Khởi nghiệp bằng xe đạp điện và giấc mơ toàn cầu hóa thương hiệu của chàng cựu sinh viên Bách Khoa

Khởi nghiệp bằng xe đạp điện và giấc mơ toàn cầu hóa thương hiệu của chàng cựu sinh viên Bách Khoa

(ĐTCK) Đam mê công nghệ, khao khát sáng tạo, ước mơ tạo dựng được một nền công nghiệp sản xuất hiện đại để mang lại nhiều giá trị gia tăng cho xã hội. Đó là những khát vọng lớn lao của chàng thanh niên vừa tròn tuổi 30 Lê Hoàng Long, CEO khởi nghiệp thành công đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất xe đạp điện thông minh của Việt Nam.

Bắt đầu tư đam mê công nghệ

Với Lê Hoàng Long mọi sự đều khởi nguồn từ vốn liếng duy nhất là niềm đam mê với công nghệ. Tốt nghiệp ngành lập trình công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa, cũng như hầu hết các sinh viên vừa ra trường khác, Long xin vào làm việc ở một vài công ty trước khi quyết định tự thân lập nghiệp.

Năm 2012, nhận thấy thị trường xe đạp điện có tiềm năng phát triển, Long nảy ra ý định thử nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển chiếc xe đạp điện trở thành một loại phương tiện tích hợp nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, nếu thành công sẽ tự sản xuất, lắp ráp và bán rộng rãi trên thị trường.

Nghĩ là làm ngay, Long cùng một vài người bạn thân đã xoay xở đủ mọi cách để có được nguồn vốn ban đầu 500 triệu đồng, từ vay người thân, gia đình, bạn bè, thậm chí là cố gắng thuyết phục gia đình cho cầm cố sổ đỏ ngôi nhà đang ở. Nhờ số vốn này, Long và nhóm bạn đã thành lập công ty tự nghiên cứu và lắp ráp xe đạp điện với tên gọi HK Bike, sau đổi thành thương hiệu Pega như hiện nay.

Pega sẽ chứng minh người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm trí tuệ không thua kém các nhà sản xuất lớn trên thế giới

- Lê Hoàng Long.

Say sưa nói về những ý tưởng của mình, Long cho biết, chiếc xe đạp điện hoàn toàn có thể được tích hợp và phát triển thành một chiếc xe thông minh với nhiều tính năng y hệt như chiếc điện thoại thông minh - smart phone, có bộ định vị GPS giúp chống trộm, có điều khiển trung tâm với nhiều tính năng tiện dụng khác.

Hơn nữa, xe điện sẽ dùng pin mặt trời, giúp tiết kiệm chi phí, năng lượng và bảo vệ môi trường. Hiện nay trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã quy định chỉ sử dụng xe đạp tại một số thành phố để bảo vệ môi trường. Với rất nhiều ưu điểm kể trên, người tiêu dùng sẽ càng có lý do để chọn xe đạp điện là phương tiện đi lại thay thế các loại phương tiện khác.

Khi được hỏi tại sao không tập trung vào công nghệ, mà lại muốn bắt đầu từ việc tự sản xuất, Long cho biết:

“Chỉ sản xuất mới tạo nền tảng vững vàng để nền kinh tế lên. Vì vậy, tôi muốn tạo ra công ty khởi nghiệp thiên về sản xuất để tranh thủ lợi thế về công nghệ, việc sản xuất tạo công ăn việc làm và nhất là thu hút được các bạn trẻ có đam mê công nghệ”.

Việt Nam là nơi lý tưởng nhất thế giới cho sản xuất

Theo đánh giá của vị CEO trẻ, thị trường xe đạp điện tại Việt Nam rất có tiềm năng bởi xe đạp điện phù hợp với số đông các đối tượng từ học sinh, sinh viên, cư dân các đô thị cho đến người già, người trung tuổi.

Hơn nữa, với văn hóa cũng như cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam, đây là loại phương tiện đi lại khá phù hợp, tốn rất ít chi phí. Nhìn rộng hơn có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nếu có năng lực sản xuất tốt, bởi nhiều nước phát triển trên thế giới đều khuyến khích người dân sử dụng xe đạp. Vì vậy, nhu cầu hiện tại và tương lai của sản phẩm này là rất lớn.

Mặt khác, Long cho rằng, việc tự sản xuất xe đạp điện không ở đâu thuận lợi bằng tại Việt Nam.

“Ở Việt Nam đã có sẵn rất nhiều công ty, tập đoàn lớn nổi tiếng toàn cầu về sản xuất, lắp ráp xe máy như Honda, Yamaha, Piaggio… Các tập đoàn này, đặc biệt là Honda và Yamaha, đã có gần 20 năm phát triển tại Việt Nam.

Cùng với nền tảng phát triển sản xuất lâu dài, các tập đoàn này đã tạo ra hệ sinh thái vô cùng đa dạng với một chuỗi hàng nghìn các nhà sản xuất và cung cấp linh kiện đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế. Chưa kể nguồn lực về con người, nhất là khi lương của kỹ sư lập trình không ở đâu rẻ hơn Việt Nam. Hiện nay, lương thuê một kỹ sư lập trình của Nhật Bản hoặc đến từ nước phát triển phương Tây lên tới hàng chục nghìn USD.

Trong khi đó, nhân lực của Việt Nam về thiết kế cũng rất tốt. Phòng Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Pega hầu hết là các bạn trẻ tốt nghiệp về công nghệ thông tin và cơ khí máy móc điện tử, họ đều hoàn toàn tự chủ về thiết kế và lập trình.

Ngoài ra, còn có lợi thế về lao động do lượng công nhân lao động rất dồi dào, chi phí cạnh tranh, chỉ cần tổ chức tốt hệ thống sản xuất để tăng năng suất. Đây là điều kiện rất lý tưởng để cung cấp các linh kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế cho bất cứ nhà sản xuất lắp ráp nào”, Long cho biết.

Theo CEO Pega, mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất và cung cấp linh kiện cho các tập đoàn lớn, song phần lớn trong số này vẫn chỉ được làm gia công, tức là nhận phần thấp nhất trong chuỗi giá trị. Để góp phần cải thiện tình trạng này, Long cho biết, các linh kiện lắp ráp xe điện của Pega từ khung xe, vành, lốp, yên, chắn bùn, động cơ… đều được đặt hàng từ các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp cơ khí chế tạo của các hãng có tên tuổi đặt tại Việt Nam, do đó đã góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm.

“Với khả năng hiện nay, Pega có thể nâng tỷ lệ nội địa hoá lên đến 50 - 70% vào cuối năm 2017”, Long tự tin khẳng định.

Từ 500 triệu đồng đến Công ty vốn hóa hơn 1.000 tỷ đồng  

“Khi bắt đầu khởi nghiệp, mọi sự đều khó khăn vô cùng. Mọi người đều cho rằng chúng tôi ngông cuồng, liều lĩnh và dễ gặp rủi ro trắng tay. Xoay xở mãi được 500 triệu đồng làm vốn liếng, song khi bắt tay vào làm mới thực sự gian nan. Chúng tôi đã thay nhau đi gõ cửa hàng nghìn công ty sản xuất linh kiện trong và ngoài nước để thuyết phục họ nhận đơn đặt hàng sản xuất và cung cấp linh kiện, song không ai chịu tiếp vì họ không tin tưởng năng lực của một doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất như chúng tôi”, Long kể lại.

Mặc dù vậy, nhận thấy hướng đi có tiềm năng thực sự, thị trường có thể phát triển được nếu có sản phẩm tốt và độc đáo, Long cùng các cộng sự đã kiên trì thuyết phục từng người về ý tưởng dự án và định hướng phát triển của mình, đồng thời trình bày kế hoạch cụ thể chứng minh doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm nội địa hoá với chất lượng toàn cầu nếu được chia sẻ cơ hội. Cuối cùng, đã có doanh nghiệp chấp nhận trở thành nhà cung ứng cho Pega và giờ đây thậm chí có nơi còn đồng ý cung ứng trả chậm trong vòng 2 tháng.

Khởi nghiệp bằng xe đạp điện và giấc mơ toàn cầu hóa thương hiệu của chàng cựu sinh viên Bách Khoa ảnh 1

Lê Hoàng Long, CEO PEGA

Hiện tại, Pega (HK Bike) đã trở thành công ty sản xuất xe đạp điện đầu tiên của Việt Nam chủ động được từ thiết kế, nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp sản phẩm đến marketing và phân phối. Từ năm 2012 đến nay, Pega (HK Bike) liên tục phát triển và đã có tới 500 điểm bán hàng, 230 showroom chính hãng trên toàn quốc.

Với vốn khởi điểm 500 triệu đồng, sau 4 năm phát triển, đến nay, ước giá trị vốn hóa thị trường của Pega vào khoảng 1.000 tỷ đồng, doanh thu lên tới hơn nghìn tỷ đồng/năm.

Nói về lợi nhuận, Long xác định trên nguyên tắc “3 win” - công ty, nhà sản xuất và khách hàng cùng có lợi. Khi nhà sản xuất và công ty có sản phẩm tốt thì ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn và hưởng lợi từ việc sử dụng sản phẩm có chất lượng, còn công ty và nhà sản xuất sẽ tăng lợi nhuận.

Đáng mừng hơn, Pega đã trở thành một trong số không nhiều công ty khởi nghiệp có sức hấp dẫn trên thị trường, được các nhà đầu tư đánh giá có tương lai phát triển rất tốt. Nhiều nhà đầu tư từ Anh, Bỉ, Nhật Bản và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới đã tìm đến bày tỏ ý định muốn rót vốn đầu tư, nhưng Long cho biết, Pega muốn tự đi trên đôi chân của chính mình với những bước tiến chậm nhưng chắc chắn. Mục tiêu lớn nhất của Pega hiện nay là mở rộng hợp tác với các đối tác toàn cầu về công nghệ để đưa những công nghệ tốt nhất vào sản phẩm và toàn cầu hóa thương hiệu xe điện Việt Nam.

“Hiện nay Pega chiếm 10% thị trường nội địa Việt Nam. Năm nay, công ty bắt đầu xuất khẩu 100 xe đạp sang thị trường Bỉ theo đơn đặt hàng, chủ yếu là để thăm dò thị trường và khách hàng, tuy nhiên tiềm năng xuất khẩu đã mở rộng vì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác trong xuất khẩu”, CEO Pega cho biết.

Chia sẻ về kế hoạch trong năm 2017, Long cho biết, Pega sẽ cho ra mắt sản phẩm xe điện thông minh “Made in Vietnam” đầu tiên vào đầu năm 2017. Đến cuối năm 2017, 50% sản phẩm xe điện của Pega sẽ được nội địa hóa và sẽ tăng lên 70% vào năm 2018. Pega đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện tiếp một nhà máy lắp ráp rộng 15.000 m², công suất 40.000 xe/tháng tại Khu công nghiệp Yên Dũng (Bắc Giang).

Nhà máy hiện nay ở Bắc Giang đang và tạo việc làm cho hơn 300 công nhân với mức lương trên 5-7 triệu đồng/tháng. Vị CEO trẻ cũng không giấu giếm dự định cuối năm sau ra mẫu xe điện scooter đầu tiên do chính Việt Nam chế tạo.

“Chiếc xe sẽ đẹp và lịch thiệp như xe Piaggio, cốp rộng như xe Lead, là lựa chọn rất cạnh tranh với các loại xe máy có giá đắt hơn nhiều. Với chiếc xe này, Pega sẽ chứng minh người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm trí tuệ không thua kém các nhà sản xuất lớn trên thế giới”, Long tự tin khẳng định.  

Tin bài liên quan