Việc tái cơ cấu thành công khoản nợ 600 triệu USD là việc làm khó khăn và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.

Việc tái cơ cấu thành công khoản nợ 600 triệu USD là việc làm khó khăn và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.

Phiên tòa để đời của Chủ tịch SBIC

(ĐTCK) Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), ông Nguyễn Ngọc Sự đã chia sẻ với ĐTCK tình huống bất ngờ trong cuộc họp các chủ nợ và phiên tòa để đời về việc xử lý khoản nợ nước ngoài trị giá 600 triệu USD của Vinashin.

Ngay khi cuộc họp các chủ nợ nước ngoài cho khoản vay 600 triệu USD của SBIC (trước đây là Vinashin) tại Singapore vừa bắt đầu, một chủ nợ đứng lên yêu cầu hoãn họp. Nếu điều này thành sự thực, toàn bộ nỗ lực xử lý nợ của SBIC và các bộ ngành có liên quan của Việt Nam sẽ trôi xuống biển.

Tình huống bất ngờ diễn ra khiến đại diện hãng luật đến từ Anh quốc tư vấn cho SBIC ngồi im, mọi con mắt đổ dồn vào chủ tọa cuộc họp - ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC.

Trước tái cơ cấu, Vinashin vay nợ trên 4 tỷ USD, trong đó có vay lại của Chính phủ từ nguồn trái phiếu quốc tế, vay nước ngoài, vay của các ngân hàng trong nước, vay từ các chủ tàu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị… Đến nay, các khoản nợ này cơ bản đã được thu xếp, trong đó việc cơ cấu lại khoản vay 600 triệu USD từ các chủ nợ nước ngoài đã trở thành một vụ việc điển hình tại Anh quốc.

Phiên tòa để đời của Chủ tịch SBIC ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Sự
 

Theo các điều khoản Vinashin cam kết với các chủ nợ, 600 triệu USD phải được trả từ năm 2010, lần đầu tiên sẽ thanh toán số tiền gốc là 60 triệu USD và cộng thêm khoản lãi trên 5 triệu USD, nhưng cho đến nay Vinashin mới chỉ trả trên 5 triệu USD tiền lãi.

Cuối năm 2011, một trong các chủ nợ là Elliot Advisers LP đã khởi kiện Vinashin ra tòa án quốc tế. Sau rất nhiều thương thuyết không thành, Vinashin đã được hãng luật tư vấn cho phương án cuối cùng: áp dụng luật Anh quốc để xử lý khoản nợ.

Theo điều luật này, Vinashin có quyền đệ đơn lên tòa án Anh quốc xin tòa cho phép triệu tập hội nghị chủ nợ để xem xét và biểu quyết về việc tái cơ cấu khoản vay 600 triệu USD. Sau khi thực hiện các thủ tục và gửi hồ sơ lên tòa, theo lời kể của ông Sự, Vinashin nhận được chấp thuận của tòa án về việc tổ chức hội nghị chủ nợ. Trong bản thông báo có ghi “Tòa án ủy quyền cho tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, làm chủ tọa. Hội nghị chủ nợ diễn ra vào 10h sáng, tại phòng họp X…. Singapore”.

Để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng này, toàn bộ tài liệu, trước đó đã được Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Vinashin… chuẩn bị cả tháng trời, chất đầy trong tủ hồ sơ được gửi cho 16 chủ nợ trước 16 ngày. Cẩn thận hơn, ông Sự yêu cầu nhân viên gửi cả bản cứng qua đường chuyển phát nhanh, gửi đảm bảo và cả bản mềm qua thư điện tử (có hệ thống xác nhận thư đã được gửi thành công). 2 đêm trước khi cuộc họp diễn ra, ông Sự thức trắng để chuẩn bị và ông cũng không thể nào ngủ được.

Cuộc họp diễn ra lúc 10h, trước đó 9h trời Singapore mưa rất to, các thành viên trong đoàn ai cũng lo lắng, song như một điềm tốt, đến trước 10h, trời nắng đẹp trở lại. Đúng 10h cuộc họp bắt đầu, ngoài các chủ nợ, phía Việt Nam có 2 tư vấn luật, ông Sự và một trưởng ban pháp chế của Vinashin, đại diện của Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC). Một công ty kiểm toán quốc tế uy tín được thuê để kiểm phiếu độc lập.

Vậy nhưng ngay khi cuộc họp bắt đầu, tình huống bất ngờ đã diễn ra. Một chủ nợ đứng lên xin hoãn họp. Theo quy định, chủ nợ có quyền xin hoãn họp, nếu không có lý do bác bỏ chủ tọa phải chấp thuận. Nếu điều này diễn ra, đồng nghĩa với việc Vinashin sẽ thất bại ở phiên tòa tới đây tại Anh quốc do không có cam kết của các chủ nợ gửi tòa.

Trước tình huống ngoài dự liệu đó, hai tư vấn luật của Vinashin ngồi im, mọi ánh mắt đổ dồn vào ông Sự. “Dù rất lo, tôi đứng dậy và nói, ghi nhận ý kiến của ông nhưng muốn biết lý do”, ông Sự kể lại. “Ông kia nói đơn giản là không đủ thời gian nghiên cứu tài liệu”, “Tôi nói, theo quy định, chúng tôi phải gửi tài liệu trước 14 ngày, song chúng tôi đã gửi sớm trước 16 ngày bằng cả bản cứng và email. Tại sao tất cả chủ nợ đều nhận được mà riêng ông không nhận được? Ông hãy chứng minh, tại sao ông không nhận được?  Nếu ông không trả lời được, tôi nhân danh Tòa án Anh quốc, tuyên bố cuộc họp vẫn tiến hành bình thường”. 

“Sau câu nói đó, tôi cảm giác như tất cả phía Việt Nam vỡ òa vì sung sướng, mặt mọi người giãn ra”. Vị chủ nợ đó ngồi xuống, cuộc họp tiếp tục. “Tôi kéo nghế ngồi cao hơn để dễ quan sát bên dưới và tôi thấy chính vị này sau đó đã đánh dấu đồng ý vào lá phiếu của họ. Trong thời gian kiểm phiếu, chúng tôi đều rất hồi hộp, lo lắng. Tất cả thành viên đoàn Việt Nam không ai nói chuyện với nhau, không khí im phăng phắc. Khi thời gian kiểm phiếu gần kết thúc, tôi ra hành lang, Ban kiểm phiếu đã tới bắt tay tôi chúc mừng, 84% chủ nợ đã đồng ý với phương án cơ cấu lại, đồng nghĩa với việc các chủ nợ khác đều phải làm theo. Khi biết kết quả này, không chỉ có tôi mà anh em trong đoàn đều giàn dụa nước mắt vì quá xúc động. Nửa tiếng sau, Thủ tướng Chính phủ gọi điện, tôi báo cáo  kết quả thành công”.

“Trở về Việt Nam, chúng tôi tiếp tục chuẩn bị tài liệu hầu tòa và tin tưởng rằng, phiên tòa nhất định sẽ thắng lợi. Tham dự phiên tòa diễn ra tại London, có tôi, anh trưởng ban luật của Vinashin và 3 người của công ty tư vấn đi cùng luật sư tranh tụng. Tôi không bao giờ quên được cảm giác hôm đó, không khí phòng xử án nghiêm nghị, mọi người đều căng thẳng.

Chúng tôi phải chờ một vụ xử trước đó rồi mới đến vụ của Vinashin. Sau khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố lý do xong, luật sư tranh tụng đứng lên báo cáo ngắn gọn trong 10 phút. Chủ tọa đứng lên nói ngay. Ông chỉ đống tài liệu đặt trong hơn 20 thùng giấy và nói, đây là vụ việc được quy định trong luật Anh nhưng chưa từng có tiền lệ trước đây, đặc biệt là với DN nước ngoài.

Ông tuyên bố: Tài liệu của các ngài đầy đủ, đúng quy định nên Tòa chấp thuận đề nghị của Vinashin và vụ việc sẽ được thực hiện theo đúng luật. 

"Chúng tôi rất vui mừng thông báo về Việt Nam kết quả phiên tòa. Vụ việc này giải quyết trong gần 3 năm và đã kết thúc thắng lợi”, ông Sự kể lại.

Theo phán quyết của tòa án, khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin đã được hoán đổi bằng trái phiếu do DATC phát hành, có bảo lãnh của Chính phủ. Thời hạn trái phiếu lên tới 12 năm, thanh toán một lần toàn bộ nợ gốc và lãi khi đáo hạn, với lãi suất chỉ 1%/năm. Nếu so với lãi suất và thời hạn trả nợ các khoản vay trước đây của Vinashin, đây là những điều kiện dễ chịu hơn rất nhiều.

Trong sự nghiệp của mình, ông Nguyễn Ngọc Sự đã từng là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nơi được mệnh danh là “thừa tiền và không mệt óc nghĩ đến việc kiếm tiền”. Được điều chuyển sang ghế nóng tại Vinashin với rất nhiều ồn ào và những lình xình khi doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, ông Sự có nhiều áp lực. Tuy nhiên, những trải nghiệm như câu chuyện ông chia sẻ ở trên, có lẽ là những tài sản vô giá, quý hơn tiền bạc mà không phải doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng có cơ hội trải qua trong đời.

Tin bài liên quan