Ông Nguyễn Quốc Hiệp

Ông Nguyễn Quốc Hiệp

Chiến thuật “bước chậm” của Chủ tịch GP-Invest

(ĐTCK)  Căn phòng làm việc của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) chỉ vỏn vẹn hơn chục m2, được bài trí đơn giản và ấm cúng, giống như phong cách giản dị nhưng rất quyết đoán và sắc sảo của ông. “Nếu đã hứa với khách hàng thì dù lỗ tôi cũng phải bỏ tiền ra bù”, ông Hiệp mở đầu câu chuyện với ĐTCK.
Căn phòng làm việc của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) chỉ vỏn vẹn hơn chục m2, được bài trí đơn giản và ấm cúng, giống như phong cách giản dị nhưng rất quyết đoán và sắc sảo của ông. 

“Làm về đất cát nên mình phải hết sức đàng hoàng”

Nhiều người nói làm bất động sản khó đàng hoàng. Ông nghĩ sao về câu nhận xét khá “khó chịu” này?  

Cũng như những doanh nhân khác, tôi nhận vốn góp của cổ đông và kinh doanh bằng cả phần vốn của mình, bởi vậy không thể không coi trọng mục tiêu lợi nhuận, song vì hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nhà ở cho người dân nên tôi cho rằng mình phải có trách nhiệm vô hình với xã hội.

Người ta vẫn hay nói đây là lĩnh vực gắn nhiều với yếu tố tâm linh, phong thủy, hay nói cách khác là những người làm về đất cát thường hay động, do đó dễ gặp rủi ro này khác…

Chính vì làm về đất cát nên tôi cho rằng mình phải hết sức đàng hoàng, coi trọng cao nhất lợi ích của người tiêu dùng. Tôi vẫn bảo với anh em: “Đặt vị trí các cháu là người mua nhà, vậy nếu làm thiết kế ẩu, thi công kém chất lượng thì các cháu có hài lòng, có chấp nhận được không?”.

Trong quá trình thực hiện dự án, nếu biết chỗ nào đó có khiếm khuyết, trong khả năng của mình, chúng tôi đều cho sửa chứ không có chuyện biết mà cố tình để sai. Với chúng tôi, dự án sau chắc chắn phải làm tốt hơn, khắc phục được những nhược điểm của cái trước.

 Nam Đô là một trong số những dự án thành công của GP-Invest

Trong các hợp đồng bán nhà vẫn thường có câu “lỗi do bất khả kháng” và nhiều chủ đầu tư vin vào lý do này để viện dẫn cho sự thất hứa của mình?

Tính tôi đã nói một phải đúng là một, không bao giờ đổ lỗi do chúng tôi không biết, không thể làm được mà dẫn đến a, b, c. Trong các dự án, tôi xác định phải minh bạch rõ ràng với khách hàng ngay từ đầu, cửa là gỗ gì, khóa là gì… và làm đúng như thế, họ không trách được mình. Người làm nghề bất động sản cũng như làm dâu trăm họ, cố gắng làm sao để tránh được sự chê trách một cách ít nhất và được đại bộ phận chấp nhận là đã thành công.

Thị trường đã chứng kiến nhiều tranh cãi và khúc mắc giữa người mua nhà và chủ đầu tư. Bản thân GP-Invest trước đây cũng từng ồn ào với cư dân Nam Đô. Vậy trong những tình huống nhạy cảm đó, ông ứng phó như thế nào?

Ở đâu cũng có người này người kia, trong số 800 khách hàng cư dân Nam Đô, chỉ có khoảng 10 người vì không đáp ứng được quyền lợi cá nhân (trong đàm phán chi phí chủ đầu tư trả lại do mua nhà xây thô… điều chỉnh so với HĐ – PV) nên họ tìm chuyện nọ chuyện kia để vận động mọi người cùng tham gia khiếu kiện.

Nguyên tắc của tôi trong những sự việc như vậy là mình làm nghiêm túc nhưng không tránh khỏi có cái sai. Cái gì mình sai, mọi người góp ý mình phải sửa. Cái gì mình đúng thì phải trao đổi, phân tích để dân hiểu chứ không theo họ được.

Tại Dự án Nam Đô, tôi thu thuế VAT 10% trên giá bán (đã bao gồm phí bảo trì) và nộp cả cho cơ quan thuế 10%, cư dân nói rằng tôi thu như thế là sai (phải trừ phí bảo trì). Tôi đưa cơ quan thuế về đối thoại với dân, họ xác nhận đã thu đủ 10% và chuyển vào ngân sách. Cư dân nói, làm vậy, cơ quan thuế cũng sai, đến nước đó thì tôi cũng chịu.

Hay như tôi bỏ thêm tiền ra xây quán cà phê Thanh Thủy, dân nói rằng xây trên đất của dân. Đó là đất thuộc quyền sở hữu chung, tiền thuê tôi giao về cho Ban quản trị tòa nhà. Tôi muốn có tiện ích cho người dân, thuận lợi cho cuộc sống của họ chứ có tư lợi gì ở việc đó. Trước mọi người tôi cũng nói luôn, nếu dân yêu cầu phá thì tôi cho phá ngay quán cà phê.  Sau mọi người thấy tôi đúng nên thôi.

Còn như bể ngầm, khi nhận được ý kiến về chất lượng nước, chúng tôi rà soát lại và phát hiện có lỗi của đơn vị thi công, tôi đã chỉ đạo anh em phải sửa ngay, bỏ thêm 4 tỷ đồng để lắp thêm hệ thống xử lý nước lọc. Cư dân kiến nghị làm riêng thang máy cho khu dịch vụ, chúng tôi thấy hợp lý đã cho lắp bổ sung ngay.

Làm dâu trăm họ thì không dễ để mọi người đều hài lòng. Vậy nguyên tắc của ông là gì để không phải chạy theo người khác?

Quan trọng là mình luôn nghĩ đúng, vì quyền lợi chung, hãy cứ làm chứ đừng nói. Đến một lúc người ta sẽ hiểu ra.

Ở dự án 170 La Thành, sau khi thành lập được Ban quản trị chung cư, chúng tôi đã bàn giao ngay 23 tỷ đồng quỹ bảo trì. Tại Dự án Nam Đô, sau khi có Ban quản trị, Công ty đã bàn giao 32 tỷ đồng quỹ bảo trì.

Tôi nghĩ không phải chủ đầu tư nào cũng làm được như thế. Hiện giờ cư dân Nam Đô đã hiểu và họ có mối quan hệ rất tốt với chúng tôi, thậm chí Ban quản trị các dự án còn chủ động mời chủ đầu tư tham gia vào để quan tâm và hỗ trợ công tác quản trị các tòa nhà…

“Lực đến đâu, làm đến đó”

Người ta thấy GP-Invest cứ đi từng dự án một chứ không thấy xuất hiện trên nhiều mặt trận. Ông có bao giờ bị thúc giục phải tấn công nhanh để chớp thời cơ thị trường?

Năm 2015, 2016 tôi tin bất động sản sẽ tốt trở lại nhưng cái gì cũng có thời, đừng nghĩ bất động sản sẽ lên mãi. GP-Invest đã có chiến lược đầu tư rõ ràng từ nay đến 2020 và sau 2020 sẽ thế nào.

Chúng tôi xác định là nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp chứ không tính làm một vài dự án rồi thôi. Bởi thế, bên cạnh bất động sản dân dụng, chúng tôi cũng tính đến làm bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn, resort…, rồi tính mở cả ra nước ngoài chứ không phải “gà què ăn quẩn cối xay”.

Tuy nhiên, làm gì thì làm, tôi không tham vọng quá lớn.  Không phát triển quá nóng bên ngoài trong khi nội lực của mình không “ôm” được, để rồi mất cân đối. Chúng tôi không tung ra một lúc nhiều dự án mà làm dự án nào chắc dự án đó. Nhìn các DN khác họ rất mạnh, tôi cũng phục và tự hỏi mô hình của họ như thế nào để giữ được chất lượng, quả thực vô cùng khó.

Ông nói dự án sau tốt hơn dự án trước, nhưng ở các dự án mà các ông đã làm, tiền bán nhà dự án sau cũng cao hơn dự án trước. Có phải vì bán nhà giá cao mà các ông làm được tốt hơn chứ không phải nhờ kinh nghiệm, quản lý tốt hơn…?

Có tiền, doanh nghiệp có thể làm ra sản phẩm tốt hơn nhưng không đúng hoàn toàn như vậy vì không phải cái gì cũng quy ra được, cầm nắm được. Đôi khi nó là sự đam mê và chấp nhận thiệt hơn về mình.

Chẳng hạn, tại Dự án Tràng An, tôi thuê giám đốc công trường là chuyên gia Hàn Quốc. Lương của vị chuyên gia này là 13.000 USD/tháng, chưa kể chi phí thuê nhà, xe cộ… Trong khi lương trả cho một giám đốc công trường trong nước thật giỏi cũng chỉ khoảng 5.000 USD/tháng. Với tư duy quản lý của họ, tôi tin dự án sẽ tốt hơn và tôi không tiếc gì để có sản phẩm thật tốt.

Nhiều người thăm nhà mẫu dự án Tràng An và hỏi tôi: “Ông làm nhà mẫu đẹp như vậy, liệu nhà thật có được như thế không?”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ lấy nhà mẫu để nghiệm thu nhà bán cho các anh chị”.

Nhưng không phải dự án nào có yếu tố ngoại cũng sẽ hoàn hảo, thưa ông?

Trong việc thuê giám đốc công trường, không phải bởi tôi không đánh giá cao người Việt mà tâm lý công nhân Việt của mình, cứ dự án nào có người nước ngoài giám sát là mọi việc răm rắp.

Nhà thầu Việt thấy chỉ huy trưởng là người Hàn Quốc đã ý thức hơn. Người Việt làm quản lý công trường thường phải rất kinh nghiệm và sắc cạnh.

Ngay như Dự án Nam Đô, mỗi tuần tôi đều phải xuống công trường giao ban 1 lần, tiến độ mới được đảm bảo, mọi việc từng có những thời điểm rất căng thẳng. Nhưng giờ tôi không thể làm như vậy được nữa. Còn tại Dự án Tràng An, tôi vẫn chọn nhà thầu Coteccons, hiện là doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng trong nước đảm nhận.

Từng quản lý doanh nghiệp trong thời kỳ bao cấp, ông có phải cân nhắc rất nhiều giữa cách quản trị công việc mới với những cách làm cũ, vốn dĩ phổ biến trên thương trường lâu nay?

Tôi có may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm doanh nghiệp, mẹ tôi từng là một doanh nhân giỏi và bà dạy tôi: Nói lời phải giữ lấy lời.

Cụ chỉ học hết lớp 4 nhưng giỏi tiếng Pháp. Cứ thứ Bảy hàng tuần, cụ viết các công việc cần làm trong tuần ra tờ giấy, có 10 việc thì 10 cái gạch đầu dòng, đến cuối tuần việc nào làm được thì gạch đi, việc chưa xong sẽ rà lại vì sao chưa làm được. Cẩn thận, nghiêm túc, chặt chẽ từ cái nhỏ nhất là những đức tính mà tôi đã học được từ nhỏ.

Một ảnh hưởng khác nữa là hồi những năm 90 khi còn làm Phó tổng giám đốc của Tổng công ty Vinaconex, tôi có may mắn được tham gia một khóa học quản lý tại Mỹ. Tôi đã học được văn hóa kinh doanh: Doanh nhân phải nghiêm túc mới tồn tại được trong cơ chế thị trường. Với tôi, đã nói một là một, nếu đã hứa với khách hàng thì dù lỗ tôi cũng phải bỏ tiền ra bù.

Tin bài liên quan