Phối cảnh khách sạn JW Marriot

Phối cảnh khách sạn JW Marriot

Chuyện kinh doanh khách sạn của ông chủ JW Marriot

(ĐTCK) Khi doanh nhân Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, quyết định chọn lô đất bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia để đầu tư xây dựng một khách sạn 5 sao quy mô lớn, không ít doanh nhân cùng thời đã cho rằng vô cùng mạo hiểm.

1. Dù được thông báo trước vài tháng rằng, JW Marriot là một trong những khách sạn mà phái đoàn Tổng thống Mỹ sẽ lưu trú trong chuyến thăm Việt Nam, song chỉ đến khi Tổng thống Obama chuẩn bị đặt chân đến sảnh JW Marriot, cả đội ngũ khách sạn mới chính thức biết rằng, nơi đây vinh dự được lựa chọn.

JW Marriott Hanoi được hoàn thành từ năm 2013, có kiến trúc mang biểu tượng con rồng, một trong tứ linh theo quan niệm xưa, với quy mô 9 tầng gồm 450 phòng, trong đó có 1 phòng Tổng thống. Khách sạn được thiết kế với mục đích phục vụ những sự kiện, hội nghị cao cấp hàng đầu không chỉ của Việt Nam, mà cả quốc tế, bởi vậy, có rất nhiều điểm đặc biệt quen, với những lối đi riêng biệt.

Chẳng hạn, trong những ngày Tổng thống Mỹ ở tại đây, khách vẫn có thể lưu trú và làm việc tại khách sạn như bình thường, các hội nghị vẫn diễn ra và ai cũng cũng hãnh diện khi được ở chung khách sạn với một vị khách đặc biệt.

Chuyện kinh doanh khách sạn của ông chủ JW Marriot ảnh 1

 Ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco

Tiếp theo sự kiện JW Marriott Hanoi đón Tổng thống Mỹ, sau đó, thật vinh dự khi Bitexco Financial Tower được Phái đoàn Mỹ chọn là nơi tổ chức tiệc chiêu đãi của Ngoại trưởng Mỹ trong khuôn khổ 2 ngày công du của tổng thống Mỹ tại TP. HCM ngay sau đó.

Phải nói, bên cạnh tòa tháp Financial Tower, khách sạn 5 sao JW Marriot đã thể hiện tầm nhìn xa của doanh nhân Vũ Quang Hội. Khi ông quyết định chọn lô đất bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia để đầu tư xây dựng một khách sạn 5 sao quy mô lớn, không ít doanh nhân cùng thời đã cho rằng, điều đó là vô cùng mạo hiểm.

"Tôi dạy các con tôi rằng, ai cũng đi một chuyến tàu cuộc đời và phải xuống ga cuối cùng. Bởi vậy, quan trọng là, anh sẽ để lại giá trị gì cho đời?" -  doanh nhân Vũ Quang Hội.

Thật sự, quyết định đầu tư này của ông được đưa ra sau khi nhiều tập đoàn khác, cả trong lẫn ngoài nước đều từ chối lời kêu gọi đầu tư vào đây. Bởi tư duy truyền thống bấy lâu nay là khách sạn cao cấp phải ở khu vực trung tâm thành phố. Vị trí JW Marriot quá xa trung tâm, sẽ khó thu hút khách quốc tế và cả khách cao cấp trong nước, nhiều người cho rằng, ông Hội sẽ thua trong ván cờ này.

Vậy nhưng, tới nay, kết quả hoạt động của JW Marriot đã chứng minh rằng, ông Hội không lựa chọn sai. Cũng bởi xa trung tâm thành phố nên JW Marriot gần như là khách sạn 5 sao duy nhất gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia và khu vực phía Tây thành phố, rất thuận tiện với các tuyến đường nối liền với sân bay Nội Bài. Công suất phòng theo ghi nhận luôn duy trì trên 75%, phòng hội nghị, hội thảo cũng thường xuyên được lấp kín. JW Marriot đã trở thành điểm đến hàng đầu của khách hội nghị, hội thảo cao cấp tại Việt Nam. 

2. Cuộc phiêu lưu trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn của doanh nhân Vũ Quang Hội chưa dừng lại. Một dự án quy mô và tầm cỡ hơn cả những dự án ông đã tạo dấu ấn đang được triển khai tại TP. HCM: Dự án tòa tháp đôi The One, mà nay đã được đổi tên thành Spirit of Saigon, có diện tích xây dựng là 195.000 m2, gồm khu trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê và đặc biệt là khách sạn 6 sao đầu tiên tại Việt Nam mang thương hiệu nổi tiếng Ritz Carlton của Mỹ. Khách sạn 6 sao Ritz Carlton gồm 250 phòng cao cấp, chuyên phục vụ khách thương gia đến Việt Nam.

Dự án gồm 2 tòa tháp được nối nhau bằng khu trung tâm thương mại ở khối chân đế; tòa tháp phía Đông cao 55 tầng, tòa phía Tây cao 48 tầng. Spirit of Saigon được kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ Bernado Fort Brescia xây dựng ý tưởng thiết kế từ hình ảnh con rồng huyền thoại của Việt Nam ngậm ngọc bay lượn trên bầu trời, thể hiện vẻ đẹp của sự phát triển mới, vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.

Đã có người đặt câu hỏi rằng, tại sao ông Hội thường bắt tay hợp tác với đối tác Mỹ trong các dự án tầm cỡ? Câu trả lời chính là đẳng cấp, chất lượng, kết quả cuối cùng và hiệu quả mà các dự án đạt được.

Với JW Marriot, tập đoàn quản lý khách hàng này được nhân viên đánh giá cao ở việc họ rất trân trọng và coi con người là yếu tố cốt lõi của thành công. Nếu như các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới khác có “1 ngày nhân viên”, thì JW Marriot có hẳn “1 tuần nhân viên” (trong những ngày đó, các sếp quản lý phải thay nhân viên đảm nhận các công việc hàng ngày của họ, phải phục vụ đồ ăn cho nhân viên, nhân viên được thưởng, được giảm giờ làm…), những ngày có sự kiện phải làm muộn quá giờ quy định, nhân viên có xe đưa về tận nhà, phụ nữ mang thai được linh hoạt giờ làm… 

Đó có thể là những yếu tố tạo ra chất lượng dịch vụ khác biệt của khách sạn và là đặc sản thu hút những khách hàng có yêu cầu cao và khó tính nhất. JW Marriott là Tập đoàn quản lý khách sạn toàn cầu, chỉ cần là thành viên của Tập đoàn thì đã được bảo chứng về thương hiệu và được Tập đoàn đưa nguồn khách khắp nơi trên thế giới về.

Trong quãng đời của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, hiếm khi nào con đường đến thành công luôn trải sẵn hoa hồng. Bitexco và Vũ Quang Hội cũng có những thời gian khó khăn, cũng trải qua những cơn khát vốn và từng nếm trải “quả đắng” từ những dự án chưa mấy thành công. Song lúc này, ông đang có nhiều việc phải làm. Bên cạnh Spirit of Saigon, dự án Khu đô thị Bitexco Central tại Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đang được tập trung triển khai, Công ty cũng vừa được giao phát triển hơn 400 hec-ta tại Khu bán đảo Thanh Đa tại TP. HCM…

Công trình The Manor Central Park, Bitexco được các kiến trúc sư người Mỹ thuộc Công ty CZS + EE&K, đơn vị thiết kế khu Manhattan và Công ty Nhật Kume Sekkei thiết kế nội thất. Còn để phục vụ cho dự án Bình Quới Thanh Đa, Bitexco đã mời ông Frank Santagata, kiến trúc sư trong nhóm thiết kế Marina Bay Sands của Singapore về làm Giám đốc bộ phận thiết kế.

Trong một bài viết của Forbes Việt Nam, ông Hội chia sẻ một cách nhìn khác biệt: “Lúc nghịch thì phải tính thuận và lúc thuận thì phải tính nghịch. Lúc tình hình thuận lợi nhất, như giai đoạn 2003-2007, nếu suy nghĩ rất lạc quan thì “ở trên mây” lúc nào không biết. Thời điểm đó, phải bình tĩnh quản trị cho tốt, đó là tính nghịch. Còn lúc khó khăn thử thách thì cơ hội cũng nhiều. Cơ hội chưa bao giờ có nhiều như lúc này, nên không thể bỏ lỡ… Cơ hội chỉ dành cho những người biết quyết tâm làm”. 

Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ triết lý kinh doanh rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp vượt ngoài mục tiêu kinh tế. Với những doanh nhân thuộc “thế hệ vàng” của Việt Nam đã thành công như ông hay rất nhiều doanh nhân khác như bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup… nếu có thể làm gì đó tốt hơn cho cuộc đời này, họ luôn sẵn sàng. 

“Tôi dạy các con tôi rằng, ai cũng đi một chuyến tàu cuộc đời và phải xuống ga cuối cùng. Bởi vậy, quan trọng là, anh sẽ để lại giá trị gì cho đời?”, doanh nhân Vũ Quang Hội chia sẻ.  

Tin bài liên quan