CEO Viettel chia sẻ: “Những gì chúng ta đã làm không còn đảm bảo cho Viettel tiếp tục phát triển và mở rộng ra bên ngoài”.

CEO Viettel chia sẻ: “Những gì chúng ta đã làm không còn đảm bảo cho Viettel tiếp tục phát triển và mở rộng ra bên ngoài”.

CEO Viettel viết tâm thư nhân ngày sinh nhật công ty

(ĐTCK) Nhân 27 năm ngày truyền thống Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng gửi thư cho cán bộ công nhân viên trên toàn thế giới (11 quốc gia) với thông điệp về tinh thần sáng tạo và Viettel 2.0.

Dưới đây là trích dẫn toàn bộ lá thư đã được CEO Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng gửi đi trong dịp đặc biệt này.

Từ Campuchia - nơi tôi đang có chuyến công tác ngắn ngày - tôi xin gửi tới mỗi thành viên của gia đình Viettel lời chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 27 năm ngày truyền thống của Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Chúng ta nhớ lại lịch sử Viettel là để nhớ lại những con người và tinh thần đã dựng lên Viettel hôm nay. Nhưng chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn để sáng tạo một Viettel mới, bởi đó là cách tốt nhất để kỷ niệm ngày sinh của mình.

Hôm nay cũng là Ngày Sáng tạo Viettel. Bởi vậy, tôi biết rằng, mỗi người, mỗi đơn vị đều đang có những hoạt động kỷ niệm sáng tạo làm cho ngày đặc biệt và thiêng liêng này trở nên rất Viettel.

Tinh thần sáng tạo đã làm nên Viettel ngày hôm nay, một tập đoàn lớn tại Việt Nam, một tập đoàn đang khẳng định mình ở 3 châu lục và 11 quốc gia. Nhưng những gì chúng ta đã làm không còn đảm bảo cho Viettel tiếp tục phát triển và mở rộng ra bên ngoài lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông truyền thống.

Chúng ta chỉ còn cách tiếp tục đổi mới và sáng tạo không ngừng.

Để không bị phụ thuộc vào lĩnh vực viễn thông vốn đang ngày càng khốc liệt vì cạnh tranh, để mở ra những không gian mới cho người Viettel trẻ thoả sức khẳng định mình, để Viettel ngày càng tạo ra nhiều giá trị cho đất nước và cho mỗi gia đình người Viettel, chúng ta buộc phải thay đổi.

Thay đổi vào lúc chúng ta đang “ổn” là một quyết định khó khăn với người chỉ huy. Nhưng, chủ động để không bị rơi vào tình trạng buộc phải thay đổi, chúng ta mới vững bền nhất.

Thời gian qua, chúng ta đã mất dần sự tự tin trong cạnh tranh, ngay cả khi chỉ phải ứng phó với những đối thủ nhỏ hơn mình.

Chúng ta quên mất rằng, tạo ra giá trị cho khách hàng, làm cho họ hài lòng, chứ không phải khai thác khách hàng, mới là lý do tồn tại chính của mình. Chúng ta tạo sức ép cho bộ máy nhưng chưa có nhiều chính sách tạo ra động lực và khuyến khích bộ máy vận hành trong niềm hưng phấn.

Chủ động thay đổi cũng là cơ hội để chúng ta bình tĩnh suy nghĩ một cách cẩn thận và sâu sắc về những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải.

Và tôi nhận ra một nguyên nhân quan trọng, đó là Viettel đã to ra hàng nghìn lần, đã bao lần thay đổi công nghệ, thiết bị máy móc, nhưng khoa học về quản trị thì lại chưa thay đổi tương xứng, tri thức của chúng ta về quản lý và vận hành bộ máy vẫn cơ bản như trước đây.

Bởi vậy, lúc này đây, ưu tiên số một là cần phải thiết kế lại tổ chức. Tập đoàn đã quyết định trong tháng 6 này sẽ thành lập Viện Khoa học Quản trị Viettel để quản trị Viettel luôn dẫn đầu.

Mục tiêu là tái tạo ra một Viettel mới, một Viettel hướng tới khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm. Một Viettel chuyên nghiệp và toàn cầu. Một Viettel sáng tạo và linh hoạt. Một Viettel chấp nhận cuộc chơi của những đối thủ nhỏ hơn nhưng đồng thời dẫn dắt một cuộc chơi lớn.

Một Viettel biết trân trọng từng giá trị của mỗi người, một Viettel hạnh phúc.

Chúng ta cần trở nên linh hoạt, nhất là trong các phản ứng với thị trường. Chúng ta cần sát với thực tiễn nhất là trong các chính sách kinh doanh. Chúng ta cần sáng tạo hơn nhất là trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.

Để tái tạo một Viettel mới thì mỗi chúng ta phải tái tạo lại chính mình, tái tạo tri thức chuyên môn, tái tạo cách làm, tái tạo lại tinh thần Viettel.

Tập đoàn vừa mới quyết định chi mỗi năm hàng trăm tỷ đồng để hàng năm sẽ có hàng trăm người Viettel được đào tạo tại các trường tốt nhất trên thế giới.

Nhằm tăng năng suất lao động, bên cạnh các cơ chế và chính sách tạo động lực, chúng ta cũng hướng tới nhiều giải pháp để giải phóng sức lao động.

Thời gian tới, chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, với việc lần đầu tiên bổ nhiệm vị trí giám đốc công nghệ thông tin (CIO) của tập đoàn.

Các trung tâm dịch vụ dùng chung đã được thành lập để tối ưu và chuyên môn hoá lao động. Cơ chế cho tất cả các ngành, các đơn vị được phép thuê tư vấn bên ngoài (kể cả tư vấn nước ngoài) đã được ban hành để có thể đẩy nhanh quá trình tiếp thu và sử dụng tri thức.

Nhưng có lẽ không ai lo lắng và tư vấn cho Viettel bằng chính người Viettel. Đảng uỷ, ban tổng giám đốc tiếp tục tăng cường hơn nữa việc lắng nghe ý kiến, tư vấn từ chính bên trong Viettel. Thực tế cho thấy, có rất nhiều tin nhắn, nhiều bức thư gửi tới đã giúp chúng tôi có thêm góc nhìn từ thực tiễn để điều chỉnh những chính sách của mình.

Cùng với việc mở ra rất nhiều cánh cửa để những ý kiến từ thực tiễn có thể lên tới được ban lãnh đạo tập đoàn một cách nhanh nhất như cho phép bình luận đa chiều trên Viettelfamily, thiết lập Camera Cảnh báo, mở phòng tiếp và lắng nghe ý kiến của cán bộ nhân viên (CBNV), tổng đài giải đáp chính sách...

Gần đây, chúng ta còn có thêm những giải pháp hiệu quả khác như đưa các phản ánh của CBNV vào giao ban hàng ngày, nghĩa là chúng ta đang ứng xử với ý kiến của CBNV tương tự như ứng xử với một tình huống khẩn cấp cần phải xử lý.

Sắp tới, tập đoàn sẽ thành lập các nhóm tư vấn chính sách từ các nhân viên tuyến huyện, tuyến tỉnh. Nhóm này sẽ được mời góp ý kiến cho những chính sách của tập đoàn cũng như của các đơn vị trước khi được áp dụng trong thực tiễn.

Chúng ta cũng sẽ thực hiện điều tra chất lượng dịch vụ Viettel đối với những khách hàng là người Viettel, bởi họ chính là những người góp ý với tinh thần xây dựng nhất. Điều này nhằm mục đích để các lớp trong hệ thống tổ chức Viettel, từ lãnh đạo, tới các bộ phận lập chính sách, tới quản lý và nhân viên có được sự trao đổi thông tin thông suốt, có được sự kết nối, làm cho các chính sách của chúng ta phù hợp với thực tiễn hơn, tuổi đời dài hơn.

Quá trình xây dựng Viettel 2.0 sẽ còn rất dài và có rất nhiều việc phải làm. Bởi vậy, đây không chỉ là công việc của người lãnh đạo tập đoàn mà phải có sự tham gia của tất cả cơ quan, đơn vị, của từng cá nhân trong ngôi nhà Viettel.

Bởi vậy, tôi rất cần các bạn sát cánh bên ban lãnh đạo tập đoàn. Người bán hàng cũng có thể tham gia vào quá trình thiết kế tổ chức. Không có kinh nghiệm quản lý vẫn có thể giúp được những người chỉ huy.

Tôi biết, làm một việc tốt không phải là điều dễ dàng và thậm chí, nó còn cần đến lòng can đảm. Nhưng nếu các bạn không dám đấu tranh để đề xuất những cơ chế, chính sách phục vụ cho chính công việc của mình, không dám chỉ ra bất cập của những gì đang tồn tại, chúng ta sẽ mãi mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn giữa mong muốn và thực thi.

Mỗi người chúng ta cần phải tham gia thiết kế ngôi nhà của chính mình, để chúng ta có thể sống và làm việc một cách tốt nhất trong đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng, sự thay đổi sẽ không xảy ra sau một đêm mà đòi hỏi thời gian và đòi hỏi sự nỗ lực từ tất cả chúng ta.

Nhưng tôi tin rằng, nếu tất cả chúng ta cùng bắt tay vào làm, chắc chắn tổ chức và bộ máy của chúng ta sẽ thay đổi theo hướng tích cực và nhanh hơn. Chúng ta thay đổi để tốt lên.

Chúng ta sẽ hùng mạnh hơn khi chúng ta đoàn kết lại. Đó là điều chúng ta đang làm và cần được làm mỗi ngày. Chúng ta là những người luôn bảo vệ lẫn nhau.

Tất cả chúng ta đều là một phần trong đại gia đình này. Điều đó đã dẫn dắt chúng ta từ những ngày đầu tiên thành lập và nó sẽ dẫn dắt chúng ta tới một tương lai tươi sáng hơn ngày hôm nay.

Tin bài liên quan