Có khoảng 400 triệu USD dành cho đầu tư khởi nghiệp mỗi năm, nhưng chỉ có 20 dự án được chọn, trong đó các dự án tại Việt Nam rất ít

Có khoảng 400 triệu USD dành cho đầu tư khởi nghiệp mỗi năm, nhưng chỉ có 20 dự án được chọn, trong đó các dự án tại Việt Nam rất ít

Khai phá mỏ vàng đầu tư khởi nghiệp

(ĐTCK) Đầu tư vào khởi nghiệp đang ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư bởi bên cạnh rủi ro, hoạt động này có thể mang lại những giá trị vô hình và hữu hình rất lớn, khi DN đã phát triển lớn mạnh sau giai đoạn khởi nghiệp.

Chia sẻ về quá trình đầu tư vốn cho khởi nghiệp, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Vietnam Silicon Valley cho biết, một công ty khởi nghiệp thường trải qua 7 giai đoạn. Để biến công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động, trở thành một DN thực thụ, có khả năng IPO cần phải hoàn tất được 7 giai đoạn này.

Chia sẻ về quy trình đầu tư khởi nghiệp mà hiện nay các nhà đầu tư mạo hiểm trên thế giới đang áp dụng, bà Lê Anh cho biết: “Ở giai đoạn đầu, các nhà đầu tư thường thống nhất không sở hữu nhiều, chỉ nắm giữ 10% cổ phần trở xuống để những người sáng lập điều hành công ty khởi nghiệp. Giai đoạn tiếp theo, các nhà đầu tư sẽ giữ 10 - 15% cổ phần. Càng về sau, lượng sở hữu của nhà đầu tư càng nhiều, nhưng khi đó, số tiền vốn của các công ty khởi nghiệp cũng đã rất lớn”.

 Cụ thể, mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm có một khẩu vị đầu tư khác nhau, tùy theo mục đích hướng tới, có quỹ chỉ đầu tư ở giai đoạn vốn mồi, song có quỹ lại đầu tư từ 1-10 triệu USD vào cả 7 giai đoạn cho tới khi thành lập được DN và tiến hành IPO. Ở giai đoạn đầu, các nhà đầu tư mạo hiểm đều thống nhất cần phải hỗ trợ cho người khởi nghiệp nhưng không đổ tiền vào quá nhiều, mà chủ yếu hỗ trợ về công nghệ thông tin.

Nguồn vốn ban đầu giúp cho cá nhân/nhóm sáng lập không cần đi làm, có thể hoàn toàn tập trung vào dự án của mình. Mức đầu tư giai đoạn này ở Mỹ vào khoảng 20 - 25 nghìn USD/nhóm, ở Việt Nam vào khoảng 10 - 15 nghìn USD/nhóm. Ngoài ra, vốn đầu tư giai đoạn đầu giúp nhóm khởi nghiệp thử nghiệm thị trường trong vòng 4 tháng, bao gồm tiến hành quảng cáo, mở rộng mạng lưới, thử nghiệm, hỗ trợ định hình mô hình kinh doanh, lên kế hoạch tài chính, rèn luyện kỹ năng mềm và hoàn thiện hồ sơ để làm việc với nhà đầu tư.

Trong giai đoạn này, quỹ/nhà đầu tư mạo hiểm tính cổ phần tại dự án khởi nghiệp dựa vào kỳ vọng, thay vì tính theo kiểu truyền thống là sản phẩm đã có sẵn và được định giá trên thị trường. Theo đó, những kỳ vọng tiềm năng và giá trị có thể hình thành ở tương lai của sản phẩm chính là cơ sở chỉ dẫn đầu tư cho nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, tới các giai đoạn sau, khi quá trình khởi nghiệp đã có những kết quả tích cực và đi vào hoạt động như dự tính, số cổ phần đóng góp sẽ được nhà đầu tư tính nhiều lên.

Ở các giai đoạn còn lại, tổng số cổ phần còn lại của tất cả các thành viên sáng lập thường còn khoảng 50%. Điển hình như Facebook, khi DN thực sự được thành lập và hoạt động, ông chủ đầu tư thông báo toàn bộ nhóm sáng lập chỉ còn nắm giữ 30% cổ phần Công ty và điều này là hoàn toàn bình thường, theo đúng quy trình chung của thế giới. Rất nhiều nhóm khởi nghiệp đã thành công theo quy trình đầu tư này và khi công ty khởi nghiệp đã thành danh, cả người sáng lập và nhà đầu tư mạo hiểm đều đạt được mục tiêu và lợi nhuận kỳ vọng.

Đánh giá về đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam, Giám đốc Sillicon Valley Vietnam cho biết, hàng năm, có khoảng 400 triệu USD dành cho đầu tư khởi nghiệp nhưng chỉ có 20 dự án được chọn để đầu tư, trong đó các dự án chọn được tại Việt Nam rất ít. Trước đây, có quan niệm cho rằng, các dự án khởi nghiệp của Việt Nam có chất lượng chưa cao, chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vốn. Tuy nhiên, nhiều khảo sát cho thấy quan niệm này không đúng.

“Ngày càng nhiều dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ Việt Nam có chất lượng tốt, ý tưởng sáng tạo và có tính khả thi, vì vậy, đầu tư vào khởi nghiệp là lĩnh vực ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư”, bà Anh nhận xét.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đồng tình với nhận định trên và cho rằng, đầu tư vào khởi nghiệp tuy mạo hiểm nhưng có tính nhân văn và cần được khuyến khích. Theo đó, “dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp tuy là mạo hiểm, nhưng đa phần các rủi ro đều nằm trong tính toán, không hoàn toàn là liều lĩnh. Trên cơ sở những dự án khởi nghiệp tiềm năng, nhà đầu tư sẽ góp vốn, tìm những sản phẩm mà mình nghĩ rằng trong tương lai sẽ thành công. Số vốn góp ban đầu có thể tăng trưởng gấp nhiều lần sau này”. 

Đầu tư khởi nghiệp là kênh đầu tư tiềm năng đang được Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý để hợp thức hóa. “Nguồn vốn sẵn sàng cho hoạt động đầu tư khá dồi dào. Rất tiếc, nhiều nhà đầu tư chưa tìm tới kênh đầu tư hiệu quả này, mà chấp nhận rủi ro tại các kênh như đồng tiền ảo, kinh doanh đa cấp”, ông Đông cho biết.        

Tin bài liên quan