“Cái tên Tùng Trí Việt đã đi theo tôi hơn chục năm qua 
và sẽ gắn bó với tôi mãi về sau này”, ông Tùng chia sẻ.

“Cái tên Tùng Trí Việt đã đi theo tôi hơn chục năm qua và sẽ gắn bó với tôi mãi về sau này”, ông Tùng chia sẻ.

Triết lý 3 không của CEO Chứng khoán Trí Việt

(ĐTCK) "Tùng Trí Việt" là danh xưng mà nhiều người dùng để nói về ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư Trí Việt (TVC), đồng thời là  Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVB). 

Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, ông Tùng tự đưa ra 3 nguyên tắc “3 không” trong kinh doanh của mình là: không nóng vội tăng trưởng; không vì lợi ích trước mắt mà làm hỏng danh tiếng; không đưa ra quyết định nếu xảy ra xung đột lợi ích với khách hàng, nhân viên và quy tắc hoạt động nội bộ.

Phải giữ danh tiếng

“Cái tên Tùng Trí Việt đã đi theo tôi hơn chục năm qua và sẽ gắn bó với tôi mãi về sau này. Lĩnh vực tài chính khá nhỏ, mọi người đều biết nhau, nếu đã mất chữ tín một lần, rất khó để tồn tại được”, ông Tùng mở đầu câu chuyện về lai lịch cái tên này.

Trên thực tế, từ gần 10 năm trước, "Tùng Trí Việt" bắt đầu trở nên quen thuộc  với những người ưa thích đầu tư qua những phân tích đầu tư có cơ sở, các sản phẩm đầu tư đa dạng và nhiều buổi chia sẻ nhận định thị trường lôi cuốn khá đông khán giả.

"Tiền bạc ai cũng quý, nhưng rồi khi nhắm mắt xuôi tay, có ai mang theo được. Thứ con người ta trân trọng và có ý nghĩa trong công việc, cuộc sống chính là quy tụ anh em, giữ được cái danh của mình với đời và mang lại lợi ích cho tất cả những người bên ta, cho xã hội"

- Doanh nhân Phạm Thanh Tùng.

Trong số những thương vụ tạo nên dấu ấn Trí Việt, đáng kể nhất là quá trình đầu tư đón đầu cuộc “lột xác” ngoạn mục cổ phiếu DRC của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng. Việc dự báo đúng diễn biến hồi phục giá cao su, đặc thù kinh doanh của Cao su Đà Nẵng… với triển vọng lợi nhuận Công ty đột phá đã giúp Trí Việt và khách hàng của mình kiếm lợi lớn, khi cổ phiếu DRC tăng giá cả chục lần.

Tuy nhiên, có những lúc Trí Việt phải đối diện với khó khăn bộn bề khi Công ty vướng vào nợ xấu, một số khoản đầu tư thất thoát do thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản suy thoái. Ông Tùng cho biết, giai đoạn 2011 - 2012, Công ty trải qua khó khăn đỉnh điểm, nhưng đó cũng là lúc toàn bộ hệ thống Trí Việt phải nhìn lại mình.

“Chúng tôi phải co cụm hoạt động, cắt bỏ 2 địa điểm chi nhánh, phòng giao dịch. Diện tích văn phòng trụ sở chính cũng phải giảm 1/2. Nhiều bộ phận kinh doanh phải thực hiện rà soát lại, bị cắt bỏ nếu không hiệu quả. Chi phí hoạt động mỗi tháng của Trí Việt từ chỗ 1,5 tỷ đồng đã giảm về chỉ còn 280 triệu đồng”, ông Tùng kể. Với mức chi phí này, Trí Việt đảm bảo có lãi hoạt động và dành toàn bộ nguồn lực cho thu hồi nợ. Nhờ kiên định chủ trương trên, đến cuối năm 2012, Công ty cơ bản hoàn tất quá trình tái cơ cấu.

Khó khăn, từng bước vực dậy, điều khiến Trí Việt duy trì được mối quan hệ khách hàng, đồng nghiệp, đối tác với các bên chính là sự chỉn chu trong công việc, đặt chữ tín và hiệu quả lên hàng đầu. Ông Tùng chia sẻ, trong lĩnh vực tài chính, tìm kiếm nhân sự giỏi rất khó, nhưng ông giữ quan niệm không giành giật nhân sự lẫn nhau, để tránh đối đầu với các công ty khác.

“Những người đến với Trí Việt đều do được anh em, bạn bè giới thiệu, hoặc tự họ tìm đến khi thấy cơ chế đãi ngộ, môi trường làm việc hấp dẫn. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, tôi luôn đề nghị các bạn phải tuân thủ đúng quy định và các cam kết ràng buộc với công ty cũ trước khi sang Trí Việt, dù có thể lúc đó mình rất cần người. Mình phải đàng hoàng thì người khác mới nể mình và sau này, nhân viên đó nếu có muốn ra đi cũng sẽ cư xử đàng hoàng với Trí Việt”, ông nói về cách Trí Việt tránh xa câu chuyện tranh giành nhân sự, vốn nổi cộm trong nhiều ngành nghề, đặc biệt ở lĩnh vực chứng khoán.

"Tôi có một tâm niệm là không để anh em đi theo mình bị thiệt".

Theo ông Tùng, trong lĩnh vực chứng khoán, nếu dùng chiêu trò để thu hút, giành giật khách hàng, thì không chỉ uy tín cá nhân bị ảnh hưởng, mà một lúc nào đó, những nhân sự đến với mình theo con đường này cũng sẽ ra đi bởi một bên thứ ba. Bí quyết thu hút và giữ người của Trí Việt chính là minh bạch chính sách đãi ngộ, tạo cơ chế để mọi người cống hiến và nhận thù lao xứng đáng.

“Tôi có một tâm niệm là không để anh em đi theo mình bị thiệt. Nhiệm vụ của mình là tạo ra sân chơi để mọi người phát triển được tài năng, sở trường và từ đó khách hàng, nhân viên, Công ty đều được hưởng lợi. Đó mới là con đường phát triển bền vững nhất”, ông Tùng nói.

Không nóng vội tăng trưởng

Giờ đây, sau hơn 10 năm gây dựng, Quản lý Đầu tư Trí Việt và Chứng khoán Trí Việt đã bắt đầu hình thành được gia sản của mình. Chứng khoán Trí Việt đã tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng, Quản lý Đầu tư Trí Việt hiện có vốn điều lệ gần 369 tỷ đồng.

Ông Tùng cho hay, để đạt được những kết quả như ngày hôm nay, đó là quá trình đi chậm nhưng chắc, không nóng vội cho mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2011, 2012, trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì vướng phải nợ xấu, Chứng khoán Trí Việt chỉ đặt trọng tâm cho việc đòi nợ, các nghiệp vụ khác duy trì ở mức tối thiểu, đảm bảo “nuôi quân” và mang lại chút đỉnh lợi nhuận. Khi cơ bản hoàn thành việc đòi nợ và củng cố hoạt động, cũng là lúc thị trường chứng khoán ổn định trở lại, Công ty mới bắt đầu tính đến chuyện mở rộng, nhưng rất thận trọng.

"Chúng tôi không đặt mục tiêu đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá, mà chấp nhận tiến từng bước một".

“Ban đầu, chúng tôi đặt vấn đề hợp tác với ngân hàng, nhưng quy mô vốn nhỏ sẽ rất khó. Chính vì thế, sản phẩm trái phiếu của Trí Việt ra đời, giải quyết đồng thời nhiều vấn đề: nhu cầu đầu tư của khách hàng có tiền, nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư, bài toán nguồn của chính Công ty. Chúng tôi không đặt mục tiêu đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá, mà chấp nhận tiến từng bước một. Do đã đưa cổ phiếu lên giao dịch tập trung trên sàn chứng khoán, nên Công ty cũng muốn cân bằng giữa tăng trưởng và lợi ích cổ đông thiểu số, không muốn việc đi nhanh quá có thể gây sức ép, hoặc làm giảm giá cổ phiếu trên sàn”, ông Tùng chia sẻ.

Mục tiêu ông Tùng đặt ra là Công ty tăng gấp 3 lần quy mô hiện thời, nhưng vẫn đảm bảo duy trì tỷ suất sinh lợi tối thiểu bằng hiện nay.

Ông Tùng chia sẻ, trong khó khăn, chính việc nỗ lực vì công việc và giữ chữ tín, Trí Việt đã duy trì được sự ủng hộ của các khách hàng lớn, với nhiều nhà đầu tư có quy mô tài sản hàng trăm tỷ đồng. Việc cập nhật thông tin dự báo vĩ mô, đưa ra chiến lược quản lý, phân bổ tài sản cho khách hàng một cách hiệu quả đã giúp Công ty tiếp tục nhận được sự đồng hành và từ đó có được thu nhập tốt từ các khách hàng lớn.

Không nóng vội cho mục tiêu tăng trưởng, mà xây dựng vững chắc từng viên gạch cho nền móng phát triển của Công ty, ông Tùng tin rằng, con đường Công ty đi dù có thể chậm hơn một số doanh nghiệp cùng thời khác, nhưng an toàn và vững chãi.

Không đưa ra quyết định nếu vi phạm nguyên tắc quản trị

Trong câu chuyện của mình, ông chia sẻ một kỷ niệm đáng buồn, cũng là lý do khiến toàn bộ hệ thống Trí Việt hiện nay được quản trị bởi những nguyên tắc khắt khe, mà chính ông cũng không được phép vượt qua.

Trong quá khứ, giai đoạn Trí Việt gặp khó khăn, chính cách quản lý theo kiểu quá tin tưởng và đối xử theo cách tình cảm anh em, bạn bè vì mối quan hệ thuần công việc đã khiến Trí Việt phát sinh một khoản nợ xấu.

“Quy trình của mình không chặt nhất là khâu giám sát nên khi xảy ra vấn đề, việc xử lý gặp khó khăn. Giờ đây, Công ty phát triển với quy mô ngày một lớn và sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai, mình không thể làm mọi việc được. Chính vì thế, Công ty xây dựng nguyên tắc quản lý chặt chẽ và mọi người, trong đó có mình, phải tuân theo. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro, nhất là trong các tình huống phát sinh vấn đề pháp lý”, ông Tùng nói.

Với cơ chế mới, bản thân ông Tùng bị giảm rất nhiều quyền tự quyết, nhưng ông cho rằng, tổ chức nào cũng phải như vậy, nếu muốn lớn mạnh. Và ở cơ chế đó, cùng với văn hóa Trí Việt đã định vị, không có chỗ cho bất kỳ một quyết định nào dẫn đến mâu thuẫn lợi ích, dù đó là lợi ích của Công ty, cán bộ, công nhân viên, đối tác hay khách hàng, hoặc vi phạm quy chế quản lý nội bộ.

Một thoáng trầm tư, ông Tùng chia sẻ: “Tiền bạc ai cũng quý, nhưng rồi khi nhắm mắt xuôi tay, có ai mang theo được. Thứ con người ta trân trọng và có ý nghĩa trong công việc, cuộc sống chính là quy tụ anh em, giữ được cái danh của mình với đời và mang lại lợi ích cho tất cả những người bên ta, cho xã hội”.

Tin bài liên quan