Phối cảnh dự án Xuân Mai Sparks Tower

Phối cảnh dự án Xuân Mai Sparks Tower

Ông chủ kín tiếng của Xuân Mai

(ĐTCK) Đã khá lâu sau khi rời sàn, tuần qua, CTCP Đầu tư xây dựng Xuân Mai (mã chứng khoán XMC, trước đây là CTCP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai) mới xuất hiện trở lại với thông tin chia cổ tức bằng tiền năm 2015.

Đây thực sự là tin vui với nhiều cổ đông nhỏ lẻ của Công ty, trong khi không ít nhà đầu tư trên thị trường muốn tìm hiểu: Người đứng sau những chuyển biến của XMC là ai?

Hồi sinh nhanh chóng

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 29/6/2016 là ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2015 bằng tiền tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng) của XMC. Thời gian thanh toán vào ngày 11/7/2016. Không nhiều doanh nghiệp có được sự lột xác ngoạn mục sau thời gian ngắn như XMC.

CTCP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai từng là một trong những công ty con lớn nhất của Vinaconex, hoạt động hiệu quả khi làm chủ một số công nghệ xây dựng hiện đại như bê tông dự ứng lực, cũng như khả năng xây dựng và phát triển các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà giá rẻ. Tuy nhiên, do phát triển “quá nóng”, trong khi không chủ động được nguồn lực tài chính, nên XMC đã thất bại khi thị trường bất động sản đóng băng giai đoạn 2011-2013. Việc ngân hàng ngừng rót vốn khiến XMC mất cân đối về tài chính, dẫn đến thua lỗ nặng nề, ban lãnh đạo bị kiểm điểm, một số dự án phía Nam được mua nhưng không thẩm định kỹ nên gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý…  Kết thúc năm tài chính 2013, XMC lỗ lũy kế 88,44 tỷ đồng.

Ông chủ kín tiếng của Xuân Mai ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Cử 

Trong bối cảnh đó, Vinaconex đã quyết định thoái 51% (tương đương 10,2 triệu cổ phần) vốn khỏi XMC. Bên mua là Công ty TNHH Khải Hưng (theo hồ sơ của LienvietPost Bank, ông Nguyễn Đức Cử, Phó chủ tịch Lienviet PostBank, làm Giám đốc của Công ty Khải Hưng từ năm 1992). Đồng thời, Công ty Khải Hưng cũng cam kết sẽ mua lại cổ phiếu của các cổ đông có nhu cầu bán trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày cổ phiếu bị hủy niêm yết, với giá không thấp hơn giá sàn của cổ phiếu XMC tại ngày 11/10/2013.

Sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn của Vinaconex, XMC đã tổ chức ĐHCĐ bất thường vào tháng 10/2013 để bầu lại HĐQT, Ban Kiểm soát và xin hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc Công ty. Tháng 11/2013, XMC hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ gần 20 triệu cổ phần. Đến tháng 4/2014, XMC chính thức đổi tên thành CTCP Đầu tư xây dựng Xuân Mai.

Công ty Khải Hưng với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối đã đề cử người nắm các vị trí cao nhất tại XMC, tiến hành tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động Công ty, trong đó thực hiện nhiều dự án bất động sản như Xuân Mai Sparks Tower (8 tòa) tại cụm HH2 Dương Nội; Hastone Tower tại 150 Thanh Bình, Hà Đông; tòa CTA, CTB dự án Chung cư VOV Mễ Trì; mua lại toàn bộ các căn hộ của tòa tháp Hạnh Phúc thuộc dự án Hà Nội Paragon (Cầu Giấy, Hà Nội); triển khai dự án di dân Him Lam Phố cổ…

Ngay sau khi về tay chủ mới, năm 2014, XMC đã đạt lợi nhuận hợp nhất trên 91 tỷ đồng. Năm 2015, XMC đạt doanh thu hợp nhất 1.667 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 65,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài cổ tức 10% bằng tiền mặt, năm 2015, cổ đông của XMC còn nhận được thưởng cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (99 tỷ đồng/199 tỷ đồng). 

Cùng với việc gia tăng giá trị sản lượng, khối lượng công việc nhiều hơn, lương của người lao động năm 2015 cũng tăng đáng kể. Bình quân lương của khối văn phòng Công ty đã tăng từ 8,7 triệu đồng/người/tháng trong năm 2014 lên 10 triệu đồng/người/tháng (tăng 14,4%). Công ty cũng đã xây dựng được hệ thống bảng lương mới theo từng vị trí công việc. Việc xếp lương cho cán bộ được thực hiện dựa trên mức độ hoàn thành công việc, nhằm mục đích khuyến khích thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao công tác chuyên môn của từng cán bộ.

Phía sau những thành công của XMC không thể không nhắc tới vai trò của các “mạnh thường quân” là các ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, LienViet PostBank… Từ đó, XMC có được sự hỗ trợ lớn về tài chính để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Đơn cử, tính đến cuối quý I/2016, LienViet PostBank đã hỗ trợ XMC các khoản như: vay ngắn hạn 317 tỷ đồng; vay dài hạn 352 tỷ đồng; vay dài hạn đến kỳ trả là 239 tỷ đồng.

Chân dung ông chủ kín tiếng

Năm 2014, Công ty Khải Hưng thông báo chuyển nhượng toàn bộ 10,2 triệu cổ phần XMC cho CTCP Đầu tư xây dựng Ngọc Mai. Vậy Công ty Khải Hưng có gì khác Công ty Ngọc Mai?

Có cổ đông đã thắc mắc tại ĐHCĐ năm 2015 của XMC về ông chủ mới. Tuy nhiên, theo ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT XMC, ông Nguyễn Đức Cử vẫn là đại diện cổ đông lớn và ông Cử khẳng định, Công ty Ngọc Mai sẽ tiếp tục hỗ trợ trong hoạt động điều hành, cũng như tài chính cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của XMC. 

Tại ĐHCĐ năm 2016, ông Nguyễn Đức Cử tiếp tục xuất hiện trong vai trò đại diện của cổ đông lớn và ông đã có bài phát biểu thể hiện rõ chiến lược hoạt động của XMC. Cụ thể, hoạt động của XMC được định hướng gồm 2 mảng, đó là xây lắp và kinh doanh, đầu tư bất động sản. Mục tiêu trong thời gian tới là đưa XMC trở thành nhà thầu, nhà đầu tư danh tiếng trên thị trường xây dựng trong nước và quốc tế. Mong muốn của cổ đông lớn là trong năm 2016, XMC sẽ tăng vốn lên 500 tỷ đồng, kỳ vọng giai đoạn 2017-2018 tăng tiếp lên 1.000 tỷ đồng và niêm yết trở lại trên thị trường chứng khoán. XMC cũng sẽ tham gia vào thị trường bất động sản cao cấp.

Tuy nhiên, thời gian chưa đủ để cả bộ máy thay đổi thực sự. Ông Cử đánh giá, đến thời điểm hiện tại, quá trình tái cấu trúc của XMC đã tiến hành được 3 năm, tuy nhiên mới chỉ cải tổ được 50%.

Những hạn chế của XMC đã được HĐQT Công ty chỉ ra, đó là các đơn vị thành viên vẫn chưa chủ động trong việc thay đổi cách thức hoạt động cũng như quy trình quản lý, dẫn đến khả năng cạnh tranh không cao, không đủ sức tham gia cung cấp dịch vụ và sản phẩm ngoài thị trường. Đội ngũ nhân sự thiếu và yếu cả về chất và lượng, tính chủ động và chịu trách nhiệm của các cán bộ chủ chốt chưa cao. Hệ thống đang thiết kế trên trục trung tâm là Ban quản lý dự án/Ban điều hành dự án, nhưng năng lực của các trưởng ban còn hạn chế.

Tình hình của XMC trong những năm qua đã có nhiều cải thiện, song vẫn chưa khắc phục được hết những tồn tại từ các năm trước. Việc tiếp tục phải xử lý các tồn tại và hậu quả của các dự án đầu tư phía Nam, cũng như các công ty con hoạt động thua lỗ vẫn đang được thúc đẩy nhưng còn chậm do nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố pháp lý của các dự án này và vấn đề công nợ.

Năm 2016, XMC tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng rất cao, doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 2.268 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 92,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 36% và 40% so với thực hiện năm 2015. Phát triển nhanh, đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn của doanh nghiệp. Bởi vậy, trong năm 2016, XMC dự kiến phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3-5 năm, đồng thời tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1.

Sức mạnh của XMC có thể còn được cộng hưởng nhiều hơn, bởi ông Nguyễn Đức Cử còn hiện diện ở nhiều dự án khác. Chẳng hạn, ông Cử là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Bất động sản và xây dựng Việt Hưng, chủ đầu tư dự án Eco-Green City trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội, với quy mô 20.234 m2 gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng. Mối quan hệ của các pháp nhân có liên quan đến doanh nhân Nguyễn Đức Cử thể hiện khá rõ nét trong dự án này, khi đơn vị tư vấn quản lý dự án là Công ty Ngọc Mai, tổng thầu thi công là XMC và đơn vị tài trợ vốn là Lienviet PostBank.

Tin bài liên quan