Bước ngoặt tình cờ của chàng kỹ sư điện

Cuộc trò chuyện với CEO Tomokid thật thú vị. Thú vị từ câu chuyện ngã rẽ bất ngờ trên đường đời của anh, cho tới những tư duy mới mẻ về phương pháp dạy học tiếng Anh cho trẻ nhỏ mà anh và các cộng sự áp dụng với Tomokid. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành điện, chàng trai sinh năm 1982 tiếp tục học lên cao học rồi xin đi làm nhân viên kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp. Hết bán kính hiển vi, anh lại nhảy sang bán máy lọc nước, rồi thiết bị đo lường trên tàu biển. Do yêu cầu của công việc mà anh phải đi tối ngày, thường xuyên bia rượu tiếp khách, không có nhiều thời gian cho vợ con, người thân. Dù công việc tiến triển tốt, nhưng đến một ngày, anh chợt thấm thía câu nói của vợ: “Anh làm giàu theo cách này thì đến khi anh giàu, con cũng không biết mặt bố”. Vậy là Hải quyết định dừng lại, quyết định khởi nghiệp kinh doanh riêng để có thể chủ động về thời gian, chủ động với các kế hoạch cuộc đời mình. Một lần anh tham gia cuộc nói chuyện nhằm thay đổi tư duy và cách tương tác làm bạn với con dành cho các bậc cha mẹ của chuyên gia tâm lý Trần Thị Ái Liên, Hải thấy rất tâm đắc với phương pháp giáo dục “Kỷ luật không nước mắt” đó và phát tâm nguyện giới thiệu với bạn bè. Nhận thấy nhu cầu rất lớn trong xã hội, Hải và chị Ái Liên quyết định thành lập công ty đào tạo về phương pháp dạy con và thu hút tới 50.000 lượt người tham gia. Tiếp xúc với các bậc cha mẹ, anh nhận thấy nhu cầu cho con cái học tiếng Anh từ nhỏ rất lớn. Càng tìm hiểu, anh càng thấy đào tạo tiếng Anh cho trẻ em là lĩnh vực đầy tiềm năng, nhưng trên thị trường cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Vậy là Tomokid ra đời với mục tiêu dạy tiếng Anh cho trẻ từ 0 đến 8 tuổi. Tại sao lại chọn phân khúc đặc biệt ấy, nhất là khi những đứa trẻ còn chưa nói sõi tiếng Việt? Làm thế nào để chúng học tiếng Anh? Trước câu hỏi ấy, Hải mỉm cười giải thích, sở dĩ anh chọn mô hình này là bởi nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, ở độ tuổi từ 2 - 8, tiềm năng não bộ của trẻ phát triển rất lớn, trẻ có thể dung nạp được dải âm thanh rộng và theo thời gian, khả năng này sẽ thu hẹp dần. Càng tiếp xúc sớm với các ngôn ngữ, đắm chìm trong không gian ngôn ngữ, trẻ sẽ dung nạp ngôn ngữ một cách tự nhiên, tương tự như chúng học tiếng mẹ đẻ.

Cùng phụ huynh dạy con giỏi

Lý thuyết thì là vậy, nhưng làm thế nào để những đứa trẻ vốn thích chơi lại chịu học một ngôn ngữ xa lạ? Hải chia sẻ, trong những ngày băn khoăn đi tìm giải pháp, anh hiểu rằng, trẻ em có 9 loại hình trí thông minh, nên có thể dùng trò chơi không gian, vận động, âm nhạc… vào việc giáo dục trẻ rất tốt. Tiếng Anh được dạy một cách tự nhiên, lặp đi lặp lại dưới các hình thái khác nhau, vừa học vừa chơi, các con sẽ thấy vui vẻ, dễ tiếp thu hơn. Để việc dạy tiếng Anh cho trẻ em hiệu quả, phải tạo môi trường để các con được tắm mình trong không gian tiếng Anh, do vậy rất cần sự phối hợp của các bậc phụ huynh ở nhà. Tomokid có những chương trình gửi bài tập, lời nhận xét của giáo viên thông qua hệ thống nội bộ do chính các giáo viên và kỹ sư phần mềm của Công ty soạn. “Chúng tôi có những thuật toán để nếu phụ huynh không cùng con học bài 1, ngày mai chúng tôi sẽ không gửi bài 2. Nhưng nếu phụ huynh học bài 1, tự động ngày mai chúng tôi gửi bài 2, bài 3. Chúng tôi không gửi bài tràn lan cho phụ huynh. Đó là lý do rất nhiều phụ huynh khi xuất phát điểm được Tomokid cung cấp nguồn tài liệu giống nhau nhưng kết thúc 6 tháng hay 1 năm, nguồn tài liệu được nhận để hỗ trợ dạy con ở nhà lại khác nhau”, CEO Tomokid nói. Bên cạnh tiếng Anh, Tomokid còn luyện cho các con nhiều kỹ năng sống khác như thuyết trình, học theo nhóm… Giáo viên đóng vai trò như huấn luyện viên cho cả phụ huynh và các con, cùng bước vào cuộc luyện tập đường trường. Với triết lý đào tạo như vậy, nên với Hải, chuyện đào tạo giáo viên thực sự kỳ công. Hải mất hàng năm trời để tìm được giáo viên phù hợp; có được 20 giáo viên như hiện nay, Hải đã chọn từ 2.000 người nộp hồ sơ và phỏng vấn. “Cô dạy con thuyết trình mà cô không có năng khiếu thuyết giảng, hay cô dạy con giao tiếp mà không có năng khiếu giao tiếp thì không được. Thành ra, khi chọn giáo viên, tôi đặt ra yêu cầu về tiếng Anh cuối cùng, bởi có thể đào tạo lại các cô về mặt này”, Hải cho biết. Vốn là dân kinh doanh, nhạy bén với thị trường, nhưng có một nguyên tắc Hải luôn nhắc nhở các nhân viên Tư vấn khóa học của Công ty: “Khi bán hàng đừng lo kiếm tiền, đạt doanh số cao, mà hãy cùng phụ huynh giúp con em họ giỏi hơn, phát triển tốt hơn, ghi lại những dấu mốc trong cuộc đời trẻ”. Dạy trẻ theo các phương pháp mới nên chuyện trau dồi chuyên môn cho giáo viên và cả chính bản thân luôn là việc Đinh Văn Hải quan tâm và không tiếc tiền đầu tư. Hàng năm, Công ty thường mời các chuyên gia, giáo viên giàu kinh nghiệm bên ngoài về đào tạo, chia sẻ. Bản thân Hải cũng tham gia nhiều khóa học nhằm cải thiện năng lực cá nhân. Học xong, CEO dạy lại cho nhân viên trong Công ty. “Em chưa thấy công ty nào như vậy, đối với khách hàng không giấu gì, với nhân viên chia sẻ hết”, nhân viên của Hải chia sẻ. Sợi dây gắn kết nhân sự của Tomokid bên cạnh thu nhập phải ở mức cạnh tranh trên thị trường, con cái được học miễn phí tại trung tâm, còn là sự trưởng thành về năng lực, kỹ năng, đạo đức… Kỳ công đào tạo, Hải cũng chịu cảnh bị “câu” người, nhưng anh không vì thế mà khó chịu; khi trái tim giáo viên đã không còn yêu Tomokid, anh sẵn sang để họ ra đi. Sau 4 năm gây dựng, đến nay, Đinh Văn Hải và cộng sự có 5 cơ sở đào tạo với trên 1.200 học sinh đang theo học, tổng số học sinh đã học tối thiểu 6 tháng tại các trung tâm là trên 5.000 em. Hai năm trở lại đây, trước nhu cầu của nhiều phụ huynh, Hải tiếp tục mở thêm cơ sở mầm non song ngữ và ước mơ của anh là tới năm 2020 sẽ mở được trường tiểu học song ngữ. Đây sẽ là môi trường để các con có sự chuyển tiếp liên tục theo một phong cách giáo dục mở, từ những năm học đầu đời.

“Làm giáo dục không ào ào được”

Thành công bước đầu, Đinh Văn Hải đã nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác. Có quỹ đầu tư của Nhật Bản sẵn sàng rót vốn 20 triệu USD để Hải mở rộng các cơ sở đào tạo, phủ khắp Việt Nam, nhưng Hải kể: “Thấy họ đặt mục tiêu nhanh quá, cao quá, tôi sợ nhận tiền rồi không làm tốt, nên đã từ chối. Làm giáo dục, chất lượng là quan trọng nhất, không ào ào được”. “Nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau” nên Hải chọn cách hợp lực theo hướng nhượng quyền. Có những người, anh sẵn sàng nhượng quyền miễn phí khi họ cùng chia sẻ giá trị, tầm nhìn và khát khao tạo ra những giá trị mới. Cũng có những người mang tiền đến xin được nhượng quyền luôn, nhưng anh đưa cho họ chục quyển sách, bảo cứ suy nghĩ và về đọc kỹ để thấy làm giáo dục vô cùng vất vả; sau 1 năm vẫn muốn làm, anh sẽ nhượng quyền. Những người này sau đó đều không muốn theo đuổi nữa. “Tôi trọng cái tâm của người muốn nhận nhượng quyền và thường xem họ vì giáo dục hay vì tiền rồi mới quyết định”, Hải chia sẻ. Hiện anh đang “đóng gói” lại mọi thứ của Tomokid theo quy trình, với mong muốn đảm bảo người nhận nhượng quyền có thể làm tốt, đồng thời tạo ra giá trị cho xã hội. Anh mong những nhân viên của mình khi đã giỏi giang có thể sẽ tách ra, độc lập và anh sẵn sàng nhượng quyền cho họ để Tomokid tỏa ra rộng hơn, ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Gọi Hải là doanh nhân, anh cười bảo: “Tôi chưa xứng với cách gọi ấy đâu, tôi không giàu và không làm giàu bằng mọi giá”. Mô hình đào tạo của Tomokid ngày càng được mở mang, nhưng Hải cho hay, anh không đặt nặng mục tiêu kiếm tiền và anh đang cân bằng công việc với gia đình, con cái. Hải bảo, anh đã ăn chay từ hai năm nay nên nhu cầu về cuộc sống rất đơn giản. Và hơn thế, qua nhiều trải nghiệm cuộc sống, anh càng hiểu các bậc cha mẹ cần thời gian ở bên con cái, nâng bước chân trẻ vào đời.