Đánh giá về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2017, có hai luồng ý kiến: một là ngành còn nhiều khó khăn, cả từ bối cảnh thị trường và từ nội tại của hệ thống; hai là ngành sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt nhờ kinh tế vĩ mô phục hồi ổn định và giai đoạn tái cấu trúc đã qua. Góc nhìn của ông thì sao?

Bức tranh ngành ngân hàng trong năm 2017, theo tôi, là sự pha trộn hai chiều hướng trên. Xét trên khía cạnh thuận lợi, hoạt động ngân hàng đang đi đúng hướng, mọi hoạt động trong tầm kiểm soát tốt của Ngân hàng Nhà nước và có tác động tích cực từ kinh tế vĩ mô phục hồi theo chiều hướng tốt.

Tuy nhiên, không thể nhìn nhận quá trình tái cấu trúc ngân hàng “đã qua”, mà phải nói là ngành ngân hàng đang thực hiện lộ trình tái cấu trúc một cách bài bản.

Khó khăn ngành ngân hàng phải đối mặt còn rất nhiều, đặc biệt là những khó khăn khách quan của kinh tế thế giới có nhiều biến đổi khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ.

Bên cạnh đó là khó khăn đến từ nội lực hệ thống ngân hàng, tuy đã bước qua một bước dài vươn lên, nhưng những vết thương hằn sâu từ hậu khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần còn đối mặt với sự tồn tại hoặc không tồn tại nếu không có cơ chế tháo gỡ.

Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp kinh doanh đặc biệt, có điều kiện và có sức lan tỏa lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Nếu để một ngân hàng đổ bể, có thể xảy ra tình trạng domino toàn bộ hệ thống và nền kinh tế. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế và bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng cũng là lăng kính phản ánh nhiều khía cạnh của nền kinh tế.

Nền kinh tế muốn khỏe thì hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp phải khỏe. Ngược lại, hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp muốn khỏe, phải có cơ chế phù hợp và hoạt động tài khóa phải tốt, hạn chế tối đa rủi ro.

Trong bối cảnh ấy, chiến lược hoạt động của LienVietPostBank năm 2017 có thể nói ngắn gọn như thế nào, thưa ông?

Là một trong những ngân hàng đi đầu trong cuộc chạy đua hoạt động ngân hàng “trên ngón tay cái” (thao tác giao dịch ngân hàng trên smartphone - PV); đồng thời phát triển dịch vụ hiện đại và mở rộng mạng lưới không ngừng trên nền tảng những thế mạnh của LienVietPostBank.

Trở lại với câu chuyện chung của ngành ngân hàng, mới đây, thêm một vị cựu lãnh đạo nhà băng bị truy tố. Là một lãnh đạo cấp cao ngân hàng, ông có cảm nhận gì về câu chuyện này, về những áp lực của vị trí “ghế nóng” ngân hàng mà người ta vẫn nói đến?

Việc ông chủ của một ngân hàng hay một doanh nghiệp vướng vòng lao lý, theo tôi, cũng là chuyện vẫn thường xảy ra trong nền kinh tế thị trường, nhất là khi cơ chế kinh tế và pháp luật của chúng ta đang ở giai đoạn “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Tất nhiên, một bài học cần rút ra từ những câu chuyện như vậy là tham gia bất kỳ hoạt động kinh doanh gì, đặc biệt là kinh doanh ngân hàng - một lĩnh vực nhạy cảm, không thể có chuyện “ở liều gặp lành”.

Dù anh là ai thì cũng phải làm việc “có nghề”, thượng tôn pháp luật và luôn luôn nghĩ đến phương án phòng ngừa rủi ro.

Cáo trạng nhiều vụ đại án ngân hàng được đưa ra xét xử gần đây cho thấy, nhiều ông chủ bỏ vốn ra thâu tóm sau đó thao túng hoạt động ngân hàng, đẩy ngân hàng vào tình trạng nợ xấu cao, mất vốn. Ông nghĩ sao về điều này?

Trong doanh nghiệp, người có vốn lớn nhất thường được chọn làm lãnh đạo. Về đạo lý, điều này là đúng, vì khi bỏ vốn ra, người ta phải có quyền điều hành doanh nghiệp để bảo toàn đồng vốn của họ.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, đa số là người chọn nghề, nên người không có nghề vẫn điều hành những người có nghề hơn và văn hóa doanh nghiệp hầu như phụ thuộc vào văn hóa người đứng đầu.

Nếu người có tầm quản lý tổng hợp giỏi thì doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động tốt. Nhưng nếu gặp phải ông chủ không đủ “tầm”, lại thiếu “tâm”, việc đưa cả doanh nghiệp và ông chủ “xuống sông” cũng là kết cục tất yếu.

Phải chăng, đó là lỗ hổng luật pháp của Việt Nam?

Ông thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động thiện nguyện, thường chiêm nghiệm những triết lý của nhà Phật. Những điều đó có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng của ông?

Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu Đạo Phật và ngộ ra rất nhiều triết lý sâu sắc của nhà Phật.

Trước tiên, ở đời, mọi việc đều xoay vần quanh chữ “Tâm”, cuộc sống thế nào đều do tâm mình mà ra. Tôi thường chia sẻ điều này với các cán bộ, nhân viên LienVietPostBank để áp dụng vào mọi hoạt động của Ngân hàng.

Chẳng hạn, trong hoạt động truyền thông, phát triển thương hiệu, tôi luôn chia sẻ với các em: “Truyền thông hiệu quả nhất là sự chân thật”. Phải đặt yếu tố chân thật thành vấn đề cốt lõi, vì khách hàng, đối tác, mỗi người có cái đầu ít nhất bằng mình trở lên, nói dối chưa chắc gì người ta đã tin cho một lần, mà “một lần bất tín vạn sự bất tin”, dẫn đến hỏng hết mọi việc.

Tôi cũng ngộ được rằng, tai họa nhiều khi từ miệng mà ra. Cái lưỡi có thể hại người, hại doanh nghiệp và hại chính mình, vì vậy, trước khi phát ngôn bất kỳ điều gì, cũng cần uốn lưỡi… 7 lần.

Đối với LienVietPostBank, trong thương trường chỉ có đối tác, không có đối thủ. Cho đến nay, tất cả những đúc kết trên đã được Hội đồng quản trị và toàn thể hệ thống LienVietPostBank tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Ông từng nói: “Cứ cho đi ắt được nhận lại”, có khi nào ông thấy thất vọng khi nhận về trái không ngọt?

Đúng là nhiều năm nay, phương châm sống của tôi là “đi được bao nhiêu nơi, học được điều gì mới, giúp được bao nhiêu người và cứ cho đi ắt được nhận lại". Thực tế, tôi không phải chờ đợi, bởi lúc vừa cho xong trong tâm đã nhận lại ngay lập tức bởi người vui là mình vui.

Còn việc cho đi mà nhận lại trái chưa ngọt, thậm chí là “trái đắng”, tôi cũng có đôi lần. Chuyện này âu cũng là bình thường vì xã hội muôn màu, muôn vẻ, có người nọ người kia. Qua chuyện này, tôi đúc kết được một bài học chẳng nên làm quá cái gì, cái gì quá cũng hỏng, kể cả tốt quá.

Trong cuộc sống, cần phải biết thế nào là đủ để mà… dừng.