Chiến thuật M&A của đại gia Lê Thanh Thản

Lần đầu tiên công bố thông tin trên thị trường chứng khoán với một thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) kín tiếng tại Công ty cổ phần Du lịch dầu khí Phương Đông (PDC), còn thực tế đại gia Lê Thanh Thản và Tập đoàn Mường Thanh đã thực hiện rất nhiều thương vụ M&A khác.
Trong lĩnh vực khách sạn, Mường Thanh rất quan tâm tới các khu đất có vị trí đẹp, được quy hoạch làm khách sạn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh: ST

Trong lĩnh vực khách sạn, Mường Thanh rất quan tâm tới các khu đất có vị trí đẹp, được quy hoạch làm khách sạn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh: ST

Khẩu vị của Mường Thanh

Được biết đến với hai lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản nhà ở đô thị và khách sạn, Tập đoàn Mường Thanh hiện được đánh giá có quy mô rất lớn tại Việt Nam, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục ngàn căn hộ và khai trương nhiều khách sạn lớn.

Trong thương vụ mua cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết là PDC, sở hữu Khách sạn Phương Đông (Nghệ An), ông Thản đã mua vào 3 triệu cổ phiếu (tương đương 20% cổ phần). Hai cá nhân khác là bà Lê Kim Giang, mua 1,58 triệu cổ phiếu và ông Đỗ Trung Kiên (con rể ông Thản) mua 2,85 triệu cổ phiếu.

Nếu tính cả 587.000 cổ phiếu PDC mà bà Lê Thị Hoàng Yến, con gái của ông Thản đang sở hữu, thì gia đình ông Thản hiện sở hữu 42,9% cổ phần của PDC và nếu tính thêm cả bà Lê Kim Giang, thì tỷ lệ sở hữu của nhóm này lên đến 53,44%.

Trong cơ cấu cổ đông lớn của PDC, hiện OceanBank còn nắm giữ 10%. Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Dương đứng sau thương vụ M&A này, bởi vậy nhiều khả năng, nếu OceanBank thoái vốn tại PDC, thì gia đình ông Thản sẽ được chào mua đầu tiên.

Đã rất lâu rồi mới thấy ông Thản thực hiện M&A một phần doanh nghiệp như vậy. Giá trị của thương vụ cũng nhỏ, vào khoảng 50 tỷ đồng. Ông muốn thực hiện thương vụ này, bởi muốn tăng độ “phủ sóng” ở thị trường du lịch Nghệ An, vốn cũng không quá lớn, nhưng lại có sự cạnh tranh khá gay gắt.

Khẩu vị M&A của ông Thản được tóm gọn lại bằng vài câu ngắn: đó là mua những dự án đã có đất sạch, không chuộng những dự án có rắc rối về pháp lý, vị trí và giá cả là yếu tố quyết định.

Chủ tịch một doanh nghiệp đã từng bán một phần dự án cho ông Thản kể rằng, ông Thản quyết định và thanh toán đều rất nhanh. Chủ doanh nghiệp này vào thời điểm thực hiện M&A đang gặp khó khăn lớn về tài chính, gặp ông Thản qua giới thiệu của bên trung gian và chào bán đất, nơi dự định xây 3 tòa chung cư. Sau khi suy nghĩ, ông Thản quyết định trả giá 120 tỷ đồng, ký cam kết và đúng 2 ngày sau, chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp.

Ở thời điểm lãi suất vay lên tới 24-25%/năm, vốn khan hiếm và ngân hàng đóng cửa với mọi doanh nghiệp, thì năng lực tài chính của ông Thản khiến đối tác “phục sát đất”. Hơn một năm sau M&A, 3 tòa chung cư được xây và bán hết veo sau vài ngày.

Cộng sự của ông Thản nhận xét, doanh nghiệp nào muốn bán tài sản, tổ chức, cá nhân nào có thông tin dự án cần thực hiện M&A, muốn gặp ông đều có thể hẹn lịch. Nhưng trước khi đến, phải chuẩn bị thông tin thật kỹ lưỡng, vì ông rất coi trọng “được việc” và không muốn mất thời gian nói chuyện vòng vèo, không đi vào trọng tâm.

Muốn bán dự án cho ông, ngoài các thông tin về tài sản, nhất thiết bên bán phải chào được giá và mức giảm tối đa có thể. Đưa ra thông tin cụ thể, ông sẽ tính toán và quyết rất nhanh. Một khi đã đồng ý mua, với đại gia này, không bao giờ có chuyện thay đổi và cũng không có chuyện nợ nần, chậm thanh toán.

Chưa tính chuyện dừng lại

Trong lĩnh vực nhà ở đô thị, Mường Thanh định vị mình ở phân khúc nhà ở thương mại bình dân, phù hợp với đa số người có thu nhập trung bình khá (dù Tập đoàn vẫn có một số dự án căn hộ, biệt thự hạng sang).

Còn trong lĩnh vực khách sạn, Mường Thanh tập trung vào phân khúc 4-5 sao, với giá cả hợp lý, để người Việt có thể chi trả và sử dụng thoải mái.

Với mảng bất động sản, tại Hà Nội, Tổ hợp Dự án HH Linh Đàm của Mường Thanh đang chuẩn bị ra hàng những đợt cuối cùng. Hỏi ông, sau HH Linh Đàm, Mường Thanh sẽ có những dự án nào khác, ông từ chối tiết lộ, mà chỉ khiêm tốn trả lời: “Hết đất để làm chung cư rồi”.

Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng, sẽ không có chuyện dừng lại với ông Thản. Để có sản phẩm gối đầu, rất có thể ông đã thực hiện M&A một số dự án, nhưng do “kín tiếng”, nên chắc chắn chỉ khi nào Tập đoàn sắp tung ra sản phẩm, thị trường mới có thông tin về các thương vụ M&A này. Thực tế ở các dự án khu đô thị Đại Thanh, Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ đã cho thấy điều đó.

Các cộng sự của ông thì nói rằng, ông vẫn luôn có nhu cầu mua lại các dự án mà chủ đầu tư không có điều kiện triển khai để có thể đưa sản phẩm tới tay người có nhu cầu thực. Tuy vậy, khi hỏi ông về việc ông có tính chuyện “săn đất” qua con đường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không, thì ông khẳng định, không muốn làm theo cách đó, cũng không tính chuyện xin đất hay chế độ ưu đãi gì để làm nhà ở xã hội. “Xin thì không đến lượt mình. Ngoài kia vẫn còn nhiều dự án muốn M&A, cơ hội còn nhiều”, ông Thản nói.

Trong lĩnh vực khách sạn, ngoài thương vụ mua cổ phần PDC mới đây, ông Thản vẫn rất quan tâm tới các khu đất có vị trí đẹp, được quy hoạch làm khách sạn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2015, Mường Thanh dự kiến khai trương 10 khách sạn vào các ngày cuối tháng, trong đó lần đầu tiên thương hiệu sẽ có mặt tại TP.HCM. Ngoài Mường Thanh Lào Cai, Cửa Lò, Cần Thơ…, mới đây, Tập đoàn cũng đã đưa Khách sạn Mường Thanh  Hà Nội (quy mô 122 phòng) tại phố Thợ Nhuộm đi vào hoạt động. Không chỉ trong nước, Mường Thanh đã vươn ra khu vực, trước hết là khách sạn 5 sao tại Lào, dự kiến khánh thành vào đầu năm 2016.

“Có cơ hội M&A hợp lý, chúng tôi sẽ tiếp tục làm. Khi nào không làm được nữa mới nghỉ”, ông Thản nói.

Mới đi vào hoạt động, chẳng cần quảng cáo phô trương, Khách sạn 4 sao Mường Thanh Cửa Lò đã trở thành một điểm đến nổi bật của du lịch Nghệ An.  Làm nhiều, làm nhanh, với hệ thống quy định phức tạp trong lĩnh vực bất động sản, không tránh khỏi việc này, việc kia, song M&A sẽ tiếp tục là con đường để Mường Thanh mở rộng đế chế và trở thành cái tên được nhắc đến rất nhiều.

Tin bài liên quan