Doanh nhân Đỗ Hữu Hậu (thứ nhất từ trái sang) đã trở thành "cánh tay phải" của cha, ông Đỗ Hữu Hạ (đứng thứ ba từ trái sang), Chủ tịch TCH và HHS

Doanh nhân Đỗ Hữu Hậu (thứ nhất từ trái sang) đã trở thành "cánh tay phải" của cha, ông Đỗ Hữu Hạ (đứng thứ ba từ trái sang), Chủ tịch TCH và HHS

Gia tộc kinh doanh của Việt Nam: Tại sao khó trường tồn?

(ĐTCK) Nếu không phải các doanh nhân trẻ là bạn bè, cộng sự của con cái ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Tập đoàn Empire đảm nhận việc phát triển dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng CocoBay sẽ khó có clip quảng cáo vui nhộn, với màu sắc, âm thanh và hình ảnh lạ mắt về dự án xuất hiện trên truyền hình.

Ông Trịnh Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire cho biết, một hội đồng với hơn chục thành viên đã ngồi thẩm định, tranh luận và cho ý kiến rất lâu, đoạn clip quảng cáo này mới được phép thông qua và xuất hiện trên truyền hình. Nhưng trước đó, cửa duyệt đầu tiên lại là lãnh đạo Tập đoàn.

Nếu những nhà phát triển dự án bất động sản không thuộc thế hệ doanh nhân trẻ 8x, mà vẫn là bậc cha chú của họ thì chắc chắn sẽ không có đoạn quảng cáo lạ mắt, lạ tai như vậy.

Sau hơn 10 năm im hơi lặng tiếng, dự án của Tập đoàn Empire (trước đây là Tập đoàn Thành Đô) do ông Nguyễn Đức Thành làm Chủ tịch đang tận dụng cơ hội mới từ thị trường bất động sản để trở lại với tốc độ nhanh, quy mô bài bản và nhiều điểm mới hơn.

Ông Thành đã giao cho con trai, con gái gần như toàn quyền quyết định phát triển dự án này. Và dĩ nhiên, cộng sự của thế hệ doanh nhân F2 cũng tầm tuổi như họ, phần lớn được học hành đào tạo ở nước ngoài, về Việt Nam với rất nhiều ý tưởng mới. Đơn cử như Trịnh Việt Hưng là bạn thân con trai ông Thành, từng tu nghiệp tại Singapore.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam, trong những lần trò chuyện với người viết, luôn tự hào về hai đứa con.

Ông Hải có con trai đầu, con gái út nhưng cô con gái Nguyễn Ngọc Mỹ xem ra được thừa hưởng gen phong cách và tài ngoại giao từ cha nhiều hơn anh trai.

Ông Hải dù còn rất phong độ cũng đã sớm chuyển giao quyền lực cho các con và hiện tập trung nhiều cho sự nghiệp giáo dục, giảng dạy tại một số trường đại học mà ông thỉnh giảng.

Hiện cậu con trai Nguyễn Minh Nhật đảm nhận mảng sản xuất công nghiệp, cô con gái được giao đảm nhận công việc kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng chục dự án với diện tích  gần 1.000 ha trên toàn quốc.

Gia tộc kinh doanh của Việt Nam: Tại sao khó trường tồn? ảnh 1

Nguyễn Minh Nhật, con trai cả của ông Nguyễn Tuấn Hải hiện đang là lãnh đạo của hãng sơn Kansai

"Môi trường kinh doanh mới đang đòi hỏi tư duy mới, cách làm mới và cách thức quản trị doanh nghiệp hiện đại. Thế hệ doanh nhân trước đây như chúng tôi không có điều kiện học hành bài bản rất cần được bổ sung những điểm mạnh này từ con cái và các trợ lý trẻ tuổi. Tất nhiên, tôi chưa rút lui mà vẫn luôn sát cánh hỗ trợ các con”, ông Hải chia sẻ.

Trong cuộc gặp gỡ với giới phân tích, nhà đầu tư hồi năm ngoái, những ai tìm hiểu khá sâu về Tập đoàn Hòa Phát có thể bắt gặp sự xuất hiện của cậu cả gia đình doanh nhân Trần Đình Long.

Tham gia sự kiện này, cậu ngồi dưới như một nhân viên bình thường của Tập đoàn, thỉnh thoảng đảm nhận vài việc vặt đột xuất. Đám nhân viên của Hòa Phát cho biết, thiếu gia mới về Tập đoàn làm việc, tính tình hòa nhã và rất chịu khó học hỏi.

Gần đây, Tập đoàn Geleximco cũng triển khai rất nhiều dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án công nghiệp như nhiệt điện, sản xuất giấy, xi măng hay các dự án bất động sản.

Chủ tịch Tập đoàn ông Vũ Văn Tiền đã giao phần lớn công việc cho cộng sự thân tín là các anh em ruột của ông, người lo mảng bất động sản, người lo mảng ngân hàng, nhưng ông chưa có được sự hỗ trợ từ con cái và các cháu.

Con gái cả của ông tu nghiệp trong lĩnh vực tài chính tại Anh, sau khi tốt nghiệp đã tự xin thực tập và vào làm việc cho một ngân hàng ở Malaysia.

Thế hệ doanh nhân trẻ có đầy đủ kinh nghiệm, kiến thức nhưng thiếu lửa đam mê, thiếu tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.

Con cái ông qua lời kể của cô chú ruột cũng giản dị, khiêm tốn và “chưa muốn” xuất hiện, ông cũng không định hướng, o ép con phải học môn này, ngành kia hoặc phải kế nghiệp ba mẹ.

Hiện chưa có một cuộc thống kê đầy đủ nào về thế hệ doanh nhân F2 tại Việt Nam như những thống kê mà các tổ chức như Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã từng thực hiện với thế hệ doanh nhân F1, đang là các bậc cha chú của họ.

Tuy nhiên, ở hầu hết các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam hiện nay, con cái của các doanh nhân, những người sáng lập doanh nghiệp đã đến tuổi trưởng thành, đã có thể hỗ trợ cho ba mẹ họ trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Bản thân lãnh đạo các tập đoàn, dù vẫn là trụ cột chính chèo lái con tàu doanh nghiệp nhưng hạn chế về năng lực quản trị, tầm nhìn, thậm chí là cả sức khỏe, tuổi tác, đều muốn có người “chung vai” gánh vác bớt công việc cho mình. Nhưng không phải ai cũng mãn nguyện và có niềm hạnh phúc lớn lao ấy.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Động Lực từng chia sẻ, đã từng có ý định truyền nghiệp lại cho con cái và đã giao việc cho họ, nhưng sau một thời gian, ông thấy con cái chưa thể đảm nhận, gánh vác được cơ nghiệp khiến ông lại phải “ôm đồm”.

Còn chủ tịch một tập đoàn có quy mô hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất một cô con gái, đang theo học ngành nghệ thuật ở nước ngoài. Dù rất muốn con học về kinh doanh, nhưng ông tôn trọng quyết định của con.

Tương tự, ông chủ tịch một doanh nghiệp niêm yết lớn khác hiện có hai cô con gái đôi khi không giấu được nét buồn trong câu chuyện với những người bạn thân, bởi cô con gái cả của ông sau khi sang Mỹ một thời gian đã chuyển ngành học từ quản trị kinh doanh sang nghệ thuật.

Ông vẫn tự an ủi mình rằng, đó là lựa chọn thông minh của con gái vì theo nghiệp kinh doanh, cuộc đời người phụ nữ sẽ có không ít vất vả, thậm chí là cả sự hy sinh.

Ở một số doanh nghiệp, cha con lại có sự bất đồng quan điểm lớn.

Giám đốc một công ty chuyên đầu tư tài chính có cha là chủ tịch một công ty niêm yết lớn trên sàn năm nay kể, đi đâu người ta cũng hỏi, nhà có mấy anh em trai có, gái có, sao không gánh vác đỡ cụ công việc, mà để cụ vẫn lọ mọ lo lắng sớm hôm.

Nhưng người ngoài đâu hiểu nỗi khổ, anh em ông bị kiểm soát chặt chẽ, khó có sự chủ động trong công việc, nên một vài người con sau thời gian về làm chung với cha đã buộc phải “ra riêng”.

Khác biệt khoảng cách thế hệ là cản trở lớn nhất của chuyển giao doanh nghiệp có thế hệ sau, vì khi tiếp quản, người kế nghiệp vẫn chịu sự chi phối lớn và can dự nhiều vào quyết định của người cũ. Đó cũng là tình trạng chung ở các công ty gia đình Việt Nam.

Một điểm khác biệt nữa là thế hệ doanh nhân trẻ có đầy đủ kinh nghiệm, kiến thức nhưng thiếu lửa đam mê, thiếu tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.

Họ có thể nắm bắt rất nhanh nhưng lại thiếu sự nhiêm nhường của người làm chủ, thiếu khả năng đối nhân xử thế hài hòa dẫn đến không có khả năng “dụng nhân” như cha chú họ từng có thế mạnh.

Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp gia đình và tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp gia đình vào GDP quốc gia, nhưng ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường PACE, khẳng định doanh nghiệp gia đình rất phổ biến ở Việt Nam.

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, câu chuyện chuyển giao quyền lực cho người kế nghiệp tại các công ty Việt trở thành đề tài được quan tâm hơn bao giờ hết do lựa chọn người kế nghiệp không chỉ là chuyển giao tài sản, mà chuyển giao cả sự nghiệp được xây dựng trong nhiều năm.

Nhìn lại lịch sử kinh thương thế giới, có thể thấy đằng sau rất nhiều tập đoàn hùng mạnh của thế giới là bóng dáng của các gia tộc kinh doanh.

Nếu như châu Á có gia tộc họ Lee với đế chế Samsung, thì châu Âu có gia tộc Porsche với hai thương hiệu lừng danh Porsche và Volkswagen, cũng như châu Mỹ có gia tộc Morgan với tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn đến thị trường tài chính.

Không khó để kể ra rất nhiều cái tên như vậy nữa. Từ Á sang Âu, trong mọi lĩnh vực, sự hiện diện của các gia tộc kinh doanh như vậy đã trở nên rất quen thuộc.

Các khảo sát cũng cho thấy, 2/3 số lượng doanh nghiệp toàn cầu là công ty gia đình, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn; 70 - 90% GDP hàng năm của thế giới được đóng góp bởi các doanh nghiệp gia đình; đóng góp 50 - 80% số việc làm toàn cầu.

Tuy nhiên, khó khăn chung là vấn đề tìm người kế nghiệp, khi chỉ 12% doanh nghiệp gia đình trên thế giới được chuyển giao tới thế hệ thứ ba.

Tất nhiên, việc một doanh nghiệp có thể đi xa đến đâu không chỉ dựa vào tài năng của người kế nghiệp hay dựa vào năng lực của riêng doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan khác như: chính sách của nhà nước, giấc mơ và khát vọng của quốc gia, nền tảng đạo đức xã hội.

Tại Việt Nam, xét về tố chất và năng lực, người Việt không thua kém so với thế giới và cũng không thiếu những doanh nghiệp có tiềm năng tiến xa hơn.

Tuy nhiên, nếu các doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp chú trọng đến câu chuyện quan trọng này thì sẽ bớt cảnh mùa đại hội cổ đông mấy năm gần đây của nhiều công ty, câu chuyện “tiếp nối để trường tồn” luôn được đặt ra và đều có chung một câu nhận định: rất khó khăn.

Tin bài liên quan