Xi măng Công Thanh nợ ngàn tỷ vẫn.. lạc quan!

Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh, ông chủ Nhà máy xi măng Công Thanh đang ghánh trên vai khoản nợ 13.763 tỷ đồng, trong khi kết quả kinh doanh năm 2016 âm 478 tỷ đồng, vẫn… lạc quan với kế hoạch doanh thu “khủng” trên 5.156 tỷ đồng vào năm 2017.

Nợ xấp xỉ tổng tài sản

Thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, ban đầu chỉ là một công ty sản xuất clinker và cho thuê xe trộn bê tông, Công ty Xi măng Công Thanh đã phát triển trở thành Tập đoàn Công Thanh gồm 9 công ty thành viên kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ: chính là xi măng, nhiệt điện, phân đạm, vận tải, khách sạn, resort, sân golf. Năm 2009, Xi măng Công Thanh trở thành công ty đại chúng.

Xi măng Công Thanh nợ ngàn tỷ vẫn.. lạc quan! ảnh 1

Đưa dây chuyền 2 vào hoạt động, Công ty Công Thanh đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 478,22 tỷ đồng. 

Báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy, cân đối tài chính của Công ty mất cân đối trầm trọng khi tổng nợ phải trả của Công ty tính đến cuối năm 2016 đã tăng lên 852 tỷ đồng, tăng 6,60% so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2016, Công ty gánh trên vai khoản nợ 13.763 tỷ đồng, riêng vay nợ ngắn hạn là 1.181 tỷ đồng và vay nợ dài hạn là 7.309 tỷ đồng. Trong khi tổng tài sản là 14.080 tỷ đồng, hệ số nợ trên tổng tài sản là 97,75%.

Qua việc đưa dây chuyền 2 Xi măng Công Thanh công suất 3,6 triệu tấn vào hoạt động, Công ty đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 478,22 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên 582,7 tỷ đồng.

Áp lực lớn từ lãi vay và khấu hao khi dây chuyền hơn 12.000 tỷ đồng này đi vào hoạt động là những nguyên nhân chính khiến Công ty đột ngột lỗ lớn trong năm 2016.

Đáng nói, nợ phải trả ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2016 đã vượt mức tổng tài sản ngắn hạn của Công ty là 1.575 tỷ đồng (năm 2015 là 1.209 tỷ đồng), khiến kiểm toán báo cáo tài chính nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Lợi nhuận âm, nợ nần lớn do phải chi trả lãi vay đầu tư dự án, nhưng Công ty vẫn… lạc quan về việc sẽ có lợi nhuận trong tương lai, do Công ty đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất, kinh doanh và mới đưa dây chuyền 2 vào hoạt động từ tháng 4/2016.

Ban lãnh đạo Xi măng Công Thanh cho rằng, Công ty có thể tái cơ cấu các khoản vay với ngân hàng, cùng với dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh rất khả quan, có thể đáp ứng khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động sản xuất cho các năm sau.

Với lập luận này, Xi măng Công Thanh khá tự tin khi đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 đạt 5.156 tỷ đồng, tăng mạnh so với doanh thu 2.234 tỷ đồng của năm 2016. Công Thanh đánh giá rằng, doanh thu có thể bù đắp cho những khoản chi phí nói trên. Theo đó, kế hoạch năm 2017 chỉ lỗ 44 tỷ đồng.

Đặt doanh thu “khủng” có là lạc quan… tếu

Chưa bao giờ kinh doanh xi măng tại Việt Nam khó khăn như hiện nay, do nguồn cung dư thừa hơn chục triệu tấn mỗi năm và vẫn tiếp tục gia tăng. Khó hơn nữa khi sản lượng xi măng tăng quá mạnh, tập trung ở một số vùng miền càng khiến hoạt động kinh doanh chật vật hơn và việc xảy ra những cái kết không có hậu của doanh nghiệp xi măng là điều không hiếm. 

Câu chuyện các nhà máy xi măng đổ nợ, như Xi măng Hạ Long, Sông Thao, Đồng Bành… đã từng là lời cảnh báo cho không ít nhà sản xuất. Để cứu các doanh nghiệp thua lỗ, nhiều vụ M&A trong ngành xi măng đã diễn ra, điển hình là Vicem nhận tái cơ cấu Xi măng Hạ Long và Sông Thao, Vissai mua lại Đồng Bành và Đô Lương…

Bản thân ban lãnh đạo Xi măng Công Thanh cũng thừa nhận, do chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) ngày một tăng cao đã thực sự trở thành gánh nặng. Để giữ được sự tăng trưởng về doanh thu, thì chi phí bán hàng mà doanh nghiệp bỏ ra cũng không nhỏ. Riêng đầu ra từ xuất khẩu cũng không mang về doanh thu và lợi nhuận như kỳ vọng, bởi chính sách áp dụng mức thuế xuất khẩu 5% và thuế VAT đối với mặt hàng xi măng clinker xuất khẩu từ năm 2016 đang khiến vị thế của xi măng Việt Nam yếu đi so với Thái Lan, Trung Quốc.

Chưa bao giờ kinh doanh xi măng tại Việt Nam khó khăn như hiện nay, do nguồn cung dư thừa hơn chục triệu tấn mỗi năm và vẫn tiếp tục gia tăng.

Trong bối cảnh đó, ngay cả thương hiệu có tiếng tại miền Bắc là Vicem Bỉm Sơn chỉ dám đặt mục tiêu đi ngang khi dự kiến doanh thu năm 2017 là 4.233 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với năm 2016 và mức lợi nhuận đề ra 261 tỷ đồng, chỉ tăng gần 3 tỷ đồng so với năm 2016.

Nếu Vicem Bỉm Sơn có địa bàn tiêu thụ lớn tại Thanh Hóa, rất gần với Xi măng Công Thanh, đặt kế hoạch doanh thu thận trọng, thì việc Xi măng Công Thanh đặt kế hoạch kinh doanh “khủng” liệu có khả quan?

Theo đại diện Xi măng Công Thanh, ngoài các thị trường tiêu thụ truyền thống, năm 2017, Công Thanh sẽ tích cực mở rộng thị trường để gia tăng độ phủ tại miền Nam, nhằm giải quyết đầu ra và giảm hàng tồn kho. Thêm đó, việc tiếp tục cung cấp xi măng cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình, Thanh Hóa và hợp đồng cung cấp xi măng cho công trình chống ngập của Công ty Xây dựng Trung Nam, hay Tập đoàn Tuần Châu sẽ góp phần gia tăng tiêu thụ tại phía Nam.

Xi măng Công Thanh đang sở hữu 2 dây chuyền sản xuất (tổng công suất 15.000 tấn clinker/ngày và 6 triệu tấn xi măng/năm). Về cơ bản, việc đưa thêm một dự án xi măng quy mô lớn vào hoạt động, Xi măng Công Thanh có cơ hội nâng cao sản lượng, doanh thu. Dẫu vậy, trong bối cảnh thị trường xi măng đang gặp khó, câu trả lời sẽ rõ trong thời gian tới, khi nhà sản xuất này công bố kết quả kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp xi măng lớn đóng tại Ninh Bình cho rằng, giả thiết, thị trường xi măng đang thuận lợi, thì việc một doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay gần bằng tổng tài sản đã khó hiệu quả, chứ chưa nói đến thị trường quá nhiều nhà cung ứng và dư thừa sản lượng như hiện giờ. Một doanh nghiệp có khoản vay lớn xấp xỉ tổng tài sản từ một vài ngân hàng là quá sức tưởng tượng.

Cũng cần lưu ý, tổng tài sản 14.080 tỷ đồng của Xi măng Công Thanh tính đến ngày 31/12/2016 là số ghi nhận trên sổ sách, còn tài sản thực tế có đạt con số đó hay không lại là câu chuyện khác.

Tin bài liên quan