“Lương chưa bao giờ là yếu tố giữ người bền vững”

“Lương chưa bao giờ là yếu tố giữ người bền vững”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) với Đầu tư Chứng khoán trong cuộc chuyện trò đầu năm.

Nhìn lại một năm điều hành trọn vẹn trên cương vị Tổng giám đốc, ông có hài lòng về kết quả HSBC đạt được?

Trong năm 2015, điều làm tôi tự hào là thực hiện được những mục tiêu đề ra cho Ngân hàng khi lên nhận chức vụ. Thứ nhất, đó là việc đẩy mạnh quảng bá Việt Nam ra thị trường thế giới dựa vào mạng lưới toàn cầu của HSBC thông qua những thương vụ như phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam vào cuối năm 2014.

Thứ hai là tăng cường kết nối với các chi nhánh HSBC trên toàn cầu để đưa các sản phẩm đã có về phục vụ cho Việt Nam. Chúng tôi rất hào hứng khi thấy số lượng các giao dịch phức tạp đang ngày càng tăng ở thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ sử dụng ngân hàng như một kênh cung cấp vốn truyền thống, mà họ còn sử dụng những giá trị cộng thêm của ngân hàng cho hoạt động kinh doanh của họ.

Thứ ba là gia tăng đào tạo để xây dựng đội ngũ nhân viên ngân hàng đạt chuẩn quốc tế. Trong năm 2015, chúng tôi xây dựng được một chương trình đào tạo dành cho đội ngũ nhân viên tài năng, có khả năng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo của ngân hàng trong tương lai. Chúng tôi cũng đã gửi rất nhiều nhân viên tham gia các khóa trao đổi nghiệp vụ với các chi nhánh HSBC tại các nước. Một số nhân viên đã được nhận làm việc chính thức tại các chi nhánh này sau khi đạt được kết quả tốt trong quá trình trao đổi nghiệp vụ. Chúng tôi cũng từng bước “bản địa hóa” thành công một số vị trí quan trọng từng do người nước ngoài nắm giữ.

Dù vậy, bên cạnh những thành công kể trên, có hai vấn đề tôi vẫn chưa thực sự hài lòng. Đó là việc giữ chân những nhân viên tài năng và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Chúng tôi đang đẩy nhanh xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên tài năng và tạo các cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt nhất cho các nhân viên có khả năng. Cùng với đó, chúng tôi vẫn tiếp tục cải tiến các quy trình nghiệp vụ mạnh mẽ hơn trong năm 2016, nhằm mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. 

Năm vừa qua cũng là năm thị trường ngân hàng chứng kiến một khối lượng không nhỏ nhân viên của HSBC “chạy” về các ngân hàng trong nước, đặc biệt là có những vị trí chủ chốt. Ông nói gì về việc này?

Sự dịch chuyển nhân sự tại một thị trường mới nổi bao giờ cũng sôi động hơn các thị trường đã phát triển và tốc độ thay đổi công việc của nhân viên ở các thị trường này sẽ nhanh hơn. Sự dịch chuyển về nhân sự diễn ra sôi động ngay cả trong nội bộ HSBC để giữ cho tổ chức luôn đổi mới. Chúng tôi luôn muốn giữ chân người tài và thực tế, có những nhân viên đã gắn bó rất lâu với HSBC. Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng quyết định về phát triển sự nghiệp của nhân viên nếu người đó muốn thử thách tại một môi trường mới.

“Lương chưa bao giờ là yếu tố giữ người bền vững” ảnh 1

Ông Phạm Hồng Hải
 

HSBC hiện vẫn đang là ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và cũng là trường đào tạo ra rất nhiều nhân viên ngân hàng có năng lực trên thị trường. Chính vì thế, các đối thủ cạnh tranh thường nhắm đến nhân viên của HSBC cho những vị trí quan trọng.

Tôi vẫn luôn chia sẻ với các bạn nhân viên rằng, các bạn sẽ phải tự chọn con đường nghề nghiệp phù hợp nhất cho mình. Nếu các bạn muốn chuyển đổi công việc để thăng chức và tăng lương nhanh, “nhảy việc” sẽ là một quyết định phù hợp, nhưng có thể lúc đó bạn chưa đạt đủ “độ chín” trong công việc.

Nếu các bạn muốn thực sự phát triển bản thân cả về công việc cũng như cá nhân, tôi tin rằng, HSBC vẫn là môi trường rất tốt, chuyên nghiệp và trong sạch để mọi người có thể phát triển hết khả năng của mình. Với một chặng đường học và phát triển trong 5-10 năm, tôi có thể khẳng định rằng, giá trị thị trường của các bạn ở lại tại HSBC sẽ phát triển rất tốt.

Ngoài ra, vấn đề văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu, môi trường làm việc và đồng nghiệp cũng là các yếu tố rất quan trọng quyết định thành công. Nếu bạn chọn một tổ chức không phù hợp, dù bạn có giỏi đến bao nhiêu cũng không thể thay đổi tổ chức đó, bởi “một cánh én không thể làm nên mùa xuân”.

Đây cũng là chia sẻ của rất nhiều bạn khi đã đi khỏi HSBC, rồi nhận ra những lợi ích họ có khi còn làm việc cho HSBC. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều đề nghị của các bạn đã rời HSBC mong muốn quay trở lại HSBC để tiếp tục phát triển và cống hiến.

Thị trường “rỉ tai”, lương tại HSBC không cao so với các ngân hàng 100% vốn nước ngoài khác tại Việt Nam. Giải pháp nào giữ nhân sự chất lượng trong giai đoạn khó khăn này?

Ở HSBC, lương thưởng của mỗi nhân viên được xác định dựa trên kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, kiến thức, mức xếp loại hiệu suất cùng với hành vi ứng xử trong thực hiện công việc và giá trị thị trường của chính nhân viên đó.

Những điều kiện này của mỗi nhân viên là khác nhau, vì vậy, mức lương dành cho mỗi đối tượng cũng sẽ khác nhau. Chính sách khen thưởng của HSBC công nhận và tưởng thưởng hiệu suất cao trong thực hiện công việc đi cùng với hành vi ứng xử đúng đắn và thực hiện các giá trị của HSBC, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

Tài sản lớn nhất của ngân hàng chính là con người. Để giữ nhân sự chất lượng cao, bên cạnh chính sách khen thưởng, HSBC tập trung vào phát triển sự nghiệp của nhân viên. Chúng tôi xây dựng các chương trình phát triển nhân tài tại Việt Nam và đào tạo theo chuẩn toàn cầu để đảm bảo các nhân viên có thể làm việc ở nhiều nước trên thế giới trong Tập đoàn.

Bên cạnh đó, lưu chuyển nhân viên qua những vị trí khác nhau cũng tạo sự thích thú và nâng cao kiến thức trong công việc. Một trong những điểm nổi bật tại môi trường làm việc của HSBC là bạn có thể đi làm việc ngắn hạn tại các thị trường khác để học hỏi và phát triển sự nghiệp...

Theo kinh nghiệm của tôi, lương chưa bao giờ là yếu tố giữ người bền vững. Bất kỳ ngân hàng nào cũng có khả năng chào mời một mức lương hấp dẫn hơn cho một nhân viên tài năng của ngân hàng khác vì họ chỉ cần tuyển một cá nhân đó, chứ không tuyển toàn bộ nhân viên của ngân hàng đó.

Chính môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp và sự thoải mái đầu óc khi làm những điều phù hợp với giá trị bản thân mới thực sự giữ chân người tài trong lĩnh vực ngân hàng một cách bền vững. Đồng thời, chúng tôi vẫn phải đảm bảo chế độ đãi ngộ cạnh tranh với thị trường.  

Đã bao giờ ông đặt vấn đề cho chính bản thân mình: chuyển từ ngân hàng nước ngoài về làm trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam?

Tôi luôn tâm niệm rằng, mình đóng góp được cho đất nước dù làm việc cho ngân hàng nước ngoài hay trong nước, nếu vẫn giữ được tâm sáng và dung hòa được lợi ích của tổ chức và lợi ích của đất nước. Quan trọng nhất là ở đâu tôi sẽ có thể mang lại giá trị tốt nhất cho tổ chức?

Tôi hiện vẫn chưa có kế hoạch chuyển qua hệ thống ngân hàng Việt Nam, vì tôi cảm thấy mình còn cần phải học hỏi rất nhiều. Mỗi ngày trên cương vị hiện nay đều là một trải nghiệm mới và tôi học được rất nhiều từ đồng nghiệp tại Việt Nam, trên toàn cầu và từ các khách hàng.

Ngoài ra, theo tôi, sự chuyển dịch sẽ chỉ thành công khi hệ thống ngân hàng đã phát triển chuyên nghiệp đến một mức độ nhất định. Chuẩn mực về minh bạch hóa và đạo đức kinh doanh cần được nâng lên một mặt bằng mới. Tôi nghĩ, chắc chúng ta sẽ cần khoảng 5 năm nữa mới đạt được điều này. Tất nhiên, không ai trong chúng ta có thể đoán định chắc chắn về tương lai. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn kế hoạch mới của tôi khi thích hợp.

Tin bài liên quan