Ông Hồ Đức Lam

Ông Hồ Đức Lam

Chủ tịch Nhựa Rạng Đông Hồ Đức Lam, đại gia mới nổi ngành nhựa

(ĐTCK) Tại một lễ trao giải thưởng lớn cấp Nhà nước, khi được hỏi tại sao không ra chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo doanh nghiệp cùng ngành (ông Hồ Đức Lam - PV), chủ tịch một công ty thuộc nhóm lớn nhất ngành nhựa được rất nhiều người yêu mến và kính trọng đã trả lời: “Có những người mình không muốn đứng cùng sân khấu”.

Nhờ tận dụng thành công đợt thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Nhựa Rạng Đông (mã RDP), ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty đã tăng giá trị tài sản của mình thêm hàng trăm tỷ đồng khi cổ phiếu RDP đã tăng gấp đôi trong 1 năm qua.

Tuy nhiên, để trở thành doanh nhân mà mọi lãnh đạo doanh nghiệp ngành nhựa đều muốn “đứng chung cùng sân khấu”,  ông Lam có thể sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều.

Nước cờ được tính kỹ?

Nhựa Rạng Đông xuất thân là doanh nghiệp nhà nước, chuyên sản xuất hàng nhựa gia dụng, sản xuất hàng nhựa kỹ thuật màng nhựa, giả da tôn, ván nhựa, ống nhựa, bao bì in tráng ghép, vật liệu xây dựng, chai nhựa, áo mưa, cặp túi xách.

Sản phẩm chính chủ yếu là các sản phẩm nhựa PVC, PE, EVA… với hơn 100 loại được chia thành các nhóm sản phẩm như bao bì nhựa, sản phẩm giả da các loại, vải tráng, vải ghép nhựa, màng mỏng, tôn ván nhựa….

Cuối tháng 8/2014, SCIC quyết định thoái toàn bộ 6,2 triệu cổ phiếu, ứng với 43,36% vốn của Nhựa Rạng Đông. Ba nhà đầu tư gồm bà Nguyễn Thị Hương Giang, ông Nguyễn Hoàng Ngân và ông Huỳnh Minh Đoan đã mua khối lượng lớn cổ phiếu với số lượng lần lượt là 1,5 triệu; 2,2 triệu và 2,5 triệu đơn vị tại mức giá trần 15.800 đồng/CP. Sau giao dịch, tổng sở hữu của 3 cá nhân trên chiếm 59,33% vốn của Nhựa Rạng Đông.

Chủ tịch Nhựa Rạng Đông Hồ Đức Lam, đại gia mới nổi ngành nhựa ảnh 1

Chưa đầy 1 năm sau khi nắm giữ cổ phiếu mua được từ đợt thoái vốn, hai trong ba cá nhân trên đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng cổ phiếu RDP sở hữu sang cho ông Hồ Đức Lam, theo phương thức thỏa thuận.

Tại ĐHCĐ 2015 của Nhựa Rạng Đông, HĐQT Công ty đã trình và được cổ đông thông qua việc để ông Lam sở hữu tối đa 65% số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện chào mua công khai. Tính đến thời điểm này, ông Lam đã sở hữu 9,2 triệu cổ phiếu RDP, ứng với tỷ lệ 64,74% vốn Công ty.

Ông Lam đã có 30 năm gắn bó và 10 năm ở cương vị Tổng giám đốc Nhựa Rạng Đông, gia đình ông cũng có những tên tuổi nổi tiếng như chị gái là bà Hồ Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương và ông Hồ Quỳnh Hương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC).

Đáng chú ý là một năm sau khi SCIC thoái vốn, cổ phiếu RDP đã tăng gần gấp đôi, đạt thị giá 29.000 đồng/CP vào phiên cuối tuần trước. Đồng nghĩa với tài sản của ông Lam tính trên số lượng cổ phiếu RDP đang sở hữu tăng mạnh, đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng, đưa ông lọt vào top các đại gia mới nổi trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015. 

Cân đo sức mạnh Nhựa Rạng Đông

Sau khi tư nhân hóa hoàn toàn, Nhựa Rạng Đông báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 rất khả quan. Cụ thể, Công ty đạt 836 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 59 tỷ đồng, vượt 18% chỉ tiêu cả năm.

Trước đó, ĐHCĐ thường niên năm 2015 của Công ty đã thông qua chỉ tiêu cho cả năm là 1.200 tỷ đồng doanh thu và 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với kết quả đạt được trong 3 quý đầu năm, Nhựa Rạng Đông tuy mới chỉ hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu, song đã vượt 18% kế hoạch về lợi nhuận.

Chủ tịch Nhựa Rạng Đông Hồ Đức Lam, đại gia mới nổi ngành nhựa ảnh 2 

Nhìn trên báo cáo tài chính và các thông tin công bố của Nhựa Rạng Đông, kết quả trên có thể đến từ việc giá vốn cùng chi phí bán hàng, chi phí quản lý của Công ty đã giảm đáng kể so với trước, đồng thời Nhựa Rạng Đông gần đây đã thực hiện thanh lý một số khoản đầu tư. Bên cạnh đó, nhà máy Nhựa Tiên Sơn – Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng đã đi vào hoạt động đầu năm 2015 với các sản phẩm bao bì mềm, tôn ván nhựa phục vụ ngành công nghiệp – nông nghiệp – thực phẩm.

Thị giá cổ phiếu RDP đang cao hơn khá nhiều so với giá trị sổ sách (gần 10.000 đồng), song với lợi nhuận dự phóng của Công ty trong năm nay, định giá cổ phiếu vẫn thấp hơn mức trung bình của cả sàn HOSE là 10,9 lần.

Đầu tư Chứng khoán đã gửi câu hỏi tới ông Lam nhằm làm rõ thêm những chuyển biến đã giúp hoạt động của Nhựa Rạng Đông khởi sắc và định hướng chiến lược của Công ty tới đây có gì mới so với khi vẫn còn tỷ lệ vốn lớn của Nhà nước, tuy nhiên ông Lam chưa sẵn sàng chia sẻ thêm thông tin với các nhà đầu tư.

Trong khi đó, theo đánh giá của một chuyên gia am hiểu ngành nhựa và am hiểu cả về Nhựa Rạng Đông, Công ty hiện chưa đạt được vị thế đầu ngành ở bất cứ mảng sản phẩm chính nào. Về sản phẩm bao bì, Nhựa Tân Tiến được xếp ở vị trí số 1 và đến tận năm 2015, Nhựa Rạng Đông vẫn còn gia công các sản phẩm như áo mưa… cho các doanh nghiệp khác.

“Sẽ còn rất lâu để Nhựa Rạng Đông trở thành một tên tuổi lớn của ngành nhựa Việt Nam”, vị chuyên gia trên nhận định.

Tại ĐHCĐ 2015, định hướng đầu tư mạnh cho dòng hàng bao bì đã được lãnh đạo Nhựa Rạng Đông công bố. Tới đây, khi Nhựa Tân Tiến về tay chủ mới Hàn Quốc, liệu đó có phải là cơ hội để Nhựa Rạng Đông bứt phá và vươn lên? Nhiều cổ đông của Công ty đang kỳ vọng về bước tiến này.

Với người trong nghề, ông Lam cũng khá nổi tiếng bởi ông đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017. Song có một câu chuyện khiến cho đại gia Hồ Đức Lam trở thành doanh nhân được cánh nhà báo đào sâu về ngành nhựa chú ý. Đó là, tại một lễ trao giải thưởng lớn cấp Nhà nước, khi được hỏi tại sao không ra chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo doanh nghiệp cùng ngành (ông Hồ Đức Lam - PV), chủ tịch một công ty thuộc nhóm lớn nhất ngành nhựa được rất nhiều người yêu mến và kính trọng đã trả lời một cách rất đa nghĩa: “Có những người mình không muốn đứng cùng sân khấu”.          

Tin bài liên quan