Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương: “Nhà truyền giáo” công nghệ của FPT

Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương: “Nhà truyền giáo” công nghệ của FPT

24 năm gắn bó ở FPT, Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ (CTO) FPT là “linh hồn” của nhiều chính sách và dự án công nghệ hàng đầu của FPT.

Giống... quý ông hơn chuyên gia công nghệ

Có lẽ vì là người làm công nghệ, nên Nguyễn Lâm Phương khá kín tiếng. Tìm kiếm thông tin trên mạng thì rất hiếm, mà gặp để phỏng vấn, ông cũng khá kiệm lời. Ông chỉ trả lời một cách ngắn gọn và dễ hiểu về những gì được hỏi, trái ngược với cách nói chuyện “rổn rảng” của Chủ tịch Trương Gia Bình.

Cũng trái ngược với hình dung về một người làm công nghệ, Nguyễn Lâm Phương chỉn chu, lịch thiệp như một… quý ông. Thảo nào, đám nhân viên của ông bảo: “Anh Phương rất khác biệt so với các cộng sự với nhận dạng phổ biến là đi xăng-đan cùng với tất xù, hay đầu không một cọng tóc nhưng lại nhiều râu, hoặc đi qua rất lâu nhưng vẫn ngào ngạt mùi thuốc lá”.

Trông ông có vẻ là một người hiền lành. “Chẳng có một style nào cho những người làm công nghệ cả. Steve Jobs của Apple đâu phải là người dễ chịu”, ông cười mà rằng, có lẽ cách điều hành công việc thiên về mềm mỏng của ông khiến nhân viên thấy thích. Hiền nhưng hết sức chuyên nghiệp, việc nào ra việc đấy.

“Tôi biết sức mình có hạn nên cố gắng tạo môi trường để những người cùng làm việc với mình phát huy được tốt nhất khả năng của họ. Tôi không thích kiểm soát, mà luôn đặt ra lộ trình và yêu cầu  để nhân viên phát huy trí sáng tạo, đưa ra giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ”, Nguyễn Lâm Phương khiêm tốn.

Thảo nào, dù ở vị trí lãnh đạo cấp cao - CTO của Tập đoàn - nhưng làm việc với ông, nhiều người FPT bảo, sướng nhất là không cảm thấy có khoảng cách giữa sếp và nhân viên. Nhiều cán bộ công nghệ xem ông như một người “truyền giáo”, luôn biết cách truyền cảm hứng đam mê công nghệ cho những nhân viên của mình. 

Không chịu lùi bước

Bảo rằng vì lười và ngại khó, ngại khổ nên ông luôn chọn cái nào dễ nhất, hiệu quả rõ nhất để làm. Nhưng những người FPT đều hiểu, những việc Nguyễn Lâm Phương làm không hề dễ. Ông là “linh hồn” của nhiều chính sách, dự án công nghệ lớn ở FPT, từ hồi ông còn làm CTO ở FPT Software, hay bây giờ khi đã làm CTO của Tập đoàn - một chức danh mà năm 2012, lần đầu tiên FPT chính thức bổ nhiệm.

“FPT đã có một thời kỳ khoảng đầu những năm 90 phát triển rất sôi động về công nghệ, sau đó bắt đầu phát triển mạnh theo chiều ngang, mở rộng nhiều lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Tôi được giao đảm nhận vị trí CTO là để ‘khuấy động’ lại việc đó, nhằm tạo ra tăng trưởng có chiều sâu, có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn hơn cho Tập đoàn”, Nguyễn Lâm Phương nói một cách giản dị.

Sinh năm Mùi (1967), mà như mọi người vẫn nói, người cầm tinh con Dê thường chăm chỉ, chịu khó và không chịu lùi bước. Dù tự nhận là người “Dương lịch” nên không biết tính cách của tuổi con Dê có giúp ích cho việc làm công nghệ không, nhưng đúng là Nguyễn Lâm Phương không bao giờ chịu lùi bước. “Càng khó khăn càng kích thích cao độ tôi làm việc”.

Đến FPT ngay sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ ngành kỹ thuật hệ thống, Trường đại học Năng lượng Matxcơva (Nga - năm 1991) chỉ vì có người bạn bảo, đó là nơi duy nhất “được làm những gì mà mình muốn. Mà ở FPT, đúng là ông luôn được làm những gì mà mình muốn thật. “Ở FPT, rất lạ là nếu đã được giao nhiệm vụ mới thì đến 90% nhiệm vụ đó là do mình phải tự tạo ra khung làm việc”, Nguyễn Lâm Phương cười nhẹ.

Những ngày đầu ở FPT, Nguyễn Lâm Phương làm cho FPT ISC (Công ty Dịch vụ tin học FPT), rồi từng bước tiến lên vị trí quản lý. Và ở đó, các dự án phần mềm ngân hàng đầu tiên của FPT, trong đó có dự án triệu USD đầu tiên của FPT với Vietcombank, hay phần mềm Smart Bank… đều có dấu ấn của ông.

Nhưng dấu ấn lớn nhất phải là những năm 1999 - 2000, sau khi đạt “đỉnh” về làm phần mềm cho thị trường trong nước, FPT muốn lấn sân ra thị trường nước ngoài. Cũng vẫn chỉ là định hướng, còn làm thế nào, bán cho ai, tổ chức sản xuất ra sao… thì tất cả là do ông và ông Nguyễn Thành Nam (cựu Chủ tịch FPT Software) tự xoay sở. Vậy mà rồi làm được, để đến bây giờ FPT trở thành một tên tuổi lớn trong “làng” outsourcing phần mềm: Top 100 Nhà cung cấp Dịch vụ Gia công toàn cầu, Top 500 doanh nghiệp phần mềm hàng đầu thế giới.

Tất nhiên để làm được điều ấy cũng chật vật, khó khăn lắm. Sau hợp đồng đầu tiên trị giá 60.000 USD với một công ty Việt kiều, không chỉ ông mà tất cả những người FPT đều tưởng rằng tiền về đầy túi đến nơi. Nhưng rồi đến năm sau thì chả bán được cho ai. Lại dính “quả” dotcom năm 2000, thị trường trồi sụt thất thường nên tình hình càng trầm trọng. Có lúc phải cho phân nửa nhân viên FPT Software nghỉ việc. Mãi rồi cũng đã tìm được đường ra. Rằng không phải cứ tự thiết kế phần mềm rồi mang bán là được, mà phải thực hiện outsourcing. Cũng chưa thể “đánh” thị trường lớn, mà trước tiên chọn thị trường ngách là Nhật Bản.

“Cũng phải đến một năm sau khi sang Nhật Bản, chúng tôi mới có được khách hàng đầu tiên, nhưng chủ yếu là mối quan hệ cá nhân của Chủ tịch Trương Gia Bình. Sau này, khi khách hàng tin tưởng, thì hợp đồng mới tự tìm đến”, ông Phương nói đầy tự hào và kể về những ngày tháng khó khăn đầu tiên trên đất Nhật.

“Với người Nhật, đi chậm 15 phút có nghĩa là sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Chúng tôi cũng phải học từng thứ nhỏ, rất tỉ mẩn kiểu như lúc đưa name card thì đưa thế nào, cúi bao nhiêu độ. Điều đó thật thú vị, chúng tôi đã học hỏi được nhiều từ họ”. Thành công ở thị trường Nhật, FPT “đánh” sang các thị trường khác, như Mỹ, Ấn Độ, châu Âu, nhưng cho đến tận hôm nay, đấy vẫn là thị trường outcoursing phần mềm lớn nhất của FPT. 

Sáng tạo và sáng tạo

Tháng 6/2012, Nguyễn Lâm Phương được bổ nhiệm làm CTO của toàn Tập đoàn. “Vẫn lại như những lần trước, tôi được giao nhiệm vụ mà không được định hình trước phải làm gì và thế là tôi lại phải tự nghĩ ra việc mà làm, sau đó mở dần sức ảnh hưởng của mình”, Nguyễn Lâm Phương cười vang.

Ông bảo, đang từ một công ty thành viên như FPT Software, dù cũng đang làm CTO nhưng chủ yếu lo về định hướng giải pháp hoạt động cụ thể cho Công ty, sang làm ở Tập đoàn - “một công việc phức tạp hơn nhiều” - với nhiều công ty thành viên, nhiều ngành nghề, vai trò công nghệ trong mỗi công ty này cũng khác nhau, nên áp lực rất lớn.

“Ở Tập đoàn, cái mà tôi cần làm là lo sắp xếp hệ thống, xây dựng thể chế”, Nguyễn Lâm Phương kể và bảo rằng, vẫn là may mắn khi ông nhậm chức đúng vào thời điểm cuộc cách mạng công nghệ - cứ 10 - 15 năm lại bắt đầu một lần - đang ở giai đoạn đầu. Ở cương vị CTO, một trong các đóng góp quan trọng của ông là giúp FPT định hướng để phát triển theo xu hướng mới: S.M.A.C (bao gồm Social - Xã hội, Mobile - Di động, Analytics - Phân tích, dựa trên dữ liệu lớn và Cloud - Đám mây). S.M.A.C cho đến nay đã được FPT xác định là “mũi khoan” cho việc thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của Tập đoàn.

“Những định hướng công nghệ mới này mở ra rất nhiều tiềm năng phát triển cho FPT. Cùng một xuất phát điểm như nhiều công ty lớn khác trên toàn cầu khi bước chân vào S.M.A.C nên chúng tôi có thể tự tin nói với khách hàng của mình rằng họ nên dùng S.M.A.C để thay đổi công nghệ kinh doanh và tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp của mình”, Nguyễn Lâm Phương nói.

Đương nhiên, S.M.A.C không thể thay thế toàn bộ doanh thu của FPT. Nhưng trong định hướng chung của 5 năm tới (từ năm 2014), 20% doanh thu của FPT sẽ đến từ hoạt động công nghệ cao. Và công nghệ chính là chìa khóa để FPT phát triển, là đòn bẩy để người FPT thực hiện One FPT, là mẫu số chung cho mọi hoạt động của FPT.

Nhưng khi được hỏi liệu ông đã “tròn vai” trong hơn 2 năm qua, thì Nguyên Lâm Phương chỉ cười và bảo rằng, Chủ tịch Trương Gia Bình sẽ là người đánh giá. Điểm khiến ông hài lòng là đã bước đầu định hình hoạt động công nghệ cho FPT, xây dựng được lực lượng và chính sách đủ mạnh để mọi người hào hứng với nó. “Đó là một vị trí mới mà tôi vẫn đang trong quá trình thích ứng với nó”, ông nói.

Có lẽ vì vẫn đang trong quá trình thích ứng, nên nhiệm vụ mới lại vừa được giao. Chủ tịch Trương Gia Bình cuối năm 2014 đã nghĩ đến mô hình quản trị sáng tạo mang tên Thành Cát Tư Hãn. Một cách đơn giản thì vị Chủ tịch muốn áp dụng bí quyết của người sáng lập đế quốc Mông Cổ là chia đều chiến lợi phẩm cho mình, cho tướng trận và quân sĩ, để “ai cũng có phần”, từ đó khuyến khích sức sáng tạo của nhân viên và thu hút được nhiều ý tưởng xuất sắc về công nghệ từ các nhân tài trong và ngoài tập đoàn…

Ý tưởng là của Chủ tịch Trương Gia Bình, nhưng người chủ trì thực hiện và xây dựng chính sách là Nguyễn Lâm Phương. “Chính sách Thành Cát Tư Hãn không chỉ đơn thuần liên quan đến phân chia quyền lợi, mà còn là phương pháp khởi nghiệp, cấu trúc quản lý... có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực, cả trong và ngoài FPT để kích hoạt sự sáng tạo, mang lại thành công lớn hơn và đưa FPT tiến lên nấc thang tiếp theo trong chuỗi giá trị”, Nguyễn Lâm Phương kỳ vọng.

* * *

Nhiệm kỳ CTO của Nguyễn Lâm Phương chỉ vài tháng nữa là kết thúc. Hỏi rằng ông sẽ thế nào nếu như không tiếp tục được bổ nhiệm vào vị trí ấy, Nguyễn Lâm Phương lại cười vang: “Nếu có người nào khác phù hợp hơn ngồi vào vị trí đó và đẩy được nhanh hơn khát vọng của FPT thì càng tốt. Ở FPT, không làm việc này thì tôi có thể làm việc khác”.

Mà đúng vậy, với một người không chịu lùi bước, luôn sáng tạo và chuyên nghiệp trong công việc như ông, không gì là không thể.

Tin bài liên quan