Trương Gia Bình và giấc mơ công nghệ

Trương Gia Bình và giấc mơ công nghệ

(ĐTCK) Xuất hiện tại Ngày hội công nghệ FPT với chiếc kính Google Glass trên tay, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói “Tôi mơ ước đến một ngày nào đó khi người ta nói đến S.M.A.C không thể không nói đến Việt Nam, không thể không nói đến FPT”.

Google Glass  được coi là một thiết bị thông minh, có thể hiển thị video trực tiếp khi đeo, có khả năng đàm thoại video, điều chỉnh bằng giọng nói, nhận và gửi tin nhắn qua giọng nói, đặt câu hỏi để tìm kiếm thông tin, dịch và tra từ điển trực tiếp... Trước các bạn trẻ, ông Bình nói thực ra chiếc kính có nhiều tính năng chẳng khác gì một con robot Smartkid của FPT nhưng giá tới 1.500 USD. Tuy nhiên, thế giới say mê và hào hứng với nó, bởi thương hiệu Google và những tính năng thông minh, như lâu nay vẫn thể hiện với các sản phẩm thông minh của Apple, Microsoft…

S.M.A.C là từ viết tắt của Mạng xã hội/Bảo mật, Công nghệ Di động, Phân tích dữ liệu lớn, Điện toán đám mây. Theo dự báo của 2 hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới là IDG và Gatner, từ 2015-2016, mạng xã hội sẽ có 2,18 tỷ người dùng, 34 tỷ USD doanh thu. Số người sử dụng thiết bị di động tăng lên 1,3 tỷ với 2 tỷ thiết bị kết nối, 735 tỷ USD doanh thu. Dữ liệu lớn sẽ thiếu 4,4 triệu kỹ sư với tổng doanh thu 232 tỷ USD, Điện toán đám mây đạt mức 207 tỷ USD doanh thu.  Rõ ràng, S.M.A.C đang tạo ra cơ hội tăng trưởng không giới hạn cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin  Việt Nam nói chung và FPT nói riêng.

Ông Bình nói sự dịch chuyển công nghệ của thế giới nhanh không ngờ và hiện đang là thời cung cấp dịch vụ trên S.M.A.C. Mong muốn của ông là Việt Nam và FPT sẽ tham gia vào sự dịch chuyển này một cách tích cực nhất, và một ngày nào đó sẽ trở thành những người dịch chuyển hàng đầu thế giới. “Biết là quãng đường còn rất xa và khó khăn nhưng tại sao ta lại không dám ước mơ?”, Chủ tịch FPT chia sẻ.

Trên thế giới, S.M.A.C ra đời trong giai đoạn 2011-2012, FPT đã nhanh chóng nắm bắt để tham gia, 2013 là năm đầu tiên FPT có doanh thu từ S.M.A.C, đạt 95 tỷ đồng. Ông Bình và các cộng sự đặt ra mục tiêu đến năm 2016, doanh thu từ mảng hoạt động này sẽ đạt trên 800 tỷ đồng, chiếm hơn 10% doanh thu toàn cầu của FPT. Để thực hiện được giấc mơ công nghệ, ông Bình sẽ có nhiều việc phải làm. Trước hết, khái niệm S.M.A.C và những ứng dụng của nó vào thực tế còn rất mới mẻ ở Việt Nam, thậm chí xa lạ với nhiều bộ phận của FPT. Việc đầu tiên ông Bình làm là thổi ngọn lửa đam mê công nghệ tới người FPT. Các bộ phận của FPT đều đang phải ứng dụng S.M.A.C trong công việc và tìm ra cơ hội kiếm tiền với nó. Một số sản phẩm S.M.A.C tiêu biểu mà FPT đã và đang triển khai như eMobiz (giải pháp quản lý bán hàng trên thiết bị cầm tay) được sử dụng bởi 10.000 nhân viên bán hàng của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, dầu khí, thực phẩm. Dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trực tuyến Fshare (1,8 triệu lượt đăng ký, hơn 1 triệu người dùng thường xuyên), hệ thống đặt vé máy bay trên điện thoại di động... Tuy nhiên, ngay với các sản phẩm trên, FPT cũng đang phải giải quyết nhiều thách thức. Đơn cử, hạ tầng Fshare chạy trên cáp đồng khiến khả năng tải dữ liệu kém trong khi các sản phẩm của đối thủ nước ngoài chạy trên cáp quang, có lợi thế vượt trội hơn hẳn.

Để tạo ra một thị trường S.M.A.C và những kỹ sư công nghệ giỏi, Việt Nam phải có những người hiểu và say mê tìm tòi S.M.A.C. Ông Bình cho biết, FPT tới đây sẽ phối hợp với Hiệp hội phần mềm Việt Nam tổ chức những ngày hội công nghệ ở các thành phố lớn, các trường đại học... FPT sẽ mở rộng quy mô cuộc thi viết phần mềm cho robot smartkid, quảng bá rộng rãi trên truyền hình với mong muốn thổi bùng lên ngọn lửa say mê công nghệ ở giới trẻ. “Nếu sản phẩm của các bạn thành công và được ứng dụng vào thực tiễn, các bạn sẽ trở lên giàu có”, ông Bình hứa.

Bên lề Ngày hội công nghệ, sinh viên FPT đã trình diễn nhiều sản phẩm “Made in FPT”. Chẳng hạn, Robot Kobuki được viết thêm phần mềm để ngoài tính năng có sẵn như quét nhà, lau nhà có thể bưng bê phục vụ nước, thực hiện các lệnh đơn giản của người điều khiển qua giọng nói hoặc qua thiết bị cầm tay... Hình ảnh những chú robot chạy lăng xăng, trên đầu có gắn ảnh Trương Gia Bình tạo ra một hình ảnh ngộ nghĩnh và cảm giác gần gũi giữa người lãnh đạo cao nhất doanh nghiệp với các thành viên trong Tập đoàn. Có lẽ, sự trở lại của ông Bình và định hướng FPT tập trung mạnh cho công nghệ và toàn cầu hóa đã bắt đầu ngấm tới thế hệ nhân viên trẻ nhất trong Tập đoàn.

Thomas Friedman, tác giả một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới “Chiếc Lexus và cành ô liu” đã nói “Thế giới không chấp nhận những người trung bình”. Đã có những lúc bị la đà vào con đường phụ, lần này Trương Gia Bình quyết tâm đưa FPT bước mạnh mẽ, vững vàng trên con đường chính, trong đó nòng cốt là thế hệ trẻ vốn đầy hoài bão và ước mơ.               

Tin bài liên quan