Mất cả chục năm ròng chuẩn bị, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) và các cộng sự mới có được bước đi rõ nét trong hiện thực hóa tham vọng lập quỹ hưu trí đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng để loại hình quỹ đầu tư rất mới tại Việt Nam này chính thức ra đời và đi vào vận hành, chặng đường phía trước với ông Tân sẽ còn nhiều thử thách.

Trong câu chuyện với Đầu tư Chứng khoán, ông Tân cho biết, cả chục năm trước, nghiên cứu lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán các nước, về các loại hình quỹ đầu tư trên thế giới, ông và những người chèo lái VFM đã nhìn thấy một xu hướng tất yếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam: sớm muộn gì hệ thống quỹ hưu trí cũng sẽ xuất hiện.

Điều này, theo ông Tân, xuất phát từ yêu cầu khách quan, nhằm đảm bảo cho nhu cầu tăng cường hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước hạn hẹp. Đây là ở tầm vĩ mô. Còn ở góc độ vi mô, các doanh nghiệp đều muốn thu hút được đội ngũ lao động giỏi và hệ thống quỹ hưu trí sẽ hỗ trợ họ trong tuyển dụng và giữ chân nhân tài.

Trong khi đó, người lao động lại có nhu cầu để dành một phần thu nhập lúc đang đi làm để tăng thêm phần thu nhập sau khi nghỉ hưu. Hệ thống quỹ hưu trí như kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, đáp ứng được nhu cầu này của người lao động.

“Nắm bắt được xu hướng trên, 10 năm qua, nhóm chúng tôi gồm Dragon Capital và VFM đã miệt mài, bền bỉ phối hợp làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tìm kiếm cơ chế phù hợp cho thúc đẩy hình thành hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam…”, ông Tân chia sẻ.

Ngoài tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách cho sự hình thành và vận hành của quỹ hưu trí tự nguyện, VFM đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát để nắm bắt nhu cầu của thị trường. Qua khảo sát, đánh giá chính sách hưu trí ở nhiều doanh nghiệp, VFM nhận thấy các doanh nghiệp có nhu cầu rõ ràng về sử dụng dịch vụ của quỹ hưu trí để giúp họ quản lý dòng tiền hình thành từ chính sách hưu trí của doanh nghiệp sao cho hiệu quả, an toàn.

Để giúp người lao động, người dân dần quen với loại hình quỹ hưu trí, VFM đã phối hợp với các bên tổ chức nhiều hội thảo tại các thị trường tiềm năng là Hà Nội, TP.HCM, cũng như triển khai các chương trình truyền thông về loại hình quỹ này.

Đến cuối tháng 2/2017, VFM, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết bản ghi nhớ phát triển và cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân và giám sát cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, với mục tiêu đến năm 2018, VFM sẽ thành lập quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Tân không giấu được xúc động khi chia sẻ thông tin trên: “Chắc ít ai ngờ để đi đến mục tiêu thành lập quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên, trong nội bộ VFM đã có sự chuẩn bị suốt 10 năm qua, chứ không phải ngày một ngày hai”.

Vượt qua cả chặng đường dài như vậy, đủ thấy sự bền bỉ, kiên trì của ông Tân và các cộng sự tại VFM trong việc theo đuổi mục tiêu thành lập quỹ hưu trí đầu tiên tại Việt Nam. Với sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bên liên quan, rồi đây chương trình quỹ hưu trí tại Việt Nam sẽ thành công.

Trong tương lai không xa, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sẽ có thêm một nguồn vốn dài hạn hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phát triển năng động, hiệu quả hơn.

“Chúng tôi tin rằng trong 5 - 10 năm tới, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam chính là quỹ hưu trí, chứ không phải quỹ mạo hiểm hay một loại hình quỹ nào khác... Điều đó góp phần cho phép chúng ta hy vọng quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần so với hiện tại…”, ông Tân lạc quan.

Quỹ hưu trí theo người lao động suốt từ khi còn làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước, hay làm ở khu vực doanh nghiệp cho đến khi về hưu và qua đời. Bỏ những đồng tiền tích cóp từ thu nhập hàng tháng của mình góp vào quỹ, một yêu cầu quan trọng mà các bên tham gia quỹ đặt ra là tính an toàn của quỹ phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Do đây là loại hình quỹ đầu tư chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, nên người tham gia quỹ lại càng thận trọng hơn.

Thậm chí, đã xuất hiện hàng loạt câu hỏi từ phía đối tượng có nhu cầu tham gia quỹ: Tiền họ góp vào quỹ hưu trí 20 - 30 năm nữa sẽ như thế nào, ai đảm bảo an toàn cho đồng tiền của họ? Liệu quỹ có đem tiền của người tham gia quỹ đi “đánh lên, đánh xuống” cổ phiếu, gây rủi ro mất tiền, vỡ quỹ không? Khi xảy ra tình trạng này, ai là người đền tiền cho người tham gia quỹ?

Chia sẻ chuyện này với ông Tân, thì ông khẳng định, Nhà nước vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng đảm bảo cho sự an toàn của hệ thống quỹ hưu trí. Với hệ thống quỹ này, về nguyên tắc, không được mất vốn nên quy chế đầu tư rất chặt chẽ.

Tại Nghị định 88/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, Chính phủ đã đặt ra những giới hạn đầu tư của quỹ, để đảm bảo tính an toàn cao. Quy định pháp lý buộc quỹ hưu trí phải đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ, không đầu tư trực tiếp vào các cổ phiếu mà phải đầu tư thông qua các quỹ nhằm giảm thiểu rủi ro.

Đây là lý do suốt nhiều năm qua, theo ông Tân, VFM đã thành lập đủ các loại hình quỹ đầu tư: trái phiếu, cổ phiếu, để ngay khi thành lập quỹ hưu trí thì nguồn tiền từ quỹ này sẽ được đầu tư thông qua ủy thác cho các quỹ đầu tư trái phiếu, cổ phiếu do VFM quản lý...

Một trở ngại nữa của những người tham gia quỹ là mức tiền họ đóng góp vào quỹ được nhà nước miễn thuế hiện tại ở mức thấp là 1 triệu đồng/người/tháng, nên không hấp dẫn người tham gia quỹ. Ngay cả khi họ tham gia, mức vốn tích lũy vào quỹ sẽ tăng chậm. Ông Tân thừa nhận, đây là cái khó mà VFM phải vượt qua.

Để khuyến khích các bên tham gia quỹ trong thời gian ban đầu, Công ty đã từng đề xuất cơ quan quản lý nâng mức đóng góp vào quỹ được miễn thuế lên từ 3 - 4 triệu/người/tháng, nhưng chưa được chấp thuận.

Sự thận trọng của Nhà nước trong triển khai các giải pháp ưu đãi, khuyến khích cho quỹ hưu trí là cần thiết, tuy nhiên, về lâu dài khi loại hình quỹ này chứng tỏ được tính hiệu quả thì mức đóng góp vào quỹ được miễn thuế sẽ cao hơn hiện tại.

Vì cái khó trên mà VFM dự báo, quá trình thu hút vốn đầu tư vào quỹ hưu trí trong những năm đầu sẽ diễn ra chậm, nhưng sẽ tăng vững do đối tượng tham gia thường khoảng 10 - 20 năm nữa mới về hưu.

Ông Tân cho biết, qua thực tế khảo sát một số doanh nghiệp từ năm 2007, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, VFM nhận thấy nhiều doanh nghiệp đã có sẵn chương trình hưu trí cho người lao động tồn tại dưới dạng quỹ do công đoàn của doanh nghiệp quản lý.

Khi VFM có giấy phép thành lập quỹ hưu trí, các doanh nghiệp này sẽ là những khách hàng tiềm năng đầu tiên tham gia sử dụng dịch vụ quỹ hưu trí của VFM. Thực tế này khẳng định quỹ hưu trí đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người lao động, nên nhà lập quỹ kỳ vọng lượng vốn ban đầu huy động được ở mức khiêm tốn khoảng 50 tỷ đồng/quỹ.

Điều quan trọng lúc này là có quỹ hưu trí ra đời, chứ quy mô chỉ là thứ yếu.

Một cái khó nữa của nhà lập quỹ hưu trí là phải chịu sự cạnh tranh với một sản phẩm có nhiều yếu tố tương đồng là sản phẩm bảo hiểm hưu trí đã được các công ty bảo hiểm cung cấp ra thị trường từ năm 2013. Tuy nhiên, ông Tân cho rằng, sự cạnh tranh này tốt cho thị trường, cho người dân.

Dẫn ra số liệu sau 4 năm triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, tổng giá trị các hợp đồng mà công ty bảo hiểm đã bán được chỉ khoảng trên 200 tỷ đồng, ông tự tin, dư địa để quỹ hưu trí tự nguyện tìm kiếm và phát triển khách hàng vẫn còn lớn.

“Bên cạnh đó, tuy quỹ hưu trí và sản phẩm bảo hiểm hưu trí đều có mục tiêu là gia tăng thu nhập cho người lao động khi về hưu, nhưng có một sự khác biệt lớn của hai sản phẩm này là mua bảo hiểm hưu trí thì mang tính bảo hiểm nhiều hơn, định kỳ người tham gia phải nộp phí bảo hiểm và công ty bảo hiểm chỉ cam kết mức bảo tức khoảng 2%/năm. Còn tham gia quỹ hưu trí, qua mô hình chạy thử của VFM, mức sinh lời ít nhất là gấp đôi so với mức bảo tức mà các công ty bảo hiểm chi trả”, ông Tân khẳng định.

Dẫy vậy, việc quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên có xuất hiện tại Việt Nam vào năm tới như tham vọng của nhà lập quỹ và có thu hút được các bên tham gia hay không, câu hỏi ấy hẳn phải chờ đến năm 2018 mới có câu trả lời!