Doanh nhân Ngô Thị Thùy Trang: Sau người phụ nữ thành công, có bóng dáng một người đàn ông

Doanh nhân Ngô Thị Thùy Trang: Sau người phụ nữ thành công, có bóng dáng một người đàn ông

Chia sẻ về lý do vì sao lại làm nhiều việc, kinh doanh nhiều lĩnh vực, doanh nhân Ngô Thị Thùy Trang cho biết không chỉ đơn thuần muốn kiếm nhiều tiền mà bởi làm việc là niềm vui của bà. 

Ngô Thị Thùy Trang được biết đến nhiều trong giới doanh nhân vì chị kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực, từ Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mã Việt chuyên cung cấp thiết bị cấp thoát nước công nghiệp, đến hệ thống Trung tâm mỹ thuật sáng tạo Global Art & Creative và Nhà hàng rượu vang La Passion.

Chị là người đa tài và nhiều năng lượng, trong các cuộc đấu thầu dự án xây dựng chị thể hiện mình là một phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán, còn khi tham gia các lớp hội họa cho trẻ em thì chị trở nên mềm mỏng, dịu dàng. Gặp Ngô Thị Thùy Trang tại nhà hàng của chị trên đường Lê Thị Riêng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, chị cho biết mình đang háo hức về một dự án kinh doanh mới. Chị nói:

"Bạn bè hay hỏi tôi rằng làm nhiều như thế để làm gì. Có lẽ họ nghĩ đơn thuần là tôi muốn kiếm nhiều tiền nhưng thật ra, làm việc là niềm vui của tôi. Một ngày nào đó mà tôi chỉ đi chơi, không phải làm gì thì thật vô nghĩa. Tôi cũng không nghĩ mình ôm đồm công việc vì việc nào tôi cũng làm thật hoàn chỉnh rồi mới bắt đầu việc khác.

Hơn nữa, mỗi ngành kinh doanh đến với tôi là một cơ duyên. Tôi không phải là kỹ sư xây dựng, từ một nhân viên kinh doanh nhờ nhặt nhạnh kiến thức và chịu khó “xông pha” mà tôi trở thành chủ doanh nghiệp về thiết bị cấp thoát nước. Tôi cũng không phải người làm nghệ thuật, vì bị thuyết phục bởi một chương trình mỹ thuật rất hay cho trẻ con mà tôi quyết định đưa Global Art & Creative từ Malaysia về Việt Nam. Nhà hàng rượu vang tôi xem là một kiểu kinh doanh “tài tử”. Tôi thích uống rượu vang và muốn có một quán nhỏ để ngồi tán gẫu với bạn bè, đối tác. Nghĩ chơi mà làm thật, đến khi làm rồi lại muốn đi sâu tìm hiểu, khám phá những hương vị mới, tìm kiếm nhiều loại “đồ chơi” như ly pha lê, đồ khui lạ… Một số khách đến uống rượu lâu ngày trở thành bạn tâm giao, tôi thấy cũng vui!"

* Người ta thường nói đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ, vậy đằng sau người phụ nữ thành công liệu có bóng dáng một người đàn ông?

- Có chứ. Tôi biết ơn người chồng đã luôn yêu thương và tôn trọng vợ mình. Anh cũng là một người bạn đời tâm lý, luôn động viên, chia sẻ những áp lực mà vợ mình gặp phải trong công việc cũng như cuộc sống. Anh tỏ ra nể phục cô vợ một tay làm nên sự nghiệp, không cần nhờ cậy đến ai. Dù vẫn hay phàn nàn: “Em làm chi nhiều quá vậy? Nhiều lúc muốn trò chuyện với em anh cũng phải xem giờ giấc” nhưng anh vẫn luôn ủng hộ công việc của vợ. Anh ấy còn nói đùa: “Anh thấy em liên tục thay đổi, hết việc này đến việc kia, có khi nào em thay đổi luôn anh không?”. Tôi nói: “Anh yên tâm, em muốn cải tiến mọi thứ, nhưng anh thì sẽ giữ lại không bao giờ thay đổi”.

Dường như “máu” kinh doanh luôn sôi sục trong tôi nên không “xông pha” việc này, việc kia, tôi lại thấy chồn chân. Bạn bè bảo tôi là người nhiều năng lượng, làm hoài không biết mệt. Tôi cũng có mệt chứ nhưng còn sức thì còn đứng dậy đi tiếp. Tôi thấy phụ nữ dù làm chủ hay làm thuê cũng phải có việc để làm. Thu nhập của người đàn ông có đủ nuôi gia đình đi nữa thì phụ nữ cũng cần một nguồn thu nhập riêng, để tự tin và để được tôn trọng. Hơn nữa, có việc để làm mỗi ngày giúp chúng ta sống có ý nghĩa hơn. Tôi sợ nhất là những buổi sáng thức dậy mà không biết mình sẽ làm gì cho hết ngày…

* Với khối lượng công việc hiện tại, điều chị sợ chắc sẽ không thể xảy ra…

- …Mà ngược lại, mỗi ngày tôi có quá nhiều việc nên mỗi buổi sáng cần phải sắp xếp việc gì trước, việc gì sau. Thật may, nhà hàng rượu vang là nơi tôi vừa làm vừa chơi nên không có quá nhiều áp lực. Trung tâm mỹ thuật Global Art & Creative (GAC) cho tôi một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống và một không gian thư giãn hơn là một mô hình kinh doanh. Tôi không có con nhưng tôi rất hiểu tâm lý trẻ em. Tôi biết trẻ nhỏ cần được học về nghệ thuật, nhất là trẻ từ 3-16 tuổi và tôi thấy mình có trách nhiệm phải tổ chức các lớp học bài bản, hiệu quả cho các em.

Còn nhớ năm 2005, khi bắt gặp chương trình GAC trong một chuyến công tác tại Singapore, tôi bị thuyết phục ngay. Vợ chồng người sáng lập chương trình này còn rất trẻ nhưng am hiểu sâu sắc về mỹ thuật. Họ đã xây dựng một chương trình bài bản không chỉ truyền tải cảm hứng nghệ thuật và sáng tạo cho trẻ em, mà còn tập cho trẻ kỹ năng giao tiếp với thế giới bên ngoài, giúp các em tự tin, có kỹ năng tư duy trong một không gian vui học được sắp đặt chu đáo. Trong thời điểm nở rộ các trung tâm ngoại ngữ thì việc đưa một mô hình dạy vẽ từ Singapore về nước ta là một quyết định mạo hiểm. Phần lớn phụ huynh không xem nghệ thuật, sáng tạo là môn học quan trọng.

Vì vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thuyết phục các bậc cha mẹ cho con em tham gia vào những lớp học mỹ thuật. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ từ bỏ dự án này bởi tôi biết rằng đây là một chương trình thật sự hữu ích cho trẻ em trong nước. Tôi tự nói với mình: “Một chương trình phát triển ở nước có nền giáo dục tiên tiến như Singapore thì trẻ em Việt Nam nhất định phải được tiếp cận”. Thật vui khi đến thời điểm này, chúng tôi đã tạo nên một xu hướng giáo dục mới và ngày càng được nhiều cộng đồng phụ huynh ủng hộ.

* Nhưng không thể phủ nhận là so với tốc độ phát triển của các trung tâm ngoại ngữ thì tốc độ mở rộng cũng như nhượng quyền thương hiệu của trung tâm chị vẫn tương đối chậm.

- Đúng vậy. Tôi chỉ mới tập trung phát triển hệ thống trường mỹ thuật khoảng sáu năm trở lại đây. Bốn, năm năm đầu, tôi đầu tư cho chương trình theo kiểu “quăng tiền qua cửa sổ”. Giai đoạn này, việc kinh doanh thiết bị cấp thoát nước rất thuận lợi. Bao nhiêu lợi nhuận thu được từ Công ty Mã Việt, tôi đều đổ vào trường mỹ thuật. Với người kinh doanh, nếu một dự án có vẻ không khả thi, họ sẽ chuyển hướng ngay chứ không để “nặng gánh” đến năm năm trời. Còn tôi vì yêu dự án này quá nên không thể dẹp bỏ.

Tôi còn nhớ người sáng lập chương trình từng nói: “Tôi nghĩ cô nên dành nhiều thời gian cho GAC, chắc chắn cô sẽ làm tốt”. Quả thật, càng dành thời gian cho dự án, tôi càng say mê. Hơn nữa, tôi cho đây là một ngành nhiều tiềm năng mà tư duy của phụ huynh thì không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai. Đến thời điểm này, các bậc cha mẹ tại đô thị đã nhận thức tốt hơn và lựa chọn nơi học cho con chu đáo hơn. Tuy vậy, việc mở rộng kinh doanh của tôi vẫn chỉ diễn ra ở mức trung bình chậm vì tôi sợ đi quá nhanh sẽ bị “hụt chân”. Tôi cũng không đổ nhiều tiền cho việc tiếp thị nên người biết đến trường chủ yếu là nhờ truyền miệng trong cộng đồng phụ huynh.

* Theo chị, vì sao trẻ em cần học thêm môn mỹ thuật trong khi giáo dục tiểu học đã có môn mỹ thuật, thủ công?

- Môn vẽ, thủ công ở trường học còn khá đơn điệu, chưa tạo được cảm hứng cho học sinh. Phần lớn các lớp mỹ thuật trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay vẫn dạy theo lối truyền thống, chưa có tư duy sáng tạo. Một tình trạng chung là nhiều giáo viên đánh đồng việc dạy mỹ thuật là dạy vẽ một cách hời hợt, bắt các em vẽ những bức tranh theo mẫu một cách thụ động chứ không khơi gợi trí tưởng tượng. Thực tế, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng giúp trẻ em xây dựng nền tảng thẩm mỹ, điều mà không sách vở nào có thể dạy được.

Các em cần một chương trình học liên tục đổi mới cùng một môi trường tiện nghi và đầy cảm hứng để có thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình. Đừng bắt các em cứ vẽ một cách khuôn mẫu, bức tranh về ngôi nhà bao giờ cũng phải có một cái cây bên cạnh và mặt trời ở góc phải. Chúng ta chỉ cần khơi gợi đề tài và nội dung, các em sẽ tự phát triển bức tranh theo thẩm mỹ riêng. Chính nền tảng thẩm mỹ này giúp các em định hình nhận thức về bản thân và thế giới xung quanh.

Nghệ thuật cũng giúp trẻ liên tục nuôi dưỡng trí tò mò với thế giới, giữ tâm trí trẻ tự do khỏi những rào cản và ranh giới, nói một cách khác là giúp trẻ rèn luyện sự sáng tạo. Khi kiến thức là thứ có thể bị mất đi theo thời gian, khả năng sáng tạo chính là chìa khóa giúp giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

Việc đưa nghệ thuật vào giáo dục là mang đến cho trẻ những phương thức độc đáo để khám phá, định hình, thể hiện, thấu hiểu ý tưởng của bản thân và của những người xung quanh. Thông qua việc thực hiện, nhìn ngắm và bàn luận về tác phẩm nghệ thuật của riêng mình và tác phẩm nghệ thuật của người khác, trẻ học cách kiểm soát cảm xúc của mình và nhận ra rằng có thể diễn đạt và xử lý những cảm xúc vui vẻ cũng như tiêu cực thông qua các hành động tích cực.

Vấn đề là chúng ta đang đối mặt với việc đặt chú trọng vào các môn học khác như ngoại ngữ, toán và các môn xã hội chứ không phải môn nghệ thuật. Học sinh ngày nay thậm chí không thể vẽ được bức vẽ đơn giản hoặc các đường nét. Một điều trớ trêu là hầu hết tất cả các môn học được dạy ở trong trường cần có minh họa, các đường kẻ, nét vẽ và biểu đồ. Học sinh lại không được trang bị tinh thần để đạt được những yêu cầu mỹ thuật cơ bản đó.

Một người có thể vẽ tốt phụ thuộc vào cách họ quan sát tốt như thế nào. Hội họa kích thích não bộ trẻ phát triển, nâng cao khả năng diễn đạt, quan sát, tập trung và hình thành tư duy sáng tạo của trẻ. Những bài học về vẽ tưởng như đơn giản như tô màu, nhận biết màu sắc và hình dạng của vật thể trong cuộc sống… đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển tư duy của trẻ. Màu sắc tươi vui giúp trẻ dễ học và dễ ghi nhớ hơn. Những hoạt động quan sát và vẽ lại theo hướng dẫn của cô giáo, người lớn cũng giúp bé phối hợp hai mắt tốt hơn. Hoạt động điều khiển mắt và tay chân giúp bé khéo léo và làm chủ được các đường nét. Đào tạo mỹ thuật có thể đóng góp to lớn vào sự phát triển quá trình quan sát – nền tảng cho quá trình học tập của con người. Những nét vẽ chân phương sẽ là phương tiện hữu ích giúp trẻ con thể hiện bản thân.

* Liệu một đứa trẻ ba, bốn tuổi có thể học về nghệ thuật trong khi chúng còn chưa học được bảng chữ cái?

- Không bao giờ là quá sớm để trẻ làm quen với bút màu và giấy vẽ. Khi trẻ nhận thức được mọi vật xung quanh cũng là lúc chúng có thể cầm bút nguệch ngoạc những nét vẽ đầu tiên. Tất nhiên các em nhỏ sẽ được học chương trình phù hợp, vừa học vừa chơi là chủ yếu nhưng dù cho trẻ chỉ vẽ nguệch ngoạc trên trang giấy, thì điều này cũng giúp phát triển khả năng nhận thức và kỹ năng vận động của trẻ. Tiếp xúc với nghệ thuật kích thích trí tuệ, giúp trẻ phát huy được sự sáng tạo của mình và trẻ sẽ tự tin hơn trong giao tiếp cũng như thể hiện bản thân. Do đó, tôi cho là dạy vẽ sáng tạo cho trẻ em thực sự quan trọng và cần thiết.

Các bậc cha mẹ đưa con tới lớp học mỹ thuật của GAC không phải vì họ muốn con họ một ngày nào đó trở thành họa sĩ, kiến trúc sư mà đơn giản là để trang bị cho con trẻ những kỹ năng cần thiết để thích nghi với cuộc sống. Chúng tôi tích cực tạo ra một môi trường mà nơi đó, các trải nghiệm tích cực trong mỹ thuật giúp phát triển trí tưởng tượng của các em nhỏ, thúc đẩy các em kết nối với thế giới tự nhiên và nhân tạo, điều đó nâng cao lòng tự trọng, sự tự tin khi giải quyết các vấn đề và tính logic trong việc phát triển ý tưởng.

Học sinh nên sáng tác, vẽ tranh và tô màu độc lập theo chủ đề được cho trước chứ không nên học sao chép tranh. Trong khóa học mỹ thuật các kỹ năng về sự tương tác, hỗ trợ về xã hội, tiếp thu và tư duy phê bình mà học sinh sẽ được thực hành, cái đó chính là sự phát triển cá nhân, nuôi dưỡng sở thích ngay từ lứa tuổi mầm non. Trẻ em dùng mỹ thuật như là ngôn ngữ biểu cảm mà không cần dựa vào lời nói hay ký tự. Ngôn ngữ được sử dụng và vốn từ vựng của trẻ sẽ tăng dần lên khi trẻ nói về tác phẩm mỹ thuật do mình làm ra. Vẽ sáng tạo còn góp phần phát triển kỹ năng viết và khả năng diễn đạt bằng lời.

Ngày nay, các trường quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh rất chú trọng đến bộ môn nghệ thuật sáng tạo trong chương trình học. Trường Trần Quốc Toản (phường An Phú, quận 2) cũng thiết tha muốn đưa giáo án của chúng tôi vào chương trình học chính khóa. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải cân nhắc rất kỹ trước khi bắt tay hợp tác. Học về nghệ thuật và sáng tạo không đơn giản chỉ cần một gian phòng rộng và những học sinh thích vẽ. Tại trung tâm chúng tôi phải xây dựng những lớp học có đầy đủ yếu tố khơi gợi cảm giác nghệ thuật. Nguồn cảm hứng sáng tạo của các em thường chịu tác động mạnh từ các yếu tố bên ngoài. Trong điều kiện GAC đang thực hiện rất tốt các nguyên tắc chung từ nhà nhượng quyền, tôi không muốn vì lợi ích trước mắt mà làm hỏng cả hệ thống.

* Nay chị đã thành công và làm đúng với đam mê của mình, chị vẫn chưa thấy hài lòng hay sao mà vẫn ấp ủ một dự án kinh doanh khác?

- Người kinh doanh hầu như không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có. Tôi lại là người ham làm hơn ham chơi nên hơi rảnh là tôi lại nghĩ ngay mình phải làm thêm cái gì khác. Trong công việc thường ngày cũng vậy, tôi là giám đốc nhưng không ngại bất kỳ công việc gì, từ kiểm toán đến bán hàng tôi đều “xông pha”. Đối với tôi, “không có gì là không thể” (Everything is possible, nothing is impossible), vì thế mà tôi không chịu lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào. Có lúc, tôi quay cuồng với những dự án lớn đến nỗi quên luôn cả nhan sắc. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách nhưng tôi luôn chọn cách đối mặt để tháo gỡ hơn là trốn tránh, không giải quyết được ngay thì tôi tháo gỡ từ từ…

Công việc thì ôm đồm là vậy nhưng ngược lại, cuộc sống thì tôi lại thấy đủ đầy. Gia đình tôi rất hạnh phúc, ông xã là bạn tri kỷ sẻ chia những khó khăn trong công việc. Tôi quyết định không sinh con vì quá bận rộn nhưng không vì thế mà thấy thiếu hụt niềm vui. Tôi rất giàu bạn bè, những người dù chỉ làm công nhân cũng có thể nghỉ việc để lê la cùng tôi cả ngày.

Tôi có sức khỏe để có thể đi đến những nơi tôi thích. Tôi đã đi khoảng 30 nước trên thế giới, các nước châu Âu như Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Ý, Đức… đều để lại trong tôi những cảm xúc thi vị. Thú thật, trông bề ngoài “thép” vậy nhưng tôi lại là người lãng mạn, thích ngao du những vùng đất đẹp và gặp gỡ những người mới. Tính tôi “ăn to nói lớn”, thích cho đi tiền bạc, kiến thức, ý tưởng mà không mong người nhận trảơn. Trong đời tôi từng gặp nhiều quý nhân, được nhiều người giúp đỡ nên cho đi cũng là một cách trảơn đời…

Tin bài liên quan