Trái phiếu và thu chi ngân sách

(ĐTCK) Bộ Tài chính đang xoay đủ kiểu để có thể hoàn thành kế hoạch huy động 250.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ đề ra cho năm nay. Nói “xoay sở” là bởi lượng huy động vốn qua kênh trái phiếu, một nguồn thu có tính quyết định tới cân đối thu chi ngân sách đang giảm mạnh so với với cùng kỳ.
Trái phiếu và thu chi ngân sách

Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, trái phiếu chính phủ chỉ phát hành được khoảng 115.000 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân được đề cập tới đó là việc thay đổi cơ cấu phát hành theo Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội là “từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 05 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”.

Việc thay đổi kết cấu kỳ hạn trái phiếu đã làm giảm sức mua do nhu cầu trái phiếu (người mua thường là các ngân hàng và công ty bảo hiểm) lại tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn từ 1-3 năm.

Trái phiếu khác với vay thương mại ở đặc thù kỳ hạn trả nợ dài, giúp cho người đi vay dù là Chính phủ hay doanh nghiệp có thời gian cân đối nguồn trả nợ tốt hơn. Do vậy, nếu lượng phát hành tập trung các kỳ hạn ngắn sẽ tạo áp lực lớn cho ngân sách trong thu xếp nguồn trả nợ. Đây chính là lý do phải hạn chế các loại trái phiếu thời hạn dưới 5 năm.

Bản thân Kho bạc Nhà nước, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong phát hành trái phiếu chính phủ cũng thừa nhận điều này khi ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết: “Việc thực hiện Nghị quyết 78/2014, tuy có gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn trái phiếu chính phủ, nhưng đang tạo điều kiện để cơ cấu lại các khoản nợ, giảm áp lực trả nợ hàng năm”.

Tuy nhiên, phải thừa nhận thị trường tài chính của Việt Nam chưa thực sự hoàn chỉnh. Với 3 trụ cột thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu đều phát triển ở mức thấp so với thị trường tài chính ở các nước đang phát triển. Do vậy, quy mô và tính ổn định của mỗi thị trường đều khá “mong manh”.

Với thị trường trái phiếu, năm nay có một đặc thù là tình hình thị trường tín dụng và chứng khoán đang có những dấu hiệu phục hồi, nguồn vốn được tập trung sang các thị trường này thay vì trái phiếu. Con số tăng trưởng của tín dụng 6 tháng đầu năm ước đạt 6,28%, cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt mức tăng trưởng 2,03%.

Mỗi phần trăm của thị trường tín dụng là phần trăm của hơn 4 triệu ngàn tỷ đồng, nên số tuyệt đối sẽ là hàng chục ngàn tỷ đồng, chứ không phải là các số nhỏ. Sức mua trái phiếu giảm là đương nhiên.

Bên cạnh đó, với nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng, một hệ lụy khác nảy sinh là dự báo lãi suất sẽ tăng trở lại. Và dự báo này bản thân đã hạn chế nhu cầu nắm giữ các giấy tờ có giá dài hạn, bởi giải thích một cách đơn giản là: ngày mai cho vay (mua trái phiếu) sẽ có lãi tốt hơn ngày hôm nay.

Thị trường là như vậy, nhưng vấn đề đặt ra là không thể ngưng phát hành trái phiếu bởi liên quan tới câu chuyện cân đối thu chi ngân sách. Câu trả lời là Kho bạc Nhà nước đang có xu hướng chuyển sang phát hành các loại trái phiếu có thời hạn… siêu ngắn. Chẳng hạn, ngày mai (7/7), Kho bạc Nhà nước sẽ triển khai đợt phát hành tín phiếu mới với lượng vốn huy động là 5.000 tỷ đồng, có kỳ hạn… 13 tuần!

“Tác hại” của trái phiếu siêu ngắn nhìn ở góc độ trả nợ chắc không ít hơn trái phiếu kỳ hạn 1-3 năm. Thế nhưng, vì nguồn thu  - chi, vẫn phải phát hành.

Giải pháp cho thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu chính phủ nói riêng, có lẽ không chỉ là chuyện riêng của Kho bạc Nhà nước hay Bộ Tài chính.