Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh Lê Thị Hoàng Yến

Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh Lê Thị Hoàng Yến

Ái nữ kín tiếng của đại gia Lê Thanh Thản: Người xây thương hiệu khách sạn Mường Thanh

Gian hàng Mường Thanh tại Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội 2016 mới đây luôn đầy ắp khách tham quan. Các khách sạn trong 4 phân khúc của Tập đoàn luôn đạt công suất phòng ở mức rất cao cùng những đánh giá tích cực của khách hàng sau khi trải nghiệm các dịch vụ của Mường Thanh… Đằng sau những thành công ban đầu của chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam đó là hình ảnh nữ Tổng giám đốc Lê Thị Hoàng Yến.     

Chuyên nghiệp là cối lõi của phát triển bền vững

Trong bạt ngàn tên tuổi quốc tế về quản lý khách sạn có mặt tại Việt Nam, Mường Thanh có thể coi là tân binh, nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Lê Thị Hoàng Yến, Tổng giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh có vai trò rất lớn trong kết quả này.

Hoàng Yến là con gái lớn của “đại gia thuốc lào” Lê Thanh Thản. Cũng như cha, cô rất kín tiếng, thường không muốn nói về mình. Cô chỉ được biết đến khi về nước sau khi tu nghiệp 5 năm ở Anh và bắt đầu công việc thực tập quản lý tại Khách sạn Mường Thanh Hà Nội. 

Trở thành Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn ở tuổi 30, cô đang đảm nhận toàn bộ việc quản lý và vận hành chuỗi khách sạn giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nhưng với nữ doanh nhân hệ 8x này, công việc đã thành đam mê, nhất là khi tâm huyết xây dựng thương hiệu khách sạn Việt ngày càng cháy bỏng.

"Chúng tôi sẽ làm tất cả để khách sạn của người Việt không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn tầm khu vực" - Lê Thị Hoàng Yến.

Năm 2012, cô bắt tay thành lập Văn phòng điều hành Tập đoàn, trên cơ sở vận dụng mô hình quản lý của các tập đoàn nước ngoài và sáng tạo phù hợp với con người và văn hóa Việt Nam. Hệ thống khách sạn được quản lý theo mô hình dọc, chéo, tức là, ở khách sạn có bộ máy quản lý vận hành độc lập, thì tại văn phòng tập đoàn cũng có giám đốc chức năng của từng bộ phận tương ứng, như lễ tân, buồng phòng… Đây là cách giám sát quản lý cả hệ thống theo tiêu chuẩn thống nhất, theo bộ nhận diện thương hiệu đã được quy chuẩn.

Mường Thanh đã mời các chuyên gia châu Âu cùng tham gia xây dựng SOP Quy trình thao tác chuẩn (điều hành) với những quy chuẩn, yêu cầu chặt chẽ trong từng nghiệp vụ. Nhân sự các mảng đều được đào tạo theo SOP, sau đó mới bắt đầu vào việc tại các khách sạn.

Cũng phải thừa nhận, nữ CEO này “mát tay” trong chính sách “cầu hiền”. Việc trả lương cao để mời người mong muốn cũng là cách, nhưng lý do nhiều nhân sự cấp cao đã quyết rời bỏ các tập đoàn lớn của nước ngoài để về với Mường Thanh còn vì họ có cơ hội được trải nghiệm, thử thách bản thân và thăng tiến rất lớn.

“Nhiều người hỏi tôi sao không hợp tác với một tập đoàn nước ngoài nào đó cho đỡ mệt. Nhưng, dù vất vả bao nhiêu, chúng tôi vẫn kiên trì xây dựng thương hiệu khách sạn Mường Thanh. Mong muốn của chúng tôi là tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Việt, sẽ đẩy mạnh bản sắc dân tộc trong quản lý điều hành chuỗi khách sạn này. Chúng tôi hiểu rất rõ, chỉ có sự chuyên nghiệp mới đem lại sự phát triển bền vững”, Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ.

Giấc mơ thương hiệu Việt

Sự nỗ lực của nữ CEO trẻ tuổi và các cộng sự đang đưa thương hiệu Mường Thanh ngày càng chững chạc và có uy tín trên thị trường.

Mường Thanh hiện có gần 50 khách sạn và dự án khách sạn được chia thành 4 phân khúc gồm  Luxury, Grand, Holiday và  Mường Thanh trải dài khắp đất nước. Tới đây, Tập đoàn sẽ đưa khách sạn 5 sao đầu tiên tại Vientian (Lào) vào hoạt động, góp phần đưa thương hiệu đậm bản sắc Việt này vươn xa ra thị trường quốc tế.

Mường Thanh còn là cái tên được nhắc nhiều trong các ý kiến của khách hàng trên các trang đánh giá về chất lượng dịch vụ khách sạn trên toàn thế giới. Ví như chia sẻ của Micheal, một doanh nhân Malaysia đã chia sẻ trên trang agoda.com rằng: “Hai ngày tại Mường Thanh Luxury Nha Trang thật tuyệt. Phòng ốc hiện đại, view đẹp, nhân viên thân thiện, thức ăn ngon. Đặc biệt, giá cả rất hợp lý so với chất lượng dịch vụ”. 

Ở bất cứ vùng miền nào, vị trí khách sạn cũng là yếu tố chủ đầu tư coi trọng hàng đầu. Với tiêu chí, khách sạn Mường Thanh luôn là điểm sáng của các địa điểm du lịch. Các khách sạn đều ở vị trí dễ nhìn thấy, dễ nhận biết. Bên cạnh đó, quy mô chuỗi cũng đem lại cho Mường Thanh nhiều lợi thế bởi trong cơ cấu khách hàng của hệ thống, một tỷ lệ lớn đến từ các hãng lữ hành, khách công ty, khách lẻ mua dịch vụ trực tuyến…

Nhưng với Tổng giám đốc Hoàng Yến, công việc không thể dừng lại. “Chúng ta sẽ làm được gì, hiệu quả hay không?” là câu hỏi cô luôn đặt ra cho chính bản thân và các cộng sự. Hay, làm gì để mọi người hiểu được sự vận hành của chuỗi khách sạn, để nhiều người Việt Nam có điều kiện hưởng thụ dịch vụ ở các khách sạn cao cấp,  tương đương với các khách sạn 4-5 sao đẳng cấp quốc tế? Làm gì để tạo dựng thương hiệu khách sạn Việt để người Việt Nam có thể tự hào?…

Chiến lược quản trị: Nhân hòa

Với một ngành dịch vụ đặc thù như khách sạn, con người là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ. CEO 8x của Tập đoàn Mường Thanh rất hiểu điều đó. Nhưng điều quan trọng, cô khiến mọi người, kể từ những người ở cấp quản lý đến nhân viên các cấp đều làm việc với tâm thế làm cho mình, cho gia đình mình, chứ không phải làm thuê.

Cô kể, ở Mường Thanh, nếu nhân sự đã  được phân công  phụ trách công việc nào thì đều được quyền quyết  định, chứ không phải dồn hết quyền cho Tổng giám đốc. Hàng năm, ngoài các kế hoạch đào tạo, Mường Thanh tổ chức các hội nghị giám đốc điều hành toàn quốc để các vị trí quản lý gặp gỡ, trao đổi và nêu câu hỏi với Ban tổng giám đốc. Mọi câu hỏi đều sẽ phải được thảo luận để có câu trả lời thỏa đáng… Phương thức quản trị này vừa kích thích tính sáng tạo của nhân sự, vừa giúp CEO tiết kiệm thời gian trong quản lý, có nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng các chiến lược mới.

Có vẻ như đây chính là vũ khí bí mật, nhưng hữu hiệu của Hoàng Yến. “Hệ thống quản trị tại Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh rất rõ ràng. Hiện tại, tôi  điều hành toàn bộ và chịu trách nhiệm về những việc mình đảm nhận. Cha tôi, Chủ tịch Tập đoàn, hầu như ít tham gia và can thiệp vào việc điều hành. Trong công việc không thể tránh khỏi có những quan điểm trái chiều, tôi đều kiên trì giải thích, thuyết phục. Nếu hành động vì việc chung, vì lợi ích của doanh nghiệp và mọi người, tôi tin mọi bất đồng đều được hóa giải” - CEO Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ.

Thuộc thế hệ doanh nhân trẻ, Hoàng Yến rất thích áp dụng những điều mới, công nghệ thông tin và nhiều chương trình quản trị hiện đại trong hoạt động của Tập đoàn, điển hình như hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp. Cô cũng xây dựng và đầu tư lớn cho hệ thống kiểm soát nội bộ, bởi vậy có rất ít trường hợp sai phạm xảy ra, nhưng nếu có đều nhanh chóng xử lý nghiêm khắc, làm gương cho tổ chức.

“Chúng tôi sẽ làm tất cả để khách sạn của người Việt không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn tầm khu vực”, Lê Thị Hoàng Yến, Tổng giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh nói.

Tin bài liên quan