Ông Trần Xuân Huy

Ông Trần Xuân Huy

Ngã rẽ của cựu CEO Sacombank Trần Xuân Huy

(ĐTCK) Rẽ chân sang lĩnh vực đào tạo sau 12 năm gắn bó với Sacombank, trong đó có 5 năm ở vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng, hành trình mới với CEO VietVictory Trần Xuân Huy đang tràn đầy hứng khởi. 

1. Mỗi ngả rẽ trên đường đời, mỗi quyết định dù nhanh chóng hay kỹ càng của bất kỳ ai đều có những duyên cớ riêng. Với Huy, việc xây dựng một trường đào tạo thực hành nghiệp vụ ngân hàng không phải là chỉ là ý tưởng mới hình thành sau khi rời Sacombank. Nhưng chỉ đến khi rời Sacombank, anh mới có điều kiện thực hiện ý tưởng, đam mê đó, khi đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành VietVictory, một trung tâm thực hành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng dưới sự sáng lập của nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành.

Nhắc lại thực trạng hàng năm, cả nước hàng trăm ngàn cử nhân ra trường không tìm được việc làm, không ít cử nhân, thạc sĩ phải ngậm ngùi cất tấm bằng đại học, cao học ở một góc tủ để đi học lớp trung cấp nghề, những mong có được cái “cần câu cơm”, CEO Viet Victory nói, tình trạng đào tạo “thừa thầy thiếu thợ”, chương trình đào tạo xa rời với thực tiễn không chỉ là nỗi buồn của ngành giáo dục, của nhiều thanh niên mới ra trường, mà nó còn ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế.

Ngã rẽ của cựu CEO Sacombank Trần Xuân Huy ảnh 1

Các khóa đào tạo được Viet Victory xây dựng theo hướng mô phỏng thực tế hoạt động ngân hàng

Nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là các ngân hàng. Các ngân hàng không ngừng tuyển dụng nhân sự cho việc mở rộng mạng lưới và tốn rất nhiều chi phí đào tạo cho một nhân viên mới. Chưa kể, không phải toàn bộ nhân viên mới đều có thể ở lại làm việc được sau 6 tháng đầu tiên. Trần Xuân Huy đã nhìn thấy rõ hạn chế này trong những năm ngồi ghế Giám đốc điều hành Sacombank. Việc thành lập Trung tâm thực hành ngân hàng Viet Victory nhằm giúp các ngân hàng rút ngắn thời gian đào tạo nhân viên mới, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là giảm thiểu rủi ro trong hoạt động.

Huy phân tích, lĩnh vực tài chính – ngân hàng là lĩnh vực hoạt động đặc thù, đòi hỏi người lao động phải có kiến thức - tố chất - kỹ năng hơn hẳn các lĩnh vực khác. Cách thức đào tạo của các trường đại học chuyên ngành hiện nay chủ yếu mới đáp ứng được yêu cầu về kiến thức chuyên môn, trong khi đó, nhà tuyển dụng – các ngân hàng lại xét đến cả 3 yếu tố nói trên, dẫn đến tình trạng lệch pha về cung – cầu.

“Thế mới nói, nhân sự ngân hàng vừa thừa lại vừa thiếu. Các yếu tố ở đây được phía cầu đặt ra là khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn hơn là trang bị lý thuyết ở phía cung được đào tạo”, anh cho biết.

Thấu hiểu nhu cầu của các ngân hàng, VietVictory được Trần Xuân Huy xây dựng theo mô hình đào tạo thực hành, mà ở đó, các học viên được trải nghiệm các công việc ở các vị trí chức danh tại ngân hàng như giao dịch viên, chuyên viên khách hàng, chuyên viên thanh toán quốc tế… Các khóa đào tạo đã được xây dựng theo hướng mô phỏng thực tế, được hướng dẫn thực hiện tuần tự các công việc trên mẫu biểu, hồ sơ thực tế, được thao tác trên phần mềm lõi Core - banking, ERP doanh nghiệp.

2. Xuất thân từ dân sư phạm, hành trình trở về với lĩnh vực đào tạo với Trần Xuân Huy sau 15 năm gắn bó với ngành ngân hàng đầy hứng khởi. Anh cho biết, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các ngân hàng tái cơ cấu mạnh nên nhiều ngân hàng cắt giảm mạnh nhân sự, nhưng khoảng gần 2 năm trở lại đây, các ngân hàng liên tục tuyển dụng nhân sự mới. Nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực trong ngành này không chỉ tăng trong 2016 mà sẽ tiếp tục gia tăng những năm tiếp theo.

"Tình yêu với ngành ngân hàng luôn cháy trong tôi. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu tôi cũng luôn cập nhật tin tức về ngành ngân hàng và theo dõi sự biến động của thị trường tiền tệ"

- CEO VietVictory Trần Xuân Huy.

Kết quả điều tra cho thấy, 81% tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình đã “cải thiện” và nhiều tổ chức tín dụng đánh giá là “cải thiện nhiều” trong năm 2016. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngân hàng đang quá thiếu. Mỗi đợt phỏng vấn của ngân hàng luôn có nhu cầu cả trăm người, nhưng chỉ tuyển được không quá 20% nhân sự. Đây là cơ hội lớn và cũng là thách thức với Viet Victory cũng như cá nhân Trần Xuân Huy trong việc cung ứng nguồn nhân lực có tố chất, kỹ năng và nền tảng chuyên môn tốt cho các ngân hàng.

Hiện VietVictory đang phối hợp cùng nhiều trường đại học, trung tâm để mở rộng mô hình thực hành này ngay tại trường Đại học: Trung tâm Thực hành; Đại học Công nghệ TP. HCM Hutech; Đại học Mở TP. HCM; Đại học Công nghệ Thực phẩm, Đại học Vinh. Hiện Viet Victory đã cung cấp nhân sự cho Techcom bank, NamA Bank, HDBank, VPBank, Eximbank, ABBank, Maritime Bank, Standard Chartered bank, Citi bank, ANZ… Hàng năm, Viet Victory cung ứng gần 1.800 nhân sự cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, con số này, theo anh, vẫn còn nhỏ bé so với nhu cầu tuyển dụng của ngành, đáng chú ý là ở các vị trí nhân sự điều hành.

“Các ngân hàng cũng cần có sự chuẩn bị nguồn để luôn chủ động trong việc đáp ứng cầu ở các vị trí lãnh đạo”, Huy nói và chia sẻ thêm, khi còn tại vị ở Sacombank, anh rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa ở tất cả các vị trí, không riêng gì vị trí cấp cao. Chẳng hạn, tại một chi nhánh, ngoài vị giám đốc hiện hữu, sẽ luôn có khoảng 5-6 cá nhân đang ở vai trò quản lý trung gian đã được đào tạo có thể đảm đương công việc của giám đốc chi nhánh khi vị này đi vắng hoặc thay đổi công việc.

Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí tuyển dụng nhân sự vừa tạo ra động lực làm việc cho các nhân sự hiện hữu khi họ luôn có cơ hội được đề bạt lên vị trí cao hơn. VietVictory đã và đang tư vấn cho nhiều ngân hàng cách thức triển khai chương trình đào tạo đội ngũ kế thừa và bước đầu nhận được đánh giá cao từ các ngân hàng hợp tác.

“Tôi tin, nếu các ngân hàng thực hiện được chương trình đào tạo đội ngũ kế thừa này một cách thường xuyên và chặt chẽ, chắc chắn sẽ giảm thiểu được rất nhiều cái gọi là thiếu hụt nhân sự cấp cao và sẽ không còn xảy ra việc “săn đón” nhân sự từ các ngân hàng khác về đơn vị mình với mức lương cao ngất, nhưng chưa chắc đã phù hợp với văn hoá và định hướng phát triển của tổ chức”, anh nhấn mạnh.

Trước câu hỏi liệu có phải anh không tìm cơ hội mới ở một nhà băng khác sau khi rời Sacombank là do nghề CEO ngân hàng trong giai đoạn khó khăn vừa qua đối diện áp lực lớn, Huy nêu quan điểm, ngành ngân hàng dẫu có thời điểm khó khăn thì vẫn luôn là xương sống của nền kinh tế. Vị trí CEO của ngân hàng luôn là một vị trí cực kỳ thử thách, nhưng cũng rất đáng để trải nghiệm nếu thật sự đủ “Tâm” và “Tầm”. Khi đã có 2 điều này, sự khó khăn của thị trường nói chung và của ngành nói riêng không còn là mối lo ngại, mà lại chính là cơ hội để CEO chứng tỏ năng lực.

“Tình yêu với ngành ngân hàng luôn cháy trong tôi. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu tôi cũng luôn cập nhật tin tức về ngành ngân hàng và theo dõi sự biến động của thị trường tiền tệ”, anh chia sẻ và khẳng định, tuy không còn công tác trong ngân hàng, song hoạt động và công việc mà anh đang điều hành lại rất gần với lĩnh vực này. Điều đó phần nào giúp anh nguôi ngoai nỗi nhớ nghề cũ.

Có thể một lúc nào đó, Trần Xuân Huy sẽ quay trở lại với công việc kinh doanh ngân hàng, bởi như anh chia sẻ, cơ hội với những người có đủ tâm đủ tầm không thiếu. “Nhưng ngay lúc này đây, tôi muốn dành thời gian để trau dồi thêm năng lực, kiến thức và quan trọng hơn là đưa mô hình thực hành VietVictory phát triển theo đúng định hướng, mục tiêu đã đề ra từ khi thành lập”, Huy nói.

Tin bài liên quan