Bám theo “tay to”

Bám theo “tay to”

(ĐTCK) Những lo ngại về một phiên đảo chiều giảm điểm cuối cùng đã diễn ra. Phiên giao dịch ngày 9/9 thực sự khiến NĐT hoảng loạn, đặc biệt là những NĐT sử dụng đòn bẩy cao.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cổ phiếu bị bán ra mạnh, đẩy chỉ số có thời điểm giảm rất sâu. Đây là một phiên kỷ lục khi giá trị giao dịch đạt tới con số 6.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua những gì diễn biến kể từ phiên 9/9, có một số điểm đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, sự hoảng loạn của phiên này chủ yếu là NĐT nhỏ lẻ và chính họ là người nhanh chóng thoát hàng. Nó được lý giải rõ ràng hơn ở những phiên sau đó khi cầu mua được chờ đón sẵn tiếp tục hấp thụ hàng giá rẻ lần nữa. Như vậy, thị trường đang là cuộc chơi của những NĐT lớn nhiều hơn là của NĐT cá nhân.

Thứ hai, nhiều mã đầu cơ nhanh chóng tăng mạnh trở lại như ITA, KBC, PVX... cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang cố gắng kéo thị trường tăng trở lại.

Thứ 3, áp lực bán dồn lên những mã cổ phiếu tăng nóng, kể cả những cổ phiếu tốt như FPT, SSI... cũng có thời điểm bị bán giá sàn. Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu không tăng nóng vừa qua, kể cả hàng nặng tính đầu cơ, nhưng áp lực bán lại không diễn ra. Điều đó minh chứng rằng, nhịp giảm vừa qua chủ yếu xuất phát từ áp lực đòn bẩy tài chính.

Thị trường đã có được hai phiên tăng nhẹ trở lại và dòng cổ phiếu doanh nghiệp ngành thủy sản đang bắt đầu có tín hiệu dẫn dắt và tạo ra mối quan tâm với NĐT. Nhiều mã thủy sản đã hút được một dòng tiền rất lớn cho thấy, NĐT vẫn đang kiếm tìm cơ hội. Những dòng tiền không nghỉ ngơi trên thị trường vẫn rất nhiều và chỉ chờ đợi cơ hội để gia nhập trở lại. Có thể đây sẽ là xu hướng mới, nhằm tận dụng hết cơ hội đang có sẵn khi thị trường vẫn giữ được niềm tin và sự lạc quan nhất định.

 Chiến lược đầu tư tuần

Cả hai chỉ số đã có 3 phiên tăng nhẹ sau một phiên phân phối hàng quá lớn. Điều đặc biệt đáng mừng là ngoài nhóm dầu khí thì nhóm thủy sản đang tạo đà khá tích cực. Dòng tiền đang được kích hoạt trở lại, nhưng dường như vẫn đang tập trung đến những vùng nóng. Thực tế, áp lực từ phiên phân phối lớn vẫn chưa được “tiêu hóa” hết, áp lực chốt lời vẫn đang diễn ra nên vẫn cần thận trọng với rủi ro có thể đến lần nữa. Nếu như thị trường tuần tới đón nhận thêm một phiên tương tự phiên 9/9 thì rất có thể, câu chuyện lúc này sẽ khác và nó sẽ làm thay đổi đáng kể tâm lý NĐT.

Một yếu tố sẽ tác động tới giao dịch của thị trường là hoạt động trading của 2 quỹ ETF. Trong kỳ đảo danh mục lần này, những mã mua thêm là FLC và IJC không có quá nhiều tác động lên chỉ số nhưng ở chiều bán ra thì hầu hết đều có ảnh hưởng mạnh với những mã như VIC, GMD, VCB...

Theo đánh giá của IVS, với những gì đang diễn ra như vậy, nhiều khả năng, chỉ số VN-Index tuần này sẽ lình xình trong khu vực 625 - 633 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index sẽ ít chịu áp lực hơn, nên khả năng bứt phá vẫn có thể được tạo ra. Với 3 phiên tăng sau đó, chỉ số này đã chạm trở lại vùng cao nhất trước khi nhịp điều chỉnh ngày 9/9 diễn ra.

Quan sát những mã như HBC, SHN, ANV, AVF..., có thể thấy, khi có những lệnh mua lớn xuất hiện thì dòng tiền đứng ngoài cũng nhanh chóng gia nhập. NĐT đang chọn chiến lược “cộng tác” khi mua cùng với những NĐT lớn, bởi nó vừa đảm bảo sự an toàn: nếu có tín hiệu xấu thì mức giảm sẽ không đáng kể. Nhưng nếu thuận lợi thì cơ hội mang đến sẽ là rất nhiều.

Chúng tôi cho rằng, hoạt động này sẽ còn diễn ra trên nhiều mã khác, nên NĐT cần lưu tâm tới những cổ phiếu đang đi ngang, có lịch sử tăng giá mạnh nhưng chưa có tín hiệu tăng đáng kể thời gian qua. Đó có thể sẽ là lựa chọn của những tay chơi lớn trong giai đoạn tới, khi thị trường vẫn giữ được sự ổn định cả về tâm lý lẫn điểm số.

Tin bài liên quan