Trên thị trường hiện có rất nhiều thương hiệu đồng hồ, với các mức giá khác nhau, phụ thuộc vào tính năng cũng như chính thương hiệu mà nó mang. Tuy nhiên, thông dụng và được nhiều doanh nhân sử dụng nhiều nhất vẫn là những mẫu đồng hồ của Thụy Sỹ và Nhật Bản.
Trong đó, một số thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ như Rolex, Omega có mức giá từ 4.000 USD trở lên; đồng hồ Longines, Rado, Tissot; Gucci; Raymond Well… có mức giá từ 700 đến 10.000 USD. Còn đối với đồng hồ Nhật Bản, những thương hiệu nổi tiếng gắn bó với người Việt Nam phải kể đến như Seiko, Citizen (giá khoảng 100 – 1.000 USD); Orent, Casio… mức giá dao động từ 50 – 600 USD.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Prima Watch, nhà phân phối đồng hồ cao cấp chính hãng từ Nhật Bản và Thuỵ Sỹ với những thương hiệu Omega, Rado, Jacques Lemans và Seiko, có hệ thống showroom tại Tháp Hà Nội và Tràng Tiền Plaza cho biết, bên cạnh những mẫu đồng hồ truyền thống của các thương hiệu lớn, năm nay, xu hướng đồng hồ thể thao, có bản to cũng là sản phẩm được ưa thích. Ở mức giá tầm trung, một số mẫu đồng hồ của các thương hiệu như Michael Kors, Armani… cũng là một gợi ý không tồi cho các doanh nhân.
Vậy giữa một “rừng” thương hiệu nổi tiếng như vậy, làm thế nào để chọn được một chiếc đồng hồ phù hợp?
Đầu tiên, bỏ qua những yếu tố như thương hiệu, mức giá, sở thích cá nhân, một chiếc đồng hồ phù hợp có một phần liên quan đến chính lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nhân đó đang làm, cũng như phải phù hợp với từng hoàn cảnh, môi trường xung quanh. Chẳng hạn, một lãnh đạo làm trong lĩnh vực tài chính không thể đeo một chiếc đồng hồ lặn (diver watch) to xù, một trưởng phòng năng động trong ngân hàng không thể đeo chiếc đồng hồ mỏng, lên dây khi gặp bất kỳ một đối tác nào tương đương… Bởi trong trường hợp này, chiếc đồng hồ còn mang nhiệm vụ đại diện cho tính cách, địa vị của người đeo nó trên tay.
Bên cạnh đó, đảm bảo mua đúng hàng chính hãng cũng là yếu tố rất quan trọng. Theo ông Giang, để phân biệt hàng thật và hàng giả, có một số điểm cần lưu ý.
Thứ nhất là phụ kiện kèm theo, một chiếc đồng hồ chính hãng phải có đầy đủ phụ kiện như hộp, hướng dẫn sử dụng, thẻ bảo hành chính hãng (ghi rõ trung tâm bảo hành tại Việt Nam).
Thứ hai là hình ảnh cửa hàng. Hiện đa số các hãng đồng hồ nổi tiếng đều có các văn phòng, nhà phân phối tại Việt Nam, đồng thời đều có các Trung tâm bảo hành quốc tế đặt tại Việt Nam.
Cuối cùng về giá, một chiếc đồng hồ chính hãng không thể quá rẻ. Ví dụ, một chiếc Rolex chính hãng không thể mua với giá 1.000 USD hoặc 2.000 USD.
Có thể nói, điểm tương đồng giữa doanh nhân với đồng hồ có lẽ là tính chính xác. Một chiếc đồng hồ nếu mất đi tính chính xác, chiếc đồng hồ đó coi như bỏ đi. Còn với doanh nhân, chính xác và dứt khoát là tác phong của người làm kinh doanh. Trong vấn đề ra quyết định, nhất là những quyết định quan trọng mang tính chiến lược, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, tính chính xác và quyết đoán là yêu cầu bắt buộc.
Trên thương trường, trễ giờ, hay “giờ cao su” là điều tối kỵ, không chỉ bởi nó thể hiện sự coi thường, thiếu tôn trọng đối với đối tác, bạn hàng, mà nó còn chứng tỏ người lãnh đạo đó không biết làm chủ thời gian.
Suy rộng hơn, đó là một nhà hoạch định kém và không biết thu xếp công việc. Vì thế, chiếc đồng hồ là trợ thủ đắc lực của doanh nhân, nhắc nhở họ từng giây, từng phút đang trôi qua, hãy nhanh chân lên kẻo đối tác đang chờ đợi, hãy nhanh chân không thời cơ sẽ mất.