8 thử thách lớn nhất khi bắt đầu trở thành doanh nhân

8 thử thách lớn nhất khi bắt đầu trở thành doanh nhân

Làm kinh doanh nghĩa là luôn phải sẵn sàng đối mặt với đủ loại thử thách. Sẽ có nhiều thử thách có lợi, nhưng cũng không ít những thử thách khắc nghiệt. Kể cả những doanh nhân lâu năm và giàu kinh nghiệm cũng vẫn phải giải quyết các vấn đề như: cố gắng xây dựng thương hiệu, bắt kịp hoặc vượt qua đối thủ cạnh tranh và giữ được lợi nhuận.

Đối với các doanh nhân trẻ tuổi và mới khởi nghiệp, những thử thách đôi khi còn khó khăn hơn gấp bội. Nếu bạn chỉ mới bước vào cuộc chơi, hoặc thậm chí mới nhen nhóm ý nghĩ trở thành doanh nhân, thì dưới đây là 8 trở ngại đáng kể mà bạn nên lường trước.

Từ bỏ sự nghiệp khác

Nếu bạn đang cống hiến hết sức mình để gây dựng một doanh nghiệp thành công, điều đó gần như đồng nghĩa với việc bạn không thể đồng thời quản lý một công việc khác. Ở giai đoạn mà doanh nghiệp của bạn còn trong trứng nước, bạn có thể xoay sở được chỉ với ngày cuối tuần và các buổi tối trong tuần. Nhưng nếu bạn muốn tạo cơ hội để phát triển doanh nghiệp một cách rõ rệt, thì bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài từ bỏ công việc hàng ngày hiện tại.

Quả thực rất đáng băn khoăn khi từ bỏ một công việc ổn định để đổi lấy một sự nghiệp không thể đoán biết trước điều gì, đặc biệt là khi bạn chưa bao giờ điều hành một doanh nghiệp nào trước đó. Thật không may, chẳng hề có giải pháp dễ dàng nào cho vấn đề này. Hãy suy nghĩ, phân tích thật kỹ càng và lắng nghe chính mình.

Tài chính

Những doanh nhân giàu kinh nghiệm cũng không phải dễ dàng để huy động vốn cho một dự án mới, tuy nhiên họ vẫn có nhiều lợi thế hơn những người mới. Họ có thể lấy vốn từ việc bán đi doanh nghiệp cũ, hoặc cho dòng vốn chảy sang doanh nghiệp mới từ mức thu nhập ổn định sẵn có.

Thậm chí nếu công việc kinh doanh cũ không suôn sẻ, họ vẫn có thể tận dụng các mối quan hệ, danh sách khách hàng cần thiết để làm nền tảng cho doanh nghiệp mới. Nếu là một doanh nhân chưa có kinh nghiệm, nghĩa là bạn phải bắt đầu mọi thứ từ con số không, không ngừng tạo dựng mạng lưới quan hệ và huy động vốn ở tất cả những nơi có thể.

Xây dựng và quản lý nhóm

Việc này sẽ không hề đơn giản nếu bạn chưa từng quản lý một team nào trước đó. Nhưng kể cả trong trường hợp bạn đã có kinh nghiệm quản lý rồi thì việc chọn được một team phù hợp cho việc khởi nghiệp cũng rất khó khăn và đau đầu. Nếu chỉ tìm một người để đảm nhận một vai trò nhất định thôi thì chưa đủ, bạn còn phải cân nhắc mức lương thưởng cho họ, xem xét con người họ có phù hợp với văn hóa công ty hay không, và họ có thể làm việc nhóm tốt không. Việc cân nhắc những điều đó quả thực là khó khăn khi bạn đang chịu áp lực phải sớm tuyển được người cho các vị trí càng sớm càng tốt.

Tầm nhìn xa trông rộng

Là người sáng lập doanh nghiệp, bạn sẽ phải đưa ra các ý tưởng. Khi đối thủ cạnh tranh xuất hiện, bạn phải tìm ra ngay kế hoạch ứng phó. Khi nhóm gặp trở ngại không thể vượt qua, bạn phải đề xuất kế hoạch thay thế để tiếp tục con đường. Những việc đó đòi hỏi bạn phải sáng tạo không ngừng, suy nghĩ thật nhanh. Điều này dường như lại là nghịch lý vì bạn có quá ít thời gian. Bạn càng ít kinh nghiệm thì áp lực lại càng lớn, thời gian tìm ra giải pháp hợp lý dường như lại càng sít sao hơn.

Đối mặt với những vấn đề không thể biết trước

Doanh nghiệp của bạn sẽ tồn tại bao lâu? Làm thế nào để giữ được lợi nhuận?  Khách hàng có yêu thích sản phẩm của bạn không? Bạn sẽ có thu nhập ổn định hay không? Đó đều là những câu hỏi không thể có đáp án chính xác, ngay cả khi doanh nghiệp của bạn có nền tảng ý tưởng tuyệt vời và nguồn lực lý tưởng về mặt lý thuyết.

Những yếu tố không lường trước được đó lại là yếu đố quyết định công việc kinh doanh của bạn. Đối mặt với những thử thách này là một trong những phần khó nhất khi bạn bắt đầu bước vào thương trường.

Sự cô đơn

Đây là vấn đề ít khi được đề cập đến, và nhiều chủ doanh nghiệp mới đã không hề chuẩn bị tâm lý trước. Là một doanh nhân nghĩa là phải cô đơn. Bạn sẽ ở một vị trí mà không thể dựa vào ai (hoàn toàn). Bạn sẽ vô cùng bận bịu với công việc và ít có thời gian bên gia đình. Nhân viên của bạn cũng sẽ giữ khoảng cách với bạn.

Lập ra quy định

Làm ông chủ thật thú vị, cho đến khi bạn phải “thiết quân luật”. Sớm hay muộn, bạn sẽ phải đưa ra các quy định để vận hành doanh nghiệp của mình, từ việc nhân viên có bao nhiêu ngày nghỉ, cho tới hình thức khiếu nại đồng nghiệp. Những chi tiết này rõ ràng không mấy vui vẻ để đặt ra, không mấy thú thú vị để tính toán nhưng lại là cần thiết cho mỗi doanh nghiệp.

Đưa ra quyết định

Bạn có thể tin hoặc không nhưng việc này có lẽ là thử thách gây áp lực nhất trong danh sách. Các doanh nghiệp mới phải đưa ra hàng trăm quyết định mỗi ngày, từ lớn đến nhỏ. Sự mệt mỏi khi phải đưa ra các quyết định là tình trạng mà hầu hết các doanh nhân mới sẽ trải nghiệm nếu không được chuẩn bị để đối phó với các căng thẳng chồng chất.

Nếu bạn có thể làm việc theo cách của mình qua những trở ngại lớn, bạn sẽ bước những bước vững vàng trên con đường trở thành một doanh nhân thực thụ. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không bị phàn nàn hay không gặp những thử thách mới đa dạng hơn, nhưng chắc chắn bạn đã được chuẩn bị để xoay sở trong những biến động đầu tiên – và điều đó sẽ giúp bạn vượt xa các đối thử cạnh tranh của mình.

Tin bài liên quan