Thị trường lúa gạo thế giới đang có sự cạnh tranh quyết liệt, người mua có rất nhiều lựa chọn. Bởi vậy, từ khâu sản xuất cho tới xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam cần phải có những cách làm mới.

Chúng tôi đã nhìn sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường rất lớn, lại ở ngay bên cạnh, nhưng với phương thức kinh doanh lâu nay, quy mô xuất khẩu gạo vào thị trường này của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Một phần do các doanh nghiệp của ta thiếu tính chủ động, một phần do những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, phương thức thanh toán.

Dựa vào đàm phán của Chính phủ, kênh ngoại giao và các tổ chức có ảnh hưởng của Trung Quốc, Tập đoàn Lộc Trời tìm kiếm những đối tác có cách làm hợp lý, biết nhìn vào lợi ích lâu dài của hai dân tộc để hợp tác.

Chúng tôi đã gặp và đạt được thỏa thuận hợp tác với Viện sĩ Viễn Long Bình - "cha đẻ" của các giống lúa lai thế giới, người có công đưa năng suất trồng lúa tăng vọt, góp phần làm giảm nạn đói ở quốc gia này.

Nhà khoa học này có nguyện vọng đưa giống lúa lai có năng suất cao, kháng được sâu bệnh của Trung Quốc ra bên ngoài, để người dân Trung Quốc có gạo ngon, an toàn, với giá cả hợp lý.

Trên thực tế, thương nhân Trung Quốc lâu nay sang Việt Nam mua được gạo với giá rất rẻ, nhưng mang về nước bán lại với giá cao.

Ông Viễn Long Bình đã quyết định tìm kiếm đối tác ở Việt Nam để cùng sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường Trung Quốc, bởi hai nước có chung đường biên giới, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, đặc biệt là ông rất kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã gặp nhau ở quan điểm, tình cảm.

Lộc Trời không lớn, không có nhiều vốn, nhưng có uy tín. Hai đơn vị gặp nhau liên danh, tổ chức chuỗi sản xuất bền vững, nghiên cứu từ giống, quy trình canh tác, kiểm soát chặt chẽ vật tư, không sử dụng hóa chất độc hại.

Tôi tin, sự hợp tác giữa hai bên sẽ tạo ra sản phẩm có giá bán hợp lý trên quan điểm không lấy lãi nhiều. Đây cũng là một cách làm thương hiệu chính ngạch, hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất của hai bên.

Đó là vấn đề tôi rất trăn trở, nhưng một mình mình không thể giải quyết được. Phát triển thương hiệu gạo Việt là câu chuyện cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp. Chẳng hạn, các doanh nghiệp mong có những thay đổi về chính sách thuế. Hiện nay, gạo có thương hiệu thì phải chịu thuế VAT, còn gạo không có thương hiệu không phải chịu thuế.

Cá nhân tôi thấy rằng, khoản thu thuế VAT với sản phẩm gạo không lớn, hơn thế chính sách thuế là công cụ của Nhà nước nhằm điều tiết hướng đến mục tiêu của mình. Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho gạo rất mong được khuyến khích và được đồng hành.

Ngành nông nghiệp Việt đang ngày càng có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, với kế hoạch phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Là doanh nhân gắn với nông nghiệp, nông dân trong nhiều năm, hẳn ông rất vui mừng vì điều này?

Chủ trương của Đảng là hiện đại hóa nông nghiệp, văn minh hóa nông thôn, trí thức hóa nông dân. Đó không phải là khẩu hiệu mà chính là chiến lược.

Công nghệ cao nằm trong việc giúp hiện đại hóa nông nghiệp, chẳng hạn chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, đưa công nghiệp, cơ giới hóa công nghiệp, tự động hóa vào.

Đưa công nghệ cao vào nâng cao, hoàn thiện chuỗi này chính là việc thực hiện chủ trương, đó là hiện đại hóa nông nghiệp.

Để phát triển nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thực sự, chúng ta phải xây dựng được hệ sinh thái đi kèm, đảm bảo nó hỗ trợ thực sự cho chuỗi này nói chung, đặc biệt tạo ra sự thay đổi vượt bậc về năng suất chất lượng và cuối cùng là hiệu quả thì mới gọi là công nghệ cao.

Từ hội nghị nông nghiệp công nghệ cao cuối năm ngoái đến nay, ông đã thấy có những chuyển biến gì về chính sách để những lãnh đạo doanh nghiệp như các ông có thêm động lực “chiến đấu”?

Chính phủ đã vào cuộc nhanh, thúc đẩy mạnh và có chính sách rõ ràng. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong có thêm giải pháp quyết liệt ở phần triển khai. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ vốn, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với lãi suất ưu đãi.

Với Lộc Trời, chúng tôi chưa nhận khoản đầu tư nào theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Điều này là bình thường, vì các cơ quan nhà nước đang hoàn thiện chính sách và doanh nghiệp chưa có ý định tiếp cận.

Cũng có thể do thực lực của mình mạnh, mình có thể tự giải quyết được. Nhưng trong giai đoạn phát triển mới của Lộc Trời, chắc chắn chúng tôi sẽ phải xem lại những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà mình có thể nhận được để tận dụng cơ hội phát triển tốt hơn.

Gần đây, kinh tế tư nhân đã được nhìn nhận với vị thế mới. Thuộc lớp doanh nhân đầu tiên hình thành ngay sau Đổi Mới, ông nhìn nhận ra sao về sự thay đổi này và tác động của nó đối với các doanh nhân?

Đội ngũ doanh nhân đi trước trưởng thành trong bối cảnh bị xem thường, kỳ thị, mạt sát là lũ con buôn, gian thương… Họ không chỉ phải chịu những áp lực từ thương trường, mà phải chiến thắng chính mình, chiến thắng những áp lực từ những cái nhìn kỳ thị của xã hội.

Thực sự, đó là những áp lực rất lớn. Sự sàng lọc đó, tôi cho rằng, cũng đã tôi luyện, tạo ra một đội ngũ doanh nhân tương đối chuẩn mực, có ý thức trách nhiệm cao đối với doanh nghiệp và cả đất nước.

Còn sự thành công đối với mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đến từ nhiều yếu tố, trong đó bản lĩnh và ý chí luôn đổi mới, sáng tạo đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Người xưa có câu: “Trong họa có phúc, trong phúc có họa”, người có tâm, có tài sẽ có khả năng biến họa thành phúc. Thời kỳ nào cũng vậy, luôn có cơ hội, thách thức đan xen nhau.

Với thế hệ doanh nhân trẻ, ông kỳ vọng gì về họ và những đóng góp cho một Việt Nam trong tương lai?

Dưới góc nhìn của tôi, đội ngũ doanh nhân bây giờ trưởng thành rất mạnh về trí tuệ, kỹ năng và điều kiện thông tin. Họ có độ mở lớn, tương tác, giao thoa và liên kết với nhau tương đối chặt chẽ.

Hãy tin và trao cho họ cơ hội. Chắn chắc rằng, họ sẽ nỗ lực, phấn đấu và có thể đạt được nhiều thành công hơn các bậc cha chú của họ đã từng làm.