Hai sinh viên khởi nghiệp từ bùn thải

Hai sinh viên khởi nghiệp từ bùn thải

Từ nguồn nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản, Huy Hào và Hồng Mức đã nghiên cứu, xử lý ra được sản phẩm bùn vi sinh có ích cho cây trồng. Ý tưởng đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên toàn quốc.

Trở về Cần Thơ sau vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp “Start-up Student Ideas” lần thứ nhất năm 2016 tại Hà Nội, Phan Hồng Mức và Nguyễn Hữu Huy Hào chia sẻ: "Chúng em rất vui, bao nhiêu nỗ lực của nhóm đã thu được kết quả. Thông qua cuộc thi, sản phẩm bùn vi sinh được quảng bá rộng hơn đến người tiêu dùng, đó là thành công lớn”.

Ý tưởng “bùn vi sinh” nảy sinh đầu năm 2016 trong giờ thực hành của Huy Hào tại Cao đẳng Kỹ thuật - Kinh tế Cần Thơ. Chàng trai nhận thấy nước thải từ nhà máy chế biến thủy sản đang gây ô nhiễm môi trường, nhưng cũng chứa nhiều chất có ích cho cây trồng. Nếu tận dụng bùn từ nước thải làm phân vi sinh sẽ vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Huy Hào đã chia sẻ ý tưởng với Phan Hồng Mức, cô bạn từ thời trung học phổ thông, hiện học tại Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Nhận thấy tính khả thi của ý tưởng, lại sẵn đam mê trồng cây, Hồng Mức đã phối hợp với Huy Hào lập dự án nghiên cứu, đưa sản phẩm từ bàn giấy ra thực tế.

hai-sinh-vien-khoi-nghiep-tu-bun-thai

Phan Hồng Mức và Nguyễn Hữu Huy Hào bước đầu thành công với dự án bùn vi sinh.

Ý tưởng bùn vi sinh được hai sinh viên năm thứ ba gửi tham dự cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do dự án SIMVA (nằm trong chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan) tổ chức. Vượt qua 200 dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhóm đã giành giải nhất. Thành công bước đầu tiếp thêm động lực và kinh phí để Huy Hào và Hồng Mức tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. 

Huy Hào giải thích, nếu tận dụng được nguồn chất thải từ nhà máy chế biến thủy sản sẽ tránh được việc xả những chất độc hại gồm hữu cơ, vô cơ, các loại vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh gây bệnh... ra môi trường; tránh ô nhiễm nguồn nước, không khí. Phụ phẩm của quá trình xử lý nước thải chính là bùn vi sinh có thể làm giá thể để trồng rau, cây cảnh.

Qua nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm bùn vi sinh dần hoàn thiện. Hai sinh viên đã được thạc sĩ Hoàng Ngọc Khánh, giảng viên khoa Nông nghiệp sinh học ứng dụng Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ, hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh; Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ và Trung tâm giới thiệu việc làm Cần Thơ hỗ trợ marketing.

Huy Hào thuyết trình đêm chung kết cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

Hiện bùn vi sinh đã được bán cho các trang trại trên 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều cơ sở cộng tác làm đại lý phân phối. Mới đây, nhóm cho ra đời sản phẩm cải tiến - đất sạch hữu cơ TaHo, phù hợp với hộ gia đình muốn trồng rau sạch hoặc cây cảnh tại nhà. "Mua túi đất sạch hữu cơ về, bạn chỉ cần đổ vào chậu, rải hạt giống, tưới nước và không cần phân bón”, Hồng Mức giới thiệu.  

Nữ sinh Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ cho biết, qua phân tích trong bùn vi sinh, lượng NPK tương đương với một loại phân bón. Hiện giá thị trường sản phẩm bùn vi sinh chỉ bằng một nửa so với giá của phân bón và nếu so sánh với đất sạch thông thường không có phân bón thì chỉ chiếm khoảng 2/3.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Huy Hào chia sẻ cả hai từng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt phải cân đối giữa việc phát triển sản phẩm với việc học ở trường. Khi giới thiệu sản phẩm do sinh viên làm ra, phần lớn khách hàng e ngại, không dám mua về trồng cây. Dần dần qua quá trình marketing, nhất là khi sử dụng thấy cây phát triển tốt, giảm chi phí phân bón, bà con mới tin.

hai-sinh-vien-khoi-nghiep-tu-bun-thai-1

Bùn vi sinh được đóng gói bán cho nhiều cơ sở trồng cây cảnh, rau sạch.

Hiện hai sinh viên đã thành lập công ty INOS Nguyễn Phan, trụ sở tại Cà Mau để tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm. Họ muốn tận dụng nguồn nguyên liệu rất dồi dào của địa phương và góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày trên 200 nhà máy chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long thải ra khoảng 1.200 tấn bùn.

Đánh giá về dự án khởi nghiệp này, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Không gian làm việc chung UP, cho rằng ý tưởng rất hay, đặc biệt là khi vấn đề ngập mặn của đồng bằng sông Cửu Long đang nghiêm trọng. "Tương lai tôi nghĩ thị trường còn rất lớn, nếu như chúng ta phải bỏ bớt phần nông nghiệp đi để tăng phần thủy sản lên”, ông Nam nói. 

“Start-up Student Ideas” là cuộc thi khởi nghiệp sinh viên do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức nhằm tìm kiếm và tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên. Năm 2016, từ 569 ý tưởng gửi về, trải qua các vòng sơ loại, Ban giám khảo đã được lựa chọn được 15 ý tưởng vào chung kết.

Ngày 17/3, các nhóm đã có màn thuyết trình, bảo vệ ý tưởng trước Ban giám khảo. Chung cuộcdự án Smart Water của 3 sinh viên Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã giành giải nhất. 2 giải nhì là dự án "Bùn vi sinh" của sinh viên Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơvà “tungtung.vn” của sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), Đại học Khoa học kỹ thuật TP HCM.

Tin bài liên quan