Chủ tịch Traphaco chia sẻ nhiệm vụ “cầu nối”

Chủ tịch Traphaco chia sẻ nhiệm vụ “cầu nối”

(ĐTCK) Dù không còn là người đại diện vốn nhà nước, song với bản lĩnh và kinh nghiệm 20 năm tham gia quản lý doanh nghiệp, trong đó có hơn 13 năm làm Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco, bà Vũ Thị Thuận, tiếp tục được tín nhiệm đảm nhận vị trí Chủ tịch Traphaco trong nhiệm kỳ mới.

“Có ra đi cũng không hối tiếc”

Trước kỳ họp năm 2016, nhiều cổ đông lo lắng về khả năng bà Thuận, người có kinh nghiệm và thành công trong việc chèo lái doanh nghiệp nhiều năm qua, có thể rời ghế Chủ tịch. Khi đó, chia sẻ với báo giới, vị nữ doanh nhân này cho biết "không có gì nuối tiếc" bởi sau 13 năm làm Chủ tịch, những nỗ lực của bà cùng đội ngũ nhân viên đã được thể hiện rõ qua sự phát triển của Công ty. Khi kết quả phiên họp HĐQT đầu tiên của Traphaco được công bố, bà Thuận tiếp tục đảm nhận ghế Chủ tịch Traphaco, không ít cổ đông đã thở phào. Bởi họ luôn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo, vai trò kết nối của vị thuyền trưởng này.

Traphaco là DN cổ phần hóa sớm nhất của ngành dược (năm 1999), cũng như của Bộ Giao thông vận tải. Sau 7 năm, năm 2006 phần vốn nhà nước tại Traphaco được chuyển về cho SCIC quản lý. Năm 2007, Traphaco tiến hành niêm yết lần đầu ra công chúng, với vốn nhà nước chiếm 35,6%. Với mục tiêu trở thành công ty đại chúng, chuyên nghiệp về quản trị, Traphaco lên sàn HOSE năm 2008. Từ một doanh nghiệp đứng thứ 5 trong số các doanh nghiệp dược niêm yết tại thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ 2011, dưới sự lãnh đạo của bà Thuận, Traphaco đã trở thành doanh nghiệp dược niêm yết lớn thứ 2 về doanh thu và lợi nhuận. Tốc độ tăng trưởng trong 5 năm qua (2011 - 2015) đạt trung bình 18 - 22%, doanh thu tăng hơn 2,3 lần; lợi nhuận hơn 3,1 lần.

Nếu như năm 1999, khi cổ phần hóa, Công ty chỉ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng với 300 nhân viên. Đến nay, doanh nghiệp đã có hơn 1.600 nhân viên, vốn điều lệ 345 tỷ đồng, vốn hóa trên 4.000 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 100 tỷ đồng. Với tỷ lệ trả cổ tức bình quân 30% bằng tiền mặt, đây là một trong những đơn vị "gà đẻ trứng vàng" của SCIC thời gian qua.

Cổ đông tạo động lực

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, bà Thuận cho biết, cổ đông chính là một phần rất quan trọng tạo nên động lực phát triển của Công ty, bởi họ đại diện cho ý chí, đưa ra định hướng để doanh nghiệp phát triển.

“Chúng tôi đã có chiến lược hành động giai đoạn 2016 - 2020, như đầu tư nhà máy mới, đầu tư vào chuỗi giá trị, hệ thống phân phối… Tất cả những quyết sách lớn đó đều được Đại hội đồng cổ đông thông qua, bởi đây là mong muốn chung của cổ đông. HĐQT cũng là những cá nhân đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của cổ đông để đưa ra quyết định và giao Ban điều hành thực hiện. Tất cả quá trình này đều nói lên vai trò quan trọng của cổ đông”, bà Thuận cho biết.

 Là một doanh nghiệp có nhiều loại hình cổ đông như Nhà nước, nhà đầu tư tổ chức, cổ đông nước ngoài, cán bộ nhân viên… Mỗi nhóm cổ đông đóng vai trò riêng trong quá trình phát triển của Traphaco. Theo bà Thuận, cổ đông nhà nước đem lại cho ban lãnh đạo Công ty nói riêng, cũng như toàn thể nhân viên nói chung sự ổn định, yên tâm. Mới đây, Traphaco và các doanh nghiệp dược lớn đã nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Nhà nước sẽ không thoái vốn, giúp Công ty yên tâm hoạt động hơn, bởi cổ đông nhà nước đã gắn bó lâu dài với Traphaco từ khởi đầu năm 2000 cho tới nay.

Bên cạnh những lợi thế mà cổ đông nhà nước mang lại như sự ổn định, tạo niềm tin cho người lao động, Traphaco còn được hưởng lợi từ sự đóng góp của các cổ đông nước ngoài. Bà Thuận chia sẻ: “Cổ đông nước ngoài là nhà kinh doanh, nhà đầu tư, chúng tôi rất mừng khi tỷ lệ đầu tư nước ngoài tăng lên, thể hiện rằng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá cao giá trị của Traphaco. Nhiều cổ đông nước ngoài đã tham gia cùng chúng tôi từ năm 2007 cho tới nay, đây là quãng thời gian rất dài. Họ tư vấn cho chúng tôi áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến của nước ngoài như: ISO, GMP, KAISEN, 5S, KPI. Việc doanh nghiệp phát triển tốt hay không, bên cạnh yếu tố chiến lược thì năng suất lao động là rất quan trọng. Hiện chúng tôi đang áp dụng nhiều hệ thống quản trị do các cổ đông góp ý kiến, đề xuất”.

Còn đối với cổ đông là cán bộ nhân viên, đây là những người gắn bó mật thiết với Công ty, bà Thuận luôn chủ động kết nối các giá trị lợi ích về vật chất và tinh thần của cổ đông – người lao động với sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu giá trị doanh nghiệp được đánh giá cao thì người lao động sẽ được hưởng lợi.

“Trong tổng lực của Traphaco, ngoài sức mạnh của nhân viên, chiến lược thương hiệu thì có sự giúp đỡ rất lớn của các cổ đông, thông qua các kỳ đại hội đồng cổ đông, các quyết sách chiến lược đúng đắn đã được đưa ra. Đặc biệt, gốc rễ vấn đề chính là phân chia lại quyền lợi sau mỗi năm hoạt động để khuyến khích, cổ vũ tinh thần của các cổ đông. Ít doanh nghiệp nào có phúc lợi lớn như Traphaco năm vừa qua, khi dành hơn 12 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động”, bà Thuận nói. 

Nghệ thuật “nhân hòa”

 Theo chia sẻ của vị Chủ tịch, Traphaco đặt ra 4 mục tiêu. Đối với xã hội, phải cung cấp sản phẩm hiệu quả, chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với người lao động, phải giúp thu nhập tăng trưởng tốt, có được cuộc sống vật chất - tinh thần tốt. Đối với khách hàng, được mang lại giá trị gia tăng. Đối với cổ đông là những người góp vốn, được gia tăng giá trị.

Không dễ để có thể vẹn toàn cả 4 mục tiêu này, bà Thuận hiểu rất rõ điều đó. Bí quyết để doanh nghiệp có thể thực hiện tốt những mục tiêu trên, nằm ở chiến lược “dụng nhân”. Doanh nghiệp có phát triển tốt hay không chính là nhờ sự hợp tác giữa các thành viên trong công ty, không chỉ lãnh đạo mà cả nhân viên. Bởi các quyết sách, định hướng là do lãnh đạo chủ động đưa ra, còn những nhân sự cấp dưới là khối đoàn kết thống nhất để thực hiện theo quyết định của người lãnh đạo. “Càng trong khó khăn, càng phải quan tâm tới người lao động”, đây chính là phương châm mà bà Thuận thực hiện trong nhiều năm qua.

“Doanh nghiệp nên tiết kiệm chi phí nhưng không thể tiết kiệm những gì liên quan đến những con người giúp công ty vượt qua khó khăn. Văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nên sự hợp tác, chia sẻ, cam kết”, bà Thuận nói. Do đó, Traphaco thường cổ vũ nhân viên “vượt qua chính mình”, khi tất cả các thành viên của Công ty đều đăng ký làm một điều gì đó cao hơn, tốt hơn cái họ đã làm được. Bà Thuận tin rằng, nhân viên sẽ làm được một khi họ có quyết tâm cao và đã cam kết với lãnh đạo.

Doanh nghiệp là cuộc đời của mỗi doanh nhân, có lẽ đó là lý do bà Thuận muốn gắn bó với Traphaco dù có không ít lời mời bà về làm việc đến từ các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đó cũng là động lực để bà dần từng bước hoàn thành tốt sứ mệnh chuyển giao quyền lực thành công tại doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam.      

Tin bài liên quan