Bí quyết vững lái của CEO VNDirect Nguyễn Hoàng Giang

Bí quyết vững lái của CEO VNDirect Nguyễn Hoàng Giang

(ĐTCK) Được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc (CEO) của CTCK VNDirect (VND) vào năm 2010, Nguyễn Hoàng Giang đối diện với không ít cái nhìn hoài nghi. 

Bởi khi đó, anh vừa bước qua tuổi 24 và mới chỉ có hơn 2 năm làm việc tại Công ty qua các vị trí tại Phòng Giải pháp nghiệp vụ và Trưởng nhóm Quản trị rủi ro.

Chính Giang cũng thừa nhận, thời điểm đó, anh thấy cảm thấy rất áp lực và câu hỏi luôn thường trực trong đầu là: Liệu mình có đủ sức để chèo lái VNDirect, để không phụ niềm tin của Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương, cũng là người sáng lập Công ty, một “nữ tướng” dày dặn kinh nghiệm chinh chiến trên TTCK từ những ngày đầu thành lập thị trường.

Chặng đường hơn 5 năm giữ vị trí CEO VNDirect, Giang tâm sự, anh đã trải qua đầy đủ các cung bậc cảm xúc “hỉ nộ ái ố”, từ hào hứng với những thử thách mới, đến chán nản, thất vọng khi đứng trước quá nhiều thử thách, khó khăn và cả những giây phút sung sướng, hạnh phúc vỡ òa khi thấy những nỗ lực, công sức của mình và đội ngũ bỏ ra đã được đền đáp bằng những trái ngọt thành công.

VNDirect hôm nay có quy mô vốn chủ sở hữu gần 2.000 tỷ đồng, đang quản lý hơn 20.000 tỷ đồng tổng tài sản của nhà đầu tư (tính đến cuối năm 2015), và khẳng định vị trí vững chắc trong Top 4 thị phần môi giới cổ phiếu sàn HOSE, Top 2 môi giới cổ phiếu sàn HNX, Top 10 thị phần môi giới trái phiếu tại HNX.

Những thành quả đó một cách tự nhiên đã dần xóa tan những hoài nghi về CEO Giang trong con mắt của những người đồng nghiệp, của thị trường trong buổi ban đầu. Thay vào đó là niềm tin với anh, niềm tin vào một thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tuổi, giàu sức sáng tạo, năng động để bắt nhịp với TTCK luôn luôn biến chuyển.

Bí quyết vững lái của CEO VNDirect Nguyễn Hoàng Giang  ảnh 1

Ông Nguyễn Hoàng Giang 

Gặp Giang lúc nào cũng thấy anh tất bật, quay cuồng trong công việc. Bận rộn là thế, nhưng anh vẫn thu xếp thời gian để tham gia khóa học Executive MBA của Trường Booth School of Business, thuộc trường Đại học Chicago của Mỹ, bởi như chia sẻ của anh, “học để hoàn thiện bản thân, mở rộng kiến thức và cũng là cách để hỗ trợ cho công việc điều hành hiện tại”. Đó cũng là cách để làm giàu thêm tài sản của Công ty vì “nguồn tài sản lớn nhất của VNDirect cũng chính là đội ngũ con người trẻ tuổi, tận tâm, cùng chung một chí hướng”, Giang nói.

Trò chuyện với Nguyễn Hoàng Giang mới hiểu hơn vì sao anh có thể chèo lái “con thuyền” VNDirect vượt qua nhiều giai đoạn sóng gió của thị trường và nằm trong số ít gương mặt doanh nhân trẻ dưới tuổi 30 trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán được Forbes Việt Nam vinh danh trong năm 2015.     

Xuất phát điểm là dân công nghệ thông tin, nhưng “tay ngang” như anh lại trở thành CEO trẻ nhất ngành chứng khoán. Sau gần 10 năm trải nghiệm với thị trường, ngoài những thành công mà VNDirect có được ngày hôm nay, liệu anh có điều gì phải trăn trở?

Được đào tạo về công nghệ thông tin, nhưng chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực tài chính, đó là cả một quá trình đầy khó khăn. Trăn trở lớn nhất của tôi là sự thiếu hụt về kiến thức tài chính có thể khiến mình không hỗ trợ được tốt cho các bạn đồng nghiệp về những vấn đề chuyên môn hoặc xây dựng hệ thống ra quyết định một cách nhanh gọn hơn.

Những thiếu hụt đó khiến tôi nhiều khi phải dành thời gian để tìm hiểu và điều này đôi khi gây ra sự chậm trễ trong việc ra quyết định kinh doanh. Việc quyết định tham gia khóa học MBA của Trường Booth School of Business thuộc trường Đại học Chicago của Mỹ cũng là cách để tôi dần hoàn thiện bản thân mình.

Việc quản trị điều hành doanh nghiệp, anh đang áp dụng tại VNDirect như thế nào?

Với tầm nhìn là trở thành sự lựa chọn cho mọi nhà đầu tư, chúng tôi luôn mong muốn mang đến cho nhà đầu tư những dịch vụ mà họ có thể tin tưởng tuyệt đối. Do vậy, nguyên tắc trong điều hành là chúng tôi luôn tôn trọng các giá trị cốt lõi, đặc biệt là sự chính trực. Chỉ với việc gìn giữ các giá trị này, chúng tôi mới có thể xây dựng được niềm tin với khách hàng và tạo ra sự khác biệt từ trí tuệ của VNDirect. 

Sau nhiều năm đảm nhiệm vị trí CEO của một CTCK trong Top đầu thị trường, theo anh, khó khăn nhất đối với lãnh đạo một CTCK là gì?

Thị trường tài chính là một thị trường năng động và luôn biến chuyển. Trong đó, ngành chứng khoán là ngành cạnh tranh rất lớn, để có được thị phần đã khó, mà có lợi nhuận tốt cho cổ đông còn khó hơn nhiều lần.

Do vậy, thách thức lớn nhất với lãnh đạo của một CTCK là phải linh hoạt, thích ứng với thị trường, nhìn ra những cơ hội mới. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo phải liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức, tạo sự khác biệt trong dịch vụ và tạo ra giá trị thặng dư của dịch vụ đến khách hàng và mang lại lợi ích dài hạn cho cổ đông.

Là một trong ít CEO trẻ được Forbes Việt Nam bình chọn là lãnh đạo nổi bật nhất dưới 30 tuổi năm 2015 của Việt Nam ở lĩnh vực kinh doanh, tài chính và quản trị. Đây là một niềm vinh dự, nhưng điều này có tạo cho anh nhiều áp lực không?

Tôi rất trân trọng sự ghi nhận này của Forbes Việt Nam. Đây là một niềm vinh dự với cá nhân tôi và cũng là kết quả của rất nhiều sự hỗ trợ của toàn bộ các anh chị em trong Công ty. Tôi nhận thấy, với một nhà quản trị doanh nghiệp thì áp lực từ cổ đông và thị trường luôn là áp lực lớn nhất với mục tiêu để công ty luôn phát triển và tạo dựng một giá trị lâu dài bền vững. Thế nên, nếu bạn hỏi về áp lực từ sự ghi nhận của Forbes thì tôi cho rằng có lẽ là không lớn bằng áp lực từ các cổ đông.

Anh từng đưa ra mục tiêu sẽ nâng khối tài sản quản lý của VNDirect đạt trị giá hơn 100.000 tỷ đồng vào năm 2020. Liệu mục tiêu này có quá tham vọng? Anh và các cộng sự sẽ làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu này?

Với công ty chứng khoán, thước đo của thành công và bền vững là sự tin tưởng của khách hàng. Sự tin tưởng này được thể hiện bằng giá trị tài sản mà khách hàng lưu ký và giao cho công ty chứng khoán quản lý.

Đến cuối năm 2015, chúng tôi đã đạt được 20.000 tỷ đồng tổng tài sản quản lý, tăng gấp 2 lần so với cuối 2014. Và chúng tôi đặt ra mục tiêu phát triển tổng tài sản VNDirect quản lý cho khách hàng lên gấp 5 lần trong 5 năm tới. Mục tiêu này rất thách thức, tuy nhiên, tôi tin với một đội ngũ đầy nhiệt huyết chúng tôi sẽ thực hiện được. Bởi thị trường Việt Nam cũng đang hỗ trợ tốt mục tiêu này khi chúng ta có ngày một nhiều các công ty niêm yết, công ty đại chúng trên UPCoM.

Cách chúng tôi thực hiện sẽ chủ yếu đi từ nhu cầu của khách hàng, chúng tôi sẽ thiết kế và xây dựng các sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng nhóm khách hàng để từ đó, họ có thể yên tâm giao tài sản của mình cho VNDirect quản lý.          

Tin bài liên quan