Ngô Quang Phúc và triết lý về giá trị cốt lõi của bất động sản

Ngô Quang Phúc và triết lý về giá trị cốt lõi của bất động sản

(ĐTCK)  “Trong kinh doanh bất động sản, không bao giờ có chuyện của rẻ mà của tốt được. Giá hợp lý, song điều quan trọng là doanh nghiệp phải nói được, làm được là yếu tố đặc biệt quan trọng để dẫn đến thành công”. 

Câu nói thể hiện triết lý kinh doanh rất từng trải của doanh nhân còn khá trẻ thuộc thế hệ 8X Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam, người được giao nhiệm vụ “cầm trịch” kinh doanh của Him Lam Land.

Không chỉ trong năm 2015, mà từ nhiều năm trước, giữa những lúc thị trường bất động sản gặp muôn vàn khó khăn, khá nhiều dự án bị ngưng trệ bán hàng, chúng tôi luôn theo dõi và chứng kiến, các dự án của Him Lam Land đầu tư vẫn đều đặn bán được hàng, còn khi thị trường phát triển, các dự án của Him Lam lại có kết quả bán hàng vượt trội. Kết quả này không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ những triết lý kinh doanh, cách nghĩ, cách làm của Him Lam. Nhân dịp Tết đến, Xuân về, ông Ngô Quang Phúc trao đổi với Đầu tư Bất động sản về những trải nghiệm trong kinh doanh bất động sản.

Theo ông Phúc, kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, kết quả cuối cùng chính là thước đo giá trị. Chẳng hạn, trong kinh doanh những mặt hàng sản xuất,  kết quả cuối cùng là chất lượng sản phẩm và công dụng sản phẩm như thế nào. Nếu kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, cái cuối cùng là chất lượng dịch vụ đó ra sao.

Ông Ngô Quang Phúc
 

Tương tự, trong kinh doanh bất động sản cũng vậy, yếu tố để đánh giá một dự án thành công hay không chính là giá trị gia tăng sau khi đầu tư. Do vậy, với một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nếu chủ đầu tư hướng đến mục tiêu cốt lõi ngay từ đầu và thực hiện mục tiêu một cách nghiêm túc thì họ đã thành công đến 80%. 

Là người có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư kinh doanh bất động sản, theo ông, đâu là yếu tố tiên quyết để một dự án đạt được những giá trị cốt lõi, như ông đã nói?

Theo tôi, yếu tố trước tiên mang tính xuyên suốt của một quá trình đầu tư xuất phát từ tư duy của người làm kinh doanh. Tư duy đúng sẽ dẫn đến chiến lược đúng. Lấy dẫn chứng từ câu chuyện đầu tư dự án bất động sản của Him Lam Lan để làm ví dụ. Him Lam làm bất động sản với quan điểm xuyên suốt: Làm thế nào để sản phẩm đầu ra của một dự án phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là để ở hoặc là tài sản tích lũy lâu dài. Từ quan điểm kinh doanh như vậy, sản phẩm hầu hết từ các dự án của Him Lam làm ra đều không tách rời mục tiêu ban đầu, đó là tạo được cho khách hàng một nơi ở tốt nhất, chất lượng nhất và dịch vụ đi kèm tốt nhất. Còn nếu xác định mục tiêu là tài sản tích lũy, thì vị trí phải có chiến lược tiềm năng.

Chính vì tư duy kinh doanh như vậy, nên với Him Lam, không có dự án nào ở vị trí xấu, vì vị trí xấu đã bị loại ngay từ đầu. Có thể nói, vị ví là tiêu chí đầu tiên để Him Lam đưa ra quyết định có đầu tư dự án đó hay không. Sau khi xác định vị trí, mới tính đến các yếu tố khác làm thế nào để bất động sản có giá trị tốt nhất, liên quan đến các vấn đề thiết kế, chăm chút đầu tư các tiện ích dự án, tiện ích sản phẩm…

Ngoài những yếu tố trên, còn có những yếu tố nào khác liên quan đến sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp địa ốc, thưa ông?

Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công hay thất bại của một doanh nghiệp bất động sản, song qua đúc kết có hai yếu tố cơ bản tạo nên giá trị gia tăng của bất động sản,  đó là yếu tố khách quan và chủ quan.

Yếu tố khách quan liên quan đến sự tác động bên ngoài, chẳng hạn như khi thị trường tốt, thì bất động sản tăng giá, tăng thanh khoản, hoặc những yếu tố khách quan khác tác động như lãi suất giảm, nhu cầu gia tăng cũng tác động khiến giá bất động sản… Mà đã là yếu tố khách quan, thì sự hưởng lợi từ các dự án đều giống nhau. Nếu thị trường tích cực thì kết quả kinh doanh các dự án đều tích cực, còn nếu thị trường xấu thì kết quả kinh doanh các dự án cũng xấu theo. Điều này các chủ dự án không kiểm soát được, mà chỉ có thể dự báo và có khi mang yếu tố rủi ro.

Thứ hai là yếu tố chủ quan. Đây là yếu tố mang tính quyết định và là nền tảng phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Điều này mang nặng ý chí của doanh nghiệp, mong muốn đầu tư vào một dự án như thế nào, nói được làm được, thậm chí nói ít làm nhiều. Chẳng hạn, khi triển khai Dự án Him Lam Phú Đông, ngay từ đầu, Công ty đã cam kết với khách hàng sẽ biến Him Lam Phú Đông thành một dự án cao cấp nhất khu vực phía Đông Bắc TP. HCM. 

Him Lam nói được sẽ làm được, bởi ở dự án này, Công ty sẽ gắn camera, phủ sóng wifi cho toàn khu, làm hạ tầng toàn bằng trang thiết bị tốt, thành lập ban quản lý để tự quản khu dân cư, tạo ra các tiện tích cho cư dân tất cả trong một… Đó chính là ý chí của chủ đầu tư. Còn khi làm một dự án mà hạ tầng chưa được đầu tư đã vội bán đi, sau đó giao cho dân muốn làm gì thì làm, thì chắc chắn giá trị dự án không thể gia tăng. Có thể nói, nếu như yếu tố khách quan là yếu tố quan trọng mang lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, thì yếu tố chủ quan là yếu tố mang tính quyết định, tạo nên giá trị thực sự của một doanh nghiệp.

Vì sao hai dự án sát bên cạnh, có vị trí tương đương nhau, nhưng một doanh nghiệp bán với giá 20 triệu đồng/m2, ông kia lại bán 30 triệu đồng/m2, nhưng người ta vẫn quyết định mua sản phẩm của ông bán 30 triệu? Vì khách hàng tin vào uy tín, thương hiệu của chủ doanh nghiệp, tin vào giá trị mà doanh nghiệp này mang lại trong tương lai, đó chính là nhờ yếu tố chủ quan mang lại. Và ý chí này đã trở thành chiến lược xuyên suốt trong quá trình đầu tư dự án của Him Lam.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện khá nhiều dự án mang tên ngoại, trong khi các dự án của Him Lam dường như tên dự án không tách rời chữ Him Lam - một cái tên mà theo nhận định của nhiều người, có vẻ mang tính địa phương và hơi quê mùa?

Quả đúng như vậy. Hiện nay, trên thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp lấy tên dự án toàn tiếng nước ngoài, nhưng với các dự án của Him Lam, tất các dự án vẫn không tách rời chữ Him Lam. Cái tên quả thật có người cho rằng hơi quê mùa, nhưng với chúng tôi, cái tên Him Lam đã trở thành giá trị thương hiệu lâu bền, mà đã là giá trị lâu bền, thì phải làm tốt, chứ làm xấu, khách hàng sẽ quay lưng với mình ngay.

Giá trị này không phải được tạo ra bởi một dự án, hay một sớm một chiều, mà là cả một quá trình và như một sự cam kết. Sự cam kết này được minh chứng bằng hàng loạt dự án Him Lam đã thực hiện từ trước đến giờ, các dự án của Him Lam đầu tư, giá trị không bao giờ đi xuống, mà luôn tăng cao. Hoặc giả thiết, nếu thị trường quá xấu, các dự án khác có thể giảm giá nhiều, nhưng dự án của Him Lam giảm giá ít hơn, ngược lại khi thị trường tốt, dự án của Him Lam luôn tăng giá cao hơn.

Năm 2016, thị trường bất động sản dự báo sẽ còn nhiều dư địa phát triển, song cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do nguồn cung đang gia tăng. Đâu là chiến lược kinh doanh của Him Lam Land trong thời gian tới?

Cách làm của Him Lam Land từ trước đến giờ là không quan tâm nhiều đến thị trường, mà chỉ quan tâm vào đặc thù của từng dự án để đưa ra mục tiêu, chiến lược kinh doanh. Theo đó, mục tiêu chủ đạo trong năm 2016 của Him Lam Land sẽ tung ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ cao cấp, có giá trị  từ 1 - 1,5 tỷ đồng/căn và đối tượng khách hàng hướng đến là giới trẻ.

Khởi đầu của dòng sản phẩm này là 400 căn hộ của Dự án Him Lam Phú Đông, sau đó, đầu quý II/2016, Him Lam sẽ  tiếp tục ra mắt 1.300 căn hộ của dòng sản phẩm này với diện ích chủ yếu từ 60 - 65 m2/căn với giá trị trung bình chỉ từ 1 - 1,5 tỷ đồng/căn, nhưng chất lượng rất cao. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm nhà thấp tầng, số lượng cung cấp ra thị trường khoảng 600 sản phẩm có giá từ 3 tỷ đồng/sản phẩm.

Hiện trên thị trường xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư vào phân khúc căn hộ cao cấp. Theo ông, liệu tình trạng này có dẫn đến hệ lụy xấu cho thị trường sắp tới?

Đúng là gần đây trên thị trường xuất hiện khá nhiều dự án căn hộ được rao bán mang danh nghĩa cao cấp. Tuy nhiên, ngôn từ cao cấp này nghiêng về kỹ thuật bán hàng nhiều hơn, vì đây là cách dùng từ trong bán hàng, chứ không phải chủ yếu về dự án. Bởi cao cấp hay không còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, ngoài vị trí, còn liên quan đến chất lượng xây dựng, quy hoạch tổng thể…

Thị trường bất động sản hiện này dù đã tốt lên, nhưng yếu tố cạnh tranh vẫn vô cùng khốc liệt. Một doanh nghiệp muốn phát triển dự án thành công, anh phải chế biến được món ăn hợp với khẩu vị của thị trường, bởi đi sau mà không có những món ăn ngon, chắc chắn sẽ thất bại. Khách hàng trong giai đoạn hiện nay rất thông minh khi quyết định mua hàng, do vậy, dự án có thực sự cao cấp hay không, chính khách hàng là người hiểu rõ nhất.

Thị trường hiện nay rất minh bạch, nguồn cung tăng cao, doanh nghiệp muốn bán được hàng phải đầu tư xây dựng bài bản, chứng minh cho khách hàng thấy được giá trị của dự án. Nếu doanh nghiệp nào không làm được điều này sẽ gặp khó khăn ngay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan