Làn da rám nắng với gương mặt góc cạnh, Trần Mạnh Chiến luôn tự nhận mình là một anh kỹ sư kiêm nông dân thực thụ.

Thực tế, những vất vả với nghề nông và kinh doanh khiến anh trông chững chạc hơn nhiều so với tuổi 43.

Anh kể rằng, chẳng ngờ có ngày lại bén duyên với kinh doanh và rồi càng làm càng thấy đam mê.

Sinh năm 1974 tại Nam Đàn, Nghệ An, khi tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành quản lý nông nghiệp tại Đại học Larenstein (Hà Lan), Trần Mạnh Chiến về nước làm chuyên gia nông nghiệp của một tổ chức quốc tế, tham gia dự án rau chất lượng của các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhận được mức lương ngàn đô hấp dẫn nhưng vài năm sau, anh quyết định bỏ việc, điều mà cả gia đình anh đều ngỡ ngàng, phản đối.

“Cả 2 gia đình nội, ngoại đều ngăn cản quyết định này bởi cho rằng, tôi không hợp với kinh doanh. Gia đình tôi có truyền thống dạy học, bản thân tôi cũng chưa hiểu gì nhiều về kinh doanh, những chông gai là điều ai cũng nhìn thấy rõ”, anh Chiến nhớ lại.

Và thực tế, chàng trai xứ Nghệ đã vấp ngã ngay từ bước khởi nghiệp đầu tiên khi kinh nghiệm vận chuyển hàng không có, thị trường hoàn toàn mới.

Thời gian đầu làm ăn thua lỗ, đã có lúc nản chí khiến anh định quay về với nghề cũ - làm kỹ sư yên ổn nhận lương nghìn đô.

Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện, gặp gỡ với khách hàng giúp anh nhận ra mình cần kiên trì hơn bởi sản phẩm đang đón nhận được phản hồi tích cực của người dùng.

Từ đó, anh quyết tâm làm lại.

Bằng đam mê với công việc và ý chí vượt khó khăn, rào cản, đến nay, Trần Mạnh Chiến đã bước đầu chạm đến thành công.

Sau hơn 7 năm bươn chải trên thị trường, anh đã có hệ thống rau sạch với quy mô hơn 20 cửa hàng và sở hữu một số trang trại.

Bác Tôm đã dần xây dựng được thương hiệu và vị trí riêng trên thị trường mà anh là linh hồn của hệ thống ấy.

Là người tuổi dần, cầm tinh “ông ba mươi” vốn được cho là nóng nảy nhưng ở Trần Mạnh Chiến luôn thấy có sự điềm đạm, chân chất.

Anh cho biết, tính cách của tuổi dần không ảnh hưởng nhiều tới công việc kinh doanh và khiêm tốn tự nhận mình chưa thực sự thành công, chỉ là đang gặp nhiều may mắn.

“Tôi xuất phát là dân kỹ thuật, không biết gì về kinh doanh, có được như ngày nay là quá sức tưởng tượng”, anh chia sẻ.

Có một điều đáng ngạc nhiên khi tìm hiểu về ông chủ Bác Tôm là anh từng vô cùng ghét kinh doanh bởi ý nghĩ kinh doanh là mua chỗ A giá 5 đồng, bán sang chỗ B giá 10 đồng.

Thời gian và những cú va đập với thị trường đã khiến anh dần thay đổi quan niệm này. Theo đó, anh nhận ra kinh doanh không đơn thuần chỉ là buôn bán như trên, mà doanh nhân còn có vai trò tạo động lực dẫn dắt thị trường.

Trần Mạnh Chiến bước sang một ngã rẽ mới kể từ ngày ấy. Anh bắt đầu chuyển dần sang tìm hiểu về kinh doanh và lấn sân sang lĩnh vực này, mặc dù thừa nhận bản thân vẫn có sức ỳ và chưa nhanh nhạy trong marketing.

Để tự tin và vững vàng trong kinh doanh, Trần Mạnh Chiến bắt đầu nạp kiến thức từ quản lý, nhân sự đến marketing…, thậm chí học online mọi lúc mọi nơi, cập nhật từng cuốn sách mới nhất về kinh doanh trên Amazon.

“Tôi thấy cái gì cũng mới và những va vấp cho tôi nhiều bài học quý giá”, anh chia sẻ.

Nếu như mới đầu, anh kỹ sư Trần Mạnh Chiến bước vào thương trường chỉ đơn thuần là mang rau sạch của dự án đi bán, không biết đến quảng cáo, khách quen giới thiệu người đến mua theo hình thức hữu xạ tự nhiên hương, thì đến nay, Bác Tôm đã có những chiến lược marketing được đầu tư bài bản hơn, chạm đến người tiêu dùng và định vị được thương hiệu thực phẩm sạch.

Từ những viên gạch đầu tiên, Bác Tôm đang cần mẫn xây dựng hệ thống vững chắc với thương hiệu uy tín.

Hiện nay, doanh thu mỗi cửa hàng trung bình đạt 400 - 500 triệu đồng/tháng.

Bác Tôm có trạng trại tại Lương Sơn (Hòa Bình) chủ yếu về rau và chăn nuôi; trang trại ở Sóc Sơn (Hà Nội) chủ yếu nuôi lợn.

Hai năm trở lại đây thị trường thực phẩm sạch phát triển mạnh mẽ, Bác Tôm được đặt trong cuộc đua mới.

Có lúc ông chủ Trần Mạnh Chiến lo ngại mình bị thụt lùi bởi Bác Tôm có lợi thế là chuỗi thực phẩm sạch đầu tiên trên thị trường, có chất lượng sản phẩm tốt và nắm được nhu cầu của khách hàng, nhưng lại lạc hậu về mô hình kinh doanh, thiếu bài bản.

“Hiện tại, chúng tôi đang củng cố lại mô hình bởi lâu nay chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm mà chưa làm tốt phần dịch vụ, hình ảnh thiết kế bắt mắt. Việc cải tiến này sẽ giúp Bác Tôm có bước tiến mới”, anh Chiến nói.

Lấy màu nâu - màu của đất làm nền chủ đạo cho logo Bác Tôm, ông chủ thương hiệu này tự nhận thấy đây là một điểm yếu của mình trong marketing.

Nhiều đồng nghiệp thúc giục thay đổi, “tô son điểm phấn” cho màu áo mới, cũng như logo, để nhận diện thương hiệu Bác Tôm tốt hơn nhưng anh chia sẻ: “Tôi vẫn giữ logo mộc mạc ấy dù quảng cáo có bị chìm, bởi nó thể hiện giá trị cốt lõi của Bác Tôm là trung thành, trung thực với thực phẩm sạch, những sản phẩm có được từ nền tảng của đất. Tôi luôn mong muốn đưa thực phẩm sạch chân chính đến với người tiêu dùng và tin về lâu dài sẽ có giá trị với khách hàng”.

Bác Tôm phấn đấu 10 năm nữa sẽ có hệ thống các cửa hàng tại hầu hết các quận ở Hà Nội, chất lượng dịch vụ được nâng cao, hiện đại hóa công tác quản trị, giảm thiểu thời gian của khách hàng trong việc mua sản phẩm, tăng cường các dịch vụ về sản phẩm chế biến, sơ chế sẵn, nhằm đáp ứng xu hướng ngày càng bận rộn của người tiêu dùng.

Bác Tôm cũng đang hoàn thiện để tất cả các sản phẩm đều được kiểm soát tận gốc.

Kế hoạch gần nhất, trong 2 năm tới, Bác Tôm sẽ mở rộng thị trường tại các tỉnh lân cận Hà Nội và tiến vào phương Nam, chinh phục thị trường đầy tiềm năng này.

“Chúng tôi đang đi những bước chậm nhưng chắc và kiên định với mục tiêu nâng cao chất lượng thực phẩm sạch”, ông chủ Bác Tôm cho biết.

Một ngày cuối tháng 8/2017, Trần Mạnh Chiến trở lại Phan Rang (Ninh Thuận) mang trong mình mong muốn nâng tầm giá trị cho sản phẩm nho và táo Ba Mọi của Bác Tôm.

Anh cho biết, muốn thổi làn gió mới cho sản phẩm và chuyển toàn bộ mô hình trồng nho và táo Ba Mọi từ an toàn sang hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người tiêu dùng.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, anh Chiến cho hay, thị trường thực phẩm sạch đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều bạn trẻ cùng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo.

Bác Tôm buộc phải thay đổi để tránh bị tụt lại phía sau. Hiện doanh nghiệp đang có cuộc cách mạng nhỏ trong củng cố vị thế, thay đổi hình ảnh, thiết kế cửa hàng, gian hàng bắt mắt hơn, tạo hiệu ứng truyền thông, marketing tốt hơn, đồng thời chú trọng đến phát triển dịch vụ sản phẩm.

Đã có nhiều “ông lớn” nhòm ngó đến Bác Tôm và ngỏ lời đề nghị bắt tay cùng Trần Mạnh Chiến để đưa thương hiệu phát triển mạnh hơn nhưng anh từ chối.

Anh lý giải: “Tôi lo sợ khi đầu tư vào Bác Tôm, các ông chủ mới sẽ thay đổi mình hoàn toàn, có thể đi lệch với những giá trị cốt lõi tôi gây dựng ban đầu. Đó là lý do tôi chưa đồng ý”.

Muốn lớn mạnh phải đi cùng nhau, ông chủ Bác Tôm thấu hiểu điều ấy, nhưng trong lựa chọn đối tác, anh có những bước đi thận trọng. Trần Mạnh Chiến cho hay, anh đang chờ đợi những cái bắt tay khác.

“Tôi mong nhà đầu tư có cùng chí hướng với mình trong phát triển thương hiệu Bác Tôm. Hiện nay, tôi đang có một người đồng hành, hỗ trợ Bác Tôm củng cố hệ thống để có bước đệm đi xa hơn”, anh Chiến giãi bày.

Khi được hỏi liệu Bác Tôm có tự làm mình thụt lùi so với sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu khác nếu không có những thay đổi và đầu tư mạnh về tài chính, ông chủ thương hiệu nay khẳng định: “Có thể mình đi chậm nhưng tôi tin rằng mỗi bước đi đều chắc chắn. Ngành thực phậm sạch đang có nhiều cơ hội tăng trưởng và những doanh nghiệp như Bác Tôm đều nhìn thấy rõ tương lai của mình”.