Khi người làm thuê số 1 đi khởi nghiệp

Khi người làm thuê số 1 đi khởi nghiệp

Được biết đến là người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới (PepsiCo), được giới truyền thông ưu ái đưa vào hàng ngũ những người làm thuê số 1 Việt Nam, vậy mà ở tuổi 57, ông Phạm Phú Ngọc Trai đã làm nhiều người bất ngờ khi quyết định về hưu sớm đi… khởi nghiệp.

Quyết định khó hiểu

Tháng 3/2009, ông Trai thành lập Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) với mục tiêu trở thành địa chỉ đáng tin cậy của các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm những yếu tố hướng đến sự bền vững trong kinh doanh.

Quyết định khởi nghiệp của ông Trai lúc bấy giờ được nhiều người cho là khó hiểu, vì ở tuổi ngoài 50, ít ai đi khởi nghiệp vì nhiều lý do khác nhau. Bên cạnh đó, bản thân gia đình ông Trai cũng đang điều hành nhiều dự án kinh doanh.

Đó là chưa kể, lĩnh vực ông Trai chọn là tư vấn, một nghề rất “chua” ở Việt Nam lúc bấy giờ, vì đa số doanh nghiệp trong nước chưa quen với dịch vụ này, thị trường nhỏ lại có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Tuy nhiên, ông Trai vẫn quyết định thực hiện vì đây là hoài bão đã được hình thành trong suốt quãng thời gian đi làm thuê của chính ông.

“Quyết định khởi nghiệp xuất phát từ lòng tự ái dân tộc cho đến lòng tự trọng. Nói một cách nghiêm túc, GIBC như một giấc mơ”, ông hồi tưởng.

Ông Trai kể, hồi 30 năm trước, ông cũng “máu” lắm, muốn thử xem sức mình tới đâu khi làm việc với tập đoàn đa quốc gia như PepsiCo. Lúc đó, thị trường Việt Nam và các nước Đông Nam Á phải báo cáo với Singapore. Ông Trai đặt mục tiêu phải lãnh đạo các thị trường này và ông đã thành công khi tất cả các thị trường khác phải báo cáo về Việt Nam, kể cả Singapore. Chưa đầy 10 năm sau, ông đã đạt được mục tiêu.

Quan trọng hơn, ông Trai chứng minh được rằng, người Việt Nam có thể quản lý tốt. Khi còn điều hành PepsiCo Việt Nam, từ hơn 10 người quản lý cao cấp của nước ngoài, Công ty rút xuống chỉ còn 1 người, số còn lại do người Việt Nam đảm nhiệm.

Lúc đó khái niệm hội nhập vẫn chưa được nhắc đến cho tới tận 20 năm sau. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu hội nhập, ông Trai còn gửi người của PepsiCo Việt Nam đi làm việc trong hệ thống 165 quốc gia của PepsiCo trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Trai quan điểm làm kinh doanh là phải biết đóng góp cho xã hội. Còn nhớ, khi xu hướng khuyến mại uống nước ngọt trúng thưởng xe máy, xe hơi nở rộ, thì miền Trung, miền Nam bị lũ nặng nề. Ông đã khởi động chương trình “Uống một lon Pepsi dành 50 đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt”. Chiến dịch này đã đưa ra khái niệm rất mới trong tiếp thị lúc bấy giờ, tạo thành một phản ứng dây chuyền khi nhiều doanh nghiệp khác cũng làm theo. Kết quả là các doanh nghiệp bắt đầu có ý thức đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

Chính vì thế, ông muốn chia sẻ những trải nghiệm quản lý mình có được trong quá trình làm việc ở PepsiCo Việt Nam với các doanh nghiệp Việt Nam. GIBC được hình thành từ đó, tập trung vào các doanh nghiệp có liên quan đến việc hội nhập và các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Vậy đâu là lợi thế cạnh tranh của GIBC, vốn còn non trẻ so với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực lúc bấy giờ ? Ông Trai cười và nói chính là uy tín cá nhân và tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp một cách nghiêm túc của ông, một người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc từ cơ quan quản lý nhà nước, công ty nhà nước cho đến công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

“Một đối tác Nhật Bản hỏi tôi rằng, xác suất các doanh nghiệp sau khi được tôi tư vấn sử dụng dịch vụ GIBC là bao nhiêu ? Tôi trả lời 10 doanh nghiệp chắc được vài doanh nghiệp”, ông Trai cười và nói.

Tuy nhiên, với GIBC, ông tiếp xúc được rất nhiều doanh nghiệp và biết được các vấn đề họ đang gặp phải. Có doanh nghiệp chỉ bị lỗ hổng nhỏ trong khâu quản lý mà loay hoay mãi chưa giải quyết triệt để, có doanh nghiệp bị khủng hoảng nặng nề, không ít trong số đó nằm trên bờ phá sản… Và việc cùng chung tay giúp các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, đưa họ trở lại quỹ đạo phát triển, theo ông Trai, là một trải nghiệm rất tuyệt vời.

Hiện khách hàng của GIBC là những doanh nghiệp đã hoạt động khá lâu năm ở thị trường Việt Nam như Tín Nghĩa,  VinaCapital, Ecopark, Rolex Việt Nam, Amata, Las Vegas Sands Corp, Suntory PepsiCo, Thái Bình Group, TTC… 

Khởi nghiệp phải có hoài bão

Vốn là người rất chú trọng vào việc đầu tư nguồn lực, ông Trai thường dành khá nhiều thời gian tiếp xúc với giới trẻ hiện nay. Ông bảo thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn thời ông rất nhiều.

Nhận định này có vẻ đối nghịch với bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II/2015 của Viện Khoa học - Lao động - Xã hội vừa qua, khi cơ quan này công bố cả nước có gần 200.000 người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp.

Trên thực tế, ngay chính ông Trai hay đùa rằng, ít có nước nào trong khu vực mà nhân viên bán hàng có trình độ đại học hoặc sau đại học nhiều như ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, thị trường lao động ở Việt Nam, theo ông Trai là rất tiềm năng với các doanh nghiệp ngoại.

“Tại sao ư ? Vì từ trước đến nay, đâu có thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào than không tìm được nhân tài đâu”, ông Trai nói.

Chính vì thế, ông cho rằng, việc đưa phong trào khởi nghiệp thành chương trình quốc gia là quyết định rất hợp tình, hợp lý của Chính phủ.

Giới trẻ trong nước bắt đầu có tư duy làm giàu, đây là động lực tốt nhưng nếu không có hoài bão thì sẽ không có sự bền vững. Trên thực tế, ở Việt Nam mấy chục năm qua, số doanh nghiệp trụ lại thị trường không nhiều, do đó, các bạn trẻ hãy suy nghĩ tới sự bền vững khi khởi nghiệp chứ đừng chờ tới lúc có rồi mới nghĩ.

Một quan điểm khác của ông về khởi nghiệp là đừng tô hồng. Thực tế trong số 10 người khởi nghiệp chỉ có 1 người giàu và họ phải làm việc cật lực.

Ông Bill Gates hay ông chủ mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg là hai nhân vật được các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua. Nhưng ít ai hiểu rằng, họ thành công vì có hoài bão, có sự tập trung và lao động một cách cật lực.

Liên quan đến việc nhiều bạn trẻ mang theo tư tưởng xây doanh nghiệp để bán, ông Trai  cho rằng, đây là vấn đề đã được bàn luận rất sôi nổi tại Đại học Harvard. Nhìn chung, có ba nguyên nhân dẫn đến việc này.

Thứ nhất là hoài bão, hay rộng hơn là lý tưởng. Có nhiều bạn trẻ mong muốn làm giàu, nhưng sự giàu có được nhiều định nghĩa khác nhau, có thể là tiền bạc hoặc các đóng góp cho xã hội.

Thứ hai là tính kiên nhẫn của người trẻ thường không cao, thiếu sự rèn luyện. Trong phạm vi hẹp có thể coi là sự ích kỷ của chính người trẻ khởi nghiệp, họ muốn thụ hưởng rồi bắt đầu một công ty khác. Nhưng cần nhớ rằng, chỉ có 1% hoặc 2% trường hợp thành công sau khi bán doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp khác. Đây là trường hợp hoài bão có tiền bạc, nhưng thường không bền vững.

Điều cuối cùng là có nhiều doanh nghiệp không vượt được khó khăn, đành chấp nhận bỏ cuộc chơi.

Một trong số các công ty khởi nghiệp ông Trai đánh giá cao chính là Công ty VNG của doanh nhân Lê Hồng Minh. Theo ông, đây là doanh nghiệp có tầm nhìn, kế hoạch phát triển rõ ràng và luôn sáng tạo.

Dĩ nhiên, thật không dễ để các bạn trẻ khởi nghiệp có được hoài bão. Giống như một quốc gia, chấp nhận phụ thuộc vào nước khác bằng việc gia công sẽ dễ dàng hơn hơn là một quốc gia độc lập về kinh tế. Các bạn trẻ cũng vậy, họ thường chọn cái gì thuận lợi hơn để khởi nghiệp.

“Nhưng nếu bạn không phải là người dẫn dắt (Leader) mà là người đi theo (Follower), sẽ có những lúc ăn cơm vẫn ngon, vẫn có phương tiện nhưng bản thân mình cảm thấy có điều gì đó nó không phải của mình.”, ông Trai chia sẻ.

Chính vì thế, ông Trai cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ của những bên có liên quan để tạo ra những người khởi nghiệp có hoài bão, trong đó cần có sự giúp đỡ của cả các doanh nhân đi trước.

Cuối cùng, theo ông Trai, điều quan trọng nhất là khởi nghiệp phải gắn liền với tinh thần quốc gia vì nếu không sẽ không có hoài bão. Các doanh nghiệp chỉ là những người đi kiếm tiền, xây lên chỉ để bán. Điều này theo ông Trai là không sai, nhưng đất nước Việt Nam sẽ không khá lên được.

“Nên nhớ các công ty nước ngoài vào Việt Nam không có công ty nào sinh ra đã lớn sẵn”, ông Trai nói. 

6 năm một chặng đường

Gặp ông Trai vào một buổi chiều cận Tết, có vẻ như công việc vẫn không rời khỏi người đàn ông đã bước qua tuổi lục tuần này. Ông có vẻ khá mệt sau một chuyến công tác dài ngày ở Singapore.

Ấy vậy mà khi nói về khởi nghiệp, về khả năng của giới trẻ Việt Nam hay câu chuyện của các doanh nghiệp trong nước trước làn sóng hồi nhập, ông Trai như “hồi sức”.

Trong năm 2015, ông Trai cho biết,  giáo trình IBA (tương tự như chương trình Mini MBA) do chính GIBC biên soạn đã được triển khai thử nghiệm và rất thành công cho các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Việt Nam cũng như các bạn trẻ khởi nghiệp. Đây là dự án hợp tác với Trường đại học Kinh tế TP.HCM, với hơn 100 tiết học, nhằm cung cấp những kiến thức, vấn đề phải giải quyết khi hội nhập cho người tham gia. Ông Trai kỳ vọng IBA sẽ được triển khai rộng khắp cho các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới..

Gần 6 năm hoạt động, GIBC không so sánh với công ty cùng ngành về quy mô nhưng có thể tự tin vì có những khía cạnh GIBC làm tốt hơn. GIBC đã đưa ra sản phẩm phù hợp cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và doanh nghiệp trong nước trong quá trình hội nhập.

“6 năm không phải lúc nào cũng thành công, nhưng tôi học được một điều là càng hiểu các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập càng giúp họ giảm được rủi ro và nắm bắt cơ hội phát triển”, ông Trai nói.

Tin bài liên quan