Nỗ lực không ngừng nghỉ
Tọa lạc trên con đường Hưng Định (Hưng Lộc, Thuận An, Bình Dương) yên bình, trụ sở của Công ty TNHH Minh Long I xanh mướt bóng cây, khang trang và bề thế.
“Trong tương lai, tòa nhà này không chỉ là nơi làm việc, mà còn là nơi trưng bày và giới thiệu tất thảy sản phẩm sứ nổi tiếng ở mảnh đất Bình Dương. Tôi hy vọng đây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng để những người yêu thích gốm sứ có thể tìm tòi và khám phá về sản phẩm”, vừa dẫn chúng tôi đi thăm trụ sở Công ty, ông Minh vừa nói như vậy.
Nhưng, khi được hỏi về kỳ vọng của Minh Long I vào năm 2020, ông Minh chỉ cười từ tốn: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Va chạm và trải nghiệm nhiều trong cuộc sống lẫn thương trường, ông Minh tự đúc kết, trong kinh doanh, để thành công chỉ 1% là do mình, 99% còn lại là do may mắn. Nhưng ông bảo, may mắn ấy “chỉ dành cho những người chịu thương, chịu khó và kiên trì với mục tiêu”.
Mà ông Minh, có lẽ còn hơn cả một người như thế. Luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Bởi thế, cái tên Minh Long giờ đã chẳng còn xa lạ với người Việt Nam. Sản phẩm sứ Minh Long không chỉ có mặt ở hầu hết gia đình Việt, mà còn đến được với nhiều nước trên thế giới.
Nỗ lực ấy ghi dấu ấn ngay ở chuyện Minh Long sản xuất gốm sứ cao cấp ở nhiệt độ 1.380 độ C, đạt tiêu chuẩn châu Âu bằng phương pháp đốt một lần lửa.
Ban đầu, ông Minh hợp tác với một đối tác Đức. Nhưng hợp tác bất thành, ông quay về nước, quyết tự nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ nung hai lần lửa sang một lần lửa mà vẫn đạt được chất lượng châu Âu (Đức). Ông đã hoàn thiện công nghệ này sau 13 năm miệt mài nghiên cứu.
Giờ mỗi lần nhớ lại, ánh mắt ông vẫn ánh lên sự tự hào, rồi đùa rằng, nếu không nhờ công nghệ ấy để tiết giảm ít nhất một nửa chi phí sản xuất so với cách thường, e rằng Minh Long đã phá sản từ vài năm trước.
Ông Lý Ngọc Minh cùng nhà sử học Dương Trung Quốc (thứ hai từ trái sang) và hai con trai trao đổi về bộ sản phẩm phục vụ tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Ông Minh thường ví, khách hàng là bà mẹ chồng khó tính, còn sản phẩm của mình như cô con dâu làm dâu trăm họ. Bởi vậy, sản phẩm đến tay khách hàng phải vượt cả sự mong đợi của họ. Tức là, khách hàng bỏ ra một đồng để mua sản phẩm, nhưng phải nhận về một vật phẩm đáng giá 2 đến 10 đồng.
Nhiều người hiểu ông Minh vẫn bảo, dường như có tới hai con người trong ông Minh. Đó là một Tổng giám đốc Lý Ngọc Minh rất… khó tính, nhưng lại có một người thợ Lý Ngọc Minh vô cùng phóng khoáng.
Phóng khoáng như nghệ sĩ nên… khó giàu. Nhưng ông Minh bảo, ông giàu có khi có tới 4 người con cùng tham gia phát triển thương hiệu gốm sứ Minh Long. Bao năm học ở nước ngoài, họ nguyện trở về gắn mình với nghề “ấm lòng, đỏ lửa”.
Người con trai cả hiểu biết bao quát nhiều vấn đề nên nắm mảng kinh doanh. Thứ nữ ưa thích mỹ thuật, thì phụ trách phần thiết kế. Thứ nam thì đam mê khoa học, vật lý, nhận vai trò về kỹ thuật.
Còn con út nhạy bén về giao tiếp nên “nó là quản lý sản xuất, nghĩa là nhận việc… nói chuyện cho vui, cho khéo để người ta đi làm”. Mỗi người phụ trách một lĩnh vực dựa trên lợi thế riêng. Họ sẽ biết “tìm quặng ở chỗ nào trong khu mỏ”.
Người giữ hồn của đất
Để một sản phẩm sứ Minh Long ra đời, bao giờ cũng phải trải qua một loạt công đoạn, từ ý tưởng, thiết kế, chọn đất, nung, thử nghiệm... Công đoạn nào cũng quan trọng, bởi chỉ cần một tác động nhỏ từ trong hoặc ngoài lò nung, có thể làm hỏng cả một “mẻ” sản phẩm.
Nhưng chọn đất bao giờ cũng là công đoạn kỳ diệu nhất. Cần lắm kinh nghiệm và bản năng của người thợ. Đầu bếp có thể ngửi mùi mà biết món ăn mặn hay nhạt, còn ông Minh, sẽ sờ và cảm nhận độ mịn, độ dẻo của đất, kể cả dùng đến đầu lưỡi nếm thử, rồi quan sát màu đất bằng con mắt tinh thông để đưa ra quyết định đất đã đạt chuẩn, hay phù hợp với nhiệt độ nung ra sao.
Bao nhiêu năm làm gốm Minh Long, là bấy nhiêu năm ông Minh gắn liền với đất, rong ruổi khắp nơi để “giữ hồn của đất”. Không chỉ tìm đất ở các mỏ đất sét tại nhiều vùng miền của Việt Nam, đều đặn hàng năm, ông có vài ba lần tìm đến những mỏ đất quý tại Hàn Quốc, Nga, Đức, Trung Quốc..., kể cả là vùng đất Trung Đông, để có đất nguyên liệu cho Minh Long sản xuất.
Ở Minh Long, có một kho nguyên liệu đặc biệt - kho nguyên liệu đất, toàn những loại đất quý hiếm. Mỗi sản phẩm đều có những yêu cầu riêng về chất lượng đất, bởi thế, ông Minh đã phải dự trữ một vài loại đất, để phòng khi không tìm hay mua được vào thời điểm cần cho sản xuất..
Có phải vì xuất thân nghèo khó mà ông có nhiều nghị lực để “làm nên” một Lý Ngọc Minh và Minh Long I ngày nay?
Đất cằn mới sinh ra thuốc quý, đó là quy luật. Nếu gia đình khá giả chưa chắc đã có tôi hôm nay. Vì vậy, các con của tôi vẫn phải làm việc chăm chỉ và trải nghiệm nhiều thách thức trong kinh doanh cũng như cuộc sống để trưởng thành.
Có nghĩa là Minh Long I rất chú trọng khâu đào tạo con người?
Đúng. Lúc nào chúng tôi cũng cần đào tạo để biết cách “mài ngọc càng ngày càng sáng”. Khi tìm được viên ngọc nào, tôi mài dũa ngay viên đó, nên cũng khó có thể nói Minh Long I đã mãi dũa được bao nhiêu viên. Vì ngọc ở Minh Long I phải sáng ở mọi mặt, mọi góc nhìn nên hôm nay dũa mặt này thấy sáng, nhưng ngày mai thấy mặt kia chưa được sáng thì phải tiếp tục mài dũa, đánh bóng.
Nhưng, nếu là đá thì mài mãi sẽ không bao giờ thành được ngọc. Làm thế nào để phân biệt?
Một ông thầy giỏi chỉ qua năm ba câu nói chuyện thì sẽ biết học sinh đó có năng khiếu hay không, giỏi hay chưa giỏi chỗ nào, cũng như có thể phát triển hay không
Nhưng vốn là người cả đời gắn tình yêu vào đất, nên với ông, việc nghiên cứu đất để tạo nên một sản phẩm chất lượng cao chẳng khác nào “cuộc phiêu lưu” để thỏa mãn đam mê về đất của mình. Hồi tạo tác chén ngọc APEC và bộ sản phẩm Hoàng Liên (lần lượt được chọn làm tặng phẩm cho lãnh đạo các nền kinh tế APEC và phục vụ tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại sự kiện APEC Việt Nam 2017) cũng thế.
Ông kể, hành trình đầy tâm huyết ấy của Minh Long bắt đầu với 6 tháng phác thảo ý tưởng và 1 năm thể hiện bằng thiết kế hình họa 3D. Kế tiếp là giai đoạn sản xuất sản phẩm mẫu để đánh giá và hiệu chỉnh.
Nửa năm trời, mỗi sản phẩm đều được nghiên cứu, trải qua hàng chục cuộc kiểm định khác nhau, với yêu cầu khắt khe là mọi chi tiết, dù nhỏ nhất cũng phải thật hoàn hảo.
Để có đầy đủ các sản phẩm đặc biệt phục vụ sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm của đất nước, đội ngũ kỹ thuật cùng các nghệ nhân giàu kinh nghiệm của Minh Long đã phải dành thêm 4 tháng nữa để chăm chút, tỉ mẩn trang trí và dõi theo từng sản phẩm ra lò, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật của lĩnh vực sản xuất gốm sứ thế giới hiện nay.
Kết quả cuối cùng, cả chén ngọc APEC và bộ sản phẩm Hoàng Liên đều được chế tác theo phong cách tinh tế, trang nhã nhưng sang trọng và quyền quý theo lối hoàng gia, với hai màu chủ đạo là vàng nhạt và xanh cobalt (còn gọi là màu blue Huế).
Theo ông Lý Ngọc Minh, trong hàng loạt màu, chỉ có màu đỏ và vàng là phù hợp với phong cách hoàng gia, nhưng sử dụng màu vàng trên nền sứ sáng bóng cho vẻ đẹp trang nhã, sang trọng hơn.
Đây cũng là màu khi kết hợp với xanh cobalt - màu xanh đặc trưng, đắt giá nhất trên sứ từ xưa đến nay, mới tạo nên sự phối kết hoàn mỹ. Chỉ hai màu, nhưng đó là cả quá trình chọn lọc, qua hàng trăm lần thử nghiệm khác nhau.
Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng đến giờ, ông Minh vẫn thường tự tay vuốt, nặn hình hài nhiều sản phẩm gốm ngay tại xưởng, để nhắc nhở trên dưới 3.000 nhân viên rằng, ông vẫn là một người thợ lành nghề, mắt sáng, tai tỏ, bàn tay nhanh nhẹn và khối óc sáng suốt. Và có lẽ vì vậy, mà sứ Minh Long cũng luôn sáng lấp lánh, là một thương hiệu mà bất cứ người Việt nào cũng có thể tự hào.