VSP thoi thóp nhờ phân phối gas

(ĐTCK) ĐHCĐ lần 2 CTCP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải (VSP) tiếp tục bất thành do không đủ tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. 
VSP thoi thóp nhờ phân phối gas

Theo tài liệu Đại hội, năm 2014, VSP lên kế hoạch doanh thu 157 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3,4 tỷ đồng được đóng góp chủ yếu từ kinh doanh khí LPG (khí gas) và chuyển nhượng dự án bất động sản. Trong khi hai năm trước đó, VSP liên tiếp lỗ nặng, với khoản lỗ 2.036 tỷ đồng năm 2012 và 293 tỷ đồng năm 2013.

Năm 2014, VSP dự kiến sẽ cho thuê hoặc chuyển nhượng kho cảng Đình Vũ. Cụ thể, VSP dự kiến chuyển nhượng cho các đối tác sau khi đã hoàn công và có đầy đủ giấy phép sử dụng khai thác bồn chứa gas 5.300 m3 cùng khu chiết nạp gas bình khoảng 45 tỷ đồng hoặc cho thuê với giá 10.000 USD/tháng.

6 tháng đầu năm nay, tại khu vực phía Nam, VSP tiêu thụ được 1.474 tấn LPG, doanh thu ước tính 38,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,2 tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch 6 tháng cuối năm tiêu thụ thêm 4.100 tấn, lợi nhuận trước thuế hơn 4 tỷ đồng. Hiện VSP đang đàm phán với nhà cung cấp LPG từ nước ngoài, đồng thời gửi kế hoạch kinh doanh nhập khẩu cho phía ngân hàng xem xét mở bảo lãnh việc nhập khẩu LPG đối với Công ty.

Đến cuối năm 2013, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VSP âm 3.148 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1.846 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 2.675 tỷ đồng. Đến nay, VSP gần như bế tắc về nguồn vốn, không tổ chức tín dụng nào chịu đứng ra cho VSP vay vốn kinh doanh. Vì vậy, VSP dự định kêu gọi góp vốn và tách phòng kinh doanh gas phía Nam trở thành CTCP Thương mại Dầu khí Việt Hải, nhằm duy trì mảng kinh doanh gas được cho là đang có hiệu quả. Dự kiến, Công ty mới có vốn điều lệ 2 tỷ đồng, trong đó VSP sở hữu 55% vốn với hình thức góp vốn bằng vỏ bình gas, cơ sở vật chất văn phòng cùng nhân sự hiện tại và đối tác CTCP Chiêu Minh góp 45% bằng tiền, nhằm bổ sung vốn lưu động cho Công ty. Theo đó, VSP tiếp tục trình ĐHCĐ đổi tên Công ty thành CTCP Dầu khí và bất động sản Việt Hải. Đây sẽ là lần thứ 3 đổi tên của công ty này.

Theo VSP, kinh doanh gas hiện là mảng duy nhất đủ để trả lương cho CBCNV, nhằm duy trì bộ máy để theo đuổi Dự án Mê Linh. Dự án này mới được giải phóng mặt bằng và thi công đường vào. Trong khi đó, VSP đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 1.750 tỷ đồng, không còn đủ kinh phí để thúc đẩy Dự án. Vì vậy, việc hoán đổi nợ của các tổ chức tài chính, ngân hàng như Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thủy (VFC), BIDV, SeABank… thành vốn góp cổ phần vào Mê Linh Xanh là phương án duy  nhất để VSP giảm áp lực trả lãi và có nguồn tiền đầu tư cho Dự án. Dự kiến, cuối năm 2014, VSP sẽ trình HĐQT phương án chuyển nhượng 36% diện tích đất dự án này với đơn giá 2,5 triệu đồng/m2.

Hầu hết dự án bất động sản khác của VSP đều đang vướng mắc về thủ tục pháp lý nên khó chuyển nhượng. Với hai dự án là Cần Giuộc - Long An và Hà Khẩu - Quảng Ninh đã đầy đủ giấy tờ, VSP tiếp tục tìm đối tác chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn đầu tư. 

Tin bài liên quan