Có mặt tại văn phòng của Công ty Thiết kế và diễn họa kiến trúc Việt Nam (VNi), người viết chứng kiến sự hăng say, sáng tạo của đội ngũ nhân sự còn rất trẻ, đam mê và nhiệt huyết.

Người đứng đầu VNi - anh Đinh Anh Tuấn, cũng là một tài năng trẻ, được giới sử dụng công nghệ thực tế ảo trong và ngoài nước đánh giá cao.

Một trong những sản phẩm của Đinh Anh Tuấn được nhiều đối tác nước ngoài quan tâm chính là giải pháp quảng bá sản phẩm bất động sản qua ứng dụng công nghệ 3D, scaning 3D.

Giải pháp này giúp khách hàng có những trải nghiệm rất thật nhờ mô phỏng được không gian căn nhà chính xác đến từng cen-ti-met, khách hàng có thể đi lại, thậm chí di chuyển đồ đạc, trang trí, nấu ăn… trong phòng.

Thay vì tưởng tượng, công nghệ thực tế ảo của Đinh Anh Tuấn giúp khách hàng “mục sở thị” về ngôi nhà tương lai của mình, từ đó đi đến quyết định mua nhà nhanh hơn và chủ đầu tư bán hàng dễ dàng hơn.

Công nghệ này đã được các chủ đầu tư như Vingroup, Sun Group, Novaland, CEO Group, BIM Group… tìm đến đặt hàng.

Trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh say mê nói về các sản phẩm công nghệ thực tế ảo, về dự án Holomia, Holocare, dự án phim Việt… những sáng tạo khiến anh và các cộng sự tự hào.

“Tôi rất tâm đắc khi người Việt đã làm được những sản phẩm mà trước nay các chủ đầu tư dự án bất động sản phải đi thuê của nước ngoài.

Đây là lĩnh vực rất tiềm năng và trong tương lai, chúng tôi còn nhiều kế hoạch phát triển công nghệ này mạnh hơn nữa”, CEO VNi chia sẻ.

Ít ai biết Đinh Anh Tuấn từng là nhân sự lương cao, được bạn bè ngưỡng mộ, nhưng cũng từng bị cho là “gàn dở” khi từ bỏ vị trí lương cao để rẽ sang một trang mới - khởi nghiệp từ con số 0.

Năm 2001, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đinh Anh Tuấn về đầu quân cho một công ty của Nhật, sau đó là một công ty của Pháp.

Anh kể, ngày đó, lương của anh đủ mua 1,5-2 cây vàng một tháng, nhưng đầu năm 2005, anh quyết định bỏ làm thuê để gây dựng sự nghiệp cho riêng mình với công nghệ 3D.

“Ai cũng bảo tôi là ‘đồ dở hơi’ khi đang làm việc công ty nước ngoài, hưởng lương bằng đô (đô-la Mỹ) lại bỏ đi làm mấy cái ‘ngớ nga ngớ ngẩn’.

Song, chính vì từng làm việc tại các công ty nước ngoài, tiếp xúc nhiều thứ mình có thể làm được mà các chủ đầu tư tại Việt Nam vẫn phải đi thuê nước khác làm rất tốn kém, nên tôi quyết định ra làm riêng, với mong muốn khẳng định trí tuệ Việt có thể làm những thứ mà thế giới làm”, người sáng lập VNi chia sẻ.

Thực tế, thời điểm đó, thị trường bất động sản tại Việt Nam bắt đầu nổi sóng, các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam nhiều và để thực hiện dự án, các chủ đầu tư hay thuê các công ty nước ngoài làm hình ảnh.

Nắm bắt đây là cơ hội lớn, đầu năm 2005, Đinh Anh Tuấn cùng hai người bạn lập nên CTCP Tầm Nhìn Mới – New Vision. Đinh Anh Tuấn về thế chấp căn hộ tập thể mới mua lấy 150 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp với tâm thế “cứ đi rồi sẽ đến”.

May mắn mỉm cười với những chàng thanh niên trẻ giàu sáng tạo và nhiệt huyết. Chỉ sau 3 tháng mở công ty, các anh đã có được hợp đồng đầu tiên với dự án Văn Phú tại Hà Đông (Hà Tây cũ).

“Nhận được hợp đồng, chúng tôi mừng lắm. Tất cả lao vào làm điên cuồng và thực sự năm đó, chúng tôi không biết đến Tết là gì khi cả đêm 30 và sáng mùng 1 Tết năm đó đều ôm máy tính để làm cho kịp tiến độ, vì dự án ra mắt ngay sau kỳ nghỉ Tết”, CEO VNi chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp. Và mọi thứ sau đó đều thuận lợi, Công ty có thêm nhiều dự án, đối tác mới.

Năm 2006, Đinh Anh Tuấn quyết định đổi tên công ty New Vision thành VNimation (viết tắt là VNi), tập trung phát triển hệ sinh thái hình ảnh sáng tạo dựa trên công nghệ cao. Đây cũng là hướng đi xuyên suốt mà VNi theo đuổi đến ngày hôm nay.

Vào năm 2008, như nhiều doanh nghiệp khác, VNi cũng bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế. Trong nhiều tháng ròng, nhân sự của VNi “ngồi chơi xơi nước”, lương giảm xuống còn một nửa, ngân sách nuôi công ty trong tình trạng cầm cự và nhiều người trong Công ty đã bỏ đi tìm hướng phát triển mới.

Trả lời câu hỏi của người viết rằng, lúc ấy anh có định bỏ cuộc, đi tìm một công việc khác tốt hơn? Đinh Anh Tuấn mỉm cười và khẳng định: “Tôi chưa bao giờ có ý định đó. Tôi luôn đau đáu đi đến cùng con đường đã chọn và tôi không muốn mình nhạt nhòa với hình ảnh sáng đi làm, tối về ăn cơm, cuối tháng lĩnh lương. Biến những việc không thể thành có thể, đồng thời thúc đẩy nhóm cộng đồng phát triển là điều tôi mong muốn”.

Với tâm thế đó, Đinh Anh Tuấn làm mọi cách để sống sót qua cơn khủng hoảng. Anh nhận cả những dự án nhỏ lẻ để có thêm nguồn kinh phí trang trải cho Công ty… Và rồi mọi khó khăn cũng lắng xuống khi nền kinh tế dần hồi phục. Đinh Anh Tuấn cùng cộng sự làm sản phẩm bằng hết khả năng và sức sáng tạo của mình.

Vì vậy, sau giai đoạn khủng hoảng, VNi nhận được nhiều dự án lớn hơn, đóng góp nhiều hơn cho thị trường bất động sản và khẳng định được vị thế của mình.

VNi hiện đã đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế và được đón nhận. Hiện VNi đã có văn phòng tại Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và dự kiến sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong tương lai. Dự án Holocare của VNi được vinh danh là “Dự án có giá trị đầu tư nhất” trong Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế tại Singapore mới đây, được nhiều đối tác ngỏ ý mua lại hoặc rót vốn đầu tư.

Holocare là ứng dụng đầu tiên trên thế giới cung cấp giải pháp hình ảnh cho bác sỹ toàn cầu trong hội chẩn và chuẩn đoán bệnh trên nền tảng hình ảnh 3D công nghệ thực tế ảo.

Theo đánh giá của giới quan sát, không chỉ có thể chuẩn đoán bệnh từ xa hay hội chẩn trực tiếp, phá vỡ khoảng cách về không gian, thời gian, thông qua ứng dụng Holocare, các bác sỹ còn có thể tích lũy được kho kiến thức khổng lồ của ngành y thế giới được tích hợp trong ứng dụng để cùng nghiên cứu, học hỏi và phát triển.

“Rất nhiều lần các đối tác nước ngoài muốn mua dự án của chúng tôi. Gần đây nhất, một đối tác Singapore đã ngỏ lời, nhưng chúng tôi vẫn muốn đi trên con đường của riêng mình”, người sáng lập VNi cho hay.

Chưa đồng ý bắt tay với bất kỳ nhà đầu tư ngoại nào, chàng kiến trúc sư người Việt vẫn ấp ủ khát khao: Sản phẩm Việt sẽ do người Việt làm và trở thành tự hào của người Việt.

Hiện anh cùng cộng sự đang phối hợp với Khoa Thần kinh của Bệnh viện Xanh-pôn để từng bước hiện thực hóa Holocare trong chẩn đoán, điều trị bệnh.

Nhìn về chặng đường đã qua, Đinh Anh Tuấn luôn tự hào rằng, mình và các cộng sự đã tạo được chỗ đứng riêng cho VNi và kiên định với con đường “biến những điều không thể thành có thể” dựa trên công nghệ.

“Tôi tâm niệm, sống cần phải làm gì có ý nghĩa cho đời, đấy cũng là lý do chúng tôi tập trung đầu tư cho sản phẩm số hóa di sản Việt Nam. Từ thực tế làm việc trong lĩnh vực bất động sản, đi thăm thú nhiều nơi, tôi nhận thấy, di sản Việt Nam bị tàn phá nhiều quá và chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm lưu giữ các di sản này. Bởi vậy, VNi đã lên kế hoạch sẽ số hóa 100 di sản trên toàn quốc và đến nay đã số hóa xong hơn 30 di sản”, Đinh Anh Tuấn cho hay.