Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ với đội ngũ doanh nhân những bài học thực tiễn về kinh doanh và quản trị

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ với đội ngũ doanh nhân những bài học thực tiễn về kinh doanh và quản trị

“Tư duy người chủ” với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

(ĐTCK) Nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, Viện Quản trị kinh doanh FSB đã tổ chức chương trình hội thảo “Tư duy người chủ”, với diễn giả là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Tại Hội thảo, ông Bình đã chia sẻ với đội ngũ doanh nhân, các nhà quản lý trẻ những tri thức mới, những bài học thực tiễn về kinh doanh và quản trị từ các hội thảo thế giới, đặc biệt là từ Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos - nơi quy tụ 2.500 người, trong đó có khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và Câu lạc bộ Founder’s Mentality có sự tham dự của người sáng lập kiêm CEO Dell, Michael Dell.

Thay đổi là mệnh lệnh của thời gian

Theo ông Bình, cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tên Cách mạng số. Cuộc cách mạng này đang diễn ra với tốc độ rất nhanh và đặc điểm là làm thay đổi toàn diện diện mạo, tư duy người chủ - người làm thuê, cũng như phong cách làm việc từ xưa tới nay của con người.

Theo đó, công nghệ, máy móc sẽ tiến sang một trình độ khác khi “máy móc làm việc như con người”, với đầy đủ sự linh hoạt, thấu hiểu nhu cầu của từng cá nhân, từ đó tạo ra các sản phẩm riêng biệt phục vụ cho nhu cầu của mỗi cá thể.

Chẳng hạn, một chiếc áo được thiết kế may đo một cách chuẩn xác về kích cỡ, sở thích về màu sắc, chất liệu của người sử dụng; một chiếc ghế được lắp đặt phù hợp với chỉ số cơ thể từng người; một chiếc xe phục vụ thói quen lái xe riêng của cá nhân...

Chính bước chuyển từ cũ lên mới này đang mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, đặc biệt là giúp ngành công nghệ thông tin có thể cải thiện thứ hạng trên thế giới. Để nắm bắt được cơ hội này, các doanh nghiệp phải thức thời, nhanh chóng thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm: tốc độ - đó là thế giới của tương lai; thay đổi là mệnh lệnh của thời gian. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp phải liên tục thay đổi như một nghệ thuật, phải coi bộ máy công ty là một cơ thể sống, hành động bằng thời gian thực.

“Tư duy người chủ” với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ảnh 1

 Cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tên Cách mạng số

Bên cạnh việc nhanh chóng thích nghi, thay đổi tư duy, để một doanh nghiệp tồn tại và phát triển, ông Bình nhấn mạnh đến yếu tố phải tạo ra được mạng lưới liên kết (network).

Thực tế, một chủ xe quyết định gia nhập vào đội ngũ lái xe cho một hãng taxi, chấp nhận phân chia theo phần trăm là bởi họ không có một mạng lưới liên kết để tìm kiếm khách hàng, không có mối liên hệ với những người trong nghề, không có thương hiệu.

Vì thế, tạo ra một mô thức kinh doanh mới, xây dựng được mạng lưới liên kết là một trong những chìa khóa thành công của doanh nghiệp, bên cạnh vốn và kinh nghiệm. 

3 điều kiện cần để doanh nghiệp TRƯỜNG TỒN

Dù là một công ty startup hay đã định hình trong thời gian dài, muốn phát triển trường tồn, người lãnh đạo doanh nghiệp cần hội tụ 3 yếu tố: khát vọng cháy bỏng, ám ảnh khách hàng và tư duy người chủ. Đây là những yếu tố tiên quyết mà không những người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nắm vững, thấm nhuần, mà đồng thời phải chia sẻ, truyền cảm hứng được cho cấp dưới để họ thực hiện được sứ mệnh của công ty, từ đó chia sẻ sứ mệnh ấy đến cộng đồng qua các sản phẩm/dịch vụ cung cấp ra thị trường.

Các doanh nghiệp thường quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh, coi đó là nỗi sợ hãi... Tuy nhiên, thay vào đó, hãy nghiên cứu đối thủ có đối xử với khách hàng tốt hơn mình hay không?

Cụ thể hóa 3 yếu tố trên, Chủ tịch FPT chia sẻ nhiều điều. Thứ nhất, về khát vọng cháy bỏng, một cá nhân khi khởi nghiệp hay đứng trước một suy nghĩ về sự thay đổi hãy tự hỏi 2 câu: “sứ mệnh lập ra công ty là gì?” và “sứ mệnh đó đã trở thành khát vọng hay chưa?”. Nếu câu trả lời là có, hãy mạnh dạn thực hiện. Nếu câu trả lời là không, không nên thực hiện vì khi gặp khó khăn sẽ nhanh chóng từ bỏ.

Ví dụ, một chủ hãng cà phê nọ, anh ta mở ra một tiệm cà phê vì có khát vọng chia sẻ loại đồ uống ưa thích này. Nếu mong muốn ấy được chuyển hoá thành sứ mệnh, thành khát vọng, tự anh ta sẽ tìm ra mình phải chọn loại cà phê nào, pha chế ra sao, thiết kế quán với cảnh quan như thế nào, làm sao để thực khách thưởng thức trọn vẹn vị ngọn của đồ uống. 

Khi khát vọng cháy bỏng, tự doanh nghiệp đó sẽ định hình được hướng đi tiếp theo, tìm ra câu trả lời phải làm gì để phù hợp với mình nhất. Khi làm được điều đó, người khởi nghiệp không đi tìm tiền nữa, mà tiền sẽ tự chạy đến với họ.

Về ám ảnh khách hàng, một người chủ, một nhân viên càng ám ảnh khách hàng bao nhiêu thì càng phục vụ khách hàng tốt hơn với thái độ tận tâm bấy nhiêu. Minh chứng cho điều này, có thể tham khảo những cuộc chiến cạnh tranh trong lịch sử kinh doanh ngành hàng không. Hãng hàng không giành chiến thắng là hãng có những dịch vụ khiến khách hàng cảm thấy thoải mái nhất, gần gũi nhất. Đó là cách để tên tuổi của công ty đó đi vào lòng khách hàng.

“Tư duy người chủ” với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ảnh 2

  Trong một thế giới mà “kẻ khác biệt sẽ tồn tại, trung bình là chết”, ám ảnh khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra điều khác biệt chỉ có của riêng mình.

“Trong trận sóng thần tại Nhật Bản, khi lãnh đạo FPT Software hỏi về những thiệt hại của công ty đối tác, họ trả lời rằng không ảnh hưởng nhiều. Nhưng hôm sau, chính tôi, lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn, cùng nhiều quản lý cấp cao khác của Công ty bay sang Nhật Bản với mì gói, trà xanh,... Đối tác Nhật chưa chắc đã cần, nhưng điều này tạo nên gắn kết về tình cảm, thể hiện tình anh em, chiến hữu. Doanh nghiệp Nhật này và những ban ngành có liên quan đã cảm động thực sự với hành động của FPT. Câu chuyện này có lẽ cũng là lý do lý giải vì sao hơn 50% khách hàng từ mảng phần mềm của FPT lâu nay đều đến từ Nhật Bản”, ông Bình chia sẻ.

Trong một thế giới mà “kẻ khác biệt sẽ tồn tại, trung bình là chết”, ám ảnh khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra điều khác biệt chỉ có của riêng mình.

Chẳng hạn, một ngân hàng Mỹ đã vượt qua được cách thức kinh doanh bình thường như cho vay tín chấp, gửi tiết kiệm, bởi họ luôn có sự ám ảnh khách hàng. Họ hiểu và theo dõi khách hàng đến từng giai đoạn trong cuộc đời. Khi con cái khách hàng đến tuổi trưởng thành, nhà băng sẽ có gói cho vay mua xe, khi đến giai đoạn đổi nhà sẽ có gói cho vay mua nhà. Như vậy, ngân hàng không còn là một doanh nghiệp kinh doanh tiền đơn thuần, mà trở thành nơi quản lý ngân sách giúp khách hàng. Sản phẩm của họ luôn tạo được giá trị cho khách hàng.

Về tư duy người chủ, đây là thứ khó tạo cảm hứng nhất, đồng thời khó thay đổi nhất. Bởi lẽ, không phải ai cũng sẵn sàng coi đồng nghiệp là người thân và xem công việc đang làm là một phần việc “làm cho gia đình”. Nếu lãnh đạo không quản trị tốt được điều này, khi công ty phát triển đến một mức độ nào đó, sẽ rất khó để kiểm soát những diễn biến tiêu cực trong đội ngũ của mình.

Trong thời đại ngày nay, tư duy làm chủ cần phải thay đổi so với trước đây. Bởi vậy, lãnh đạo nên và phải tìm ra được những nhân viên có tư duy làm chủ. Tức là họ thấu hiểu và đồng cảm với sứ mệnh công ty, có chung ám ảnh khách hàng. Từ đó tạo ra những nhóm đồng nhất. Chưa kể, cần phải có cơ chế kiểm soát mà vẫn tạo ra sự thoải mái; trao quyền nhưng có sự kiểm soát thông minh. 

Bí quyết thành công

Là lãnh đạo cao nhất Tập đoàn FPT, tại Hội thảo, ông Bình cũng bật mí “bí quyết kinh doanh thành công” của mình, đó là không bao giờ xa rời khách hàng. Điều này được cụ thể hóa trong những hành động như: luôn hỏi khách hàng một cách ngẫu nhiên, nhẹ nhàng, cởi mở như đang trò chuyện, đừng đưa ra các bộ câu hỏi rườm ra, cứng nhắc như tiến hành nghiên cứu thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh, coi đó là nỗi sợ hãi... Tuy nhiên, thay vào đó, hãy nghiên cứu đối thủ có đối xử với khách hàng tốt hơn mình hay không? Đội quân bán hàng của đối thủ có thật lòng quan tâm đến khách hàng của họ? Từ đó, học hỏi những kinh nghiệm và thay đổi chính mình để trở nên tốt hơn, thu hút được khách hàng nhiều hơn.

Cuối cùng, tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều cần đầu tư vào công nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Mỹ Obama kêu gọi mọi công dân Mỹ cần phải biết lập trình. Thực tế, công nghệ đã và sẽ chi phối mọi mặt trong quản lý vận hành doanh nghiệp. Nếu không thức thời, doanh nghiệp sẽ tụt hậu rất xa và không thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh hiện tại.

Tin bài liên quan