Hoàn toàn có thể biến những ý tưởng thành hiện thực nếu triển khai đúng cách.

Hoàn toàn có thể biến những ý tưởng thành hiện thực nếu triển khai đúng cách.

10 cách biến ý tưởng thành hiện thực

Đã không ít lần bạn nảy ra ý tưởng kinh doanh nhưng cứ mãi dang dở. Tạp chí Entrepreneur đã liệt kê 10 lời khuyên giúp mọi người biến nó thành hiện thực thay vì để nó "chết ngay từ trứng nước".

Hiểu rõ thị trường và đối thủ cạnh tranh

Trước khi bạn làm bất cứ điều gì, đầu tiên, bạn phải chắc chắn rằng mình đang có một cơ hội kinh doanh khả thi. Sản phẩm hay dịch vụ mà bạn sắp cung cấp đã có mặt trên thị trường hay chưa? Nếu có đối thủ cạnh tranh, làm sao khách hàng có thể phân biệt giữa bạn và người khác? Bạn tốt hơn ở điểm nào? Đâu là điểm độc đáo trong sản phẩm/dịch vụ của bạn?

Xây dựng mô hình nhanh mang lại doanh thu

Khi khởi nghiệp, bạn nên xây dựng một mô hinh kinh doanh để càng sớm tạo được doanh thu càng tốt. Nếu không, dự án của bạn sẽ chết trước khi nó kịp trưởng thành. Sự chuyển động của dòng tiền là yêu cầu bắt buộc. Nếu nhìn vào các dự án khởi nghiệp thành công, bạn sẽ thấy hầu hết đều tạo ra doanh thu từ rất sớm.

Tiếp cận truyền thông ngay từ đầu

Thương hiệu non trẻ của bạn sẽ được lợi khá nhiều nếu được tiếp cận với giới truyền thông từ sớm. Nhưng các phóng viên, nhà báo hàng ngày nhận được rất nhiều thông cáo báo chí từ các nhân viên truyền thông. Họ ít khi có thời gian hay mong muốn nói chuyện với các nhân viên truyền thông. Họ muốn nói chuyện với bạn – cha đẻ của dự án. Họ muốn nghe câu chuyện của người sáng lập, những trải nghiệm của bạn. Đó cũng là những điều công chúng muốn nghe.

Ưu đãi cho những khách hàng đầu tiên để tạo tiếng vang

Mọi người thường rất hào hứng với các sản phẩm, dịch vụ mới. Và hầu hết cũng rất thích cho thế giới biết họ rất sành điệu, dẫn đầu xu hướng trên mạng xã hội. Vì vậy, hãy tích cực chăm sóc những khách hàng đầu tiên để họ giúp bạn quảng bá đến bạn bè của họ.

Bạn có thể tổ chức các sự kiện truyền thông nhỏ trên mạng xã hội. Ví dụ như giảm giá sản phẩm khi họ chia sẻ website của công ty lên Facebook cá nhân, các mini game, các phần quà nếu họ chấp nhận làm hastag mà bạn chỉ định… Nói chung, hãy “đánh” vào nhu cầu khẳng định bản thân, thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội của khách hàng. Đó hiện là xu hướng tâm lý rất phổ biến.

Truyền thông cho website

Thông thường, khi bắt đầu khởi nghiệp, mọi người đều biết cần phải có một website. Sau khi xây dựng xong, nếu dự án phát triển thì website của công ty cũng ngày càng được nâng cấp. Tuy nhiên, có một thiếu sót khá phổ biến là sau khi bạn đã đổ nhiều tiền cho website thì lại để nó “phủ bụi” với lượng truy cập ít ỏi.  Nếu rơi vào trường hợp này thì có nghĩa bạn đã quên làm marketing cho website hoặc đã làm marketing sai cách.

Tiếp thị một cách sáng tạo hơn

Bạn không nhất thiết phải “chi đậm” cho các chiến dịch tiếp thị kiểu truyền thống. Hãy nghĩ đến những cách tiếp thị sáng tạo nhất có thể. Ngày nay, nhiều thương hiệu chọn cách tiếp thị bằng các chiến dịch lan truyền (viral) trên mạng. Những video clip sáng tạo theo phong cách hài hước hoặc cảm động sẽ được rất nhiều chia sẻ.

Kiểm soát đến từng đồng mà mình bỏ ra

Bạn cần phải nắm được từng đồng mà mình bỏ ra cho dự án. Nếu cẩu thả trong hoạt động kế toán, tiền sẽ biến mất một cách nhanh chóng mà bạn không kiểm soát được. Trường hợp hạn hẹp về nhân sự kế toán, hãy dùng các phần mềm kế toán đơn giản hay phần mềm miễn phí. Bạn cũng có thể thuê các dịch vụ kế toán bên ngoài. Đừng tự ôm đồm công việc kế toán khi bạn đang có quá nhiều việc hoặc không đủ kỹ năng cho nó.

Tiết kiệm chi phí cá nhân

Khi khởi nghiệp, bạn không thể đòi một cuộc sống “vương giả” và thoải mái được. Ngược lại, bạn phải sẵn sàng cho tinh thần tiết kiệm, cắt giảm càng nhiều chi phí cá nhân càng tốt. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì xe riêng nếu được. Chấp nhận chia sẻ lại phòng trọ hay cho thuê một phần căn nhà để có thêm chi phí. Giảm bớt các buổi cà phê sáng ngoài quán bằng cách pha cà phê tại nhà.  Xem lại chi tiêu hàng tháng để xem mình có thể cắt giảm những khoản nào…

Hãy làm nhiều công việc mà mình có thể

Có một sự khác biệt rất lớn giữa công việc bạn không thể làm và công việc bạn không muốn làm. Nếu một công việc yêu cầu phạm vi chuyên môn mà bạn không biết thì hoàn toàn không cần bận tâm. Nhưng nếu có công việc mà bạn có thể làm nhưng vì không thích mà bỏ qua chúng thì hãy suy nghĩ lại. Bạn đang khởi nghiệp và dự án của bạn đang cần thêm tiền. Trừ phi bạn đã được đầu tư đầy đủ để 100% tập trung vào nó.

Hãy kiên trì

Khởi nghiệp lúc nào cũng có nhiều thách thức. Các nhà cung cấp, nhà thầu không phải lúc nào cũng vui vẻ làm việc với những thương hiệu mới. Việc xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng cũng không dễ như bạn hình dung. Nhưng hãy kiên trì. Cứ không ngừng mở cửa để ra ngoài, bật điện thoại để kết nối và xây dựng các mối quan hệ mới. Ý tưởng của bạn, mục tiêu của bạn sẽ sớm thành hiện thực.

Tin bài liên quan