Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất: “Nhận diện các yếu tố đột phá trong M&A” - Ảnh: Lê Toàn.

Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất: “Nhận diện các yếu tố đột phá trong M&A” - Ảnh: Lê Toàn.

Hai kịch bản cho thị trường M&A Việt Nam 2017

(ĐTCK) Trong 2 kịch bản mà các chuyên gia đưa ra với thị trường M&A Việt Nam, ngay cả với kịch bản thận trọng, thì giá trị M&A thị trường Việt Nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 3 năm liên tiếp.

Thận trọng hay đột biến?

Tại Diễn đàn M&A 2014 với chủ đề “M&A trước làn sóng thứ hai”, các chuyên gia tham dự Diễn đàn đã dự báo về một làn sóng mua bán và sáp nhập mới sẽ diễn ra trong giai đoạn 2014 -2018 tại Việt Nam, với tổng giá trị ước tính lên đến 20 tỷ USD. Tuy nhiên, vì nhiều lý do con số thực tế đạt được có thể thấp hơn rất nhiều so với giá trị ước tính này.

Thực tế 3 năm qua cho thấy, thị trường M&A Việt Nam liên tục lập kỷ lục về quy mô thương vụ, với tổng giá trị đạt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD vào năm 2016, tăng trưởng 11,92% so với năm 2015, theo thống kê của IMAA.

Tuy nhiên, hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn. Quý I/2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt nam đạt 1,1 tỷ USD (bằng 75,6% mức bình quân quý của 2016). 

Theo đánh giá của Chính phủ, cũng như của các nhà đầu tư, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 còn chậm. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang gặp phải sự cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn ngoại với các quốc gia trong khu vực, những trở ngại từ cổ phần hóa tại Việt nam, chất lượng doanh nghiêp và quy mô nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế đưa ra 2 kịch bản cho giá trị M&A năm 2017.

Với kịch bản thận trọng, giá trị M&A tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD (tương đương mức suy giảm 14% so với 2016). Trong trường hợp có sự đột biến ở những thương vụ lớn từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thì giá trị hoàn toàn có thể đạt mốc 6,2-6,5 tỷ USD hoặc cao hơn (tương đương tăng trưởng thị trường 6,5-10%).

Hai kịch bản cho thị trường M&A Việt Nam 2017 ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư tại Diễn đàn M&A 2017 - Ảnh: Lê Toàn 

Như vậy cả với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 3 năm 2015 -2017, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã chậm lại để chờ đợi những thương vụ mới xuất hiện, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp. 

Trong năm 2017 - 2018, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản.

Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng được kỳ vọng sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt nam trong giai đoạn tới.

Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược hoặc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm của giao  dịch quy mô lớn

Báo cáo tổng quan về thị trường M&A giai đoạn 2016 - 2017, ông Jeffrey Pirie, Phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á cho biết, năm 2016, thị trường M&A  Đông Nam Á có giá trị khoảng 115 tỷ USD, thì Việt Nam có khoảng 5,8 tỷ USD.

Nếu so với giá trị các thương vụ M&A của khu vực, thì M&A Việt Nam chỉ là đối tác nhỏ nhưng so với dân số và GDP, thì con số này rất ấn tượng và Việt Nam sẽ có sự thay đổi và gia tăng gía trị của M&A.

“M&A tiếp tục sôi động ở tiêu dùng và công nghiệp. Xu thế này được thúc đẩy bởi các vụ việc liên quan đến chế tạo. Nếu có 1 khu vực mới là M&A trong lĩnh vực tài chính thì sẽ liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước hoặc thể chế tài chính tư nhân. Xu thế số hóa sẽ là 1 xu thế quan trọng trong M&A ở Việt Nam. 5 năm nữa có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đạt tới hàng tỷ USD”, ông Jeffrey Pirie nhìn nhận.

Trong khi đó, theo bà Đỗ Lan Hương, Phó giám đốc Tư vấn thương vụ, M&A, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, năm 2017 được dự kiến sẽ là năm của các giao dịch quy mô lớn liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với quyết tâm của Chính Phủ trong việc đẩy mạnh hơn quá trình cổ phần hóa và thoái vốn ở một số các tập đoàn và tổng công ty lớn.

Danh sách cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2017 có tên các doanh nghiệp tên tuổi như Habeco, Sabeco - hai doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất Việt Nam và PV Oil, PV Power -hai tổng công ty năng lượng lớn thuôc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tất cả các giao dịch này đều được đặt kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2017.

“Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dường như chỉ có Habeco và Sabeco là đang có tiến độ triển vọng nhất. Kế hoạch bán cổ phần của hai doanh nghiệp này đã hoàn thành và dự kiến sẽ sớm trình lên Bộ Công Thương để xin phê duyệt”, bà Hương cho biết.

Hai kịch bản cho thị trường M&A Việt Nam 2017 ảnh 2

 Khách mời đang đọc Đặc san M&A 2017: Tìm bước đột phá do Báo Đầu tư phát hành tại Diễn đàn - Ảnh: Lê Toàn.

Cũng theo bà Hương, đối với Habeco, theo thông tin mới nhất, cổ đông hiện hữu là Công ty Carslberg với kỳ vọng gia tăng số cô phần của mình sở hữu tại Habeco hiện đã có thỏa thuận với Bộ Công thương về việc Nhà nước chấp thuận đàm phán với mức giá hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, Sabeco cũng có danh sách dài các nhà đầu tư lớn trong ngành đồ uống xếp hàng để tham gia mua cổ phần của Công ty.

Quá trình cổ phần hóa PV Oil và PV Power có vẻ bị chậm hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu, nhưng vẫn đang diễn tiến.

“Nếu các giao dịch thoái vốn quy mô lớn này của Nhà nước được thực hiện thành công vào cuối năm, tổng giá trị giao dịch của năm 2017 sẽ có sự gia tăng đáng kể”, bà Hương nhìn nhận.

Đối với hoạt động M&A ở khối doanh nghiệp tư nhân, mặc dù ghi nhận sự suy giảm số lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2017, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài đã giảm sự quan tâm đến thị trường Việt Nam mà xuất phát từ việc thiếu các nguồn hàng đủ quy mô, chất lượng và quá trình giao dịch M&A ở Việt Nam hiện còn bị kéo dài và thiếu hiệu quả.

Nhà đầu tư nước ngoài (và cả trong nước) thường xuyên phải đối mặt với một số vấn đề khi tiến hành giao dịch tại Việt Nam, trong đó phần lớn là do sự thiếu chuẩn bị của bên bán.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thường không có sự chuẩn bị đầy đủ trước giao dịch để giải quyết các vấn đề như thông tin chất lượng kém và thiếu nhất quán, không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn kế toán, các quy định về thuế và các yêu cầu pháp lý, cũng như quản trị doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Những yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình giao dịch và khả năng thành công của giao dịch.

“Chúng tôi tin rằng, với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ của Việt Nam dần sẽ đạt được tầm cỡ phù hợp để tham gia thị trường M&A.

Ngoài ra, với sự gia nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về yêu cầu của nhà đầu tư sẽ gia tăng, theo đó nguồn cung cho thị trường sẽ dồi dào hơn đồng thời thời gian giao dịch cũng sẽ được rút ngắn hơn”, bà Hương cho biết.

Những “nút thắt”

Cơ hội vẫn được đánh giá là nhiều tại Việt nam, nhưng thách thức và những khó khăn cũng còn không ít.

Những nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức tư vấn cũng liệt kê những hạn chế cho sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt nam, đó là chất lượng của doanh nghiệp Việt nam còn yếu.

Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn. Trong khi vốn điều lệ của đa số các doanh nghiệp niêm yết tại Việt nam mới ở mức 50 - 80 tỷ đồng, tương đương 2-4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5-10 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn và có sức cạnh tranh yếu, nên cũng không phải là đối tượng được quan tâm của các nhà đầu tư. Tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt nam còn ở mức cao. 

Hai kịch bản cho thị trường M&A Việt Nam 2017 ảnh 3

 Các chuyên gia trao đổi tại buổi thảo luận thứ nhất - Ảnh: Lê Toàn

Ngoài các công ty nhà nước cổ phần hóa, nơi cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ và thoái từng phần; nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp. Trong khi hiện các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, một trở ngại nữa là báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch. Đây là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại.

Hiện nay, đa số doanh nghiệp Việt nam vẫn còn hình thức kế toán hai sổ, điều này làm cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính.

Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khan cho các nhà đầu tư nước ngoài. Một số khó khăn khác như việc hòa nhập văn hóa là vấn đề lớn quyết định đến thương vụ.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với việc có cổ đông ngoại hoặc có thêm sự quản lý người nước ngoài hay đa số các doanh nghiệp Việt nam vẫn kỳ vọng bán được với giá cao, khi gặp đối tác nước ngoài… cũng là một trong những yếu tố cán trở đến M&A tại Việt nam do hai bên không thống nhất được giá.

Theo ông Jacob Won, đại diện Locus Capital, các công ty Hàn Quốc chủ yếu quan tâm đến lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam, vì các ngành này sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ ngành nào trong tương lai gần. Ở đâu có sự tăng trưởng, vốn nước ngoài sẽ chảy vào. Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, các công ty Hàn Quốc nhìn chung muốn đảm bảo tỷ lệ cổ phần kiểm soát với trên 50% đến 100% quyền sở hữu nếu không là khoản đầu tư nhỏ với vai trò một đối tác chiến lược với tầm nhìn dài hạn.

Khó khăn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc phải đối mặt là sự thiếu minh bạch trong các báo cáo tài chính. Nếu tính minh bạch trong thông tin tài chính tăng thì sẽ có nhiều giao dịch xuyên biên giới hơn.

“Để thúc đẩy M&A Hàn Quốc và Việt Nam, điều quan trọng là phát triển các môi giới M&A chuyên nghiệp. Các đối tác mua bán cần có một cố vấn tài chính có kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A xuyên biên giới hoặc kinh nghiệm tư vấn cho các liên doanh.

Ngoài ra, các cố vấn có thể cung cấp lời khuyên khách quan để thu hẹp khoảng cách về điều kiện giao dịch, đặc biệt là định giá giữa hai bên”, ông Jacob Won nhìn nhận.

Tin bài liên quan