Doanh nhân trẻ: Thời của quản trị bài bản

Doanh nhân trẻ: Thời của quản trị bài bản

(ĐTCK) Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với một số doanh nhân tham gia Giải thưởng Sao đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, được Hội đồng bình chọn đánh giá cao.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với một số doanh nhân tham gia Giải thưởng Sao đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, được Hội đồng bình chọn đánh giá cao.

Giải pháp cạnh tranh là phụng sự tốt hơn

Ông Phan Thành Trinh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk (Bamepharm) 

Tận tâm và làm thật, đảm bảo nguyên tắc đồng lợi. Muôn đời nay là vậy. Bản chất của thị trường là cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh để chúng ta làm tốt hơn và ai được ghi nhận nhiều hơn thì tồn tại. Với Bamepharm, chúng tôi đã có những nền tảng nhất định, ngoài chất lượng sản phẩm và hiệu quả điều trị, chúng tôi sẽ phụng sự tốt hơn, đó là giải pháp để thích ứng và cạnh tranh hiệu quả.

Chúng tôi cũng xác định rằng, tương lai quản trị là quản trị bằng tự trị, văn hóa. Bên cạnh quản trị bằng mục tiêu, bằng quy trình, bằng quyền lực, mỗi người sẽ làm việc bằng lương tri, phẩm giá của mình.

Bamepharm tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi đã thay đổi, chúng tôi chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ và chuyển từ tư duy phục vụ sang cung cấp dịch vụ. Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu tốt từ sự đồng thuận, ủng hộ của khách hàng và của cả hệ thống bán lẻ.

Bamepharm có bề dày hoạt động hơn 42 năm, hệ thống phân phối hơn 800 điểm bán lẻ đạt tiêu chuẩn GPP, nhiều thế hệ nhân viên. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại mọi người đều có thể kết nối với nhau, nhân viên có vai trò còn hơn cả các vị trí mà họ chịu trách nhiệm, họ là yếu tố quan trọng truyền tải giá trị thương hiệu tới khách hàng, chúng tôi đã và đang thực hiện điều đó.

Trong giai đoạn mới, Bamepharm sẽ dựa trên 2 sức mạnh cạnh tranh. Trước hết là hệ thống phân phối rộng khắp, hiện được coi là đứng đầu trong số các doanh nghiệp dược địa phương. Song song với việc tiếp tục củng cố và mở rộng kênh phân phối, Công ty sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin một cách tối đa trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Bamepharm phấn đấu giữ vững vị thế doanh nghiệp số 1 khu vực Tây Nguyên về hệ thống phân phối và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Công nghệ số không có chỗ đứng cho doanh nghiệp làm ăn chộp giật

 Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt

Công nghệ thông tin phát triển với những ứng dụng hiện đại đã góp phần giúp khách hàng rút ngắn thời gian tìm hiểu sản phẩm. Tôi hiểu rằng, nếu không thay đổi, tự mình sẽ đi chậm lại, nên luôn tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới để đưa vào điều hành quản lý bộ máy. Hiện tất cả các lĩnh vực mà Công ty kinh doanh gồm du lịch, thương mại đều ứng dụng công nghệ từ 7 - 8 năm nay.

Công nghệ không chỉ giúp chúng tôi thay đổi để thích ứng nhanh với những xu thế bán hàng mới, mà còn giúp giảm chi phí tài chính do tiết kiệm hơn về nguồn lực, nhân sự, cơ sở hạ tầng dẫn đến giá bán hàng rẻ hơn, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian hơn. Đáng chú ý, đa số khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Có đến 70% khách hàng cũ tiếp tục mua các sản phẩm mới của Công ty, điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Hiện chúng tôi đang triển khai một ứng dụng tra cứu thông tin du lịch trên điện thoại, mỗi khách hàng tải app này về đều có quyền lợi khi sử dụng. Họ không chỉ tìm hiểu sản phẩm mà còn chia sẻ, kết nối thông tin trao đổi. Đây giống như một siêu thị thu nhỏ, giúp khách hàng sử dụng các dịch vụ thông minh, tiện ích hơn.

Cách mạng công nghệ 4.0 có thể giúp doanh nghiệp biến điều không thể thành có thể nếu có kinh nghiệm và kỹ năng phân tích thị trường. Để nắm bắt được cơ hội, tôi cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản trị công ty chặt chẽ từ quản trị nhân sự đến tài chính, chiến lược, đặc biệt chiến lược marketing bài bản. Trong nền kinh tế số, doanh  nghiệp có quản trị công ty tốt sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững, doanh nghiệp làm ăn chộp giật
sẽ thất bại.

Khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp sẽ giúp các công ty dầu khí vượt qua khó khăn

TS. Phan Minh Quốc Bình, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) 

Trong bối cảnh giá dầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra với tốc độ nhanh trên toàn cầu, VPI xác định, khoa học công nghệ cùng với nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm để giúp các công ty dầu khí vượt qua khó khăn. Định hướng phát triển trong thời gian tới là xây dựng VPI thành đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo, ứng dụng hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành dầu khí Việt Nam.

Trong lĩnh vực nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, VPI sẽ đẩy mạnh nghiên cứu điều tra cơ bản, xác định tài nguyên dầu khí khu vực nước sâu, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dầu khí các bể trước Đệ Tam; hoàn thiện các hệ phương pháp phù hợp nâng cao hệ số thu hồi cho các mỏ, lập và tư vấn dự án khoan và thiết kế công trình khai thác nước sâu…, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trong lĩnh vực nghiên cứu hóa - chế biến dầu khí, VPI tiếp tục triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn về xúc tác, nhiên liệu sinh học, chế biến sâu khí, mô phỏng công nghệ và tiết kiệm năng lượng; nắm bắt xu hướng thị trường, công nghệ của thế giới, lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn để đề xuất các dự án hiệu quả; tư vấn giải pháp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm năng lượng cho các cụm công nghệ chính của các nhà máy lọc/hóa dầu an toàn, ổn định, hiệu quả.

Đồng thời, lựa chọn, triển khai sản xuất thử nghiệm và từng bước áp dụng các sản phẩm nghiên cứu về nâng cao hệ số thu hồi dầu, các hệ phụ gia, hóa phẩm, đảm bảo dòng chảy vào thực tế công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho các hướng chuyên ngành: chống ăn mòn và bảo vệ toàn vẹn công trình; hóa ứng dụng và phát triển sản phẩm mới, trong đó chống ăn mòn và bảo vệ toàn vẹn công trình là trọng tâm.

Trong lĩnh vực kinh tế và quản lý dầu khí, VPI sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu và dự báo thị trường dầu khí, phân phối, chuỗi cung ứng; nghiên cứu và tư vấn các vấn đề liên quan đến quản trị như quản trị danh mục đầu tư, rủi ro, chi phí, nhân lực, đào tạo và phát triển, tập trung vào các phương pháp quản trị hiện đại tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp dầu khí.

Đặc biệt, chúng tôi đang tập trung nguồn lực thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn gồm đánh giá tiềm năng dầu khí phi truyền thống, tăng cường thu hồi dầu, xử lý và chế biến khí có hàm lượng CO2 cao, quản trị rủi ro; sản xuất các sản phẩm chống ăn mòn, hóa chất dầu khí; cung cấp giải pháp kiểm soát an toàn, xử lý môi trường các công trình dầu khí, công nghệ thông tin.

Mục tiêu chính của VPI là cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ hiệu quả cho khách hàng; xây dựng đội ngũ chuyên gia (trong các lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, chế biến dầu khí, kinh tế quản lý dầu khí); xây dựng cơ sở dữ liệu dầu khí; các giải pháp công nghệ thông tin; cung cấp hóa chất, phụ gia, hóa phẩm.

Sẽ hoàn thành tốt hơn nữa trách nhiệm đối với doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng 

Giải thưởng Sao Đỏ là giải thưởng cao quý và cũng là niềm tự hào của các thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam, được Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đánh giá cao. Với cá nhân tôi, đây là niềm vinh dự lớn, nhưng cũng là áp lực để phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp, rộng hơn là góp phần vào sự phát triển nền kinh tế.

Đối với Thái Hưng, qua quá trình xây dựng và phát triển, Công ty đã khẳng định vị thế của mình trên thương trường, với doanh thu hàng năm đạt 15.000 - 18.000 tỷ đồng, tổng khối lượng phôi và phế liệu kim loại cung cấp mỗi năm chiếm hơn 10% thị phần cả nước.

Với việc đầu tư vào Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS), hay gần đây là quyết định nâng tỷ lệ sở hữu tại Gang thép Thái Nguyên, Thái Hưng đang muốn “hồi sinh” các thương hiệu vang bóng một thời, từng bước nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất - kinh doanh sẵn có; đảm bảo đời sống, việc làm cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Điều đáng trân trọng là chúng tôi luôn nhận được sự đồng lòng, nhất trí của các cổ đông. Với những thành tựu đã đạt được trong xây dựng và phát triển, Thái Hưng sẽ vững bước hơn con đường hội nhập quốc tế.

Tin bài liên quan