Năm 2004, khi Phạm Việt Khoa và một nhóm các kỹ sư về xử lý và thi công nền móng công trình, quyết định rời khỏi Tổng công ty Licogi, không ít đồng nghiệp cho rằng “mấy ông tướng trẻ chơi ngông, rồi sẽ sớm nhận được bài học”.

Ấy vậy mà thoắt cái cũng đã hơn 10 năm, Fecon “năng nhặt”, chịu khó làm đủ công trình đã vươn lên thành một tên tuổi lớn trong làng nhà thầu xây dựng công trình ngầm của Việt Nam, thậm chí vượt qua cả cái nôi Licogi lừng lẫy thủa nào.

Nay, cả những đồng nghiệp già, những cán bộ thuộc thế hệ cha chú của Phạm Việt Khoa ngày nào, trong câu chuyện về anh, đã thể hiện sự khâm phục và đánh giá cao ngọn lửa khát vọng lập thân của Khoa và các bạn anh.

Nếu tuổi trẻ không xông xáo, bản lĩnh và quyết đoán như vậy, thật khó để có lớp doanh nhân ở độ tuổi “chín”, với tư duy đổi mới, hội nhập mạnh mẽ như ngày nay.

Không chỉ gói gọn ở thị trường trong nước, Fecon đang ấp ủ những chiến lược dài hơi, mở mang bờ cõi ra nước ngoài, trước hết là các thị trường khu vực châu Á.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từ những ngày đầu, triết lý này đã được Phạm Việt Khoa và những người sáng lập Fecon thực hiện, nay tiếp tục được mở rộng hơn khi Fecon “đi cùng” với nhiều đối tác nước ngoài, đặc biệt gần đây nhất là động thái bắt tay với Nexco và Jexway, hai công ty hàng đầu về phát triển, vận hành đường cao tốc tại Nhật Bản.

Họ sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và năng lực quản lý của Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam, cũng như kết nối Fecon với các nhà đầu tư, đối tác Nhật Bản và quốc tế khác.

Công nghệ luôn là một trong những sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của Fecon. Ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng giám đốc CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 nhận xét, Fecon đã đưa được phương pháp xử lý nền, gia cố nền bằng hút chân không kết hợp với gia tải.

“Đây là một thành tựu rất quan trọng trong việc sử dụng các công nghệ tiên tiến do doanh nghiệp Việt Nam thực hiện”, ông Quốc nói.

Bên cạnh việc luôn đau đáu tìm tòi, áp dụng những công nghệ hiện đại và hiệu quả vào Việt Nam, Phạm Việt Khoa cho rằng “Tài sản quan trọng nhất của Công ty là con người, lòng nhiệt tình và quyết tâm cùng tạo lập.

Không có một công ty xây dựng nào ở Việt Nam sở hữu được hơn 100 kỹ sư vừa thấu hiểu địa chất, vừa thấu hiểu ngành kết cấu công trình như ở Fecon. Công nghệ thì có thể mua hay bắt chước, nhưng con người thì rất khó”.

Bên lề cuộc đối thoại Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nhân PHẠM VIỆT KHOA đã có cuộc trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Đó là câu chuyện doanh nghiệp nào cũng nghĩ tới. Tôi cho rằng, ít nhất 30% doanh nghiệp Việt quan tâm đến công nghệ và muốn đầu tư cho công nghệ, nhưng rất thách thức.

Cái khó bó cái khôn, doanh nghiệp nào cũng muốn có công nghệ tốt, trình độ quản lý tốt, năng suất lao động cao, nhưng thực sự, định hướng của các hiệp hội ngành nghề, của doanh nghiệp chưa rõ nét, chúng ta thậm chí còn chưa thế hình dung thế nào là công nghệ chuẩn, chưa nói đến các nguồn lực cần phải đầu tư rất lớn để có thể tiếp nhận và áp dụng được chúng.

Tới đây, tôi hy vọng sẽ có sự chuyển biến, trước tiên doanh nghiệp cần những định hướng chuẩn đã, họ cần sự giúp đỡ của các hiệp hội, các tổ chức và cả sự hỗ trợ của Chính phủ, rồi kế đến là nguồn lực tài chính, chuyên gia…

Song trên tất cả, bản thân các doanh nghiệp phải tự lực, không ai lo cho mình bằng chính mình. Có lúc cũng cảm thấy hụt hơi, nhưng không có cách nào khác.

Nền kinh tế phát triển được thì doanh nghiệp phải sống được. Chính phủ kiến tạo, hãy coi mỗi doanh nghiệp như một viên gạch, từng viên gạch phải chắc chắn.

Cá nhân tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần đề nghị Chính phủ tập trung cho từng chương trình hành động, đơn cử như triển khai Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, sửa đổi các luật thuế… để từng bước đạt được các mục tiêu cụ thể.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp than rằng, cơ chế và các quy định hiện nay chưa khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và họ rất lo đầu tư lớn là mạo hiểm. Anh nghĩ sao về điều này?

Đầu tư cho đổi mới sáng tạo công nghệ còn rủi ro, bản thân môi trường kinh doanh của chúng ta chưa khuyến khích doanh nghiệp. Ví như khởi nghiệp, ai cũng hô hào, nhưng thử hỏi doanh nghiệp khởi nghiệp đã được hưởng ưu đãi gì?

Fecon đã đi qua những trải nghiệm này nên biết rất rõ, doanh nghiệp cần lắm những hỗ trợ ban đầu. Một số nước, họ miễn thu thuế trong vòng 3 năm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hoặc doanh nghiệp có công nghệ mới hiện đại thì họ không thu thuế với các dịch vụ đó.

Cộng đồng doanh nghiệp cần những chính sách rõ ràng, cụ thể. Như hiện nay, mình đang áp dụng với Samsung Thái Nguyên không thu thuế suốt 10 năm. Doanh nghiệp trong nước rất mong chờ có những chính sách như vậy.

Anh đã nghiên cứu, tham khảo nhiều thị trường nước ngoài. Với lĩnh vực hạ tầng, anh có thể chia sẻ một mong muốn nào đó liên quan tới đầu tư công nghệ mới?

Ở các nước khác, doanh nghiệp có rất nhiều đề xuất và nhiều đề xuất chính sách được chấp thuận. Với Việt Nam, chúng tôi rất mong muốn, những công nghệ mới mang lại lợi ích cho hạ tầng Việt Nam, phát triển bền vững, có giá thành phù hợp thì Chính phủ giảm miễn thuế cho công nghệ đó.

Chẳng hạn, công nghệ TBM đào hầm cho TP.HCM hay Hà Nội, hiện mức thuế không khác gì các công nghệ trước đây dùng để đào hầm phổ thông .

Giả sử rằng, nếu Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp mang công nghệ mới vào và miễn thuế cho các hợp đồng sử dụng công nghệ hiện đại đó trong một thời gian nhất định chứ không phải tất cả, ví dụ trong 3 dự án đầu tiên, tôi tin nhiều doanh nghiệp sẽ mang công nghệ mới vào ngay.

Dự án được hỗ trợ, doanh nghiệp có tích lũy sẽ mở rộng ra những dự án tiếp theo và không cần hỗ trợ nữa.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nói rằng, hiện nay vẫn có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ?

Chúng tôi đã tiếp cận với quỹ phát triển khoa học công nghệ, nhưng thấy phức tạp quá. Doanh nghiệp được phép chi 10% lợi nhuận sau thuế cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, nhưng phải chứng minh rất nhiều thứ như gắn với sản phẩm nào, hàm lượng ra sao, hóa đơn đâu, chuyên gia thế nào…

Rất khó khăn cho doanh nghiệp để đáp ứng đủ những chứng từ kèm theo để chứng minh, đây là hoạt động khoa học công nghệ của doanh nghiệp để cơ quan thuế chấp nhận. Bản thân doanh nghiệp tôi đã vướng rồi, đề nghị rồi, nhưng không được.

Nói đến đầu tư cho công nghệ, nhiều doanh nhân cười xòa, họ bảo chớp cơ hội rồi thôi chứ mệt óc làm gì. Liệu có phải văn hóa kinh doanh ở Việt Nam khiến doanh nghiệp khó có thể phát triển bền vững và trường tồn?

Đúng là khi cơ chế chính sách không ổn định, khi có cơ hội người ta sẽ tận dụng mà không muốn đầu tư xa.

Ví dụ như làm BOT, không phải doanh nghiệp nào cũng dám làm, phải hiểu biết, làm có hiệu quả mới dám làm, khi làm xong 1-2 năm đầu tốt, đến thời điểm này cả xã hội đang xoi mói vào BOT, nhìn những doanh nghiệp làm BOT như những “kẻ xấu” thì ai dám làm.

Các lĩnh vực khác cũng thế, lựa chọn của người đứng đầu doanh nghiệp và kiên định với lựa chọn ấy là vô cùng quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Còn nói đến sự phát triển chung chung của doanh nghiệp thì vô cùng, có những doanh nghiệp xác định không cần phát triển bền vững, người ta “lướt sóng” kiếm tiền trên thị trường rồi rút lui, đi làm cái khác.

Với riêng tôi, trong lĩnh vực xây dựng, hạ tầng, không có con đường nào khác là phải phát triển bền vững.

Anh có thể chia sẻ về một trải nghiệm nào đó khiến mình hụt hơi, nhưng phải đương đầu và vượt qua?

Có chứ, ví dụ ngay với doanh nghiệp trong lĩnh vực của mình. Doanh nghiệp tốt chưa chắc được giao những việc đáng lẽ xứng đáng được làm, mặc dù đó là việc khó, việc có cơ hội tốt để phát triển.

Có doanh nghiệp có quan hệ, có khả năng xin cho, người ta xin được và bán lại cho các doanh nghiệp làm trực tiếp. Khi đó, biên lợi nhuận còn rất thấp, lại thông qua một cầu nên chuyện thanh toán cực kỳ rủi ro.

Bỏ nguồn lực ra làm, vài ba năm sau mới thu được tiền, có thể tạo ra khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền, mà dòng tiền là dòng máu, hết tiền là hụt hơi (cười).