Nữ doanh nhân đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế

Nữ doanh nhân đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế

Doanh nhân nữ - Những bóng hồng không thầm lặng

Kiệm lời trên truyền thông, ít xuất hiện trên các diễn đàn, nhưng doanh nhân nữ Việt Nam không hề thầm lặng trên thương trường.

Quyền lực…

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa được Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) vinh danh là “người tiên phong trong thị trường các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam, là nữ doanh nhân rất được kính trọng tại châu Á” trong lễ trao giải lần thứ 20 của Giải thưởng Nikkei năm 2015.

Bà là người Việt Nam thứ ba có tên trong Giải thưởng Nikkei châu Á trong lĩnh vực “Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp”, trước đó là GS. Võ Tòng Xuân và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT Trương Gia Bình, nhưng là nữ doanh nhân Việt Nam đầu tiên được Tạp chí Nikkei tôn vinh vì những đóng góp cho kinh tế khu vực.

Dù vậy, bà Liên không phải là một tên tuổi xa lạ. Năm nay, lần thứ tư liên tiếp bà có tên trong danh sách nữ lãnh đạo quyền lực nhất châu Á do Tạp chí Forbes. Kênh thông tin kinh tế và tài chính CNBC (Mỹ) đã gọi bà là "nữ hoàng ngành sữa" và là "Margaret Thatcher của Việt Nam" – người đã làm nên cuộc cách mạng về sữa ở Việt Nam.

Lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách 50 nữ lãnh đạo quyền lực của châu Á của Forbes năm 2015, nhưng bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sữa TH (TH true Milk) đã nổi danh với lời thề sẽ thay đổi ngành công nghiệp sữa Việt Nam vốn chuyên sử dụng chất bột để tạo ra sản phẩm từ năm 2009, khi bà bắt tay xây dựng TH true Milk. 7 năm, với đàn bò 4 vạn con, diện tích đồng cỏ 8.100 ha, đang có kế hoạch nâng lên 37.000 ha và công nghệ sản xuất sữa tươi của Israel, chắc chắn đây chưa phải là điểm dừng của nữ doanh nhân quyền lực châu Á này.

Rất hiếm thấy một điểm dừng nào ở những nữ tướng đang cầm quân tại nhiều doanh nghiệp, cho dù họ có quyền “hưởng thụ” sự thành công mà họ đã góp phần chính tạo nên cho doanh nghiệp. Những thương hiệu quyền lực như Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á (SeA Bank) Nguyễn Thị Nga; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm CEO REE; bà Phạm Thị Việt Nga, Công ty Dược Hậu Giang… đang tiếp tục ghi thêm dấu ấn mạnh mẽ trên thương trường.

… và sự lo toan

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco là một bóng hồng không thầm lặng khi gây dựng Traphaco từ một xưởng sản xuất thuốc thành một thương hiệu lớn trong ngành dược Việt Nam.

Nhưng khi bàn về thành công của nữ doanh nhân Việt Nam, bà nhắc nhiều tới sự lo toan. “Chúng tôi đem những tố chất nữ này vào trong kinh doanh, trong vận hành doanh nghiệp. Lo toan nhiều, để mắt đến mọi việc, nên bước đi của chúng tôi thường chậm rãi song bền bỉ và chắc chắn”, bà Thuận nói.

Chính điều này khiến phần lớn thành công của nữ doanh nhân gắn với những ngành đậm chất “lo toan” như thực phẩm, y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn… Điều này cũng lý giải một phần tỷ lệ nữ rất cao đang là thuyền trưởng của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Linh Dương (Lào Cai) là một người góp phần làm thay đổi hình ảnh về sản phẩm chè của Lào Cai khi chuyên canh vào chè Olong danh tiếng. Nhưng chính bà Tâm lại nói “sinh ra doanh nghiệp không phải để ghi tên ai” khi được hỏi về kế hoạch hướng nghiệp cho con cái.

“Bước vào lĩnh vực kinh doanh chế biến sản phẩm nông nghiệp, thực hiện các kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu là tôi xác định có thể phải mất 10-15 năm, thậm chí lâu hơn, mới nhìn thấy kết quả. Song nếu không làm, sẽ không thể thay đổi được vùng đất nghèo khó, tập quán canh tác lạc hậu. Có thể con cái tôi sẽ không thích theo nghiệp mẹ, nhưng quan trọng là kế hoạch kinh doanh phải đến đích”, bà Tâm nói.

Trong ngành dệt may, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT của 2 công ty May là Hồ Gươm và Chiến Thắng được gọi là chuyên gia “vá những mảnh ghép” khi vực dậy hai doanh nghiệp trên bờ phá sản, sau 20 năm gây dựng thành nhưng thương hiệu mới trong ngành dệt may Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Hiện tại, không chỉ sẵn sàng chuẩn bị đón nhận cơ hội từ hội nhập, bà còn đang có những kỳ vọng lớn hơn.

“Tôi tự hào vì đã có những doanh nhân Việt Nam sánh vai với thế giới, nhưng chưa nhiều, đó là một trách nhiệm của chúng tôi. Tôi sẽ cố gắng để biết đâu sẽ trở thành một người như thế”, bà nói.

Tin bài liên quan