Cạnh tranh quyết liệt trong ngành dược sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nhân như ông Lê Văn Lớ

Cạnh tranh quyết liệt trong ngành dược sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nhân như ông Lê Văn Lớ

Chủ tịch DHT và câu chuyện “một thời gian khó”

(ĐTCK) Tưởng chừng đã mất công ty sau bao năm cùng các cộng sự gây dựng cơ đồ, song hành động quyết liệt của ông Lê Văn Lớ, Chủ tịch CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) đã đưa Dược Viễn Đông, doanh nghiệp định “nuốt chửng” DHT ra ánh sáng và sụp đổ vì sự gian dối.

1. Năm 2010, TTCK Việt Nam chứng kiến một sự việc kỳ lạ. Lần đầu tiên, một doanh nghiệp niêm yết, CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) cho rằng, cổ phiếu của họ bị làm giá bởi một doanh nghiệp niêm yết khác, CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), khiến giá cổ phiếu DHT biến động thất thường.

DHT đã gửi công văn đến Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) để tố sự việc bị làm giá cổ phiếu.

Trong văn bản giải trình nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn nhiều phiên liên tiếp gửi HNX, DHT tố cáo DVD làm giá cổ phiếu DHT. Tiếp đó, DHT đã có công văn gửi UBCK và HNX cung cấp các căn cứ mà DHT cáo buộc DVD có dấu hiệu làm giá cổ phiếu DHT.

Cụ thể, DHT cho rằng, trước thời điểm tháng 5/2010, giao dịch cổ phiếu DHT luôn ổn định và dao động quanh giá 30.000 đồng/CP, vì tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DHT không có đột biến lớn. Từ khi DVD và nhóm người có liên quan tuyên bố mua thâu tóm DHT (chưa được phép của UBCK), thì giá cổ phiếu DHT tăng đột biến từ 38.000 đồng/CP lên 101.000 đồng/CP (ngày 19/8/2010). Trong khi đó, nhóm cổ đông truyền thống của DHT không có sự thay đổi.

DHT cho rằng, hành vi liên tục mua bán trao tay với nhau của DVD và nhóm người có liên quan, cùng với thủ thuật công bố thông tin không minh bạch của ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVD) đã gây hiệu ứng không tốt tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DHT, làm giá cổ phiếu DHT biến động bất thường.

Việc ông Lê Văn Dũng và nhóm cổ đông liên quan đến ông Dũng sử dụng quyền sở hữu của mình một cách không minh bạch, cùng với hành vi mua bán không công bằng cho thấy có dấu hiệu làm giá cổ phiếu của DHT.

Từ những thông tin do DHT cung cấp, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác minh ra sự gian dối của các lãnh đạo DVD, ông Lê Văn Dũng cùng nhiều đồng phạm bị khởi tố, và DVD sụp đổ.

Mới đây, DHT đã kỷ niệm 50 năm thành lập, nhớ lại thời điểm cam go của doanh nghiệp, Chủ tịch DHT kể, “khi DVD có ý định thâu tóm DHT, rất nhiều người đã nói với tôi, các anh sẽ mất doanh nghiệp và không cách nào chống đỡ được, thôi thì chấp nhận như quy luật của kẻ mạnh – yếu”.

“Khi có được bằng chứng rằng ông Dũng và cộng sự dùng tiền vay ngân hàng để mua cổ phiếu DHT, chúng tôi quyết định không chấp nhận thua cuộc và phải bảo vệ doanh nghiệp đến cùng”, ông kể. Vậy là ông Lớ và các đồng nghiệp tìm kiếm thông tin, xâu chuỗi mọi sự việc và quyết định đấu tranh vì lẽ phải. Cuối cùng lẽ phải đã thắng thế.

Ông Lê Văn Lớ

2. Trò chuyện với chúng tôi về lịch sử hình thành và phát triển của DHT, ngoài câu chuyện chống lại những kẻ thâu tóm doanh nghiệp một cách bất chính, ông Lê Văn Lớ không tránh khỏi bồi hồi khi nhớ lại những ngày gian khổ thời kỳ đầu nhận nhiệm vụ, thời còn thiếu ăn, thiếu mặc.

“Năm 1989, tôi nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty mà trong lòng rất đỗi băn khoăn, thậm chí còn có tâm lý không muốn làm. Thời đó, hoạt động sản xuất của công ty quá khó khăn, vốn vỏn vẹn có 34,6 triệu đồng, nhà xưởng chỉ có duy nhất một cái máy cũ kỹ, công nhân không có việc làm. Tôi còn nhớ như in căn phòng họp, trên trần nhà lỗ chỗ vài miếng ‘vá’ bằng ni-lông được chống tạm bằng mấy cây tre để đỡ sụp.

Phải làm gì đây để có tiền, duy trì sản xuất, làm sao để công nhân có việc làm, để bữa ăn hàng ngày của họ được no đủ? Những câu hỏi ấy cứ đeo đẳng ban lãnh đạo chúng tôi, theo vào trong từng bữa ăn, giấc ngủ.

Để có thể sản xuất, ban lãnh đạo Công ty đã quyết định kêu gọi anh em cùng chung tay góp vốn. Hồi đó, dân số tỉnh Hà Tây có 2,4 triệu người, nhưng mỗi quý chỉ được phát có 1,5 triệu viên thuốc cảm. Một kế hoạch táo bạo được đưa ra thảo luận: mua 1 triệu viên thuốc cảm về bán lại cho dân trong vùng, lấy tiền tiếp tục đầu tư. Mọi người đều nhất trí ủng hộ kế hoạch, nhưng đơn hàng bị xí nghiệp bạn từ chối gia công.

Tình thế buộc chúng tôi phải tiến thêm một bước: tự làm thuốc để bán cho dân. Tuy nhiên, khó khăn lại ập đến khi xí nghiệp bạn ‘kiện’ Công ty vì sản xuất sản phẩm giống họ. Song cũng chính nhờ ‘vụ kiện’ đó mà chúng tôi đã có bước ngoặt lịch sử: xin cấp phép từ Cục Quản lý dược sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuốc và đăng ký bản quyền nhiều nhãn hàng theo quy định về sở hữu trí tuệ.

Từ đó, mọi việc thuận lợi dần, công nhân có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp bạn còn đến nhờ chúng tôi gia công thuốc cho họ. Công ty dần tích lũy được lợi nhuận, đầu tư thêm được nhiều máy móc như máy nhào trộn, dập viên, ép vỉ… Đến nay, doanh số của Công ty đã đạt gần 800 tỷ đồng/năm, nhà xưởng được xây dựng theo quy chuẩn hiện đại với diện tích hơn 17.000 m2, đạt tiêu chuẩn GMP – ASEAN”.

Khi được hỏi về bí quyết thành công của doanh nghiệp, ông Lớ cho biết: “Tôi nghĩ rằng, nền tảng văn hóa đồng thuận, luôn khát khao học hỏi, rèn luyện và tiến về phía trước đã giúp DHT ngày càng phát triển. Tại DHT, không có khoảng cách giữa người lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, chúng tôi gắn kết với nhau như các thành viên trong một đại gia đình, trở thành một khối thống nhất. Đoàn kết – đồng thuận chính là sức mạnh lớn nhất của DHT. Mọi vấn đề đều được chúng tôi thảo luận trước khi hành động cụ thể nhằm tập trung sức mạnh của cả tập thể”.

“Chất lượng thuốc phải là hàng đầu. Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực cũng được DHT quan tâm hàng đầu”, ông Lớ cho biết. DHT là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc có phụ cấp cho dược sỹ tốt nghiệp đại học, họ cũng là đối tượng được đóng bảo hiểm luôn, không phải chờ qua thời gian thử việc. Dược sỹ còn được ưu tiên về nhà ở so với các nhóm cán bộ khác trong Công ty, lương thưởng đều hưởng chính sách cạnh tranh. Đặc biệt, công tác đào tạo được ban lãnh đạo DHT rất quan tâm. Các cán bộ công nhân viên trẻ được cử đi học thêm trong khi vẫn được hưởng lương của Công ty.

Tính đến cuối năm 2015, DHT có 1.100 lao động, gấp gần 10 lần so với 10 năm trước, trong đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học là 159 người. Lương thưởng phải đảm bảo mức cạnh tranh, nhưng môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, tình người tại DHT chính là yếu tố giữ và thu hút người của doanh nghiệp.

3. Có xuất phát điểm là một doanh nhân thế hệ trước, song vị chủ tịch này đã có những thay đổi khá kịp thời để bắt kịp với những chuyển biến trên thị trường. “Trong dòng chảy hội nhập, nếu không tiến lên, doanh nghiệp đứng yên cũng có nghĩa là tụt hậu”, ông Lớ chia sẻ.

Bởi vậy, qua từng năm, DHT đều có sự đổi mới. Đổi mới công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của công ty. Không chỉ vươn lên bằng nỗ lực bản thân, DHT còn có định hướng tập trung mạnh cho việc liên kết, hợp tác với các đối tác để cùng phát triển.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nhà nghiên cứu khoa học để chuyển giao, đưa các đề tài nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất nhằm tạo ra nhiều hơn nữa sản phẩm hữu ích cho người tiêu dùng”, ông Lớ nói và cho biết thêm, Công ty cũng sẽ tập trung phát triển kênh bán lẻ và xây dựng chính sách dịch vụ tốt hơn nhằm đưa các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu khoa học, tái đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và cho ra đời những sản phẩm dược chất lượng cao hơn.

Tin bài liên quan