Thay đổi tâm thế của những doanh nhân “nhiều vai”

Thay đổi tâm thế của những doanh nhân “nhiều vai”

(ĐTCK) Chưa có một thống kê đầy đủ tại Việt Nam có bao nhiêu người đại diện vốn nhà nước kiêm lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng con số ước tính có thể lên tới hàng nghìn người. 

Họ là những doanh nhân đặc biệt, đóng nhiều vai và việc làm tròn vai là không hề đơn giản. Trong khi đó, đây chính là những nhân tố quan trọng đặc biệt để phát huy hiệu quả đầu tư của đồng vốn nhà nước.

Tại Hội nghị Người đại diện của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây, lần đầu tiên, hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp, đồng thời là người đại diện vốn nhà nước, hoặc có thể thêm vai trò cổ đông của doanh nghiệp, được nghe những chia sẻ thẳng thắn từ các “ông chủ nhà nước”. Trước đó, trong câu chuyện bên lề, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo Minh và ông Vũ Quý Hà, Chủ tịch Tổng công ty Vinaconex còn nửa đùa nửa thật rằng, họ đang là những người cầm hộ vốn, nhưng nếu họ có vốn không đời nào giao cho ai đó giữ hộ.

Với kinh nghiệm đầu tư vào nhiều doanh nghiệp Việt Nam, một chuyên gia đến từ Quỹ đầu tư Red River Holding đã nhận xét về tình hình vốn nhà nước bị trục lợi. Theo vị chuyên gia này, ở một số doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước, ban lãnh đạo công ty hạn chế cung cấp thông tin, điều chỉnh số liệu lợi nhuận thấp hơn so với thực tế nhằm mục đích mua thâu tóm công ty từ cổ đông nhà nước, cán bộ nhân viên và các cổ đông khác với giá rẻ.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, luôn luôn có xung đột lợi ích giữa người đại diện và chủ sở hữu. Để bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện tốt để nâng cao giá trị doanh nghiệp, rất cần chú ý kiện toàn hệ thống doanh nhân đặc biệt này.

Cũng tại hội nghị trên, một số lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp họ đang quản lý. Họ đề nghị SCIC phải có chính sách để đảm bảo quyền lợi và công việc cho những nhà quản lý này khi doanh nghiệp không còn cổ đông nhà nước. Tất nhiên, nỗi lo của họ là có cơ sở bởi ở nhiều doanh nghiệp, khi các nhà đầu tư tư nhân vào mua cổ phần đã thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo cũ.

Vậy gỡ khó cho những câu chuyện trên như thế nào? Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, phải chọn được những người đại diện vốn có năng lực, chuyên nghiệp, quy định rõ trách nhiệm cũng như có cơ chế thưởng phạt rõ ràng. Cái đáng sợ nhất là chế độ làm tập thể, cơ chế vô thưởng vô phạt, đùn đẩy trách nhiệm, thưởng có công, tội không chịu.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đã đến lúc, Nhà nước cần thực hiện việc thi tuyển và ký hợp đồng thuê các chuyên gia giỏi làm người đại diện vốn.

Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý vốn nhà nước, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm. Ông nói rằng, tài sản mà Tổng công ty đang quản lý khá đáng kể, giá trị thị trường có lúc đạt gần 200.000 tỷ đồng, mặc dù tỷ lệ tương đối về vốn nhà nước chỉ mới là 3%.

SCIC được giao nhận quản lý phần vốn tại rất nhiều doanh nghiệp, nhưng không thể trực tiếp quản lý toàn bộ số vốn, mà phải qua người đại diện. Do đó, người đại diện thể hiện ý chí, quyết định của SCIC. Các doanh nghiệp mà SCIC nắm vốn rải rác khắp cả nước, vận động hàng ngày hàng giờ, lãnh đạo SCIC không thể theo sát các hoạt động đó. Vậy làm cách nào để xác định tiền của Nhà nước giao cho có được quản lý, sử dụng đúng hướng hay không, hiệu quả hay lãng phí?

“Để chủ sở hữu vốn nhà nước nhận thông tin kịp thời, không còn cách nào khác là qua các người đại diện, đồng thời là người quản lý doanh nghiệp. Muốn làm tròn vai, những người đại diện này phải theo sát hoạt động doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu kém quả, những doanh nhân này phải bàn bạc và có giải pháp, chủ động đề xuất phối hợp với các cổ đông như SCIC để giải quyết.

Sắp tới, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, quan điểm của Đảng, Chính phủ là phải thực hiện một cách mạnh mẽ. Nhưng để hoàn thành, cần phải thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo doanh nghiệp không bị xáo trộn. Trong bối cảnh này, người đại diện - trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp phải làm thế nào để không chỉ có ông chủ nhà nước cần, mà nhiều ông chủ khác cũng cần, bởi họ là những người giỏi về nghề, giỏi về quản trị, bảo vệ quyền lợi của cổ đông, xử lý được vấn đề tăng giá trị của ông chủ tại doanh nghiệp. 

Chỉ có như vậy, người đại diện mới giữ được vị thế của mình khi Nhà nước rút vốn. Đồng thời, có thể yên tâm vốn nhà nước được quản lý hiệu quả bởi một đội ngũ doanh nhân cực kỳ chuyên nghiệp và ai ai cũng cần, sẽ không còn cần kiến nghị SCIC giữ vốn tại doanh nghiệp.             

Tin bài liên quan