Ông Đặng Thanh Thế

Xu hướng tăng giá kéo dài gần 3 năm qua đã tạo ra một lớp nhà đầu tư mới và thời gian cũng đủ dài để định hình quan điểm dịch chuyển dòng tiền. Tôi cho rằng sự quan tâm chính của thị trường vẫn tiếp tục hướng vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Chiến lược đầu tư trong ngắn hạn vẫn là đi theo xu hướng giảm giá hiện tại.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT

Theo tôi, quá trình chuyển đổi của dòng tiền từ các cổ phiếu lớn sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chỉ diễn ra tốt nếu thị trường điều chỉnh nhẹ. Trong khi đó, quá trình giảm vừa qua diễn ra khá mạnh trên diện rộng với nhiều cổ phiếu lớn giảm tới 30%.

Thông thường, sự hồi phục sẽ khởi nguồn từ các cổ phiếu lớn khi dòng tiền từ các quỹ, tổ chức đầu tư mua vào cho mục tiêu trung và dài hạn. Do đó, nếu lựa chọn mua vào cho một kỳ vọng hồi phục trong thời gian tới nhà đầu tư nên lựa chọn nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng bởi nhóm này khởi động nhịp giảm trước thị trường và đang xoay quanh hỗ trợ MA200 trong khi đó triển vọng năm vẫn rất tốt và định giá đã trở lên hấp dẫn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới CTCK Agriseco

Tôi cho rằng, đây là một điều khá đáng cân nhắc. Trong thời gian qua thị trường giảm mạnh do sự sụt giảm của các cổ phiếu vốn hóa lớn định giá cao, kéo theo xu hướng giảm tại các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Điều này đã khiến cho nhiều cổ phiếu midcap, minicap bị giảm mạnh và bán hơi quá đà, nhất là các cổ phiếu vốn có thanh khoản thấp bởi lực bán chủ động lấn át hoàn toàn.

Vì vậy, rõ ràng là cơ hội hiện là có đối với nhóm các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, tuy nhiên nếu tham gia thì việc chọn lọc cũng cần rất thận trọng và nhà đầu tư chỉ nên ưu tiên các cổ phiếu hoạt động tốt, có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai.

Một lưu ý nữa là nhà đầu tư nên chọn các cổ phiếu thuộc các ngành độc lập so với ngành nghề của nhóm bluechips, bởi xu hướng giảm hiện tại của các cổ phiếu trụ cột có thể dẫn dắt xu hướng ăn theo của các cổ phiếu midcap có chung ngành nghề kinh doanh, chọn các cổ phiếu của ngành nghề có tương quan thấp hơn với nhóm cổ phiếu trụ sẽ có thể giúp nhà đầu tư hạn chế tương đối những biến động bất lợi của thị trường thời điểm hiện tại.

Tôi cho rằng, với mặt bằng giá hiện tại, việc tham gia mua dần với tỷ trọng vừa phải nếu thị trường tiếp tục có những phiên giảm mạnh nên được xem xét nghiêm túc bởi vùng này của thị trường theo tôi không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm nữa. Tuy nhiên, bởi xu hướng hiện đã thay đổi, dòng tiền cũng đã rút ra ngoài nên chỉ nên mua ở tỷ trọng thấp và hạn chế sử dụng margin

Tin bài liên quan