Thế khó cho bài toán kinh doanh khi doanh nghiệp bán “con”

Thế khó cho bài toán kinh doanh khi doanh nghiệp bán “con”

(ĐTCK) Bán cổ phần tại công ty con, liên doanh liên kết có thể đem lại cho doanh nghiệp những khoản lãi đột biến trước mắt, nhưng điều này có thể đẩy doanh nghiệp vào thế khó về lâu dài khi mất đi mảng kinh doanh chính, hiệu quả.

Quyết định bán “con”, các doanh nghiệp đều xuất phát từ những toan tính riêng, song sau đó doanh nghiệp có thể sụt giảm lợi nhuận.

6 tháng đầu năm 2017, Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (Sowatco, SWC) có doanh thu thuần sụt giảm gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp hơn 10 lần cùng kỳ (đạt 450,8 tỷ đồng). Lợi nhuận đột biến của SWC có được là nhờ hoạt động thoái toàn bộ 16% vốn) tại các công ty Liên doanh Keppel Land Watco (từ I - V) trong quý I/2017.

Việc thoái vốn tại các liên doanh nói trên thực chất là thoái vốn khỏi dự án cao ốc Saigon Centre. Dự án do SWC, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) và đối tác nước ngoài là Tập đoàn Keppel Land (Singapore) góp vốn thực hiện.

Hoạt động thoái vốn khỏi Saigon Centre được cho là động thái rõ ràng cho thấy định hướng tập trung vào mảng logistics, hoạt động chính của SWC sau khi  SWC chính thức về tay “ông lớn” Sotrans (CTCP Kho vận Miền Nam) từ cuối năm 2016.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, lãnh đạo SWC cũng cho hay, việc thoái vốn vừa qua nhằm giúp Công ty có nguồn tiền để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Công ty sẽ phát triển mạnh đầu tư sà lan, kho bãi, đầu tư các khu vực có lợi thế mạnh về logistics. SWC dự kiến đóng mới một sà lan 128 teus và 1 sà lan 160 teus trong quý III/2017. Ngoài ra, với việc UBND Thành phố dự kiến quy hoạch mở rộng cảng Long Bình lên 65 ha, Công ty cũng đã gửi văn bản xin mở rộng quy mô hoạt động tại cảng này.

Thực tế, nếu không có lợi nhuận từ khoản bán cổ phần tại Liên doanh Keppel Land Watco, quý II, SWC chỉ lãi 11,8 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Việc bán cổ phần tại Liên doanh cũng đồng nghĩa với việc không có khoản lãi gần 9,7 tỷ đồng như cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý II/2017, CTCP Truyền thông VMG Media (ABC) đã hoàn tất việc bán toàn bộ 62,25% cổ phần tại CTCP Thanh toán điện tử VNPT - VNPT Epay cho Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc. Theo ABC, lợi nhuận từ thương vụ này là 319 tỷ đồng và ngay trong tháng 7, Công ty đã chi gần 400 tỷ đồng trả cổ tức tỷ lệ 195% cho cổ đông.

Thương vụ bán “con” của ABC mang lại nguồn lợi lớn cho các cổ đông doanh nghiệp này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tương lai của ABC lại đang bị đặt dấu hỏi, khi Công ty đã bán mất một mảng kinh doanh chính. Đáng chú ý, sau khi ABC quyết định bán Epay (vào tháng 11/2016) thì tới tháng 12/2016, ABC bất ngờ bị đối tác VietnamNet chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh trên đầu số 997.

Trong khi Epay là đơn vị mang lại doanh thu lớn nhất, còn mảng hoạt động mang lại lợi nhuận cao nhất của ABC chính là kinh doanh dịch vụ từ đầu số 997 (hơn 78 tỷ đồng doanh thu và 42 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong năm 2016). Như vậy, cùng lúc, ABC đã mất đi 2 “đầu tàu” trong hệ thống kinh doanh.

Sau khi bán 24% cổ phần Dầu Tường An cho CTCP Tập đoàn Kido (KDC) vào cuối 2016, 6 tháng đầu năm 2017, Tổng CTCP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, VOC) báo cáo kết quả hợp nhất với 1.991 tỷ đồng doanh thu thuần, thấp hơn 563 tỷ đồng so với cùng kỳ (tương đương giảm 22%); lợi nhuận sau thuế đạt 131,4 tỷ đồng, giảm 86 tỷ đồng (giảm 40%) so với 6 tháng đầu năm 2016.

Chia sẻ về quyết định giảm sở hữu tại TAC từ 51% xuống 27%, tại Đại hội cổ đông thường niên 2017, lãnh đạo VOC cho biết, trong lần định giá thứ 2 về cổ phần hóa, sau khi đánh giá lại các khoản đầu tư, VOC phải nộp một khoản tiền không nhỏ, nếu không trả đúng hạn sẽ chịu lãi suất 18%/năm và Công ty bị âm vốn lưu động, dù vốn điều lệ hơn ngàn tỷ đồng.

VOC không thể thoái các khoản đầu tư tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (Marvela), CTCP Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco… vì hoạt động của các đơn vị này hiệu quả không cao. Do đó, Công ty đi đến quyết định thoái vốn tại Tường An vì vấn đề sinh tồn.

Thực tế, nhìn lại hoạt động của VOC, doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp này vẫn đến từ việc bán nguyên liệu sản xuất dầu và khách hàng chủ yếu là các công ty con, liên kết. Các thương hiệu dầu nổi tiếng của VOC (Neptune, Simply, Meizan…) đều nằm tại các công ty liên kết.

Dù thoái vốn tại TAC, song câu chuyện kinh doanh của VOC được đánh giá không quá tiêu cực, đặc biệt khi VOC để chính  KIDO thâu tóm trong nửa đầu 2017 (nắm 51%).

Với sự bổ sung về năng lực quản trị của KIDO, tận dụng lợi thế về mạng lưới phân phối, am hiểu thị trường, năng lực về marketing, thiết kế sản phẩm…, VOC sẽ có cơ hội phát triển các sản phẩm có thương hiệu riêng của mình (tại các công ty con) như dầu mè Voca, dầu đậu nành Soby, dầu cooking Voca…

Tin bài liên quan