3 năm trước, biến cố lớn lao xảy ra trong gia đình Uyên Phương khi toàn bộ khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng 3 nhà máy của Tân Hiệp Phát có nguy cơ mất trắng trong vụ án của Ngân hàng Xây dựng.

Mẹ của Uyên Phương, bà Nguyễn Thị Nụ, vốn được coi là “người đàn bà thép” bỗng nhiên bị mắc trọng bệnh, cơ hội sống quá mong manh. Sản phẩm của Công ty dính đến nghi án “con ruồi”, với hàng loạt hệ lụy từ thị phi và nhiều chủ thể chống phá…

Cô gái trẻ Uyên Phương khi đó vừa được nhận làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Sorbonne của Pháp, đã quyết định từ bỏ con đường học tập, trở về với gia đình, để xử lý những biến cố dồn dập xảy đến.

Tuy vậy, khi được hỏi nếu được chọn sống lại một năm nào đó trong đời, bạn muốn chọn năm nào, câu trả lời của Uyên Phương lại là năm 2014.

Trong bức thư gửi người cha Trần Quí Thanh vào ngày sinh nhật, cô viết: “Những biến cố lớn lao trong cái năm sóng gió kinh khủng đó lại là sự trui rèn mà ba hay nói: không thành công cũng thành nhân. Hoàn cảnh đưa ta vào thời khắc nóng bỏng và hoàn toàn có thể dẫn tới sụp đổ hay tan rã đó, con hiểu rằng, đi qua và trụ lại được nghĩa là trưởng thành hơn và nhận được nhiều hơn”.

“Nhận được nhiều hơn”, như chia sẻ của Uyên Phương, chính là nhận được nghị lực sống mạnh mẽ, sống không oán trách, không đổ lỗi. Mỗi người có một cách nghĩ về giá trị đồng tiền, nhưng ở gia đình Uyên Phương, cách nghĩ đó dường như toát lên ở một khoảnh khắc: khi tòa tuyên án người có trách nhiệm phải trả cho Tân Hiệp Phát 5.190 tỷ đồng không phải là Ngân hàng Xây dựng, mà là ông Phạm Công Danh, mẹ của Uyên Phương lặng lẽ ngồi xuống bên chồng và nói đúng một câu: “Ba đừng buồn! Mình sẽ làm lại”.

Trả lời phỏng vấn Báo Lao động thời điểm ấy, ông Trần Quí Thanh bình thản khẳng định: “Số tiền gửi ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng là kết quả lao động hàng chục năm của gia đình tôi. Đó không chỉ là mồ hôi, nước mắt, thất bại, đắng cay, mà còn là máu thịt của chúng tôi. Chúng tôi tự hào về đồng tiền mình làm ra. Chúng tôi đóng thuế đầy đủ, không kiếm tiền bất chính”.

Trong nỗi đau mất mát và hàng loạt biến cố đó, “trưởng thành hơn” với Uyên Phương là bài học từ cha: thế nào là cuộc sống? Chạy theo vật chất chỉ làm hèn và hư mình, bởi tiền bạc chỉ là phù du, sống cho đáng sống, chứ không phải vì có thật nhiều tiền và giữ tiền lại để ăn dần.

Cha của Uyên Phương, doanh nhân Trần Quí Thanh trải qua một tuổi thơ dữ dội, khi mồ côi mẹ và phải sống trong cô nhi viện từ khi 9 tuổi. Tuổi thơ của ông gắn với những nỗi đau về thể xác và tinh thần, không có tình yêu thương của mẹ và chịu quá nhiều o ép, bất công.

Hiện thực cuộc sống đó đã hình thành một khát vọng: ông muốn được tự quyết định cuộc đời mình, được chu du thiên hạ và dùng ý chí để vượt qua những cái ngưỡng tưởng chừng như không thể.

Cốt cách của người cha khiến Uyên Phương và cả 2 đứa em cô trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường rất hiếm hoi cảm nhận tình thương của ông, ngoài lời răn dạy: “Học không phải để có nhiều học vị. Mục tiêu cuối cùng và thước đo của mỗi con người là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội, chứ không phải có mấy cái bằng”.

Trải qua nhiều biến cố, nhiều giai đoạn mất trắng trên con đường lập nghiệp của gia đình Trần Quí Thanh, Uyên Phương chia sẻ: “Mọi thảm họa, nếu nó đến thật, đều có cách khắc phục và đi qua”.

Cô gái cho rằng, điều hạnh phúc nhất là cô học từ cha cách tự do đi trong đời, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì, chứ không chỉ là tiền.

Suốt từ lúc mới bước chân vào thương trường, ba cô luôn ấp ủ ước mơ muốn xây dựng một thương hiệu mang tính toàn cầu.

Cuộc đời ông gắn liền với hàng loạt sản phẩm nước giải khát như Bia Bến Thành, nước tăng lực Number One, Trà xanh Không độ, Trà thảo mộc Dr. Thanh…, đưa Tân Hiệp Phát từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé của Việt Nam sánh bước cùng các công ty có quy mô hàng tỷ USD trên thế giới.

Theo Asia Times, vào năm 2015, đã có một tập đoàn nước ngoài đề nghị trả 2,5 tỷ USD để mua Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, lợi nhuận hay tiền không phải là mục tiêu lớn nhất của người sáng lập doanh nghiệp này.

Ở tuổi 64, ông vẫn “băng băng” làm việc 16 tiếng mỗi ngày để “xã hội nhớ đến” và trao truyền cho các con khát vọng chinh phục các mục tiêu lớn hơn.

Trong quan điểm của Dr. Thanh, “Ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua và không bằng ngày mai” và việc “Kế thừa một doanh nghiệp không phải là một đặc lợi, mà là một trọng trách”.

Vì thế, ông trao truyền cho Uyên Phương, cũng như 2 người con của mình cách tự đứng lên mạnh mẽ với cuộc sống để chúng biết nghĩ cho sáng, biết làm cho chuẩn. “Ba làm giàu là để cho xã hội, cho cuộc đời, không phải để cho các con xài…”.

Với cách kể chân thực từ trái tim, cuốn sách đầu tay “Chuyện nhà Dr. Thanh” của doanh nhân trẻ Trần Uyên Phương đã chia sẻ những cảm nhận sâu sắc nhất về tình thương và sự rèn rũa khắc nghiệt về nhân cách sống, mục đích sống từ người cha quả cảm cùng người mẹ có nghị lực phi thường, mà mãi sau này cô mới cảm nhận được.

“Trúng số cuộc đời” với Uyên Phương không phải vì có nhiều tiền, nhiều quyền như nhiều người vẫn tưởng. “Trúng số cuộc đời” là ở “chất thép”, sâu thẳm và đẹp đẽ mà Uyên Phương được trao truyền từ ba má, để cô có được sự vững chãi và tự do trên hành trình chinh phục khát vọng đưa một doanh nghiệp Việt vươn lên…