M&A 2017: Bất động sản sẽ chiếm ưu thế

M&A 2017: Bất động sản sẽ chiếm ưu thế

(ĐTCK) Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp ngày càng sôi động, dù các bên thường chỉ công bố khi thương vụ đã hoàn tất. Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Tư vấn M&A, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho biết, xu hướng M&A lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế trong năm nay. Bên cạnh đó, các hoạt động M&A tái cấu trúc cũng sẽ là điểm nhấn 2017.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn nhận định về xu hướng M&A 2017?

Khái niệm M&A có nhiều cách hiểu khác nhau, có người hiểu M&A là phải mua bán, thâu tóm, nắm chi phối tại doanh nghiệp, nhưng cũng có cách hiểu rộng hơn, cho rằng việc mua cổ phần dù không đến mức chi phối cũng đã là M&A.

Do cách hiểu khác nhau dẫn đến số liệu thống kê có sự chênh lệch lớn giữa nhiều bên, hầu hết là ước tính và khó có con số chính xác. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là theo thời gian, hoạt động M&A ngày càng sôi động, tăng trưởng cả về giá trị và số thương vụ thành công.

Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn, nhất là trong ngành bán lẻ như Big C, Metro, Nguyễn Kim, Maximax… Đến nay, “bố cục” ngành bán lẻ đã khá rõ ràng, khó có đột biến trong thời gian tới. Đối với ngành công nghiệp, sản xuất thì từ trước đến nay, các thương vụ M&A xuất hiện khá rời rạc, chưa hình thành xu hướng.

Cũng cần lưu ý, khi đàm phán M&A, các bên thường kín tiếng và chỉ công bố khi đã hoàn tất thỏa thuận, hoàn tất thương vụ, do vậy nhiều khi thị trường đón nhận tin tức bất ngờ, không được dự báo trước.

Chúng ta cũng chỉ biết đến các thương vụ M&A được công bố; các thương vụ giữa các công ty, tập đoàn hoặc với nhau hoặc giao dịch của một số công ty tư nhân với nhà đầu tư nước ngoài có thể diễn ra trong âm thầm, ít được ai biết đến. Gần đây, tôi được biết có giao dịch lên đến 100 triệu USD, nhưng không được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ thành công của các thương vụ M&A không cao. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự thất bại của một thương vụ M&A?

Thực hiện một thương vụ M&A thành công mất không ít thời gian, từ khi tìm hiểu đến chốt thương vụ thường mất 9 - 12 tháng, có thương vụ kéo dài 1,5 - 2 năm. Những thương vụ gói gọn trong vài ba tháng khá hiếm và có thể là các bên đã biết nhau từ trước. Dù mất thời gian dài như vậy, nhưng tỷ lệ thành công cũng không cao.

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến đó là do hệ thống kế toán của nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, hoạt động theo hình thức công ty gia đình chưa được tổ chức bài bản, sổ sách chưa đầy đủ, dẫn đến khi vào tìm hiểu, bên mua phải gặp nhiều khó khăn trong xác minh số liệu.

Một số doanh nghiệp chưa thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm nên phải tốn thêm một khoảng thời gian đáng kể để hoàn tất công việc này trước khi bắt đầu làm việc với nhà đầu tư.

Trong khi đó, đối với nhà đầu tư nước ngoài, đơn cử như Nhật Bản - vốn thận trọng và đòi hỏi sự chi tiết rất cao, việc hệ thống sổ sách kế toán không đầy đủ sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện thẩm định chi tiết (due diligence), báo cáo tài chính có kiểm toán đôi khi cũng chưa đủ độ tin cậy với họ.

Ông Nguyễn Văn Đông 

Ngoài ra, khi M&A, nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến các tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc thiết bị mà còn quan tâm đến các giá trị vô hình như trình độ quản lý, hệ thống vận hành, đội ngũ nhân sự của bên bán.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ phần nhiều vẫn chưa thực sự đầu tư đúng mức cho những việc này. Với các doanh nghiệp niêm yết, hệ thống quản lý và chất lượng nhân sự có thể ở mức cao hơn, nhưng cũng còn một khoảng cách đáng kể với các chuẩn mực quốc tế mà nhà đầu tư ngoại đòi hỏi.

Một nguyên nhân khác dẫn đến các thương vụ M&A thất bại mà tôi thường thấy là độ vênh khá lớn của mức giá kỳ vọng giữa hai bên mua - bán trong giai đoạn hiện tại, làm cho quá trình thương lượng, đàm phán kéo dài, đôi khi là không thống nhất được với nhau để đi đến việc giao dịch và hoàn tất thương vụ.

Theo ông, có những vướng mắc nào trong hoạt động M&A liên quan đến yếu tố pháp lý?

Hệ thống pháp lý, môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện tại đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là Nhà nước thể hiện quyết tâm hỗ trợ thị trường qua cải cách thủ tục hành chính, văn bản pháp luật nhưng khi triển khai vào thực tế lại gặp nhiều vướng mắc.

Như Nghị định 60/2015/NĐ-CP về giảm hạn chế sở hữu nước ngoài là một bước đi đột phá, nhưng đến nay trên sàn niêm yết cũng chỉ có hơn chục doanh nghiệp hoàn tất được thủ tục mở “room”; nhiều doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn do sự chồng chéo, chưa thống nhất giữa các văn bản luật, hướng dẫn thi hành. Có khi, ngay cơ quan nhà nước cũng chưa thống nhất trong hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp.

Theo quan sát của ông, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường M&A trong nước hiện tại như thế nào? Dòng vốn chủ yếu đến từ đâu?

Nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm và thực hiện M&A doanh nghiệp Việt là một xu hướng rõ ràng. Nhu cầu M&A của họ khá rộng, ở hầu hết các ngành nghề. Trước đây, lĩnh vực ngân hàng và bất động sản ít được quan tâm, nhưng gần đây, xu hướng tìm kiếm thương vụ M&A lĩnh vực bất động sản nhiều hơn.

Riêng đối lĩnh vực khách sạn thì bản thân tôi cũng nhận rất nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác Nhật Bản để tìm mua khách sạn 4 - 5 sao, quy mô 150 - 200 phòng tại khu vực trung tâm các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại cũng quan tâm đến lĩnh vực hàng tiêu dùng, F&B, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, logicstics, nhựa…

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt với một thị trường 95 triệu dân tạo sức hấp dẫn mạnh đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, dòng vốn chủ yếu đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc.

Nhà đầu tư đến từ châu Âu và châu Mỹ cũng quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng số thương vụ M&A diễn ra trong các năm qua chưa nhiều, có thể do quy mô thị trường/doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu cầu của họ.

Thời gian qua, có những thương vụ doanh nghiệp ngoại thực hiện M&A các doanh nghiệp lớn trong ngành, dẫn đến lo ngại về khả năng thị trường nội địa bị khối ngoại chi phối. Ông có nhìn nhận gì về thực tế này?

Việc khối ngoại thâu tóm, sáp nhập các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam đang phát đi cảnh báo đáng quan ngại. Điển hình như lĩnh vực bán lẻ, trước đây, khối ngoại đã sở hữu những thương hiệu lớn như Big C, Metro, những năm qua họ tiếp tục mở rộng thâu tóm trong ngành này như Power Buy - thuộc Central Group, mua Nguyễn Kim, hay AEON thực hiện M&A với Fivimart và Citimart.

Với nguồn vốn lớn, năng lực quản trị vượt trội, không nhiều doanh nghiệp trong nước có thể trở thành đối trọng với họ. Hệ thống phân phối hàng hóa là rất quan trọng, khi kiểm soát được kênh phân phối, họ có thể đưa hàng hóa từ nước ngoài vào tiêu thụ, giảm hay loại bỏ hàng hóa Việt ngay trên sân nhà, qua đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, tự do thương mại là xu hướng chung, Nhà nước không thể quay lại chính sách bảo hộ, đóng cửa như trước. Cách duy nhất là doanh nghiệp nội phải nhận diện được rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nhân sự, quản lý điều hành. Như vậy, áp lực cạnh tranh lúc này trở thành có lợi. Doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc liên doanh, liên kết với các tập đoàn lớn của nước ngoài để tận dụng nguồn tài chính cũng như học hỏi kinh nghiệm của họ, nhưng việc lựa chọn đối tác cũng nên thận trọng, tránh để bị thâu tóm.

Để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển, theo ông, những yếu tố nào sẽ là động lực?

Yếu tố thứ nhất có thể kể đến đó là khi nền kinh tế ngày càng phát triển càng đòi hỏi phải có thêm nhiều doanh nghiệp lớn mạnh. M&A là phương thức nhanh nhất, thích hợp nhất để thực hiện được điều này.

Yếu tố thứ hai, những điển hình thành công của các thương vụ M&A trước đó là động lực lớn để các doanh nghiệp khác trên thị trường tìm kiếm các phương án M&A nhằm tăng quy mô hoặc mở rộng thị trường.

Yếu tố thứ ba là các chính sách có tính cởi mở và rõ ràng hơn về khung pháp lý, mở “room” nước ngoài… tạo thuận lợi cho các đối tác ngoại tham gia cũng như thoái vốn.

Thứ tư là số lượng hàng hóa cho M&A sẽ nhiều hơn, chất lượng hơn.

Tại các doanh nghiệp, tập đoàn mà Nhà nước đã và đang thoái vốn, tôi kỳ vọng, việc chuyển sang sở hữu tư nhân sẽ giúp doanh nghiệp hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, nhà đầu tư ngoại tham gia mua lại sau này thì thủ tục cũng sẽ đơn giản hơn do đơn thuần lúc này chỉ là giao dịch vốn tư nhân với nhau, không bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định thoái vốn nhà nước hiện tại.

Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập mới, nhiều bạn trẻ hiện nay được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, do vậy, tôi kỳ vọng họ sẽ xây dựng được bộ máy quản trị, hoạt động chuẩn ngay từ đầu. Đây là yếu tố quan trọng để tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, gọi vốn hay tìm đối tác chuyển nhượng sau này.

Một yếu tố khác là yêu cầu nâng cao kinh nghiệm, kiến thức, sự chuyên nghiệp trong các tổ chức tư vấn M&A. Bởi lẽ, đây là những người tìm tiếng nói chung cho bên bán - bên mua, thậm chí quyết định sự thành bại của thương vụ, chứ không đơn thuần giữ vai trò môi giới, kết nối thương vụ.

Làm việc với một số tập đoàn nước ngoài, tôi được biết, họ còn xây dựng bộ phận chuyên trách cho mảng M&A, phụ trách tìm hiểu, đàm phán mua doanh nghiệp mục tiêu, sau đó trao lại cho bộ phận sản xuất - kinh doanh điều hành. Đây là kinh nghiệm mà các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có định hướng mở rộng qua M&A có thể học hỏi để đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam khi có nhu cầu thực hiện M&A nên tìm kiếm đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và năng lực để hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp trong toàn bộ tiến trình M&A.

Năm nay, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản (Residential - dự án khu dân cư, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn, resort…) dự báo sẽ chiếm ưu thế do ngành này còn nhiều dư địa tăng trưởng. Trong quý I vừa qua, đã có một số thương vụ thu được sự chú ý của thị trường như An Gia Investment và Creed Group (Nhật Bản) mua lại 7 block thuộc dự án Lacasa, quận 7 từ Vạn Phát Hưng, hay Keppel Land chi 37 triệu USD mua thêm 16% cổ phần tại các các công ty liên doanh phát triển dự án Saigon Centre tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, xu hướng M&A tái cấu trúc có thể là điểm nhấn. Vừa qua, Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (DGC) thông qua phương án sáp nhập với công ty con là Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (DGL) tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Mới đây nhất là Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) công bố kế hoạch sáp nhập với Đường Biên Hòa (BHS). Thực tế, M&A ở đây là sự thay đổi nhằm tinh gọn hệ thống, thuận tiện hơn cho công tác quản lý, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. 

Tin bài liên quan