Nuôi chí lớn để vươn lên

Nuôi chí lớn để vươn lên

(ĐTCK) Có lẽ chưa bao giờ khí thế và ngọn lửa nhiệt huyết doanh nhân Việt Nam lại hừng hực bừng cháy đến như vậy. 10 tuyên bố nhóm chuyên đề và 1 bản tuyên bố chung đã được thông qua với sự đồng thuận nhất trí cao của cả cộng đồng DN và các đối tác đã trở thành tuyên ngôn lịch sử đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, thể hiện khát vọng vươn lên cháy bỏng của DN tư nhân Việt trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

30 năm đổi mới và sự tụt hậu của khu vực tư nhân

Đất nước trải qua 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, DN tư nhân được thừa nhận rộng rãi và trở thành một trụ cột, một động lực quan trọng của nền kinh tế. Song nhìn vào bức tranh thực trạng khu vực mang trên mình sứ mệnh tiên phong trên mặt trận kinh tế này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO thẳng thắn thừa nhận, DN tư nhân nói chung hầu hết là DN vừa và nhỏ thiếu bề dày tích lũy và phát triển. Với những điểm yếu cố hữu và sự yếu thế, non nớt trên hầu hết các phương diện, DN tư nhân Việt Nam luôn ở một vị thế khó khăn nếu so sánh với các DN FDI hay DN nhà nước vốn có bề dày lịch sử, kinh nghiệm và xuất phát điểm công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển.

Tuy nhiên, một cách khách quan, ông Dương cho rằng, không nên lấy đó làm cái cớ để biện minh cho sự phát triển kém cỏi của khu vực này.

“Các DN tư nhân Việt nam hiện nay cần thấy có một phần trách nhiệm khi quá trình hội nhập đang bước vào giai đoạn mới, sâu rộng hơn bội phần với việc thực hiện các Hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương, mà bản thân mỗi DN vẫn đang loay hoay với những bài toán nhỏ bé của mình. DN sản xuất của Việt Vam vì sao ‘mãi không lớn’ không chỉ là câu hỏi liên tục được đặt ra trong những năm qua, mà nó cũng như một câu trả lời, một câu khẳng định về sự yếu kém, non nớt của các DN tư nhân Việt Nam nói chung, cũng như DN sản xuất công nghiệp nói riêng”, ông Dương nói.

Cũng với quan điểm cần nhìn thẳng vào sự thật để tự đánh giá, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, mặc dù đã có nhiều ngành, nhiều DN thành công, tuy nhiên, xét trên bình diện quốc gia, năng lực cạnh tranh của các DN Việt còn rất thấp, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, năng suất đã thấp lại tăng chậm, hàm lượng sáng tạo ít, tăng trưởng không bền vững...

Không chỉ có vậy, DN Việt cũng tự nhận thấy được những yếu kém tồn tại trong quản trị quốc gia và quản trị kinh doanh, chuẩn mực văn hóa dịch vụ công và văn hóa kinh doanh đang hình thành, yếu về quy trình, chuẩn mực và năng lực thực hành. Đó là những tồn tại lớn, mà theo ông Vũ, cùng với cơ quan công quyền, DN cần chú trọng tổng hợp nguyên nhân yếu kém, đối thoại và xây dựng, từ đó tìm ra giải pháp phát triển cho chính mình để vượt lên, thích ứng trong bối cảnh hội nhập. 

Khát vọng, ý chí tự cường và trách nhiệm tiên phong

Với cách nhìn nhận biện chứng, trong thông điệp tuyên bố hội nhập và toàn cầu hóa, ông Lê Phước Vũ cho rằng, hội nhập là tiến trình tất yếu để DN Việt Nam phải tự khắc phục các điểm yếu và nuôi ý chí khát vọng vươn lên.

“Không hội nhập, chúng ta không thấy cái yếu của chính mình. Càng hội nhập, yếu kém càng bộc lộ, đòi hỏi phải luôn nghiêm khắc với bản thân, chủ động cải cách khắc phục yếu kém và liên tục hoàn thiện. DN Việt Nam cần chấp nhận hội nhập, chúng ta mạnh dạn mở cửa cả về thuế quan và phi thuế quan, chấp nhận cạnh tranh”, ông Vũ nhấn mạnh.

Không chỉ có vậy, cộng đồng DN tư nhân cũng nhận thức rõ được trách nhiệm và sứ mệnh đã thay đổi. Vai trò tiên phong dẫn dắt nền kinh tế đất nước giờ đây không còn nằm trong tay các DN nhà nước, dù khu vực này đã từng chiếm vị thế áp đảo trong nền kinh tế, được ưu ái mọi mặt với hy vọng tạo nên những “quả đấm thép” trong công cuộc phát triển, đổi mới đất nước.

Đến nay, với những điểm yếu và bất cập bộc lộ ngày càng nhiều, khu vực kinh tế nhà nước đã mất đi vai trò tiên phong vốn có. Thay vào đó, Chính phủ chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa, đồng thời khuyến khích hơn nữa sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, sứ mệnh tiên phong giờ đây theo quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường đã đặt lên vai các DN tư nhân.

Ý thức vai trò dẫn dắt và trách nhiệm chung trước vận hội phát triển của đất nước, DN nhà nước cùng DN tư nhân tạo nên một khối DN Việt Nam đoàn kết, cùng nhau bước vào sân chơi hội nhập.

“Trong điều kiện DN Việt Nam đang ở thế yếu về nhiều mặt so với DN nước ngoài trên chính thị trường Việt Nam, DN Việt cần liên kết với trách nhiệm và ý thức tự cường dân tộc để vượt qua thách thức”, tuyên bố hội nhập và toàn cầu hóa của DN tư nhân nêu rõ. 

Song hành với hội nhập và cải cách để “cất cánh”

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực tự thân vượt lên khó khăn của DN Việt, cộng đồng DN tư nhân cho rằng, thị trường mở, tự do cạnh tranh đòi hỏi nền quản trị công cũng phải tiến bộ song hành, phải rất chuyên nghiệp, hiệu quả và đủ khả năng “cầm trịch”. Điều đó có nghĩa là, hội nhập đòi hỏi Chính phủ và DN cùng phải song hành cải cách và liên tục hoàn thiện.

Theo đó, DN phải đẩy mạnh cải thiện quản trị nội bộ, phát huy tư duy năng động nhạy bén và sáng tạo để khắc phục yếu kém cố hữu, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng phát triển. Trong quá trình này, DN rất trông đợi ở nỗ lực cải cách từ Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc thay đổi tư duy, quan điểm hành động trong quản trị nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng quản trị công để xây dựng một nền văn hóa quản trị phục vụ DN vì lợi ích chung của quốc gia.

Cùng với cam kết các DN có quy mô lớn, dẫn đầu ngành nỗ lực tiên phong vươn lên và chủ động tạo điều kiện để DN vừa và nhỏ cùng phát triển, nhiều kiến nghị đẩy mạnh cải cách tới Chính phủ và cơ quan quản lý cũng đã được cộng đồng DN tư nhân đưa ra. Đặc biệt, đề xuất kiến lập cơ chế đối thoại để giám sát nền hành chính công, nhằm đảm bảo cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại là một tiến trình liên tục, ở tất cả các cấp và các ngành, có sự tham gia giám sát của DN và người dân.

Đồng thời, cần liên tục cải thiện về nhận thức, văn hoá, chuẩn mực hành chính công, đối xử minh bạch, cởi mở với DN tư nhân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hướng dẫn DN vận dụng cơ chế của hệ thống thương mại đa biên như chống bán phá giá, các biện pháp kỹ thuật, các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế, khu vực; nâng cao năng lực chống chuyển giá, trốn thuế, thôn tính, cạnh tranh không lành mạnh; tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả trong thực hành “một điểm dừng”, đăng ký kinh doanh, thông quan, khai thuế, xúc tiến thương mại và đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư trong nước,…

Nhìn nhận từ góc độ đối tác tham vấn, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank Việt Nam Sandeep Mahajan đánh giá, điều kiện của Việt Nam là nền móng về thể chế của một nền kinh tế thị trường phát triển chưa được thành lập; thị trường vốn và đất đai chưa phát triển, lại chịu tác động của quyết định hành chính, thường thiên vị những chủ thể có quan hệ; năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp thấp, đặc biệt là liên kết trong chuỗi giá trị giữa các DN trong nước và DN nước ngoài còn rất yếu, gây cản trở việc chuyển giao bí quyết và công nghệ…

Do vậy, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là cần tập trung vào việc tăng năng suât lao động của khu vực tư nhân, tăng cường thể chế vi mô của nền kinh tế thị trường, đảm bảo quyền tài sản tư, hoàn thiện và thực thi chính sách cạnh tranh tốt hơn để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển mạnh. 

Chính phủ cùng DN nuôi chí lớn

Tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho những người cầm trịch sứ mệnh tiên phong mới, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần, chủ thề nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh để phát triển, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

“Chính phủ sẽ tập trung chăm lo các DN hiện tại, hỗ trợ các DN khởi nghiệp, xây dựng cộng đồng DN Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững”, Phó thủ tướng khẳng định và cho biết, hiện Chính phủ đã hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, ban hành các quyết sách hỗ trợ DN để quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu DN, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển. Chính phủ sẽ khơi thông tất cả các thị trường: thị trường nội địa, biên mậu, vốn và tiền tệ, thị trường tài chính, khoa học-công nghệ, lao động và thị trường đất đai.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhấn mạnh lại một lần nữa tinh thần khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN trên cơ sở có chọn lọc, trân trọng người tài, chứ không phải dựa trên mối quan hệ và sự thân hữu.

“Chúng ta đã tạo ra sân chơi bình đẳng cho các loại hình DN, nhưng chúng ta không thể hỗ trợ những DN yếu kém và không tự đi bằng đôi chân của mình. Yếu kém do vướng mắc khó khăn thì Chính phủ sẽ hỗ trợ tháo gỡ, nhưng DN phải phát huy tinh thần tự lực, tự chủ. Nếu trong quá trình phát triển mà bị thị trường sàng lọc, loại khỏi ‘cuộc chơi’ thì phải chấp nhận, đó là quy luật thị trường, hỗ trợ của Chính phủ sẽ tập trung cho những người chiến thắng”, Phó thủ tướng khẳng định.

Khu vực kinh tế tư nhân chịu tác động cộng hưởng của 3 làn sóng

Nuôi chí lớn để vươn lên ảnh 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) 

Kinh tế tư nhân đang đứng trước áp lực mới và đang có những vận hội mới để phát triển. Về tâm thế mới, chúng tôi rất vui mừng khi trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 đã lần đầu tiên chính thức xác định, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và cũng lần đầu tiên đưa ra yêu cầu về việc thúc đẩy khởi nghiệp.

Tâm thế mới đi kèm vận hội mới và áp lực mới. Việt Nam là nước hiếm hoi mà khu vực kinh tế tư nhân bước vào giai đoạn có sự tác động cộng hưởng của 3 làn sóng. Thứ nhất, làn sóng cải cách thể chế lần thứ 2 của nền kinh tế Việt Nam, một yêu cầu rất quan trọng đã được nêu trong Văn kiện, đó là vươn tới các chuẩn mực của thế giới, hướng tới một nền kinh tế hiện đại và hội nhập. Thứ hai, làn sóng hội nhập mở cửa để các DN tư nhân có không gian và thị trường toàn cầu với điều kiện thuận lợi nhất. Thứ ba, làn sóng của nền kinh tế số.

Tác động cộng hưởng của 3 làn sóng cải cách này sẽ tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Công cuộc cải cách thể chế sẽ tiếp tục được “cởi trói” và giải phóng cho kinh tế tư nhân. Cuộc cách mạng công nghệ sẽ tiếp sức cho nền kinh tế tư nhân và hội nhập sẽ mở cửa không gian cho khu vực kinh tế tư nhân.

Riêng đối với tinh thần khởi nghiệp của DN Việt nam, theo kết quả khảo sát, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về tinh thần khởi nghiệp. Về khả năng tận dụng cơ hội của nền kinh tế số, Việt Nam thuộc nhóm nước có khả năng đột phá trong tương lai, là 1 trong 5 “ngôi sao” đang lên của nền kinh tế số cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Philippines.

Đề nghị Chính phủ theo đúng tinh thần Đại hội Đảng là hướng tới nền kinh tế hiện đại, hội nhập và hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong ASEAN.

Về phía các DN, phải tự nâng cấp mình lên để song hành với Chính phủ. Nếu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 trở thành 1 trong 3 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất ASEAN, thì cộng đồng kinh doanh phải phấn đấu đến năm 2030 để có năng lực cạnh tranh xếp tối thiểu trong Top 3 của ASEAN. Tôi tin tưởng, cộng đồng kinh doanh Việt Nam sẽ có quyết tâm và cách thức để thực hiện được điều này với sự mở đường của Chính phủ.

Các DN còn chia rẽ, thiếu sự phối hợp

Nuôi chí lớn để vươn lên ảnh 2

 Ông Trần Mạnh Báo,Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình

Doanh nhân trong ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng cung cấp vốn đầu tư, kiến thức quản lý và khoa học công nghệ, mở ra cánh cửa thị trường để hàng hóa, nông sản Việt Nam tiến vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh tăng dân số và thu nhập, biến đổi khí hậu phức tạp, giá nông sản thế giới tiếp tục giữ ở mức cao, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đang mở ra những thị trường mới cho sản xuất nông nghiệp. Đã đến lúc, doanh nhân Việt Nam phải giành thế chủ động, làm chủ thị trường trong nước và tiến ra thị trường quốc tế.

Nông nghiệp là lĩnh vực đi trước, tiên phong, mở đường thành công cho quá trình đổi mới, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo thắng lợi, liên tục xuất siêu, góp phần bảo vệ vững vàng chủ quyền biển đảo, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tái lập cân bằng môi trường.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề như tình trạng phân tán, chia rẽ, thiếu đoàn kết, thiếu phối hợp giữa các DN với nhau, giữa nhà nước và tư nhân… Trong tổ chức, đó là sự yếu kém về năng lực quản lý, sự lạc hậu về công nghệ, sự nhỏ bé về quy mô tư liệu và nguồn lực sản xuất, yếu kém về thông tin thị trường, còn trong quan hệ quốc tế, đó là tác phong làm ăn tùy tiện, lỏng lẻo về đạo đức và bất tín trong kinh doanh, thói quen chạy chọt, lẩn tránh pháp luật…

Hội nhập, bây giờ hoặc không bao giờ

Nuôi chí lớn để vươn lên ảnh 3

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tich HĐQT Tập đoàn Hoa Sen 

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam. Hội nhập tạo ra cho DN áp lực, động lực tăng trưởng, cũng như tạo ra thách thức để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ và bền vững hơn.

Cộng đồng DN tư nhân ý thức rất rõ hội nhập là điều tích cực, nhưng chúng tôi đang hội nhập trong thế yếu, vì đại đa số DN còn non trẻ, yếu về vốn, công nghệ, năng lực quản trị, chất lượng lao động còn thấp, tác phong công nghiệp còn yếu... Mặc dù vậy, chúng tôi ý được thức rằng, bây giờ hoặc không bao giờ, bởi hội nhập là cơ hội lớn nhất để cộng đồng DN tư nhân Việt Nam phát triển và đuổi kịp khu vực, cũng như quốc tế. Chúng tôi có thể lấy lao động thắng quy mô, sáng tạo để thắng chuyên nghiệp, lấy nỗ lực và tốc độ để bù cho vị thế của người đi sau. Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” và còn 20 năm để nắm bắt cơ hội, để có thể tăng trưởng mạnh mẽ.

Tin bài liên quan