Ông Đặng Thành Tâm trải lòng về lý do tự ứng cử ĐBQH khóa mới

(ĐTCK) Doanh nhân nên tích cực đóng góp vào việc xây dựng chính sách, cho ý kiến từ những trải nghiệm của bản thân doanh nghiệp mình và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), đại biểu Quốc hội khóa XIII, chia sẻ về lý do tự ứng cử trong đợt bầu cử Quốc hội khóa XIV tới đây. 

Đã có những lúc ông chia sẻ rằng, nếu có cơ hội cũng thôi không tham gia Quốc hội nữa. Vậy tại sao vừa rồi ông lại tự ứng cử tại đơn vị bầu cử TP. HCM trong kỳ bầu cử Quốc hội tới đây?

Con người kể cũng lạ, suy nghĩ  thường có những thay đổi. Trước đây, có những lúc bản thân tôi lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, sống dở, chết dở, ốm đau bệnh tật, hoạn nạn không biết ngày mai của mình sẽ ra sao. Thậm chí, có lúc tôi còn muốn uống thuốc sâu tự tử. Nhiều người nói, doanh nhân phải can đảm, lúc khó khăn nhất vẫn phải vững vàng không được nói ra, nhưng tôi nghĩ khác, mình cũng chỉ là những con người bình thường, nếu mình có khó khăn, hoạn nạn thì  tại sao cứ phải gồng lên, tại sao không được nói ra để chia sẻ.

Giờ nhiều chính sách đã thay đổi, việc kinh doanh của tôi đã tốt hơn, sức khỏe hồi phục dần, tự tôi thấy cần phải làm gì đó cống hiến nhiều hơn, mong muốn được đền đáp lại những người đã tin mình, giúp đỡ mình, những cử tri đã gửi gắm niềm tin vào mình.

Ông Đặng Thành Tâm 

Cử tri chán nhất những ông bà nghị gật, hầu như không tham gia đóng góp ý kiến gì. Bản thân ông tự nhận xét mình như thế nào về mặt này?

Tham gia Quốc hội là để nói lên tiếng nói của cử tri, của nhân dân, tôi không quên nhiệm vụ này. Kỳ Quốc hội vừa rồi, tôi nhẩm tính sơ sơ mình đã đóng góp phát biểu trên hội trường gần 20 lần, tuy cũng có thời kỳ mình thu mình yên lặng. Còn nếu tính đóng góp ý kiến bằng văn bản, gửi ý kiến đến các bộ, ngành, tôi đã thực hiện hơn 100 lần.

Thông thường, tôi tham gia nhiều nhất về kinh tế, chẳng hạn làm việc với Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến về các chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các quy định phi hình sự hóa quan hệ kinh tế, hình sự hóa pháp nhân, rồi ban hành án lệ… Các bộ luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, tôi cũng tham gia nhiều, còn các luật chuyên ngành thì ít hơn.

Là doanh nhân bận bịu, có những kỳ họp Quốc hội thấy ông vắng nhiều ngày, có cử tri nào đặt câu hỏi về việc này không ?

Cũng có cử tri chất vấn tôi, ở một số kỳ họp ông vắng nhiều thế, ông có thấy xấu hổ không khi không làm tròn chức trách đã được giao? Đúng là có đợt tiếp xúc cử tri, tôi ốm quá, không thể tham gia được, có lúc thật sự cũng không muốn đi nữa. Nhưng cũng có kỳ họp vì bệnh tật, Chủ tịch Quốc hội cho tôi nghỉ cả kỳ, nhưng tôi cũng chỉ nghỉ có hơn một tuần, đỡ ốm là tôi tham gia họp ngay. Chị Nương, chủ nhiệm Ban công tác đại biểu thậm chí còn biểu dương đại biểu Đặng Thành Tâm dù ốm bệnh vẫn cố gắng tham gia kỳ họp. Có thể, lúc này hay lúc khác, tôi vắng mặt trong kỳ họp, nhưng nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, tôi nhận thức rất rõ và tự thấy rằng, mình đã đóng góp khá nhiều, khá quyết liệt.

Ông nghĩ sao về những ý kiến cho rằng, doanh nhân là đại biểu Quốc hội thì rất dễ đóng góp ý kiến vì lợi ích nhóm của mình, chứ không hẳn vì lợi ích chung ?

Nếu định kiến như vậy thì đâu chỉ doanh nhân mới có lợi ích nhóm. Nhìn vào chính sách nào đó, chúng tôi luôn nhớ rõ vai của mình và xác định phải nhìn đại cục. Chẳng hạn, tôi từng góp ý rằng, không nên cấm cho vay bất động sản, có thể Chính phủ hạn chế bằng cách tăng lãi suất hoặc thắt chặt điều kiện cho vay, nhưng nhất định không nên hành chính hóa quan hệ kinh tế. Thực tế cho thấy, sau mấy năm thị trường bất động sản bị thắt chặt đến mức đóng băng, hàng loạt dự án đổ bể thì nhà quản lý sau đó lại ra sức hà hơi tiếp sức.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã chính thức bầu ra thế hệ lãnh đạo mới, giới doanh nhân có kỳ vọng gì vào bước ngoặt này?

Trong thông điệp tuyên thệ của các vị lãnh đạo đều thể hiện chung một khát vọng cống hiến, đoàn kết, huy động sức dân đưa Việt Nam tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đây đều là những thông điệp tốt cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Giờ nhiều chính sách đã thay đổi, việc kinh doanh của tôi đã tốt hơn, sức khỏe hồi phục dần, tự tôi thấy cần phải làm gì đó cống hiến nhiều hơn, mong muốn được đền đáp lại những người đã tin mình, giúp đỡ mình, những cử tri đã gửi gắm niềm tin vào mình.

Với các vị lãnh đạo mới, chúng tôi kỳ vọng, người mới sẽ có những tư tưởng đột phá, tạo ra một thời kỳ đổi mới cho đất nước, đó có thể là những chính sách đối ngoại, hội nhập với thế giới, hỗ trợ sản xuất trong nước, tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế... Chúng tôi rất mong tân Thủ tướng khơi thông dòng vốn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn, lương bổng, chính sách với người lao động sẽ tốt hơn.

Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với một loạt bộ luật mới đã được Quốc hội thông qua và đang được hướng dẫn, đưa vào cuộc sống, môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam sẽ ngày  càng thuận lợi hơn.

Từng trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời kinh doanh, ông cho rằng, điều gì sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp dân doanh mạnh dạn đầu tư trong thời gian tới?

Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Tố tụng hình sự... đã đưa thêm nhiều quy định mới, Bộ luật Hình sự cũng giảm bớt những điều chung chung, trong đó đáng chú ý là quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này phần nào giúp các đại diện pháp luật của doanh nghiệp là các tổng giám đốc, chủ tịch công ty bớt lo sợ hơn khi kinh doanh. Trước kia, công ty có vấn đề gì, chẳng hạn lâm vào nợ nần, họ rất dễ bị quy tội hình sự, mặc dù có thể họ không cố tình mắc lỗi vì đã thực hiện theo nghị quyết ĐHCĐ, theo các quy định tại điều lệ công ty. Nay pháp nhân chưa được trả nợ thì có thể bị quy tội hình sự, cho phá sản... Đó là tiến bộ của Hiến pháp, là động lực để doanh nhân lao vào kinh doanh, bớt sợ, chứ trước đây nhiều khi làm mà cứ lo ngay ngáy bên hông.

Trở lại với câu chuyện tự ứng cử của ông. Các đơn vị bầu cử hiện đang ở các vòng hiệp thương, doanh nhân cũng không dễ trúng cử vào Quốc hội, ông có e ngại, lần này sẽ thất bại hay không?

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM kỳ trước đã giới thiệu tôi và anh Lê Thành, nhưng cuối cùng chỉ có tôi trúng cử. Lần này, Hiệp hội  vẫn muốn tiến cử tôi, nhưng tôi nói thôi, để cơ hội cho anh em khác vì kỳ trước mình đã được giới thiệu rồi. Tự ứng cử bởi tôi mong cử tri thấy được tâm huyết của mình, còn được bầu hay không đối với tôi cũng không quá quan trọng, cũng không phải cố sống chết để được bầu.

Tin bài liên quan